Khu Vườn Mùa Hạ

(9 đánh giá của khách hàng)

Tác phẩm này rất dễ thương đó ạ. Những truyện Nhật mà nhân vật chính là những đứa trẻ thường đem lại cảm giác cho minh như khi đang xem Doraemon vậy. Tác phẩm này kể về những cậu nhóc tiểu học, chúng thiệt tình là rất có óc sáng tạo, cùng nhau khám phá, điều tra về một ông cụ trong khu xóm, và rồi khi biết cụ chỉ có một mình thì chúng làm bạn với cụ. Câu chuyện đáng yêu nhưng cái kết lại mang đến một cảm giác buồn. Tác giả miêu tả rất hay, mình cảm giác như đang được trở về tuổi thơ vậy,

Danh mục:

Chắc rằng nhiều người trong chúng ta đã trải qua một tuổi thơ với đầy những thắc mắc mà người lớn luôn bảo rằng “Khi lớn lên con sẽ hiểu,” hoặc họ sẽ nói đại khái một điều gì đấy mà chúng ta chẳng kịp nhớ và hiểu. Ba cậu học sinh lớp 6 (học sinh cuối cấp ở một trường tiểu học Nhật Bản) cũng có những thắc mắc về cuộc sống, về những điều mà có khi sống gần trọn cuộc đời người ta vẫn chưa hiểu nổi. Bọn nhóc cứ mãi loay hoay suy nghĩ: Chết thực ra là như thế nào và liệu có thế giới dành riêng cho người chết không?

Bị ám ảnh bởi những hồn ma và cuộc sống sau cái chết của bà một người bạn, ba đứa trẻ lên kế hoạch làm thám tử, theo dõi một cụ già sống trong một căn nhà tồi tàn, biệt lập nơi cuối phố mà chúng cho là cụ có thể là đã chết hoặc ít ra cũng sắp chết. Kế hoạch thất bại. Nhưng nhờ thế mà chúng lại có người bạn mới – một người bạn lớn thực sự và cùng chúng tạo ra mùa hè không thể quên. Họ – một người già cùng với ba đứa trẻ đã cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn về con người, về cuộc sống xung quanh, về những sinh hoạt bình dị thường nhật theo đúng tâm hồn, tính cách Nhật, vừa thơ bé vừa già dặn.

Câu chuyện, theo đúng như tựa đề, Khu Vườn Mùa Hạ, bắt đầu vào cuối mùa xuân và đầu mùa hạ, xoay quanh tình bạn kì lạ giữa bộ ba học trò và cụ già cuối phố. Wakabe, sống chung với mẹ trong chung cư và luôn khao khát một người bố, là một cậu bé khá kích động và hơi kì dị. Yamashita mập mạp nhưng tốt bụng, hiền lành, là con của một ông chủ tiệm cá và luôn mong muốn lớn lên như cha mình – trở thành một người chủ tiệm cá, dù mẹ cậu chẳng mấy ủng hộ. Nhân vật tôi, Kiyama, lại sống trong một gia đình khá phức tạp, bố cậu cứ mãi đi làm và mẹ cậu bé thì suốt ngày chìm ngập trong thuốc lá, rượu chè nhằm trốn tránh thực tại. Và một ông cụ không tên, gầy đét, đầu hói, thường mặc áo sơ mi màu nâu, đeo thắt lưng to để có thể mặc được cái quần rộng lùng thùng màu xám tro, đi giày thể thao giống học sinh tiểu học. Cụ sống tách biệt với mọi người, chẳng nói chuyện với ai và dường như cũng chẳng ai buồn nói chuyện với cụ.

Câu chuyện được kể một cách rõ ràng, yên tĩnh. Từ trò chơi thám tử, bọn nhóc vô tình bước vào cuộc sống của ông cụ lúc nào không hay. Và ông cụ cũng chính là người giúp bọn trẻ hiểu được những thắc mắc của mình. Các cậu bé giúp ông cụ đổ rác, sửa nhà, trồng hoa, giặt và phơi quần áo… Bù lại chúng được ông cụ dạy gọt lê, viết chữ Hán, và trên hết chúng hiểu được rằng việc già đi, lưng còng xuống, mặt nhiều nếp nhăn cũng mang nhiều ý nghĩa.

Bọn nhóc đã trưởng thành từng ngày. Kiyama, từ một đứa lúc nào cũng nghĩ mình hơi yếu thật nay đã dám đương đầu đánh nhau với một đứa trẻ khác để bảo vệ bạn mình, ngăn cản mẹ không uống rượu và tự tay gọt những trái lê ngọt ngào nhất cho mẹ. Yamashita đã không còn cảm thấy mặc cảm về thân hình quá khổ của mình, không còn cảm thấy tự ti về ước mơ trở thành ông chủ cửa hàng bán cá nữa. Wakabe đã có thể nói thật với mọi người về cha mình, không phải là một người lính cứu hỏa hay một thám tử như cậu hay kể… mà là ông ấy đã có một gia đình và những đứa con khác.

Mỗi cậu bé có một tính cách, hoàn cảnh khác nhau nhưng qua mùa hè ấy, bọn nhóc đã thay đổi và có những bài học cho bản thân mình. Đó có thể là việc chấp nhận một người khác, một sở thích trái ý mình, đó có thể là sự dũng cảm vùng dậy hay định đoạt một ước mơ, hay chí ít là cũng có thể là đi tiểu một mình trong đêm.

Ông cụ cũng đã thay đổi. Từ chỗ chỉ ngồi nhà xem tivi, ăn những thức ăn nhanh, ông đã cùng bọn trẻ dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, đi chợ mua thực phẩm tươi bổ sung. Thời gian ông cụ, nhân vật đi suốt chiều dài câu chuyện không hề được nêu tên ấy, thực – sự – sống cũng chỉ ngắn ngủi như thời khắc bông pháo hoa bung xòe trên bầu trời mùa hạ, nhưng nó đủ sức làm bừng sáng cả câu chuyện. Ông cụ giống như những bông cúc cánh bướm nở trái mùa, dù thân cây có ngắn hơn, mảnh dẻ hơn nhưng vẫn vượt qua gió bão để trổ cành đâm lá.

Kết thúc câu chuyện, khi mùa hạ đi qua nhường chỗ cho mùa thu, khi khu vườn ngập tràn những cánh hoa, ông cụ đi xa mãi mãi thì bọn trẻ cũng không gặp nhau nữa. Nhưng cả bốn đều không tiếc nuối, vì ai cũng tìm thấy một nơi để neo đậu trong cuộc đời mình. Bọn trẻ đã hiểu thế nào là cái chết, điều mà chúng đã cố tìm hiểu trước đây, đồng thời lần đầu tiên cả đám thấm thía nỗi buồn khi mất đi người thân. Bọn trẻ đã không còn thấy sợ hãi về thế giới bên kia nữa vì trong thế giới đó có người quen của bọn trẻ ở đó, và điều đó chẳng phải là động viên tụi nó hay sao?

Cuộc sống này còn nhiều niềm vui đang chờ đón ta từng ngày, đơn giản chỉ như việc chờ đợi một bông hoa nở, xem pháo hoa nở giữa bầu trời mùa hạ, kể hàng tá câu chuyện không đầu không đuôi với một người sẵn lòng lắng nghe mình. Cuộc sống dù ngắn ngủi nhưng nếu ta biết tận dụng nó thì nhất định ta sẽ hạnh phúc

Cuốn sách có vẻ như là dành cho con nít khi viết về những cậu học sinh, thế nhưng cuốn sách cũng có những suy nghĩ rất người lớn. Đây không phải là cuốn sách dành cho trẻ con, cũng không phải là dành cho người lớn, mà nó là cuốn sách dành cho mùa hè. Truyện không ủy mị, gai góc, nội dung đơn giản những lại không hề dễ đọc, có lẽ là do cách diễn đạt của người Nhật. Những trang viết luôn bừng lên những cảm xúc đẹp đẽ, lạ lẫm của từng nhân vật, có những lập dị nhưng đáng yêu vô cùng, có những ngẫm nghĩ trẻ thơ nhưng chẳng hề ngây ngô.

9 đánh giá cho Khu Vườn Mùa Hạ

  1. Lương Quỳnh Anh

    Một cuốn sách đã đoạt giạt văn học thiếu niên dang giá hàng đầu của Mỹ là Boston Globe Horn Award, hẳn là đã viết những đứa trẻ, tôi đã dừng lại một chút trong tiệm sách khi cầm trên cuốn sách khổ 12×20 cm và ngây ngẩn nhìn cái bìa xanh mướt và những đốm vàng mà khi đọc hết tác phẩm, tôi nghĩ liền tới những bông cúc cánh bướm mà lũ trẻ đã hì hụi trồng, và chúng đã lao đi như điên trong cơn gió bão để tới khu vườn trông chờ xem những bông cúc nhỏ bé ấy có bị ảnh hưởng gì không.

    Ba đứa trẻ: Wakabe sống với người mẹ đơn thân, khao khát một người cha và những biểu hiện bất thường, Kiyama trầm tính với những nỗi lo lắng thường trực có một gia đình không hạnh phúc khi bố đi làm biền biệt, mẹ nghiện rượu, và Yamashita béo tròn, tốt bụng với mơ ước trở thành người chủ cửa hàng bán cá như cha mình; một ông cụ mà suốt câu chuyện, không hề được nhắc tên…và chẳng thể nói gì khác về mối quan hệ này như chính tác giả từng nói là “Tôi tin là có tồn tại một mối quan hệ giữa trẻ em và người lớn dẫu cho hai bên không hề là ruột thịt, và rằng mối quan hệ đó có thể sâu sắc đến mức trùm bóng lên một phần đời đứa trẻ ngay cả khi đứa trẻ ấy đã trưởng thành”.

    Tôi hoàn toàn tin điều đó.

    Tôi cũng tin vào bước trưởng thành của ba đứa trẻ sau mùa hè trong căn nhà ấy, chúng và ông cụ cuối cùng đã hòa hợp với nhau, cùng chờ đợi một khu vườn sẽ nở đầy hoa cúc cánh bướm vào mùa thu. Bốn người cùng ăn dưa hấu, học chữ Hán, cùng đi bắn pháo hoa… Thậm chí, ba đứa nhóc bí mật tìm kiếm và đã tìm thấy bà Yoko Yayoi, vợ ông cụ. Chúng đã nhờ bà cụ ở tiệm hạt giống Ikeda đóng giả bà Yayoi đến gặp ông. Cuộc gặp gỡ giữa hai người già đồng hương tràn ngập những mảnh quá khứ đã khiến Kiyama nghĩ rằng “Biết đâu già đi lại là một điều hay. Bởi càng nhiều tuổi, người ta lại có càng nhiều ký ức. Và rồi, một lúc nào đó khi chủ nhân chết đi, những ký ức sẽ hòa lẫn vào không khí, tan vào mưa, thấm vào đất, tiếp tục tồn tại. Chúng sẽ trôi đến nhiều nơi khác, và không chừng, cũng sẽ len lõi vào tim những người khác nữa. Thỉnh thoảng, có những nơi ta mới đến lần đầu nhưng chẳng hiểu sao lại có cảm giác như rất thân quen, không chừng đó là ký ức của một người xưa nào đó đang trêu chọc ta…” Và kết thúc, khi những bông cúc cánh bướm nở rộ, khi đám trẻ trở về sau đợt tập huấn bóng đá và Wakabe háo hức muốn tặng ông cụ con ếch nhồi bông kì cục, khi thu chớm bước chân vào không gian mùa hè duy nhất của ba đứa trẻ, khi ông cụ ngủ mà chẳng hề giống ngủ, ba đứa trẻ cũng chia tay nhau; nhưng tất cả hẳn đã rất thỏa lòng, ông cụ đã mỉm cười “trông hết sức mãn nguyện”, Wakabe học cách tự chấp nhận và trưởng thành ở một nơi xa xôi không có hai đứa bạn bên cạnh, Yamashita đã dũng cảm đi tiểu đêm và hài lòng hơn về chuyện tương lai sau này, Kiyama đã vùng dậy lần đầu tiên trong đời, viết những câu chuyện và đón nhận yêu thương từ cả bố và mẹ…

    Cuối cùng chỉ còn bãi giữ xe chôn vùi cả một miền hoa cúc cánh bướm nở rộ và sự tiếc nuối mang một ý nghĩa đẹp: cái đẹp sẽ mất đi nhưng nó tồn tại mãi trong tâm trí, cũng như Kiyama nghĩ ” Sống trong kí ức của người khác”.

    Một câu chuyện đẹp viết nên từ ngòi bút nhạy cảm và tinh tế, một chút hài hước dễ chịu. Câu chuyện đẹp không chỉ nhờ tình người sâu sắc, còn đẹp bởi không khí ngày hè xung quanh, một khu vườn mùa hạ vàng sậm của cúc cánh bướm và màu đỏ của cây hoa gạo góc sân, nho nhỏ những chấm hạt dưa đen nhánh bên hiên nhà và những màu nhạt sắc của đám quần áo cũ trên dây phơi chữ V…

    Ngẫm lại, gấp cuốn sách rồi thấy lồng ngực tưng tức, viết dăm ba dòng hỗn độn thế kia cũng vẫn chưa nguôi ngoai. Những biểu hiện quan tâm nhỏ nhặt, những việc thường ngày, những ám ảnh về cơn khó thở và những suy nghĩ về cái chết, những yêu thương và mối liên kết giữa người lớn và những đứa trẻ…

    Kazumi Yumoto, thật tuyệt vì cô ấy đã viết hai cuốn sách này.

  2. Thanh Thanh

    Ba cậu bé, ba tính cách, ba cuộc sống. Mỗi người đều có một số phận và những trải nghiệm riêng. Vào một ngày mùa hạ cả ba người bạn thân bất chợt suy ngẫm về cái chết. Họ dần tiếp cận và khám phá về “ông cụ” một người không được nêu tên, để tìm hiểu cái chết sẽ đến với ông thế nào. Từ đó mở ra một mùa hè tươi đẹp và nhiều ý nghĩa cho họ. Ba đứa trẻ và ông cụ, họ đã cùng nhau tạo nên những chia sẻ yêu thương, tình người ấm áp. Đã cùng nhau hiểu được lẽ sống và cái chết, hiểu được giá trị của cuộc sống. Mùa hạ qua đi cũng là lúc những bạn trẻ trưởng thành và hiểu biết hơn. Họ tự tin đối mặt với cuộc sống nhiều gian khó phía trược. Truyện mang đến cho tôi hơi thở nhẹ nhàng tinh tế như làn gió mát thổi đi cái nóng bức của mùa hạ.

  3. Dinh Ha

    Có lẽ, ai ai trong chúng ta cũng đều được sinh ra, được trưởng thành và một ngày nào đó phải ra đi.
    Cái chết là thứ gần gũi với sự mất mát, thương đau nhưng đồng thời, nó cũng là một quy luật bất định của thiên nhiên – quy luật tai sinh.
    Khi đọc “Khu vườn mùa hạ”, với những dòng cảm xúc đầy hồn nhiên, thơ trẻ của 3 thằng nhóc: Kiyama, Yanmashita, Wakabe, Chỉ vì muốn biết người già cô đơn trước khi chết muốn nhắn nhủ điều gì, họ mất như thế nào mà 3 cậu nhóc ấy đã đến lăm le, theo dõi cuộc sống của 1 cụ già. Cụ già ấy, thực sự là một nhân vật bí ẩn mà từ những dòng đầu tiên đến khi kết thúc truyện tôi đều không biết rõ về người ấy, nhưng có lẽ tác giả như không muốn, ta phải hiểu, phải đoán được con người ấy là ai, chỉ đơn giản, ta chỉ cần biết rằng đó là “một – người – bạn – của – thế – giới – bên – kia”. Ấy là quá đủ rồi… Khi đọc xong cuốn sách, tâm trạng trĩu nặng của tôi chợt thấy nhẹ nhàng hẳn đi, một cảm giác êm êm lan toả trong tâm hồn. Những dòng ký ức từ dưới nắm đất lạnh sống dậy len vào tim tôi…

  4. Nguyễn Bảo Trân

    Đọc quyển sách này, đôi lúc tôi tuởng mình chính là nhân vật trong truyện. Bởi tôi đã từng có một mùa hạ như thế, sau bao năm chìm vào quên lãng cùng những tháng ngày tuổi thơ, trong phút giây này, ký ức về những ngày nắng và người ông đã mất, bừng sáng trong tôi như mới ngày hôm qua.

    Giữa ba đứa trẻ tinh nghịch và một ông lão tuởng như đã gần đất xa trời, đến nỗi sự tồn tại của lão trở nên vô hình với những người xung quanh, có một tình cảm sâu sắc không thể diễn tả bằng lời. Từ một người sống lặng lẽ âm thầm, ông lão đã hồi sinh như một phép màu kì diệu đuợc mang đến từ ba đứa trẻ lúc nào cũng tìm cách chọc phá ông. Ông yêu đời hơn, cố sống những ngày còn lại thật ý nghĩa, ông không nỡ xa lũ trẻ. Còn ba đứa trẻ, đã học đuợc những bài học về cuộc đời, về sự sống và cái chết luôn tồn tại song song, quan trọng hơn nữa chính là cách hiểu người khác. Mỗi con người đều có quá khứ và hiện tại khác nhau, nó ảnh hưởng đến tính cách họ. Đừng nhìn nhận nguời xung quanh ta bằng đôi mắt, hãy nhìn họ bằng trái tim. Những ngày nắng hạ ở ngôi nhà có khoản vuờn đầy hoa cúc dại, nơi có ông cụ luôn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ mãi mãi tồn tại trong mỗi đứa trẻ, trở thành hành trang để chúng vững buớc trên con đường đời.

  5. Vũ Thị Huyền Oanh

    Yêu sự sống – đó là điều mà tô học đươch sau khi đọc xong “khu vườn mùa hạ” của Kazumi Yumoto. Nói về cái chết, nhưng không bi thương, nói về những mất mát của cuộc sống nhưng gợi lên trong lòng người đọc biết bao suy nghĩ, hi vọng mới. Đó giống như cuốn nhật ký trưởng thành của những cậu bé với nhiều trải nghiệm mới, nhiều suy nghĩ mới. Tôi bị ấn tưởng bởi chi tiết kết thúc của câu chuyện này: Ba người bạn thân, mỗi người chọn cho mình một ngả đường riêng, nhưng đều xuất phát từ một điểm. Giống như chạng ba của một cái cây, dù có vươn cao vươn xa thế nào thì những cành lá cũng đều xuất phát từ một điểm – là gốc rễ cội nguồn của chúng. Ý nghĩa quá phải không?

  6. Nguyễn Khánh Linh

    Giống như lạc vào một khu vườn, giản dị và đầm ấm, bắt đầu từ sự tò mò của 3 đứa trẻ là bạn thân của nhau, theo dõi, rồi sau đó làm quen ông cụ. Đâu đó trong câu chuyện vẽ lên những mối liên hệ vô hình giữa con người với con người. Được ở bên cạnh người mình yêu mến thì thật hạnh phúc, những bí mật khó nói nên kể ra vẫn hơn, quá khứ là quá khứ, thứ chúng ta có là hiện tại,… bao nhiêu bài học mà ba cậu nhóc nhận được khi ở cạnh ông cụ! Thế giới trong mắt những đứa trẻ trở nên rộng lớn và lại vắng vẻ hơn nhiều sau cái cái chết của ông cụ. Nhưng rồi họ cũng đã vượt qua, với một khoảng trống trong tim. Câu chuyện ngày hè chỉ có một vào năm đó có một kết thúc buồn, nhưng lại là những kỉ niệm đáng giá, khiến cho ba đứa trẻ ngày đó trưởng thành.

    “Nhất định chúng ta sẽ gặp lại mà!”

    Như câu mà cậu bé Yamashita đã nói, trên thế giới luôn có ai đó quen biết với ta, và vì thế giới rất nhỏ bé, một ngày nào đó, cho dù mùa hè đó đã qua, cho dù vườn hoa của 3 đứa trẻ ngày đó đã ngủ yên dưới đất, nhất định họ sẽ gặp lại

  7. Trịnh Trang

    Đọc qua các tác phẩm Nhật, phát hiện ra rằng tác giả người Nhật thường viết truyện thiên về tâm lý và tình cảm con người, với những suy nghĩ mang đậm tính triết lý, ý nghĩa, nhưng khá khó tiếp thu vì chính tầm “cao và sâu” của những triết lý ấy.

    Khu vườn mùa hạ cũng không vượt ra khỏi khuôn khổ ấy, vẫn triết lý, vẫn đầy tính nhân văn và sâu sắc ở mức độ bắt người đọc phải suy ngẫm, phải tư lự trong từng trang viết.

    Nhưng khu vườn mùa hạ còn làm được hơn thế. Đưa ra 1 câu chuyện, 1 tình huống khá phổ biến trong cuộc sống – người già thường phải ở một mình do con cháu bận bịu ko thể chăm lo.

    Viết về 1 vấn đề đơn giản, bình thường trong cuộc sống, nhưng Kazumi đã làm nên 1 câu chuyện ấm lòng giữa 1 cụ già và 3 đứa trẻ… Ấm lòng bởi thứ tình người giản đơn, giản đơn bởi những hành động nhỏ nhặt nhưng lại mang tới những tác động lớn… Tác động lớn bởi khi gấp trang sách lại, ai ai cũng sẽ phải ngẫm nghĩ về chính mình, về cách đối xử của mình đối với những người xung quanh và muốn thay đổi theo hướng tích cực hơn 😀

    Một câu chuyện đáng đọc và đáng ngẫm cho tất cả mọi người

  8. Lê Duy Uyên

    Thoạt đầu khi đọc nội dung giới thiệu cuốn sách , tôi đã nghĩ đây là cuốn sách dành cho thiếu nhi. Nhưng khi đã đọc rồi thì tôi nhận quyển sách này còn dành cho cả người lớn nữa. Nội dung đơn giản, câu chuyện nhẹ nhàng, đằm thắm, để rồi sau khi đọc xong thì bao nhiêu điều đọng lại, bao nhiêu điều cần con người ta suy ngẫm. Câu chuyện đề cập đến cái chết nhưng không hề bi lụy, trái lại còn rất sâu sắc, cho tôi một cái nhìn mới mẻ về sự sống, tuổi già và cái chết.
    3 cậu nhóc trong truyện thật dễ thương, những cuộc đối thoại của họ đôi khi rất hài hước, trẻ con nhưng lại thật đáng cho ta phải suy ngẫm.12 tuổi, là học sinh lớp Sáu,nhưng Wakabe, Yamashita và Kiyama đều dần có được những suy nghĩ rất người lớn , rất trưởng thành kể từ khi họ kết bạn với ông cụ. “…càng nhiều tuổi , người ta lại có nhiều ký ức. và rồi,một lúc nào đó khi chủ nhân chết đi, những ký ức sẽ hòa lẫn vào không khí, tan vào mưa, thấm vào đất, tiếp tục tồn tại. Chúng sẽ trôi đến nhiều nơi khác, và không chừng sẽ len lỏi vào tim những người khác nữa…”.
    tôi thật sự trân trọng và yêu quý những cảm nhận sâu sắc, đầy sự trải nghiệm mà Kazumi Yumoto đã chia sẻ trong Khu vườn mùa hạ .Giọng văn tâm tình , thủ thỉ như muốn thấm dần vào tim người đọc. Tuy nói về cái chết nhưng những gì trong Khu vườn mùa hạ cũng thật tươi sáng, đem lại niềm hy vọng về những sự khởi đầu mới cũng như cách sống sao cho thật trọn vẹn để khi chết đi chẳng ai trong chúng ta lại phải hối tiếc.
    đây là cuốn sách văn học Nhật thứ hai tôi đọc sau Cái lưng muốn đá, tôi cảm nhận rằng được văn học Nhật thường mang nhiều tư tưởng triết lý rất hay, thiên về tình cảm, bản chất , nơi sâu thẩm trong mỗi con người và mang sắc thái hơi đượm buồn. Và với tác phẩm này, tôi thực sự yêu quý ngòi bút cũng như tâm hồn của người đã viết nên cuốn sách- Kazumi Yumoto

  9. Nguyen Ngoc

    Đọc xong thì mình thấm nhất đoạn này
    “Biết đâu già đi lại là một điều hay. Bởi vì càng nhiều tuổi, người ta lại có càng nhiều ký ức. Và rồi, một lúc nào đó khi chủ nhân chết đi, những ký ức sẽ hòa lẫn vào không khí, tan vào mưa, thấm vào đất, tiếp tục tồn tại. Chúng sẽ trôi tới nhiều nơi khác, và không chừng, cũng sẽ thử len lỏi vào tim những người khác nữa. Thỉnh thoảng, có những nơi ta mới đến lần đầu nhưng chẳng hiểu sao lại có cảm giác như rất thân quen , không chừng đó là ký ức của một người xưa nào đó đang trêu chọc chúng ta. Nghĩ như vậy, tự nhiên tôi lại thấy vui.”
    Nói nó một cách hiểu theo trường phái duy tâm cho hiện tượng Deja Vu cũng không ngoa =))

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button