Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ

(6 đánh giá của khách hàng)

Đối vớí những người theo chủ nghĩa xê dịch thì đây quả là một trong những cuốn sách nổi tiếng không thể bỏ qua. Theo chân tác giả, chúng ta được hòa mình vào những vùng đất rộng lớn, tươi đẹp đầy màu sắc cho đến những trải nghiệm về văn hóa, tín ngưỡng cuộc sống của những con người ở những vùng đất ông đi qua. Mang sắc thái hào hoa, lãng mạng như chính tính cách, tâm hồn của ông, lời văn tuy có vẻ đều đều mang phong cách trầm mặc, phong trần nhưng vẫn khiến cho những độc giả của ông có giây phút say mê, mộng mơ về những vùng đất hùng vĩ, đẹp đẽ. Một cuốn sách thú vị !

Danh mục:

Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ là chặng hành trình xuyên Châu Á của Paul Theroux vào năm 1973 và đến rất nhiều năm sau này, chặng hàng trình ấy vẫn đang được hàng triệu bạn đọc trên thế giới biết đến và chia sẻ với tư cách là một cuốn sách du ký hay nhất mọi thời đại.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ nhận được nhiều lời tán thưởng đến thế. Cuốn sách ghi lại bốn tháng rưỡi với hơn 30 chuyến tàu từ London đến Trung Đông, qua Ấn Độ, ghé Đông Nam Á, dừng chân ở Nhật Bản rồi xuyên Siberia để về lại Châu Âu. Một Phương đông lộng lẫy và rực rỡ hiện ra trên trang sách với nhiều khía cạnh của cuộc sống. Bangkok ồn ào, nóng nực với những mảng tương phản khủng khiếp như đền chùa và nhà chứa. Calcutta dậy mùi của cái chết còn Bombay dậy mùi tiền. Tehran với dầu mỏ và trở thành thành phố của người nước ngoài. Singapore sạch sẽ và kỷ cương….

Phương đông trong mắt Theroux là những chuyến tàu với đủ thứ phiên bản thể hiện cho đặc trưng mỗi quốc gia. Và rồi trên chặng hàng trình ấy, người với người gặp nhau, trên tàu, tại trạm dừng chân hay chỉ nhìn lướt qua nhau. Những cuộc gặp gỡ ấy sẽ không có ngày tương phùng nên người ta chẳng cần phải dối trá về mình, chân dung con người cũng vì thế mà thực hơn như những cô gái nhỏ quấn xà rông, anh chủ khách sạn cáu kỉnh, một tín đồ cuồng tín, cô gái điểm giữa đêm khuya…

Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ là một bức trang toàn cảnh về phương Đông đầy cảm xúc của một con người muốn đi, muốn biết, muốn hiểu. Paul Theroux đã trải nghiệm như một lữ khách cô độc muốn dấn thân chứ không phải một vị khách du lịch cưỡi ngựa xem hoa.

6 đánh giá cho Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ

  1. Ngô Thanh Tùng

    Sách về thể loại du ký hiện nay xuất hiện khá nhiều nhưng tác phẩm đạt chất lượng về văn học, thẩm mỹ và chiều sâu trong cách quan sát, tư tưởng thì hơi khó tìm. Tuy nhiên với “Phương Đông lướt ngoài cửa sổ” thì bạn có thể đập tan những lăn tăn đó. Nó chính là 1 trong 20 cuốn du ký hay nhất mọi thời đại. Cuốn sách du ký kinh điển này ra đời từ chuyến đi xuyên Châu Á của tác giả Paul Theroux. Ông đã chọn tàu hỏa làm phương tiện di chuyển cho mình, Theroux đi trên hơn 30 chuyến tàu khác nhau, từ London đi đến các nước Trung Đông, qua Ấn Độ và Đông Nam Á, đến Nhật Bản rồi lên tàu xuyên Siberia qua Nga về lại châu Âu. Chính vì thế, châu Á hiện ra dưới con mắt tác giả qua khung cửa sổ và các trạm dừng chân thật độc đáo, tác giả đã có một cuộc du ngoạn vào trong lòng phương Đông, vẽ nên từng mảnh ghép trên bức tranh phương Đông rộng lớn. Đó là những khoảnh khắc đẹp mà tác giả bắt được, hoặc giản dị, đơn sơ hoặc lộng lẫy, huy hoàng, nhưng đều tràn đầy cảm hứng về cuộc sống châu Á.

  2. Nguyễn Thị Vy

    Mình đã đọc nhiều những cuốn sách thuộc thể loại du ký, nhưng chưa có cuốn nào để lại cho mình nhiều cảm xúc như “Phương Đông lướt ngoài cửa sổ”. Tác giả có một cách viết thật lôi cuốn, không chỉ làm người đọc thỏa mãn với những cảnh trí tuyệt đẹp của thế giới rộng lớn, mà còn thích thú với những trang văn giàu cảm xúc, tinh tế nhưng vẫn thật gần gũi. Những hình ảnh về những đất nước ở Châu Á có thể quen thuộc hoặc xa lạ với bạn, nhưng khi đọc cuốn sách này, bạn sẽ thấy tất cả như thật thân thương, mỗi vùng đất tác giả đặt chân đến đều như một quê hương thứ hai của chính mình vậy. Một cuốn du ký đúng chất, vừa bụi bặm, vừa giản dị, vừa kỳ vĩ, vừa sáng chói.

  3. Ta Lien

    Mình rất háo hức với cuốn sách này vì mình vốn là một người yêu du lịch, thường xuyên đi du lịch tới các vùng đất mới. Nhưng theo cảm nhận của mình thì nội dung cuốn này chưa “đã”, đọc 100 trang đầu thậm chí thấy rất nhạt nhẽo, sau 100 trang thì bắt đầu thấy khá hơn, nhưng nhìn chung thì chưa sâu sắc và mình vẫn còn đang ì ạch đọc sau mấy tháng chưa xong, vì không đủ lôi cuốn đến mức tối nào cũng phải đọc, nên tốc độ đọc rất chậm. Có một số nhận xét thú vị, nhưng quá ít và rời rạc, thường xuyên khiến mình thấy hụt hẫng khi đọc vì cảm giác chưa “tới”.
    Tác giả giống như chỉ chuyển từ chuyến tàu này tới chuyến tàu khác, không giành thời gian đủ để cảm nhận sâu sắc một vùng đất, nên tiêu đề cuốn sách tiếng Việt khá là chính xác, mọi thứ chỉ là “lướt ngoài cửa sổ”, chứ chưa thực sự là mở cửa và bước vào, ở lại trong đó đủ lâu để cảm nhận. Tựa sách tiếng Anh (The Great Railway bazaar) cũng phần nào phản ảnh nội dung sách, quá thiên về mô tả các chuyến tàu, nội thất, đồ ăn trên tàu,…
    Kết luận của mình, 3* và không nhất định phải đọc cuốn này.

  4. Nguyễn Minh Hoàng

    “Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ” là một cuốn sách du ký nổi tiếng của Paul Theroux xuyên suốt châu Á. Đây là một cuốn sách thú vị về một chuyến hành trình kỳ ảo, đầy đam mê, xuyên suốt không gian địa lý và bề dày lịch sử của khu vực châu Á rộng lớn mênh mông. Một cuốn sách theo mình nghĩ rất thích hợp với những người theo chủ nghĩa xê dịch, không cần đi đâu xa, chỉ cần ngồi nhà và khám phá những điều mới lạ về con người, cảnh sắc, phong tục tập quán… mà Paul đã từng trải. Mình tin bạn sẽ có kha khá 1 số kiến thức địa lý và kinh nghiệm về du lịch sau khi đọc xong cuốn sách này 😀 Điểm trừ là các mảng và bố cục hơi rời rạc, vài chỗ không có điểm nhấn.

  5. Nguyễn Ngọc Đoan Trâm

    “Phương Đông lướt ngoài cửa sổ”?
    Wow!!! Thú vị đấy chứ nhỉ?
    Một cái tên “kêu” kèm theo một cái bìa ấn tượng đã đưa tôi đến với quyển du hý này. May mắn là phần quan trọng nhất, nội dung, đã không làm tôi thất vọng.
    Chuyến đi qua ô cửa sổ của toa tàu lửa đưa người đọc đến những miền đất xa lạ mà cũng rất đỗi quen thuộc. Đó là những địa danh đã từng được nhắc đến ở đâu đó, nhưng bằng cái nhìn cô đọng và mới lạ hơn. Nào là Thái Lan, Ấn Độ, Singapore… Không chỉ là cái tên, đó là cả một nền văn hoá. Bao trùm lên tất cả vẫn là chất phương Đông rất đặc trưng qua ngòi bút của một người Mỹ. Thật thú vị!
    Hâm mộ Paul Theroux mất rồi!

  6. Thanh Thanh

    Trên các chuyến tàu xuyên suốt từ tây sang đông, châu Á hiện ra bên ngoài cửa sổ, qua góc nhìn chớp nhoáng nhưng đầy sắc sảo của Paul Theroux thật khác lạ và cũng nhiều góc khuất. Đọc “Phương Đông lướt ngoài cửa sổ” ta thấy không chỉ vẻ đẹp và sự hào nhoáng được tái hiện mà cả những mặt trái xã hội, những điều tăm tối, nghèo đói và bất công cũng được phản ánh bởi ngòi bút mạnh mẽ và cảm nghĩ sâu xa của tác giả. Nhưng chính vì được đào sâu nhiều khía cạnh, thế giới ấy – nơi các vùng đất ông đi qua mới hiện ra chân thực và sống động.đến thế, mới thấy cuộc sống muôn màu muôn vẻ và bao la vĩ đại nhường nào. Ngoài khắc họa, miêu tả nền văn hóa, phong tục, cảnh sắc của mỗi quốc gia đi qua Paul Theroux còn cho thấy cái hồn trong mỗi suy tư, chiêm nghiệm; bởi thế tác phẩm toát lên vẻ gì đó trầm mặc, u buồn.
    Bối cảnh cuốn du ký thuộc về những năm 1970 nên ta cũng cảm nhận được phần nào lịch sử Châu Á, thời còn lạc hậu và đói khổ, nhất là có thêm một cái nhìn khác qua con mắt người nước ngoài về chiến tranh Việt Nam.
    Tuy có một vài điểm mình thấy tác giả nhìn nhận theo quan điểm cá nhân có phần hơi phiến diện, như việc ông mỉa mai và chế nhạo tín ngưỡng tâm linh ở Ấn Độ hay Miến Điện, nhưng nhìn chung mình đánh giá cao tác phẩm vì sự lột tả xuất sắc cũng như mang nét đẹp và sự cuốn hút rất riêng của nó.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button