Yêu Người Ngóng Núi

(5 đánh giá của khách hàng)

Từ những chi tiết nhỏ như…cục kẹo, đến những vấn đề mang tính sống còn của người nông dân đã được đề cập một cách thấu đáo, chân thành và ý nhị. Có cả những chuyện tưởng chừng riêng tư nhưng lại hòa vào dòng thời sự chung như chuyện đi du lịch, nuôi dạy con, và cả chuyện yêu đương…

Danh mục:

32 bài tản văn trong Yêu Người Ngóng Núi là những câu chuyện “rất tình” về Đất, về Người Nam Bộ. Từ những chi tiết nhỏ như…cục kẹo, đến những vấn đề mang tính sống còn của người nông dân đã được đề cập một cách thấu đáo, chân thành và ý nhị. Có cả những chuyện tưởng chừng riêng tư nhưng lại hòa vào dòng thời sự chung như chuyện đi du lịch, nuôi dạy con, và cả chuyện yêu đương…

Tập sách còn hấp dẫn bởi chất trữ tình phóng khoáng Nam bộ, cái duyên dáng tài năng thường thấy ở tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

5 đánh giá cho Yêu Người Ngóng Núi

  1. Diễm Uyên

    Nguyễn Ngọc Tư là tác giả yêu thích nhất của tôi. Dù như nhiều người nhận xét, đọc văn của chị Tư bao giờ cũng ám ảnh bởi những nỗi buồn u uất, trầm luân về số phận con người. Song, vì thế mà tôi thích chị. Với tôi, Nguyễn Ngọc Tư là một nhà văn xuất sắc. Cuộc sống này, rốt cuộc có như người ta hay ca ngợi đâu, những thân phận người, những nhỏ nhen và tủn mủn đầy rẫy ra đó, mình nhìn thấy, nghe thấy đó nhưng chẳng làm gì được, nên viết được như chị Tư là điều rất đáng trân trọng.
    “Yêu người ngóng núi” là cuốn sách mang lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất, bởi vậy cũng là cuốn sách tôi dành thời gian đọc đi đọc lại nhiều nhất. Cuốn sách là những bài viết nhẹ nhàng, sâu sắc, thấm đượm tình người và ám ảnh (nếu có – theo tôi) chỉ vừa đủ chứ không quá nặng nề.
    Những câu chuyện tưởng như tủn mủn vụn vặt về một đôi vợ chồng già bán rổ ở chợ, câu chuyện cảm động về những thương nhớ của người vợ có chồng bỏ đi theo người khác, chuyện cô bé bị thiểu năng “não em thiếu mất vùng mang tên đùn đẩy, chờ đợi”, chuyện người mẹ có con bị hãm hiếp, chuyện người phụ nữ dắt con đi ăn xin ở công viên… Tất cả là chuyện nhỏ nhoi thường ngày mà đâu đó chúng ta gặp phải, có khi tôi cũng thổn thức nhưng rồi bình lặng dửng dưng trôi qua với bao vướng bận của riêng mình. Nên, tôi đọc “Yêu người ngóng núi” để thấy lòng mình lắng lại, để nghe cuộc sống này đang gần tay nắm mình hơn…

  2. Ngọc Thương

    “Bằng cách đó, thành phố yêu anh. Phố cũng không cần anh đáp trả lại tình yêu, không cần tìm cách xóa sạch đi quá khứ…” Trong mỗi chúng ta, ai cũng từng và nhiều lần phụ bạc như thế. Ta đứng đây, và nhìn về phía xa, nhớ về quê hương, nơi “xóm cũ”, “bụi ngọt”, nơi rớt xuống thấy lâu sậy ngổn ngang, và “thuộc về má”, về ta. Nguyễn Ngọc Tư, đã kể câu chuyện của những con người, lớn lên, loanh quanh đi mãi rồi bỗng dưng giật mình. Ô hay, vì sao bây giờ trời thôi đẹp như xưa, sao người bây giờ bớt dịu dàng hơn trước. Để thấy núi đẹp mơ hồ, không như phố trẻ trung mà cáu bẩn, hay gắt gỏng dù vất vả chăm chỉ. Nơi núi đó, có đứa con rứt áo ra đi, ngóng về đất mẹ liệu còn có đường về. Có mẹ yêu thương, cơ cực đã trở thành đôi chút xa lạ dù không muốn. Và có cả dáng cụ bà ngồi chỏng chơ góc chợ, nhớ về một đời người đã qua với một người đã xa. Ở đó đẹp thế, dù nhọc nhằn nhưng nghĩa khí, vui tươi. Vất vả thế, dịu dàng thế, liệu làm sao để anh trở về yêu thành phố bụi đầy, cỏ cây xa xôi. Dù đã cố hết mình để lo cho cả anh, cả tôi, cả vùng trời bé nhỏ dưới nó. Giọng văn nhẹ nhàng, chưng chửng, như biết hết, yêu hết, nhưng không có cũng chả sao. Như người yêu lâu ngày gặp lại, thốt lên “à, thì ra mình cũng từng yêu như thế”. Nhưng lại khiến người ta day dứt, và khao khát. Như thủ thỉ với con người, thôi đừng nhớ nữa. đừng hoài niệm những điều quá xa xôi. Nơi ấy, chỉ để nhớ và yêu thương, nâng bước. Anh nên tập yêu thành phố dù không cần ồn ào. Chỉ là nụ cười vẩn vơ, là nắm tay lạ thường. Như vậy đủ để phố, dịu mình đẹp lên với thực tại. Phố nhỉ?

  3. Dương Yến

    Đây là lần đầu tiên mình đọc tản văn của Nguyễn Ngọc Tư. Chị viết rất nhiệt thành và giọng văn thì lại thấm nhuần chất Nam Bộ bình dân. Các bài viết là những dòng chia sẻ hết sức chân thật và tự nhiên, nhưng cũng không kém phần sâu sắc. Lồng ghép trong từng câu chữ là một hiện thực của xã hội hiện đại ngày nay được đặt trong những suy tư giữa quá khứ – hiện tại, thực tế – giả tạo và nhiều điều khác nữa. Các câu chuyện cũng như những dòng tản mạn của chị không chỉ giản dị, súc tích mà còn rất “tình” và rất “đời”.

  4. Đinh Thị Hà Linh

    Mặc dù đã có cuốn sách này với lần xuất bản đầu tiên nhưng khi tái bản với bìa sách mới, tôi đã không ngần ngại mua ngay, một phần vì yêu thích thiết kế mới, một phần là quá yêu thích tác phẩm của chị Tư. Giọng văn vẫn đầy chất chân chất Nam Bộ, với những câu chuyện đơn giản đời thường, mà sao lại chất chứa nhiều cảm xúc, khiến người đọc phải ngẫm nghĩ rồi đọc lại để tiếp tục suy tư. Sài Gòn tuy không phải quê của chị Tư, người Sài Gòn không phải ruột rà thân thích của chị Tư, ấy vậy mà chị có thể viết về nơi chốn này, con người nơi này với bao nhiêu tình yêu thương và trân trọng. Những ai yêu Sài Gòn và muốn hiểu về con người nơi đây, không nên bỏ qua cuốn sách thú vị này.

  5. Phan Tan

    Không hiểu sao ngòi bút chân phương, mộc mạc của chị Tư lại hấp dẫn tôi đến lạ, dù cho chị viết ở bất cứ thể loại nào thì cái chất của chị vẫn không thể mất đi. “Yêu người ngóng núi” có gì, xin thưa cũng chỉ lòng vòng có vài chủ đề quanh ta thôi, cuộc sống người nông dân sông nước, nhịp sống người thành thị, những giá trị đời sống con người và những thay đổi nho nhỏ xung quanh,… Mọi thứ được chị tỉ mỉ góp nhặt để đưa vào quyển tản văn nhỏ xinh này. Những gì chị viết dù có nói về điều lớn lao hay việc nhỏ bé cũng vẫn cứ điềm đạm, đôi khi cứ nhẹ nhàng trách móc, câu chữ cứ buồn vu vơ,… Vậy thôi mà lòng người đọc cứ phải say mê và nhớ về Tư mãi!

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button