Những Giá Trị Sống Dành Cho Trẻ Từ 8 Đến 14 Tuổi

Sách cung cấp các hoạt động khác nhằm tăng cường nhận thức về trách nhiệm cá nhân và xã hội, về công bằng xã hội. Việc phát triển lòng tự trọng và đức khoan dung cũng được giới thiệu thông qua các bài tập trong sách này.

Danh mục:

Giới thiệu

Những giá trị sống dành cho trẻ từ 8-14 tuổi mang tính suy ngẫm và giàu tính hình tượng, nhằm khơi dạy tính sáng tạo và tiềm năng sẵn có ở mỗi học sinh. Các hoạt động giao tiếp giúp các em biết ứng xử với người khác sao cho ôn hòa; các hoạt động nghệ thuật như ca hát, nhảy múa giúp tinh thần các em thêm phấn chấn và hứng khởi; trò chơi kích thích tư duy tăng thêm phần sinh động, vui vẻ cho cuộc sống của học sinh. Thêm vào đó, những cuộc thảo luận nhóm sau mỗi hoạt động còn giúp học sinh khám phá mức độ ảnh hưởng của những kiểu thái độ và hành vi khác nhau. Ngoài ra, sách cũng cung cấp các hoạt động khác nhằm tăng cường nhận thức về trách nhiệm cá nhân và xã hội, về công bằng xã hội. Việc phát triển lòng tự trọng và đức khoan dung cũng được giới thiệu thông qua các bài tập trong sách này.

Đọc thử

NHỮNG ĐIỂM SUY NGẪM VỀ HÒA BÌNH

-Hòa bình không chỉ là sự vắng bóng của chiến tranh.

– Hòa bình là sống hòa hợp và không gây gổ với người khác.

– Nếu mọi người trên thế giới đều cảm thấy bình an trong lòng, thế giới này sẽ trở nên một thế giới hòa bình.

– Hòa bình là sự yên tĩnh ở trong lòng.

– Hòa bình là khi tâm trí trở nên điềm tĩnh và thư thái.

– Hòa bình bao hàm những suy nghĩ tích cực, cảm xúc trong sáng, và những ước muốn tốt lành.

– Hòa bình bắt đầu từ mỗi chúng ta.

– Để sống trong bình an, ta cần có tình thương yêu và sức mạnh từ nội tâm.

– Hòa bình là một dạng năng lượng đem đến sự cân bằng.

– Hòa bình là đặc trưng nổi bật của một xã hội văn minh.

– Hòa bình phải bắt đầu từ mỗi chúng ta. Bằng cách giữ yên lặng và nghiêm túc suy nghĩ về ý nghĩa của hòa bình, chúng ta có thể khám phá ra những phương cách làm gia tăng sự thông hiểu, tình hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc.

– Ngài Javier Perez de Cuellar, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc

Mục đích: Cảm nhận Giá trị Hòa bình cho bản thân.

Các chủ điểm:

– Suy nghĩ và trân trọng giá trị Hòa bình.

– Trải nghiệm về cảm giác bình yên rồi vẽ hoặc viết về cảm giác đó.

– Xác định xem điều gì giúp cho học sinh cảm thấy bình yên.

– Sáng tác một bài thơ hoặc một mẩu chuyện về phút giây bình yên nhất.

– Tận hưởng khoảnh khắc yên lặng và bình an qua các bài thực hành thư giãn/tập trung trong lớp học.

– Giúp học sinh nâng cao khả năng tập trung.

– Thể hiện hòa bình qua nghệ thuật.

– Hát 2 bài hát về hòa bình.

Mục đích: Tăng cường hiểu biết về các yếu tố góp phần tạo nên một thế giới hòa bình.

Các chủ điểm:

– Hướng dẫn các em hình dung về một thế giới hòa bình và diễn tả nó bằng từ ngữ, tranh vẽ hay một bài luận ngắn.

– Giúp các em phân biệt sự khác nhau giữa một thế giới hòa bình và một thế giới xung đột.

– Chọn ra 10 biểu tượng tượng trưng cho một thế giới hòa bình.

– Tham gia làm một Chiếc bánh Hòa bình thế giới từ những phẩm chất của con người, chọn ra những phẩm chất mà các em cho là quan trọng nhất cho một thế giới Hòa bình và chia sẻ điều này với gia đình các em.

– Tham gia làm một tác phẩm cắt dán về “Cảm giác Hòa bình/Bình yên”.

Mục đích: Xây dựng những phương pháp tích cực, ôn hòa để giải quyết xung đột, bao gồm những kỹ năng hòa giải.

Các chủ điểm:

– Tham gia thảo luận về cảm giác của các em khi tiếp xúc với những người hẹp hòi, độc ác và người hay xúc phạm người khác.

– Suy nghĩ về kết quả của hòa bình và hậu quả của chiến tranh.

– Tập lắng nghe người khác qua một bài tập về giải quyết xung đột và nhắc lại những ý chính từ những điều người khác đã nói.

– Tham gia vào một bài tập giải quyết xung đột, nêu lên cảm nhận của các em và xác định những điều các em muốn và không muốn người khác làm. Các em có thể tham gia bằng cách đóng một vai trong bài tập, hoặc là người tham dự vào một cuộc xung đột có thật, hoặc là người hòa giải.

– Đưa ra hai ví dụ để cho thấy các em hiểu như thế nào khi cảm xúc đau đớn hay sợ hãi chuyển thành tức giận.

– Tìm ra hai suy nghĩ hay hai hành động làm gia tăng cảm xúc tiêu cực.

– Tìm ra hai suy nghĩ hay hai hành động làm gia tăng hòa bình.

– Sáng tác một câu chuyện hay nghiên cứu về một nhân vật đấu tranh cho hòa bình.

CÁC BÀI HỌC VỀ HÒA BÌNH

Thông thường Hòa bình là giá trị đầu tiên được giới thiệu trong nhà trường hoặc trong các lớp học. Nếu toàn trường thực hiện chương trình giáo dục Công dân, nhà trường có thể tổ chức một cuộc họp về nội dung giáo dục về Hòa bình.

Hằng ngày vào thời gian học các giá trị Sống, hãy hát một bài hát về hòa bình. Chọn một bài hát phù hợp với lứa tuổi các em. Theo red và kathy grammer, hát một bài hát về hòa bình cũng có nghĩa là “giảng dạy về hòa bình”. Những bài hát ưa thích của học sinh lớn tuổi hơn là bài “Imagine” (“Hãy hình dung”) của John Lennon và “We Are the World” (“Chúng ta là một thế giới”) của các ca sĩ mỹ. Bạn có thể yêu cầu các em đem đến lớp những bài hát có liên quan tới chủ đề này.

Bài học 1: Hình dung về một thế giới hòa bình

Bước 1 – Cho các em cùng hát một bài hát về hòa bình. Giải thích với các em rằng trong một vài tuần tới, nhà trường hoặc lớp chúng ta sẽ tìm hiểu một đề tài rất quan trọng, đó là Hòa bình.

Bước 2 – Giáo viên hỏi cả lớp:

– Em nào có thể nói cho thầy/cô biết về hòa bình?

– Hòa bình là gì?

– Một thế giới hòa bình có nghĩa là gì?

Chấp nhận tất cả mọi ý kiến và cám ơn các em đã chia sẻ ý kiến của mình. Tiếp tục bài học với bài thực hành Hình dung về một Thế giới Hòa bình.

Bước 3 – Hình dung về một Thế giới Hòa bình

Một điều kỳ diệu đối với mỗi học sinh ở tuổi các em là tất cả chúng ta đều biết về hòa bình. Thầy/cô muốn bắt đầu bài học bằng cách đề nghị các em sử dụng tâm trí của mình để tưởng tượng về một thế giới hòa bình. Hãy giữ mình điềm tĩnh, tĩnh lặng. Thầy/cô muốn vẽ một bức tranh trong tâm trí của em về một quả bóng to và rất đẹp, quả bóng này to đến mức các em có thể bước vào bên trong…, quả bóng này giống như một hành tinh nhỏ và em có thể dạo chơi trong tưởng tượng, đi vào tương lai, đến với một thế giới tốt đẹp hơn… Hãy từng bước đi vào bên trong và trôi bồng bềnh vào một thế giới thực sự hòa bình… Quả bóng dừng lại trên mặt đất của thế giới này, và em bước ra… Trông thế giới ấy ra sao?… Hãy tưởng tượng xem em cảm thấy thế nào… Thiên nhiên như thế nào?… Không khí như thế nào?… Những ngôi nhà trông giống cái gì?… Khi em bước đi xung quanh hồ, hãy tự mình cảm nhận xem nơi đó bình yên như thế nào… Hãy nhìn xuống hồ nước và ngắm nhìn hình ảnh phản chiếu của mình ở bên dưới… Em có thể cảm thấy thân thể của mình được thư giãn ở chốn yên tĩnh này… Khi em đi ngang qua một đám đông, hãy chú ý đến những biểu hiện trên gương mặt họ và cách họ nói chuyện, trao đổi với nhau như thế nào… Một số người mỉm cười và vẫy tay chào khi em bước vào trong quả bóng để quay trở lại đây… Quả bóng bồng bềnh đưa em quay về thực tại và có mặt tại lớp học này… Khi em đang ngồi đây, quả bóng biến mất, để lại trong em cảm giác tĩnh lặng và bình an.

Bước 4 – Chia sẻ: dành cho học sinh thời gian để chia sẻ với nhau về những gì các em đã tưởng tượng về một thế giới hòa bình. Một số em có thể thích chia sẻ trải nghiệm, hoặc thầy cô có thể yêu cầu các em trước tiên hãy chia sẻ về thiên nhiên, sau đó về bản thân và tiếp theo là hình dung về mối quan hệ với người khác như thế nào.

Bài học 2: Một thế giới hòa bình

Bước 1 – Bắt đầu bằng một bài hát về hòa bình. Thầy cô giáo có thể dạy cho những học sinh nhỏ hơn một bài hát. Bắt nhịp một bài hát cho các em lớn hơn. yêu cầu học sinh đem đến lớp một số bài hát mà các em ưa thích (hoặc trao đổi với các em về những bài hát đó, tùy theo tình huống).

Bước 2 – Giải thích rằng bạn muốn học sinh hình dung về thế giới hòa bình một lần nữa, sau đó yêu cầu các em viết hoặc vẽ những trải nghiệm của các em về một thế giới hòa bình.

Thực hành bài tưởng tượng Hình dung về một Thế giới Hòa bình một lần nữa.

Bước 3 – Hoạt động dành cho học sinh 8 – 11 tuổi: Chia lớp thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm vẽ một bức tranh lớn về một thế giới hòa bình. Nếu hoạt động này được tiến hành sau bài tập tưởng tượng ở trên thì khi các em thực hiện vẽ tranh trong tĩnh lặng sẽ thu được nhiều kết quả thú vị. Sau đó yêu cầu các em trả lời câu hỏi: “Những lời nói và hành vi nào giúp mỗi người cảm thấy bình yên?”. yêu cầu học sinh mang bức tranh của nhóm mình lên trước lớp và trình bày về nội dung bức tranh cho cả lớp cùng nghe.

Bước 4 – Hoạt động dành cho học sinh 12 – 14 tuổi: yêu cầu học sinh chia sẻ những suy nghĩ của các em về một thế giới hòa bình bằng cách viết một đoạn văn. Hoặc các em có thể viết ra một vài dòng, sau đó vẽ hình minh họa cho ý tưởng của mình.

Bài học 3: Sự đối lập giữa một thế giới hòa bình và một thế giới xung đột

Bước 1 – Giáo viên giải thích: “Hôm nay thầy/cô muốn nói với các em về sự khác nhau giữa một thế giới hòa bình và một thế giới xung đột. Những điều gì có trong thế giới xung đột mà không có trong thế giới hòa bình?”. Học sinh có thể nêu ra những điều như chiến tranh, súng đạn, tội phạm.

Bước 2 – Chia bảng thành 2 cột: Những hành động trong một thế giới hòa bình và Những hành động trong một thế giới xung đột. yêu cầu các em đưa ra ý kiến cho từng cột.

Bước 3 – Hoạt động dành cho học sinh 10 – 14 tuổi: Hướng dẫn các em cách hình thành Bản đồ tâm trí về một thế giới hòa bình. Học sinh cũng có thể xây dựng Bản đồ tâm trí về một thế giới có xung đột trong những ngày kế tiếp. Để bắt đầu làm Bản đồ tâm trí, mỗi học sinh vẽ một hình ảnh nhỏ ở chính giữa trang giấy; rồi bắt đầu từ hình ảnh này vẽ một số đường hướng ra ngoài (gọi là nhánh chính), sau đó vẽ thêm các nhánh phụ từ các nhánh chính này. Trên mỗi nhánh, các em sẽ viết những đặc điểm, khía cạnh khác nhau về hình ảnh nằm giữa tờ giấy. yêu cầu học sinh làm một bản đồ về một thế giới Hòa bình và một bản đồ khác về một thế giới Xung đột.

Nếu các em chưa từng xây dựng Bản đồ tâm trí trước đó, giáo viên cần phải giới thiệu cách làm. Hãy tham khảo thông tin hướng dẫn cách làm Bản đồ tâm trí ở phần Phụ lục 2.

Bước 4 – Biểu diễn hoặc hát một bài hát về hòa bình.

Bước 5 – Thảo luận điểm suy ngẫm:

– Hòa bình không chỉ là sự vắng bóng của chiến tranh.

– Hòa bình là sống hòa hợp và không gây gổ với người khác

– Nếu mọi người trên thế giới đều cảm thấy bình an trong lòng, thế giới này sẽ trở nên một thế giới hòa bình.

Bài học 4: Viên nhộng thời gian

Bước 1 – Giáo viên nói: “Hôm nay, hãy tưởng tượng rằng các em đang sống trong một thế giới hòa bình như các em đã hình dung hôm trước, và các em được yêu cầu tạo ra một viên nhộng thời gian để các thế hệ trong tương lai biết về thế giới hòa bình của các em. Mười vật dụng nào các em sẽ chọn để bỏ vào trong viên nhộng thời gian ấy để cho các thế hệ tương lai biết nhiều hơn về một thế giới hòa bình?”.

Bước 2 – Học sinh có thể tự thực hiện một mình, theo từng cặp hay theo nhóm nhỏ. Các em có thể vẽ hoặc viết ra tên của mười vật dụng.

Bước 3 – Các em chia sẻ mười vật dụng này của nhóm mình cho cả lớp.

Bước 4 – Các em chia sẻ trải nghiệm và bài học của mình cuối buổi.

Bài học 5: Nếu tất cả chúng ta đều bình yên

Bước 1 – Bài hát : dạy hoặc hát chung với các em một bài hát về hòa bình của Việt Nam hoặc chia sẻ cùng các em một bài hát về hòa bình mà bạn yêu thích.

Bước 2 – Giáo viên viết các điểm suy ngẫm sau lên bảng, sau đó yêu cầu em học sinh nào đó đọc to những điểm suy ngẫm này cho cả lớp.

– Hòa bình là sự yên tĩnh ở trong lòng.

– Hòa bình là khi tâm trí trở nên điềm tĩnh và thư thái.

– Hòa bình bao hàm những suy nghĩ tích cực, cảm xúc trong sáng và những ước muốn tốt lành.

Bước 3 – Thảo luận: (giáo viên chia các em thành những nhóm nhỏ từ 3 đến 4 em. Cho các em ngồi theo vòng tròn trong khi chia sẻ).

– Nếu mỗi người trên thế giới đều cảm thấy bình yên trong lòng, liệu thế giới này sẽ bình yên hơn không? tại sao?

– Cảm giác bình yên giống như thế nào?

Bước 4 – Giới thiệu bài thực hành Thư giãn: “Ngày nay, nhiều người trên thế giới cảm thấy bị stress. Em đã bao giờ nghe thấy một người lớn nào nói rằng họ bị stress chưa? Một trong những cách để loại bỏ stress và cảm thấy bình yên hơn là thực hiện thư giãn thân thể. Khi chúng ta loại bỏ được căng thẳng, chúng ta có thể làm được mọi việc một cách tốt nhất. Chúng ta hãy cùng tập thử nhé”. Nếu có thể, hãy mở cho các em nghe những đoạn nhạc êm dịu trong khi đọc chậm, rõ ràng với giọng bình yên.

Bước 5 – Bài thực hành Thư giãn cơ thể

Ngồi thoải mái… và thư giãn… Khi thư giãn, hãy để cho cơ thể cảm nhận sức nặng và tập trung chú ý vào đôi bàn chân của em… Căng nhẹ tất cả các cơ ở đôi bàn chân lên trong một lúc… rồi thả lỏng chúng… Hãy để cho chúng được thư giãn… Bây giờ, chú ý đến cẳng chân, cảm thấy sức nặng của chúng… căng các cơ trong một lúc… rồi thả ra… Bây giờ đến bụng… Căng các cơ trong bụng một lúc… rồi lại thả lỏng… Giải tỏa mọi căng thẳng… Hãy nhận biết về hơi thở của mình, thở chậm hơn và sâu hơn… Hít thở sâu vào, để không khí từ từ thoát ra ngoài… Bây giờ, hãy căng các cơ ở phía sau lưng và ở vai… rồi thả lỏng chúng… Để cho cơ bàn tay và cánh tay căng lên… và thả ra… Nhẹ nhàng xoay cổ… qua một bên, rồi xoay sang bên đối diện… Thả lỏng cổ… Bây giờ, căng các cơ mặt và quai hàm… rồi thư giãn mặt và hàm… Hãy để cho cảm giác thoải mái lan truyền khắp cơ thể… Tập trung vào hơi thở, đón nhận luồng không khí trong lành và đẩy mọi căng thẳng ra ngoài… Tôi thư giãn… Trong một trạng thái thoải mái… và giờ đây, cơ thể tôi đang ở trong trạng thái khỏe khoắn nhất.

– Đóng góp của Guillermo Simó Kadletz

Bước 6 – Hoạt động dành cho học sinh 8 – 10 tuổi: Hãy chọn một màu để vẽ về hòa bình.

Bước 7 – Hoạt động dành cho học sinh 11 – 14 tuổi: Hãy viết về khoảng thời gian mà em cảm thấy thực sự bình yên.

Bước 8 – Cho các em chia sẻ bức tranh của mình và bài học các em học được.

Bài học 6: Nướng một chiếc bánh hòa bình thế giới

Giáo viên cho các em làm một Chiếc bánh Hòa bình thế giới từ những phẩm chất và tính cách của con người. Hoạt động này tạo cơ hội cho học sinh suy nghĩ về một thế giới tốt đẹp hơn, cùng sáng tạo và thảo luận về những điều các em cho là quan trọng với bạn bè, bố mẹ và thầy, cô giáo (các em có thể làm việc độc lập, theo từng cặp hoặc theo nhóm nhỏ để “nướng” chiếc bánh này).

Bước 1 – Giáo viên nói: Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau làm những Chiếc bánh Hòa bình thế giới. Các em hãy nghĩ xem thành phần của những Chiếc bánh Hòa bình thế giới gồm có những gì?

Bước 2 – Giáo viên hỏi cả lớp:

– Đâu là những phẩm chất tốt đẹp nhất mà em nghĩ cần phải có trong “Chiếc bánh Hòa bình Thế giới”?

– Tất cả các nguyên liệu làm bánh đều cần phải tinh khiết hay em sẽ trộn thêm một số nguyên liệu “không tốt lắm” vào đấy để nhắc nhở rằng chúng ta cần phải làm việc cùng nhau để loại bỏ những thứ gây tổn hại hay đau đớn kia?

Bước 3 – Giáo viên chia các em thành những nhóm nhỏ khoảng 3 đến 5 em. Sau khi các em ổn định trong nhóm của mình, giáo viên giải thích rõ cho các em các bước làm bánh như thế nào. Các em có thể làm các loại bánh Hòa bình khác nhau – bánh chưng, bánh kem,…

a) Các em cùng chọn các nguyên liệu: Lập danh sách những phẩm chất tốt nhất mà em muốn đưa vào để làm Chiếc bánh Hòa bình thế giới.

b) Các em cùng tính trọng lượng mỗi nguyên liệu: đong từng nguyên liệu bằng gam, kilogam, tấn, theo tỷ lệ phần trăm.

c) Trộn các nguyên liệu và nướng bánh: mô tả trình tự cho các nguyên liệu vào máy trộn và giải thích em sẽ trộn và nướng chiếc bánh này như thế nào. (Những học sinh nhỏ tuổi hơn có thể cùng với bố mẹ xem sách dạy làm bánh ở nhà vào buổi tối trước khi học bài 6).

Có thể xem qua ví dụ về Chiếc bánh Hòa bình thế giới mà một học sinh trung Quốc đã làm ở phần Phụ lục 1.

Bước 4 – Kết thúc bài 6 bằng một bài hát về hòa bình.

Bài học 7: Tiếp tục nướng chiếc bánh hòa bình thế giới

Bước 1 – Giáo viên giải thích cho học sinh rằng các em sẽ tiếp tục cùng nhau làm Chiếc bánh Hòa bình thế giới.

Bước 2 – Cho các em tiếp tục nghĩ ra các nguyên liệu để làm Chiếc bánh Hòa bình thế giới và viết chúng ra theo thứ tự (nếu các em chưa làm xong ở bài số 6).

Bước 3 – Cho các em tự trình bày công việc: Các em có thể ghi chép lại công việc của mình theo cách mà các em muốn. Những trình bày này có thể đơn giản, ấn tượng, sáng tạo và được minh họa theo ý các em. (Nếu các em làm việc độc lập, sẽ phải cần thêm một ngày nữa).

Bước 4 – Chia sẻ kết quả: Hãy kể về Chiếc bánh Hòa bình thế giới của em với bạn bè và gia đình. Giải thích tại sao lại dùng những nguyên liệu này và cách nướng đã làm chiếc bánh có “hương vị” như thế. Mời mọi người chia sẻ cảm nhận về chiếc bánh của em.

Bước 5 – Trưng bày – Cho kết quả công việc của em vào một bìa hồ sơ, dán trên tường hay trên cửa sổ một cửa hàng ở nơi em sống.

Bước 6 – Giáo viên yêu cầu các em thực hành những giá trị, phẩm chất mà các em đã chọn làm thành phần cho bánh. Khuyến khích các em thực nghiệm các giá trị đó với bạn bè, gia đình…

Lựa chọn khác: Gửi bản sao kết quả này cho tổ chức Sứ giả Hòa bình thế giới (World Peace messenger organization) thuộc Liên Hợp Quốc.

– Đóng góp của Peter Williams

Bài học 8: Một nơi đặc biệt

Bước 1 – Giáo viên hỏi cả lớp:

– Em có một nơi nào đặc biệt để có thể ngồi yên tĩnh và suy nghĩ không?

– Tại sao đôi khi chúng ta cần yên tĩnh và bình an?

– Khi yên tĩnh và bình an, em cảm thấy trong lòng thế nào?

– Những điều gì cản trở chúng ta cảm nhận sự bình yên?

Bước 2 – Thảo luận điểm suy ngẫm:

– Hòa bình bao hàm những suy nghĩ tích cực, tình cảm trong sáng và những ước muốn tốt lành.

Bước 3 – Bài thực hành thư giãn – Ngôi sao Bình yên mở nhạc nhẹ và đọc đoạn văn sau chậm rãi, ngừng lâu một chút sau mỗi dấu chấm lửng:

Một cách để cảm nhận bình yên là giữ tĩnh lặng trong lòng. Trong giây lát, hãy nghĩ về những ngôi sao và hình dung chính mình cũng giống như những ngôi sao ấy. Chúng đẹp làm sao trên bầu trời, chúng lấp lánh và tỏa sáng. Chúng thật tĩnh lặng và bình an. Hãy để cho cơ thể nghỉ ngơi… Thả lỏng các ngón chân và cẳng chân… Thả lỏng bụng… và vai… Thả lỏng bàn tay… và khuôn mặt… Hãy để cho cảm giác an toàn tràn ngập… và một luồng sáng dịu, bình yên nhẹ nhàng bao quanh bạn… Em giống như một ngôi sao nhỏ xinh đẹp… Em, một ngôi sao nhỏ ở trong thân thể này, tràn đầy ánh sáng bình yên… Ánh sáng ấy thật dịu dàng… Hãy nghỉ ngơi trong ánh sáng bình yên và yêu thương đó… Hãy để chính mình được yên tĩnh và bình an trong tâm hồn… Em có thể chú ý… Tập trung… Mỗi khi em muốn cảm thấy bình yên trong lòng, em có thể giữ tĩnh lặng… hài lòng… Trở thành một ngôi sao bình yên.

Bước 4 – Hoạt động: yêu cầu các em sáng tác một mẩu truyện ngắn hay một bài thơ về những giây phút các em cảm thấy bình yên nhất: “Tôi cảm thấy bình yên nhất khi…”

Bước 5 – Giáo viên yêu cầu một vài em đọc câu chuyện hoặc bài thơ của mình cho cả lớp.

Bài học 9: Tăng cảm giác bình yên trong trường học

Bước 1 – Giáo viên giới thiệu “Chúng ta đã lập một danh sách về những điều khác biệt giữa một thế giới hòa bình và một thế giới xung đột. Hôm nay, thầy/cô muốn các em nghĩ về sự khác nhau giữa một trường học bình yên và một trường học có sự xung đột”.

Bước 2 – Giáo viên hỏi cả lớp:

– Những việc gì có thể xảy ra trong trường học bình yên và trong trường học có sự xung đột?

– Mọi người cảm nhận như thế nào về những bạn hiếu chiến, thích đánh nhau?

– Mọi người cảm thấy thế nào trong một trường học bình yên?

Bước 3 – Giáo viên nói: “Giống như mọi người tạo ra thế giới cho mình, học sinh tạo ra những gì diễn ra trên sân trường, và chúng ta tạo ra những gì đang diễn ra trong lớp học này”.

Bước 4 – Giáo viên hỏi cả lớp:

– Em muốn kiểu lớp học như thế nào?

– Có việc gì mà em muốn thử thực hiện để làm cho lớp học của chúng ta trở nên bình yên hơn không?

Bước 5 – Giáo viên hãy tôn trọng và lắng nghe tất cả mọi ý kiến. yêu cầu học sinh chọn ra một điều các em muốn thử thực hiện. Đối với những học sinh nhỏ tuổi hơn, hãy giúp các em đưa ra những đề nghị cụ thể, chẳng hạn như: sau bữa ăn trưa, trong lớp có thể bật một bài hát về hòa bình, hay chúng ta có thể thực sự lắng nghe khi những người khác đang chia sẻ. Hãy làm thử và yêu cầu các em đánh giá quá trình thực hiện. Hãy để cho cả lớp quyết định xem các em có muốn thực hiện ý tưởng này một lần nữa vào hôm sau không.

Bài học 10: Tác phẩm cắt dán thể hiện cảm nhận về hòa bình hay sự bình yên

Bước 1 – Cho học sinh thực hành thư giãn Ngôi sao Bình yên.

Bước 2 – Giáo viên hỏi cả lớp:

Theo em, những biểu tượng nào tượng trưng cho hòa bình hay sự bình yên?

Bước 3 – Hoạt động: dựa theo suy nghĩ của học sinh về ý nghĩa của hòa bình, hướng dẫn các em vẽ hình hay chế ra một đồ vật, hoặc tìm kiếm những tranh ảnh, biểu tượng về thế giới hòa bình trong các tạp chí mà các em đã sưu tầm. Nói với các em rằng đây là bước đầu tiên để làm một bức tranh cắt dán. yêu cầu các em bắt đầu thực hiện tác phẩm bằng các hình ảnh, hình vẽ và ảnh chụp. Đề nghị các em tiếp tục bổ sung những biểu tượng mới, các chi tiết và những từ ngữ mới mô tả về thế giới hòa bình này.

– Đóng góp của Sabine Levy

Bài học 11: Những lời nói hòa bình

Bước 1 – Giáo viên cho học sinh thảo luận các điểm suy ngẫm sau:

– Hòa bình là một dạng năng lượng đem lại sự cân bằng.

– Hòa bình là đặc trưng nổi bật của một xã hội văn minh.

Bước 2 – tiếp tục thực hiện tác phẩm cắt dán. Các em có thể đem thêm tranh ảnh từ nhà tới để bổ sung vào bức tranh đó.

Bước 3 – Giáo viên hướng dẫn học sinh ghi những lời bình vào tranh về cách các em hiểu về hòa bình và đóng góp thêm những hình ảnh diễn tả hòa bình. dán những lời bình luận hay các bài thơ ngắn lên bức tranh cắt dán.

Bước 4 – giáo viên cho học sinh thực hành một bài tập thư giãn hoặc sử dụng một hoặc hai lời bình do các em tự viết.

– Đóng góp của Pilar Quera Colomina

Bài học 12: Đôi cánh tay

Bước 1 – Giáo viên giới thiệu bài học và gợi ý cho các em nghĩ đến nhiệm vụ của những đôi tay.

Bước 2 – Giáo viên hỏi cả lớp:

– Em biết gì về đôi cánh tay của chúng ta? Chúng ta dùng chúng để làm gì?

Chắc chắn học sinh sẽ nói với bạn về đôi tay như một bộ phận của cơ thể. Hãy nói với các em những điều đôi tay có thể làm. “Chúng có thể ôm bạn bè, nhặt đồ vật, nấu ăn, vẽ những bức tranh đẹp, ném bóng, xây những tòa nhà cao tầng, chữa bệnh cho gia súc… Các cánh tay nối liền là dấu hiệu của sự thân thiết và là bạn bè. Tay cũng có thể đẩy, xô và đánh lại người khác. Tạo ra hòa bình hay xung đột cũng đều xuất phát từ cách chúng ta sử dụng đôi tay của mình. Cách chúng ta sử dụng đôi tay của mình tạo ra sự khác biệt”. Hãy hỏi các em:

– Em cảm thấy thế nào khi những người khác dùng tay của họ để gây đau đớn cho em hay cho một người mà em quan tâm? (Chấp nhận mọi câu trả lời và những biểu hiện cảm xúc của học sinh. Nhận xét: “Đúng, quả là đau đớn khi có kẻ làm tổn thương chúng ta”).

Bước 3 – Nếu chưa có học sinh nào nêu lên ý tưởng này, hãy nói với các em rằng từ “bàn tay” còn đồng nghĩa với từ “vũ khí”. Bàn tay con người cũng được sử dụng để chế tạo súng ống và vũ khí cho chiến tranh. Bàn tay con người có thể sáng tạo ra mọi vật và cũng có thể phá hủy tất cả mọi thứ.

Bước 4 – Giáo viên hỏi cả lớp:

– Các em hãy suy nghĩ xem tại sao lại có những người gây ra chiến tranh?

– Các em muốn nói gì với những người này?

Chấp nhận mọi ý kiến của học sinh.

Bước 5 – Giáo viên nói: “Có một câu khẩu hiệu là: Tay dùng để ôm ấp, chứ không phải để xô đẩy nhau”. Hỏi:

– Các em có thể nghĩ ra những câu khẩu hiệu khác về lợi ích của đôi tay không? (đưa ra một hoặc hai ví dụ nếu học sinh chưa nghĩ ra, chẳng hạn: tay dùng để trao tặng chứ không phải để giành giật. Tay dùng để nắm lấy nhau chứ không phải để làm đau nhau. Hãy sáng tác những câu khẩu hiệu có tính hài hước).

– Các em có thể nghĩ ra một câu khẩu hiệu nào để nói với một ai đó đang quấy rầy em không?

Bình luận: “Mọi người cần biết rằng làm tổn thương người khác không phải là điều đúng đắn”. Hãy viết lại những ý kiến của học sinh và lưu chúng lại trên bảng để dùng cho bài học khác. Hỏi:

– Có em nào nghĩ ra thêm một khẩu hiệu khác về hòa bình không?

Bước 6 – Hoạt động: đề nghị học sinh làm một tấm áp phích về hòa bình. Ví dụ: hình ảnh những cánh tay nối liền nhau, một khẩu súng biến thành chim bồ câu, những cánh tay của học sinh bao quanh hình ảnh đất nước v.v.

Bước 7 – Giáo viên cho các em trình bày tấm áp phích của mình trước cả lớp, sau đó cho từng nhóm dán sản phẩm của mình lên tường, xung quanh lớp học.

Bước 8 – Kết thúc với Bài thực hành thư giãn Ngôi sao Bình yên.

Trích dẫn

Đang cập nhật..

Thể loại

19 sách kỹ năng sống hay thay đổi cuộc sống của bạn - 19 sách kỹ năng sống hay được viết bằng một phong cách gần gũi và dí dỏm sẽ giúp bạn mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn, dạy bạn cách vượt qua nghịch cảnh, trung thực với chính mình. Bài học diệu kỳ từ chiếc xe rác Bạn có dễ bị tác động bởi cách hành… Đọc thêm

Nơi bán

 

Nhận hàng ngay chỉ trong vài giờ với gói TIKINOW tại TP.HCM, HN, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 140k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

Tới nơi bán

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào.

Hãy là người đầu tiên nhận xét “Những Giá Trị Sống Dành Cho Trẻ Từ 8 Đến 14 Tuổi”

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button