Người Đua Diều

(5 đánh giá của khách hàng)

Người Đua Diều có lẽ là cuốn sách đầu tiên giúp người đọc Việt Nam nhìn nhận một cách đầy đủ và chân thực nhất về vẻ đẹp cũng như nỗi đau của Afghanistan, một đất nước, một dân tộc, một nền văn hóa lâu đời bị tàn phá bởi những kẻ cuồng tín. Người Đua Diều là món quà tặng xúc động và đầy ý nghĩa nhà văn Khaled Hosseini gửi lại cho quê hương mình, nơi cuộc sống yên bình vẫn chưa trở lại.

Danh mục:

Câu chuyện là lời tự thuật của nhà văn người Mỹ gốc Afghanistan Amir về những năm tháng tuổi thơ đầy niềm vui cũng như lỗi lầm, về những ngày trôi dạt trên đất khách rồi cuộc hành trình trở lại quê hương đổ nát để cứu chuộc tội lỗi cho bản thân và cho cả người cha đã khuất. Theo dòng hồi ức của Amir, người đọc trở lại hơn hai mươi năm về trước, khi Amir còn là một cậu bé mười hai tuổi sống trong vòng tay che chở của Baba giàu sang và thanh thế. Cùng gắn bó với Amir suốt những năm tháng tuổi thơ là Hassan, con trai của người quản gia Ali, một cậu bé lanh lợi, mạnh mẽ nhiều lần xả thân để bảo vệ Amir. Thế nhưng tình bạn và lòng tận tụy của Hassan đã không được đền đáp, một ngày mùa đông năm 1975, Hassan vì ra sức bảo vệ chiếc diều xanh chiến lợi phẩm của Amir đã bị bọn trẻ xấu hành hung và nhục mạ. Sự nhu nhược và hèn nhát đã cản bước Amir cứu bạn, thậm chí, còn biến cậu thành một kẻ gian dối khi bịa chuyện nhằm đuổi cha con Ali và Hassan ra khỏi nhà. Và Amir đã phải trả giá cho lỗi lầm ấy trong suốt phần đời còn lại. Ngay cả khi anh đang sống sung túc trên đất Mỹ, ngay cả khi tìm được một mái ấm cho riêng mình hay thực hiện được mơ ước trở thành nhà văn, nỗi ám ảnh của một kẻ gian dối vẫn ngày đêm đeo đuổi Amir. Và cuối cùng, trở lại Afghanistan để cứu con trai Hassan khỏi tay bọn Taliban là con đường duy nhất để Amir chuộc lỗi với người bạn, người em cùng cha khác mẹ Hassan đã chết dưới họng súng Taliban.

Người đua diều có đầy đủ các yếu tố cần thiết để trở thành một tác phẩm best-seller: tính thời sự, cốt truyện ly kỳ, xúc động, xung đột gay gắt giữa các tuyến nhân vật, trong chính bản thân nhân vật… Và sự thật, tác phẩm đã nắm giữ vị trí đầu bảng của The New York Times trong 110 tuần. Ngoài những khía cạnh trên, sức hấp dẫn của Người đua diều còn bắt nguồn từ giá trị nhận thức sâu sắc.

5 đánh giá cho Người Đua Diều

  1. YJ Ngư

    Một cuốn sách thành công và đáng để suy ngẫm trong một thời gian dài. Cuốn sách mang đến cho chúng ta một hiện thực của cuộc chiến tranh và những hậu quả do nó để lại, gây ra bao đau thương, chết chóc. Nhiều người phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của mình để đến một đất nước hoàn toàn xa lạ, tự lập một cuộc sống mới. Thế nhưng, nội dung câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó mà nổi bật lên là một thứ tình bạn phi thường, tình bạn không bị giới hạn bởi không gian, thời gian hay những định kiến xã hội. Cuộc sống tuổi thơ bao tươi đẹp cũng mắc phải những tội lỗi, xót xa. Cuộc hành trình cứu chuộc tội lỗi lại khó khăn hơn gấp bội. Dù gian khó nhưng đó mới là điều hạnh phúc nhất cần phải làm được. Chính điều này đã tạo nên giá trị nhân văn sâu sắc cho tác phẩm.

  2. Toan Phuc

    Tuy là tiểu thuyết đầu tay, nhưng “Người đua diều” của Khaled Hosseini đã để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người đọc trên khắp thế giới. Câu chuyện về tình bạn của hai cậu bé Amir và Hassan khiến nhiều người không khỏi xót xa mà ám ảnh. Ngoài ra, một đất nước Afghanistan cũng được khắc họa một cách chân thực nhất với cuộc chiến tranh liên miên cướp đi cuộc sống của rất nhiều người vô tội. Xúc động, sâu sắc và nhân văn, đó là tất cả những điều có thể nói về tác phẩm này.

  3. Until You

    Một cuốn tiểu thuyết hay, một Afghanistan dịu dàng và nhức nhói, một tuổi thơ với những gam màu bình yên, đẹp và ám ảnh bởi một thứ tình bạn gợi nhắc tình bạn của những đứa trẻ không cùng giai cấp trong Cố Hương của Lỗ Tấn.. những phân đoạn mà Hassan đuổi chiếc diều cho Amir, ánh nắng trên mảnh đồi, cây lựu cổng nghĩa trang, những góc phố, cái thơm lên má của Amir dành cho Hassan, nụ cười khiếm khuyết trên cái môi hẻ, sự chân thành… thực sự rất đẹp! Tôi ít khi đọc tiểu thuyết nhưng có lẽ Người Đua Diều kéo tôi trở lại rồi. Cuốn sách thay đổi luôn cái nhìn của tôi về một Afghanistan mà tôi nghĩ chỉ có loạn lạc, chiến tranh và con người trong hoàn cảnh đó thì cũng chua chát và nhợp nhạp những tranh đấu sắc tộc, tôi đã nhầm! Khi Baba của Amir nắm một vốc bụi đất bên đường trong cuộc trốn chạy sang Pakistan, ông cho nó vào chiếc hộp, để vào ngực áo nơi cạnh tim đó là lòng yêu nước, khi ông nổi khùng lên trước đề nghị của tên lính Nga với người phụ nữ đạo hồi đang thút thít vì đó là sự đòi hỏi không phải là của con người, không tự trọng đó là tình người, là cái tôi lương thiện của gã đàn ông chân chính… Nếu có thể tôi chắc sẽ vẫn đọc lại cuốn sách này vài lần nữa!

  4. Trần Đình Mạnh Long

    “Người đua diều” là một câu chuyện chân thực về nghịch cảnh chiến tranh cũng như những thành kiến sắc tộc của đất nước Afghanistan đã đẩy hai người bạn, hai người anh em Amir và Hassan vào hoàn cảnh trớ trêu. Tác phẩm là một bức tranh bi thương về mất mát, lỗi lầm, tuy nhiên, ngời sáng lên trong đó là vẻ đẹp nhiệm màu của tình yêu, tình bạn đã hàn gắn những nỗi đau trong cuộc sống. Đọc tác phẩm, ta hiểu thêm nhiều điều về con người và văn hoá Afghanistan. Đặc biệt, mình rất ấn tượng với hình ảnh những trận đua diều, đó vừa là một hình ảnh đẹp về tuổi thơ của tình bạn, lại vừa mang đến một kết thúc trọn vẹn khép lại những nỗi đau!

  5. Phan Huyen

    Đây quả thực là tác phẩm kinh điển! Tôi bị cuốn hút ngay khi đọc những trang đầu tiên! Trước khi đọc tác phẩm, tôi có cách nhìn và cảm nhận khác về Afghanistan. Tôi thực sự bất ngờ về quá khứ rực rỡ, tươi đẹp của miền đất ấy! Một xã hội ấm áp tình người, 1 cuộc sống phong phú đậm chất thơ, một miền đất với nhiều bí ẩn thú vị… Tác giả mô tả mọi thứ sống động như chính ta đang sống ở đó! Ta ngửi thấy mùi thơm, nghe được những bài hát, nhìn thấy ánh hoàng hôn…
    Nhưng tất cả đã trở thành đống tro tàn, đổ nát nham nhở. Chiến tranh tàn phá mọi thứ, khiến con người tàn ác với nhau… Ta cũng thấy mình đau xót, tiếc thương cho con người nơi đó! Vì ta biết không bao giờ, và không điều gì có thể bù đắp được những điều chiến tranh đã gây ra!
    Những con người sống trong đau thương, căm giận, sợ hãi và cái chết đó vẫn âm thầm nuôi những điều tốt đẹp! Ali sau bao lỗi lầm, dằn vặt của quá khứ đã quay lại nơi này. A lao vao 1 chuyến đi bão táp, li kì, đau đớn…để chuộc lại lỗi lầm! Và chính mảnh đất với những con người bị bằm nát bới chiến tranh đó đã sẵn lòng bao dung với anh! Giống như minh chứng rằng, những giá trị tốt đẹp nhất trong văn hoá Afghanistan vẫn trường tồn dù tất cả những giá trj vật chất khác có biến mất!

  6. John Vu

    “Người Đua Diều” ra đời trong bối cảnh các vùng Trung Đông đang âm ỉ nội chiến. Những con người yêu nước buộc phải lưu vong với niềm tin một ngày nào đó nước nhà sẽ thống nhất, tình thương và niềm gắn kết dân tộc sẽ được tái thiết.

    Amir – người viết nên tác phẩm, cũng là nhân vật chính đã vẽ nên một Afghanistan tàn khốc và trần trụi như thế nào dưới sự tàn phá của chiến tranh.

    Trong phông nền đỏ rực ấy, tình yêu thương con người vẫn mãnh liệt theo cách riêng của nó. Có thể Amir yếu đuối, hèn nhát, thậm chí là phản bội nhưng người cha Baba vẫn yêu thương và dành tất cả những gì mình có cho cậu. Khi Baba là một ông chủ giàu có nhất nhì ở Afghanistan hay khi thời thế xoay chuyển, phải còng lưng lao động cực nhọc ở đất Mỹ thì tình yêu ông dành cho Amir là không hề thay đổi. Là chiếc đồng hồ đắt tiền tặng dịp sinh nhật Amir hay chiếc xe cà tàng mừng cậu lên Đại học ở Mỹ đều mình chứng cho tấm lòng của người cha Baba đáng kính, sẵn sàng hi sinh tất cả vì Amir.

    Phi thường và xúc động hơn nữa là lòng trung thành và tâm hồn cao đẹp của Hassan dành cho Amir. Vì Amir, Hassan sẵn sàng nhận mọi lỗi mà cậu không hề gây ra. Vì Amir, Hassan chạy dọc các triền đồi, ngõ xóm để đón con diều xanh mà Amir hằng mong ước. Vì Amir, Hassan chấp nhận trận đòn nhừ từ để bảo vệ những điều mà Amir đang có…”Vì cậu, cả ngàn lần rồi !” – câu nói của Hassan ám ảnh mãi tâm trí người đọc và sâu trong tâm khảm của Amir – người chưa từng một lần đáp trả tình cảm cao đẹp của Hassan,

    Đỉnh điểm của tác phẩm là hành trình tìm lại cội nguồn và chuộc mọi lỗi lầm của chính tác giả. Khi đã có mọi thứ sự nghiệp, gia đình, danh tiếng nhưng Amir vẫn không bao giờ quên được những ngày tháng ở Afghanistan, không bao giờ xóa nhòa những ký ức và tội lỗi chính mình gây ra.

    Đọc “Người đua diều”, người đọc sẽ cảm nhận tình cảm gia đình là điều vô cùng thiêng liêng và quý giá, hãy trân trọng mọi phút giây bạn có bên người thân yêu quý. Và một giá trị nhân văn cao đẹp nữa cần cảm thấu từ hành trình trở lại Afghanistan của Amir là bất kỳ ai trong đời cũng sẽ có những lỗi lầm không tránh khỏi, điều quan trọng là bản thân có dám đối mặt và nhận phần trách nhiệm về mình hay không.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button