Jane Eyre

(4 đánh giá của khách hàng)

Bối cảnh của cuốn sách được đặt trong không gian có phần u uất, cổ kính của châu Âu thế kỉ 19. Các nhân vật chính đều có đời sống nội tâm vô cùng sâu sắc, cuộc đời nhiều thăng trầm. Jane Eyre là cô gái mạnh mẽ, kiên cường, dịu dàng và vô cùng học thức. Đọc xong truyện, mình có cái nhìn khác đi về vẻ ngoài và cuộc sống nội tâm tươi đẹp. Trong một xã hội trọng vẻ ngoài như hiện nay, một cuốn sách như thế này có thể đem lại sự tự tin, niềm kiêu hãnh cho rất nhiều cô gái, giúp mỗi phụ nữ đều đẹp lên theo một cách nào đó, tự tin, trí thức, dịu dàng, bản lĩnh, có thể làm xiêu lòng cả một Don Juan. Tốc độ chậm rãi, có chiều sâu, cuốn sách đòi hỏi sự kiên nhẫn và thời gian để suy ngẫm.

Danh mục:

Jane Eyre là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nữ tác giả người Anh Charlotte Bronte thế kỷ 19. Tác phẩm nói về cuộc đời của một người con gái nghèo tỉnh lẻ đã kiên cường vật lộn với số phận phũ phàng để bảo vệ phẩm giá và tự khẳng định vị trí xã hội của mình bằng cuộc sống lao động lương thiện.

Với văn phong trữ tình, kết hợp hài hòa giữa chủ nghĩa nhân văn, hiện thực lãng mạn, bút pháp tinh tế điêu luyện, tác giả đã tạo cho tiểu thuyết một sức sống mạnh mẽ, sức cuốn hút thi vị và một vẻ đẹp thơ mộng.

Jane Eyre đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và được bạn đọc khắp năm châu yêu mến.

4 đánh giá cho Jane Eyre

  1. Poca Hontas

    Lúc đầu thấy dài thế này cũng hơi ngại nhưng một khi cầm lên rồi lại khó lòng bỏ xuống. Các câu văn rất đẹp, nối tiếp nhau trơn tru, liền mạch thể hiện tài năng của tác giả Charlotte Bronte và tâm huyết của dịch giả. Tiểu thuyết này có tất cả: kịch tính, lãng mạn, đam mê, khổ đau, hạnh phúc, rùng rợn, nhân vật phức tạp, sinh động. Charlotte dường như đã nắm bắt được bản chất tâm lí con người để hàng trăm năm sau người đọc vẫn có thể vui, buồn, cảm thông với nữ chính Jane và những nhân vật sống trong một xã hội hoàn toàn khác. Jane Eyre có lẽ là một trong những nhân vật xây dựng thành công nhất trong văn học. Jane Eyre không tỏa sáng rạng ngời như Lizzie Bennett, ưa phán xét, ngang bướng lạ, thậm chí không xinh đẹp nhưng sự cuốn hút ở cô đến từ tấm lòng, lương tâm, trí thông minh và ý chí độc lập.
    Trên hành trình trưởng thành của Jane, những áp bức cô trải qua, sai lầm cô phạm phải, người bạn cô kết thân đều góp phần định hình con người Jane và cách cô nhìn thế giới (vì Charlotte là người kể chuyện mạch lạc & nhất quán). Jane không ở đây để làm người ta thích, Jane chỉ làm điều cô cho là đúng. Tình yêu tuyệt thật đấy, nhưng Jane sẽ không vì thế mà hạ mình, làm trái lương tâm hay quẳng đi quyền tự quyết. Chúng ta tôn trọng Jane vì Jane tôn trọng bản thân và mọi người. Jane không hoàn hảo nhưng cô luôn cố gắng, ai cũng có thể và nên học tập Jane.

    “Chính tôi quan tâm đến tôi. Càng cô độc, càng không có bạn bè, càng không nơi nương tựa, tôi càng tự trọng.”

    –Hơi Spoiler–
    Thấy hơi tội cho Bertha, không được làm nhân vật đầy đủ mà giống như công cụ để diễn biến câu chuyện hơn. Charlotte cũng hơi thiếu bao dung trong việc miêu tả Bertha.
    Đoạn cuối thần giao cách cảm có vẻ hoang đường nhưng có lẽ tình tiết này để thể hiện Jane đã có niềm tin hơn vào bản thân và trực giác của chính mình, cô đã nhạy bén hơn với hiện hữu nằm ngoài cái thấy được bằng mắt thường, biết lắng nghe tiếng lòng mình để bước đến nhận thức cao hơn, chắc vậy.
    Nói về tôn giáo nhiều quá đôi khi cũng mệt nhưng bù lại Charlotte có cái nhìn khắt khe, tinh tế về Nhà thờ: ông hiệu trưởng bắt học sinh cắt xẹp tóc, ăn mặc đơn sơ để theo đức ‘khổ hạnh’ nhưng con gái cưng thì tha hồ chải chuốt lòe loẹt, St. John mục đích tưởng cao cả hóa ra lại ích kỷ nhiều hơn, Helen thánh thiện, ngoan đạo nhưng vì thế lại chấp nhận bất công, tha thứ cho tất cả (thực sự quá tốt cho thế giới này).

  2. Võ Thanh Phúc

    Câu chuyện được kể bởi nữ nhân vật chính, Jane Eyre. Tôi đặc biệt ấn tượng về cách dùng từ ngữ để vẽ nên chân dung và gương mặt các nhân vật trong tác phẩm, những đoạn văn mô tả phong cảnh tuyệt đẹp của làng quê nước Anh.
    Những chương cuối của tác phẩm thật sự làm tôi xúc động. Cuối cùng, những người yêu nhau lại trở về bên nhau, dìu nhau qua những thăng trầm của cuộc sống. Suy nghĩ và cách quan sát cuộc sống của Jane khiến tôi sống chậm lại để cảm nhận được niềm hạnh phúc giản đơn mỗi ngày bên gia đình nhỏ của mình.

  3. Nguyễn Thị Diệu Lan

    Đọc cuốn sách này bạn mới biết được nó tuyệt vời đến mức nào. Bất kì người phụ nữ nào cũng nên đọc và nó xứng đáng là tác phẩm gối đầu giường của mỗi người.
    Mình rất thích những đoạn đối thoại của Jane Eyre và Mr. Rochester vì mình cảm thấy có sự hóm hỉnh và đôi lúc có chút hiện đại trong đó dù tác phẩm được viết vào thế kỉ 19 và khoảng cách tuổi tác của 2 nhân vật (Jane Eyre 19, Mr. Rochester 39) không hề tạo bất kì rào cản hay khó khăn nào cho họ. Họ bị đối phương thu hút về mọi mặt và hợp nhau ở mọi khía cạnh. Chỉ cần ở bên nhau, nhìn vào mắt nhau và có thể biết được người kia đang suy nghĩ gì. Tác phẩm này kết thúc có hậu chứ không như “Đồi gió hú” của Emily Bronte – đọc mà cảm thấy tâm can giằng xé, đau đớn theo nhân vật.

  4. Vũ Huỳnh Khương Anh

    Một cuốn sách tuyệt vời dành cho các bạn nữ, những người luôn muốn trau dồi thêm về trí óc cũng như tinh thần, những người luôn đấu tranh cho thân phận người phụ nữ. Tôi đã đọc xong cuốn sách này trong vòng ba ngày và vẫn muốn đọc lại thêm một lần nữa để có thể tự tìm hiểu thêm về tác phẩm cũng như cảm xúc của tác giả khi viết cuốn sách này. Vì đã có lần đọc trong cuốn tiểu luận Căn phòng riêng (do Trịnh Y Thư dịch) của Virginia Woolf, bà đã viết như sau: “Tôi giở chương mười hai và mắt tôi bắt gặp câu “Bất cứ ai cũng có thể đổ lỗi lên tôi nếu muốn”. Họ đổ lên đầu Charlotte Brontë tội lỗi gì? Tôi thắc mắc. Và tôi đọc tiếp, Jane Eyre thường trèo lên mái nhà lúc bà Fairfax nấu thạch đông và phóng tầm mắt nhìn ra phía cánh đồng xa xa. Rồi cô mơ ước – và đây là lí do tại sao người ta trách mắng cô – “thế rồi tôi ước gì mình có quyền năng vượt qua cái hữu hạn đó để đi đến những chân trời xa lạ, những thành thị đông đúc, những miền đất đầy sức sống mà tôi chỉ nghe nói chứ chưa bao giờ ghé chân tận mắt nhìn: lúc đó tôi muốn sống cuộc đời thực mà tôi có thể chiếm hữu, muốn hòa nhập vào những kẻ đồng loại, muốn quen biết thật nhiều nhân vật khác nhau. Tôi biết bà Fairfax là người nhân hậu, Adèle cũng thế; nhưng tôi tin tưởng vào sự tồn tại của kẻ khác với cái tốt đẹp muôn màu muôn dạng, và tôi mong có ngày trông thấy cái tôi vẫn tin tưởng.”

    “Ai đổ lỗi lên tôi? Nhiều lắm, rành rành ra đó, và tôi sẽ bị gọi là kẻ bất mãn. Nhưng tôi làm gì được: vận động là bản chất của tôi, đôi lúc nó còn quấy rầy tôi đến đau đớn…”

    “Bởi thế, khi ngồi một mình tôi vẫn nghe tiếng cười của Grace Poole…”

    Tôi nghĩ đấy là khúc quành gượng gạo. Tự nhiên chẳng biết từ đâu Grace Poole thình lình xuất hiện. Sự liên tục bị gián đoạn. Người ta có thể bảo, tôi nghĩ trong lúc đặt cuốn sách xuống bên cạnh cuốn Kiêu hãnh và định kiến, người đàn bà viết những dòng này là người có thiên tư hơn Jane Austen; nhưng nếu đọc lại đoạn văn và ghi nhận giọng điệu phẫn nộ thúc mạnh trong đó, người ta sẽ thấy tài năng của bà chẳng bao giờ hiển lộ toàn vẹn. Tác phẩm của bà bị bóp méo, vặn vẹo. Thay vì viết bình thản, bà viết trong giận dữ. Thay vì viết cho minh triết, bà viết trong điên rồ. Thay vì viết về các nhân vật của mình, bà viết về chính bà. Bà gây chiến với chính con người bà. Biết sao hơn, bà đành chết trẻ và chết trong muộn sầu, thất vọng”

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button