Cảm nhận sách

Những nốt nhạc thanh xuân trong “Ngày mai là một ngày khác”

Ngày mai là một khái niệm thời gian khó đoán định. Với tuổi trẻ, thậm chí đó dường như còn là một điều mơ hồ và không dễ dàng nắm bắt. Ở giữa thời khắc tươi đẹp nhất của thanh xuân, có lẽ chúng ta đã không ít lần tự cật vấn bản thân, rằng ngày mai mọi thứ sẽ ra sao, chúng ta sẽ phải sống cho điều gì ở hiện tại, và cả thì tương lai gần.

Ngày mai, có thể mọi thứ sẽ trở nên tươi đẹp…

Ngày mai, cũng có khi tất cả sẽ đổ sập, và mất phương hướng…

Chẳng có điều gì chắc chắn cho khái niệm “ngày mai”, nhưng cái mà chúng ta có thể cân nhắc cho chính bản thân mình là hãy sống với một tâm thế hoàn toàn khác. Ở đó, người ta có quyền lựa chọn cho riêng mình sự lạc quan hay tiêu cực, là niềm hi vọng nhen nhóm hay nỗi tuyệt vọng bủa vây. Và tôi nghĩ, không ai mong muốn sở hữu cho bản thân mình những gam màu u uất, và ảm đạm.

Là tập truyện ngắn thứ hai, cũng là cuốn sách thứ ba trong hành trình viết, tác giả trẻ Kai Hoàng vẫn kiên định với phong cách viết dành riêng hẳn cho những người trẻ. Trong văn phong của Kai Hoàng, dễ dàng nhận thấy sự trải nghiệm nghiêm túc của một người đang ở độ tuổi thanh xuân, cùng với lối đặc tả câu chuyện không khoa trương, nhẹ nhàng nhưng lại chạm sâu vào trong tiềm thức của người đọc, đâu đó, người ta có thể vỡ òa với cảm xúc của nhân vật đang thể hiện.

Với 16 truyện ngắn tượng trưng cho 16 nốt nhạc rời của thanh xuân, “Ngày mai là một ngày khác” đã gảy lên một khúc ca tuổi trẻ mà ai ai cũng đã từng trải qua, để rồi phải dừng lại ít phút để chiêm nghiệm, cho cuộc đời, cho tình yêu, cho hoài niệm, và cho cả bản thân.

Liệu rằng trong số chúng ta, bất chợt đã là một Nhiên mộng mị trong “Người tình”, là Du thương tổn nhưng vị tha trong “Thỏa hiệp”, là Em với một tình yêu mãnh liệt trong “Đừng khóc giữa thanh xuân”, hay là một tôi đầy chới với trong “Thế giới cũ kỹ”…

Hoặc sẽ chẳng là một ai trong số đó, bởi lẽ cuộc sống có khi đã bao quát tất cả những khoảnh khắc, những cảm xúc mà không ít lần chúng ta phải đối diện. Nhưng dù rằng đã trải qua tất cả những cung bậc cuộc sống như đáy vực, đã kinh qua không biết bao lần thương tổn của quá khứ, thì cũng đừng tuyệt nhiên đánh mất hi vọng. Bởi lẽ “nếu chúng ta cứ tự thương xót cho chính mình, đến bao giờ mới tìm được bình yên”. Và vì đó đã là một phần kí ức không thể xóa bỏ, tại sao chúng ta cứ phải đoái hoài và gặm nhắm với quá vãng của chính mình?

Ngày mai chỉ thật khác, khi mỗi người sống bằng ý niệm tươi đẹp nhất của đời mình. Và mọi khổ đau, tuyệt vọng, tiêu cực… chỉ là hành trang để người ta trưởng thành, và tin yêu hơn vào cuộc sống.

Cuộc sống là của riêng hẳn mỗi người. Quan trọng là, chúng ta muốn đón nhận cuộc sống như thế nào mà thôi.

Yên Nhiên

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Tư 20, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 2, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button