Cảm nhận sách

Nếu mệt cứ ngủ, đời sẽ ru em

Những dòng chữ khiêm nhường và đầy chân thành, cũng chính là những xúc cảm đến từ một trái tim son trẻ mà khi đọc “Nếu mệt cứ ngủ, đời sẽ ru em” bạn đọc sẽ cảm nhận ngay điều này.

“Tôi viết thơ, viết những dòng tản mạn được in trong cuốn sách này với tâm thế của một cô gái vừa bước qua ngưỡng cửa đôi mươi, với vài chút non nớt, có thể là đơn giản đến ngây ngô”. Tác giả Thanh Hoa đã bộc bạch như vậy về cuốn sách đầu tay của mình. Cuốn sách được chia làm 3 phần: Quê và nhà là hơi thở, Nhóm nhen hạnh phúc và Cạn tim thương nhớ.

Chậm rãi lật nhẹ từng trang sách, từ phần 1 sang phần 2 rồi đến phần 3, ở phần nào cũng đều chất chứa cái tình của người viết. Cái tình ấy không phải là thứ tình cảm gì đó mơ hồ, mà nó được hiện hữu bằng tình yêu với quê cũ, với cha mẹ, và đương nhiên không thể thiếu “anh” mà Hoa đã “ưu ái” dành đến hai phần sau.

Như rất nhiều người phải tha phương dù với mục đích gì, thì hồn quê vẫn luôn đau đáu trong tâm hồn của cô gái đôi mươi. Mặc dù: “Đất Sài thành nỏ có cánh cò bay la bay lả…/Nỏ quán nước nào có bát chè xanh nóng hổi/Cũng nỏ có dòng Lam bên lở bên bồi…” nhưng Hoa đã kịp cất giấu những gia tài ấy, để nó “hằn sâu trong tâm trí”, “in đậm vào tiềm thức”, để mỗi lần nhớ đến là “hiển hiện vẹn nguyên cùng cảm xúc mến thương…”

Nhưng có lẽ, xúc động nhất vẫn là tình cảm mà Hoa dành cho bố mẹ, những người không chỉ có công sinh thành, nuôi dưỡng mà đã cùng Hoa vượt qua những chặng đường chông gai khi Hoa không may mắn có được một đôi chân lành lặn.

Hình ảnh người cha ngày hai buổi “nhấc bổng con lên chiếc xe đạp có khung ngang chắn trước” hay “cõng con trên lưng, ghì chặt bàn chân, bước chậm trên con đường trơn mỡ” vào mùa mưa để đưa con tới trường không chỉ in đậm tận sâu trong tiềm thức của Hoa mà đã kịp neo lại trong tâm trí người đọc về một người cha lam lũ nhưng cũng rất giàu yêu thương.

Cái tình của Hoa còn được gửi gắm ở hai phần sau, tưởng như với một người nhưng thực tế lại với rất nhiều người. Những bài thơ của Hoa, dù là viết cho mình hay “viết hộ” những người xung quanh – mà như Hoa tự nhận, thì ở đó vẫn là những câu thơ của một trái tim khao khát yêu. Rất da diết mà cũng vô cùng mộc mạc. Mộc mạc cả trong tình lẫn trong thơ.

Đôi lúc, trong sự mộc mạc ấy lại lóe lên nhiều câu thơ với những hình ảnh đẹp, dù có thể trong cái đẹp lại nhuốm màu u buồn: “Rồi có thể cơn bão sẽ ghé qua/ Oải hương thân yếu mềm đổ rạt/ Lúc ấy anh đừng nhổ nó đi, trồng thế vào một luống hoa khác/ Xin dù có mệt nhoài cũng đừng bỏ mặc em”. (Ngôi nhà mùi oải hương).

Thơ Hoa có sự chân thành của cảm xúc nhưng Hoa còn mắc phải lỗi của những người mới bắt đầu viết, đó là quá nệ vào vần điệu khiến cho câu thơ đôi khi trở nên đơn điệu, và “ngây ngô” (chữ dùng của Hoa). Nhưng lỗi này hoàn toàn có thể khắc phục theo thời gian, khi tác giả có đủ độ chín của ý thức và đam mê.

Mong rằng, Hoa sẽ không còn “bé nhỏ với thời gian” nữa, mà vững vàng và trưởng thành trên những chặng đường phía trước. Góp nhặt thêm cho đời dù chỉ một chút hương, chút vị, chút sắc màu của một bông hoa được sinh ra từ mảnh đất xứ Nghệ đầy nắng và gió.

Huy Sơn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button