List sách haySách theo tác giả

Những quyển sách hay nhất của Fyodor Dostoevsky

Sách của Fyodor Dostoevsky phân tích tâm lý sâu sắc, tinh tế đến mức kỳ diệu, tác giả đào đến tận đáy sâu tâm hồn của nhân vật, tới cả đường gân thớ thịt dưới làn da con người… từ đó mà chiều sâu xã hội cùng những tâm tư phức tạp của con người có điều kiện được bộc lộ một cách chân thật.

Hồi Ký Viết Dưới Hầm

Xem giá bán

Một con người… mà gợi lên hình ảnh con thú bị giam cầm.

Hắn đau, mà không chữa trị, bởi yêu thích cơn đau thống khoái.

Hắn, với trí óc sáng suốt mà hành động chống lại lợi ích của chính mình, tự giằng xé trong sâu thẳm nội tâm lẫn trong mối giao tế với những người xung quanh hắn, ưa thu mình ở một xó góc.

Hắn, hai mươi năm trước, đáng lẽ đã cứu vớt nổi cái sinh linh non nớt tội nghiệp của mầm thiện rơi xuống chốn đọa đày, hay được cứu vớt bởi nàng. Vì Lisa đã đến, mong đợi tình yêu, mong rút chân khỏi vũng lầy của đời nàng. Vậy mà hắn lần nữa khiến nàng đau đớn…

Hắn, bức tượng thống khổ và đầy ám ảnh dần hiện trên bầu trời tư tưởng triết học cận và hiện đại phương Tây đang chuyển giông tố, với những ám ảnh về cuộc sống nội tâm, những lo âu, những quyết định, những lựa chọn của một con người vắng Thượng đế, tách rời và không lệ thuộc vào đám đông, không lý tưởng không quy luật nào định nghĩa cho đầy đủ.

Hắn, vô danh, là trọng tâm tăm tối trong toàn cảnh Hồi ký viết dưới hầm – “tác phẩm hiện sinh chủ nghĩa tuyệt vời nhất từng được viết”, (Walter Kaufman), “điểm xuất phát cho Tội ác và hình phạt và những tiểu thuyết lẫy lừng sau đó.” – (Orhan Pamuk)

Những Đêm Trắng

Xem giá bán

“Đêm thứ nhất

Đó là một đêm kì diệu, một đêm mà có lẽ chỉ có thể có được khi chúng ta còn trẻ, hỡi bạn đọc thân mến. Bầu trời đầy sao, một bầu trời lộng lẫy đến mức ngước nhìn lên nó ta phải bất giác tự hỏi mình: chẳng lẽ những con người cau có, trái tính trái nết đủ loại lại có thể sống dưới một bầu trời như thế… Đây cũng là một câu hỏi của tuổi trẻ, hỡi bạn đọc thân mến, một câu hỏi rất trẻ, nhưng cầu xin Đức Chúa Trời ban cho bạn thường xuyên hơn câu hỏi ấy!.. Còn nói về những quý ngài trái tính trái nết và cau có đủ loại thì tôi không thể không nhớ lại cách xử sự hợp lẽ của tôi trong cả ngày hôm đó. Ngay từ sáng sớm tôi đã bị một nỗi buồn kì lạ hành hạ. Tôi bỗng nhiên có cảm giác rằng tôi, một kẻ cô đơn, đang bị tất cả bỏ rơi, xa lánh. Tất nhiên, bất kì ai cũng có quyền hỏi: tất cả là ai… Bởi vì tôi sống ở Peterburg (1) đã tám năm nay mà hầu như chưa hề làm quen được với một người nào. Nhưng tôi phải làm quen để làm gì… Không có việc đó thì cả thành phố Peterburg cũng đã quen thuộc với tôi rồi; mà chính vì thế nên tôi mới cảm thấy tất cả đều bỏ rơi tôi khi toàn bộ thành Peterburg bỗng đột ngột kéo nhau ra các nhà nghỉ ngoại thành. Ở lại một mình tôi rất sợ, và suốt ba ngày dài tôi lang thang khắp thành phố trong nỗi buồn nặng nề và tuyệt nhiên không hiểu cái gì đang xẩy ra với mình…”

Anh Em Nhà Karamazov

Xem giá bán

Anh em nhà Karamazov, tác phẩm cuối cùng của Dostoevsky, chính là kiệt tác vĩ đại nhất mà ông để lại cho hậu thế sau hơn bốn chục năm miệt mài lao động văn học. Bằng ngòi bút thiên tài của mình, Dostoevsky đã phản ánh tình trạng hỗn loạn xã hội của nước Nga nửa sau thế kỷ 19 qua sự tan rã và những bi kịch trong nhà Karamazov, cùng với đó là cuộc “tìm kiếm ý nghĩa tồn tại” ở những con người thuộc các thế hệ quá khứ, hiện tại và tương lai của nước Nga, về những đau khổ vô lượng, và những con đường có thể giúp đưa tới hòa đồng xã hội.

Với phần đông mọi người, đọc Dostoevsky chính là diễu qua lịch sử ngắn gọn những bi kịch chung nhất của nhân loại, là leo lên những đỉnh cao tư tưởng, và đôi khi, thâm nhập vào những vỉa tầng sâu nhất trong nội tâm con người mà trước ông, không mấy khi có ánh sáng rọi đến chốn ấy. Bởi thế, dù đó là chuyến phiêu lưu tâm trí của tuổi trẻ hay phút chiêm nghiệm khi đọc sách và nhìn lại đoạn đời dày dặn đã qua, thiết nghĩ cuốn sách này sẽ đem lại cho chúng ta ít nhiều dư vị nào đó.

Là Bóng Hay Là Hình

Xem giá bán

Tác phẩm Là bóng hay là hình (1866) được Dostoevsky viết vào thời kỳ đầu sự nghiệp sáng tác của mình. Câu chuyện xoay quanh cuộc đối đầu giữa một viên chức nhà nước cấp nhỏ Yakov Petrovitch Golyadkin và “cái bóng sống thực” giống anh ta y hệt. Golyadkin một đã trở thành mục tiêu của những màn ngược đãi tinh thần từ chính cái bóng của mình và mọi sức lực chống cự dường như đều bị bòn rút khỏi anh ta. Cuộc chạm trán giữa Golyadkin một và Goyadkin hai cho ta thấy sự hoảng hốt ngỡ ngàng của con người khi bắt gặp chính mình, mà tâm hồn chính là bãi chiến trường, nơi sự giằng co không buông tha.

Dostoevsky đã đi sâu vào tận cùng chốn thâm cùng của tâm hồn con người để thấy ở đó một cuộc chiến không bên nào có thể tiêu diệt hoàn toàn đối thủ của mình. Niềm kiêu hãnh của Dostoevsky giá trị như một lời tiên tri. Dù khi vừa ra đời, tác phẩm Là bóng hay là hình không được giới phê bình niềm nở đón mừng nhưng càng về sau, tác phẩm nói riêng và văn nghiệp Dostoevsky nói chung càng được văn giới Nga, Âu Châu và cả thế giới ân cần ngưỡng mộ.

Tội Ác Và Trừng Phạt

Xem giá bán

Tội ác và trừng phạt là tác phẩm nổi tiếng của một trong những cây bút tiểu thuyết bậc thầy của nước Nga F. Dostoevsky (1821-1881).

Chuyện kể về chàng sinh viên nghèo Raxkônnikốp vì quá lạc lối mà đã giết chết hai chị em bà lão cầm đồ.

Những ngày sau đó, Raxkônnikốp rơi vào một bi kịch mới, khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Anh càng cố gắng che giấu tội lỗi thì càng tỏ ra lúng túng. Tình yêu sâu sắc, sự hy sinh cao cả và tấm lòng nhân hậu của cô gái Xônya cùng sự quan tâm, yêu thương giúp đỡ của mọi người đã thức tỉnh Raxkônnikốp. Chấm dứt những giằng xé nội tâm, anh đưa ra quyết định: thà bị giam cầm về thể xác còn hơn bị tù đày về tâm hồn…

Với nội dung tư tưởng sâu sắc, Tội ác và trừng phạt đã được đánh giá là một kiệt tác chứa chan tình yêu thương giữa con người với con người.

Chàng Ngốc

Xem giá bán

Chàng Ngốc là Hoàng thân Myshkin – một nhân vật phức tạp. Độc giả có thể tìm thấy ở chàng một chút của Chúa Jesus, một chút của Don Quixote, một chút của Pickwick để hình dung ra hình ảnh lý tưởng về một tín đồ đạo Thiên chúa. Nhưng khác với nhân vật của Bunyan trong The Pilgrim’s Progress, Dostoievsky không xây dựng Myshkin như một nhân vật mang tính biểu tượng, trong một thế giới phi thực tế mà đặt chàng vào thế giới thực, sống động. Bằng cách đưa Chàng Ngốc vào một thế giới trần tục, Dostoievsky đã thể hiện cái nhìn phê phán và đả kích của mình đối với chế độ quân chủ tư sản và sự ngự trị của quyền lực trong xã hội nước Nga lúc bấy giờ.

Nhân vật chính của tác phẩm, Hoàng thân Myshkin là con trai cuối cùng trong một gia đình thuộc dõng dõi hoàng gia đã bị phá sản. Sau một thời gian sang Thụy Sĩ trị bệnh, chàng trở về nước Nga và từ đây, chứng kiến nhiều chuyện khóc cười trong lòng một xã hội đang bước vào thời nhốn nháo. Ngoài chứng bệnh tâm, Myshkin là hình mẫu tiêu biểu cho thứ lòng tốt đơn thuần và cao thượng. Chàng đơn độc, nghèo khó, trong sáng, khờ khạo, trung thực, hào phóng, độ lượng, dễ bị lợi dụng và rất dân chủ (theo nghĩa không hề quan tâm đến thứ bậc cũng như địa vị của con người trong xã hội)…

Myshkin còn là người vụng về trong các mối quan hệ xã hội, thường xuyên đau đớn vì chứng động kinh nhưng vẫn ảo tưởng về sự lãng mạn của tình yêu và sự chân thành của tình huynh đệ, bằng hữu. Khác với Raskolnikov, nhân vật chính trong “Tội ác và trừng phạt”, được xây dựng từ một vụ giết người mà Dostoievsky đọc được trên báo, hoàng thân Myshkin là hình ảnh xuất phát từ nguyên mẫu là chính nhà văn.Ngay khi trở về St. Petersburg, chàng đã gặp hai người phụ nữ xinh đẹp. Một là Nastasya – tình nhân của một gã quý tộc giàu có, thích hưởng lạc. Nàng được hắn nuôi dưỡng sau khi bố mẹ qua đời và sau đó, bị chính hắn cưỡng bức và biến thành vợ không chính thức. Câu chuyện bất hạnh của nàng trở thành đề tài bàn tán của người dân khắp thành phố. Còn người kia là Aglaia – cô con gái của tướng Epansin. Mẹ Aglaia là một người họ hàng xa với chàng Ngốc.Myshkin bị cả hai người phụ nữ hấp dẫn nhưng chàng quá dại khờ để phân biệt sự khác nhau giữa tình yêu và niềm đam mê. Hoàng thân không có khả năng chọn lựa, càng không xác định được tình cảm của mình với hai người phụ nữ. Liệu đó là sự khờ khạo? Hay đó đơn giản bởi chàng quá tốt?”Tôi yêu nàng bằng tất cả trái tim” (chàng nói với mẹ của Aglaia, ám chỉ đến Nastasya).” Và cùng lúc đó, hoàng thân cũng bộc lộ tình yêu của mình với Aglaia Ivanova?””Ồ, vâng, vâng””Thế là sao? Nghĩa là cậu muốn yêu cả hai người họ?””Ồ, vâng, vâng”.

Dostoievsky không bao giờ viết thẳng ra ý tưởng của mình mà để cho chúng ta tự đặt ra nhiều giả thuyết. Nhưng trong trường hợp này, có một điều tương đối rõ ràng: ấy là cảm xúc của con người luôn có tính hai mặt hoặc ít nhất, trong thế giới tình cảm của con người, luôn luôn có nhiều tầng bậc đan xen vào nhau.Dostoievsky trước sau vẫn là một nhà tâm lý học bậc thầy. Ông là “nhà tâm lý học duy nhất mà từ đó, tôi học được mọi thứ”, Nietzsche từng nói về Dostoievsky như vậy. Hơn bất cứ nhà văn nào khác, ông giới thiệu đến độc giả một bức tranh cận cảnh nhất về con người. Ông thuộc vào số ít những nhà văn phức tạp, khó nắm bắt, có khả năng khai phá những tầng sâu thăm thẳm cũng như những góc khuất u tối trong tâm hồn con người.

Lũ người quỷ ám

“Chúng tôi nhận thấy tác giả tin rằng con người dù sa đoạ đến đâu vẫn có điểm tinh anh và có cơ cứu chuộc. Tác phẩm này có tính cách giải hoặc chứ không có tính cách lên án. Những kẻ mê lầm mà hành động sai quấy rồi cũng có ngày quay trở lại với nhân tính. Họ chỉ bị “quỷ ám”, chứ không phải là “ma quỷ”. Trung thành với niềm tin ở con người đó của tác giả, chúng tôi dịch là Lũ người quỷ ám, mà không nô lệ vào hình thức như các bản dịch Anh và Pháp mới đây.”

Dịch giả Nguyễn Ngọc Minh

Con Bạc

Trung tâm câu chuyện là “con bạc”, một trong những mẫu người Nga hải ngoại. Bên cạnh đó là gia đình một tướng quân người Nga, cũng là hải ngoại. Đó là một gia đình ngẫu nhiên đã tách khỏi nếp sống truyền thống sau cuộc cải cách nông dân, vấn đề này ở những tác phẩm về sau Dostoyevski có những phần nghiên cứu đáng kể.

Trong chuyến đi đầu tiên sang châu Âu năm 1862, ông đã quan sát nhiều gia đình Nga kiều ở hải ngoại. Theo Dostoyevski, tính cách của những người Pháp, Đức, Anh trong quá trình phát triển lịch sử của đất nước họ đã được “định hình” rõ rệt, còn tính cách dân tộc của Nga thì lại đang trong quá trình phát triển, từ đó mà có “tính không định hình” của Aleksei Ivanovich và Polina, cũng từ đó mà người Nga có hoài bão sâu sắc muốn khắc phục tính thiển giao trong các hình thái xã hội phương Tây, và ông nhìn thấy tính ưu việt lịch sử của nước Nga, tiền đề để trong một thời gian ngắn nữa nước Nga sẽ tìm được những con đường tiến tới những lý tưởng cao cả của toàn nhân loại.

Vnwriter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button