Cảm nhận sách

Giải mã sức hút của Quân khu Nam Đồng

Những ngày cuối năm 2016, trong danh sách tổng kết những cuốn sách nổi bật nhất trong năm, Quân khu Nam Đồng hầu như có mặt ở hàng loạt trang báo. Điều gì làm nên sức hút như vậy cho tác phẩm này, nhất là khi tác giả của nó, Bình Ca, là cái tên lần đầu chạm ngõ văn chương?

In 6 lần sau nửa năm ra mắt

Quân khu Nam Đồng được NXB Trẻ ấn hành lần đầu tiên vào trung tuần tháng 4/2015. Tính đến thời điểm này, sau hơn nửa năm, Quân khu Nam Đồng đã được in đến lần thứ 6 và vẫn chưa thôi tạo làn sóng dư ba trong lòng độc giả.

Xuyên suốt hơn 400 trang sách là những câu chuyện xoay quanh các cô cậu mới lớn ở khu gia binh lớn nhất Hà Nội thời chiến tranh chống Mỹ, khu tập thể Nam Đồng. Đấy là những Việt, Hòa, Khanh, Ngọc, Hoàng, Quang Anh, Quốc Tẩm, Hà Tư, Giang Cận, Anh Sơn…, rồi Mai Hương, Liên, Tuyết Minh, Hoàng Yến, Lê Dung… Các ông bố của họ ở nơi hòn tên mũi đạn, nếu không thì cả tháng hoặc hơn mới đáo qua nhà một lần. Khu gia binh thời bấy giờ là thế giới của các bà mẹ và những đứa con của lính.

Ở đấy, độc giả sẽ được cười “thả ga” với những chiêu trò của các nhân vật trong truyện mỗi khi phải đối phó với nhà trường, thầy cô, gia đình; rồi căng người hồi hộp theo các trận “đánh đông dẹp bắc” của đám choai choai mới lớn ở khu Nam Đồng với thanh niên các khu phố khác chỉ để chứng tỏ sức mạnh đoàn kết và không cho kẻ khác xúc phạm đến danh dự của người lính cũng như con của người lính; rồi sụt sùi rớt nước mắt khi các nhân vật tri ân thầy cô, hoặc sa ngã vào vòng tù tội bởi sự bồng bột mới lớn; thấp thỏm với chuyện tình yêu, với những lá thư tay mà lời văn bay bướm, bây giờ có thể bị gọi là “sến” nhưng đặt trong bối cảnh không gian ấy thật lung linh, huyền ảo…

Tất cả đều lấp lánh đẹp. Chẳng có tốt xấu, chẳng có lên án cái này chỉ trích cái kia hay tôn vinh cái khác. Nếu có tôn vinh, là tôn vinh cả thời tuổi trẻ, cả thế hệ trẻ thuở ấy, có bồng bột có hoài bão có ước mơ có chí khí, nhìn cuộc đời sòng phẳng, thẳng bằng như đường đạn.

Quân khu Nam Đồng dày dặn về số trang, dày hơn rất nhiều so với một cuốn tiểu thuyết thông thường, nhưng tác giả/ NXB không gọi đấy là tiểu thuyết, cũng không là truyện dài, chỉ vẻn vẹn một chữ: truyện. Chắc chắn nhiều nhà văn hoặc cây viết thạo nghề khi đọc sẽ chép miệng tiếc rẻ, rằng với nguyên liệu như này hoàn toàn có thể dụng công để cho ra đời một cuốn tiểu thuyết theo đúng nghĩa. Tác giả Bình Ca không phải là nhà văn, trước đó chưa từng công bố tác phẩm văn chương nào. Có thể chính điều này cũng là yếu tố góp phần làm nên thành công của Quân khu Nam Đồng?!

Cuốn sách về tuổi trẻ một thời cho tuổi trẻ mọi thời

Sự không câu nệ về kĩ thuật, không tính toán lớp lang, không có ý đồ tổ chức kết cấu truyện cho “ra trò” kiểu thường thấy ở người viết chuyên nghiệp đã làm Quân khu Nam Đồng có màu sắc mà những tác giả chuyên nghiệp có khi lại thiếu, đấy là sự tươi mới trong cách kể, thoải mái phóng khoáng trong hành văn. Có gì kể vậy. Nhớ đến đâu kể đến đấy. Tự nhiên nhi nhiên.

“Quân khu Nam Đồng” – Gương mặt chiến tranh từ một mảnh ghép ký ức

Tất nhiên, sự thành công của Quân khu Nam Đồng không thể bỏ qua tác động của yếu tố truyền thông. Nhưng rõ ràng, nếu tự thân cuốn sách chỉ dừng lại ở mức độ như mọi cuốn sách khác thì truyền thông cũng chỉ là muối bỏ biển, tạo được làn sóng li ti trong thoáng chốc mà thôi. Sức lan tỏa bền bỉ và lâu dài phải đến từ bên trong, nội tại của chính cuốn sách. Tự thân câu chuyện mà cuốn sách chuyên chở đã đủ hấp lực với bạn đọc.

Với các bạn đọc cùng thế hệ của những nhân vật trong sách, họ như thấy lại hình ảnh một thời sôi nổi của chính mình. Không chỉ là tuổi thanh xuân khu biệt ở Nam Đồng, mà những nhân vật, những thanh niên mới lớn của khu gia binh là tiêu biểu, rõ nhất, đầy đủ nhất, cho hình ảnh người trẻ của thế hệ ấy. Vừa trong trẻo hồn nhiên lại vừa liều lĩnh dám làm dám chịu, vừa mong manh lại vừa quả quyết dấn thân khi cần. Đủ cả những sắc thái thang bậc của âm mưu và tình yêu mới lớn. Ồn ào và sôi nổi. Khi cần họ cũng lặng mình đi, nước mắt chảy dài trước những tình huống trớ trêu của cuộc sống, trước sự ra đi của bạn bè, trước mất mát đau thương, trước sự chia ly, trước thân phận hẩm hiu do thời cuộc…

Độc giả của Quân khu Nam Đồng, trước tiên, có lẽ là chính những con người ở từ 500 căn hộ thuở ấy nơi đây, rồi lan rộng ra đến bạn bè họ. Thế hệ mà hiện giờ đang ở độ tuổi trăm thứ phải lo, thời gian giành cho sách không nhiều nữa, nhưng khi chạm được vào “tim đen” của họ rồi thì chính họ lại muốn bạn bè và người thân đọc với ý nghĩ: Đọc đi, thế hệ tôi/mình/bố/mẹ là như vậy đấy, sống như vậy đấy. Nhìn cách Quân khu Nam Đồng lan tỏa trên mạng xã hội facebook, người quan sát không cần quá nhạy cảm cũng phần nào hiểu được điều ấy.

Từ thế hệ trong cuộc, 5X và 6X, Quân khu Nam Đồng “xâm thực” sang độc giả thế hệ sau chẳng có gì khó hiểu, kể cả là thế hệ 9X bây giờ, bởi đơn giản, đồng ý khoảng cách thế hệ là có, nhận thức ở mỗi thế hệ có thể khác, nhưng xét đến tận cùng cung bậc cảm xúc cốt lõi vẫn vậy, đấy là vấn đề con người nhất, trong sâu thẳm con người nhất. Thế hệ nào thì cũng đều có một thời tuổi trẻ. Và tuổi trẻ nào cũng vậy, như chính tuổi trẻ ở Quân khu Nam Đồng.

Và như vậy, văn chương, sau tất cả, điều quan trọng nhất vẫn là chạm được đến xúc cảm của người đọc, bất kể bằng cách thức nào. Quân khu Nam Đồng đã làm được điều ấy, bằng cách giản dị nhất, chẳng mảy may làm dáng hay dụng công hoa mỹ. Đấy là cuốn sách về tuổi trẻ một thời cho tuổi trẻ mọi thời.

 Lê Hòa Long

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Hai 21, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 2, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button