Cảm nhận sách

‘Mộ phần tuổi trẻ’ – hư cấu nhưng đừng khác lịch sử

Tiểu thuyết của Huỳnh Trọng Khang có cốt truyện cuốn hút, đáng tiếc khi có vài chi tiết lạc lõng, có lẽ do người viết thiếu kiến thức thực tế.

Mộ phần tuổi trẻ là tiểu thuyết của tác giả sinh năm 1994 Huỳnh Trọng Khang. Tác phẩm gây chú ý khi phát hành cuối năm 2016, cho thấy một cây bút có triển vọng.

Trong tiểu thuyết, tác giả dựng lên câu chuyện hấp dẫn về một thời kỳ biến động của đất nước. Nhân vật chính là con trai một trung tướng không rõ tên của chính quyền Sài Gòn, bên cạnh việc sống, sinh hoạt, yêu, đã chứng kiến tất cả những bước ngoặt lịch sử trong suốt một thời gian dài, từ cuối những năm 1950 đến nay, và tập trung vào năm 1967, trước sự kiện chiến cuộc Mậu Thân khốc liệt.

Do là tác phẩm hư cấu, không ai thắc mắc khi tác giả cho nhân vật chính gặp gỡ rất nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử miền Nam Việt Nam, từ Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Trần Văn Đôn, đến Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn…

Thậm chí, tác giả còn “đưa” nhân vật vào ngủ trong Dinh Độc lập một đêm, khi xây dựng tình tiết người yêu của anh là cháu họ tổng thống chế độ cũ Nguyễn Văn Thiệu cũng không quá bất ngờ, vì đó chỉ là trong tiểu thuyết.

Cốt truyện cho con trai viên tướng Việt Nam Cộng hòa yêu và giúp đỡ một cô nữ sinh hoạt động cho Việt cộng cũng không quá gây sốc, bởi trong điều kiện lịch sử nước ta lúc đó, rất nhiều gia đình có người tham gia hai phía bên này, bên kia, thậm chí các tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh, Trần Văn Hương còn có người thân là sĩ quan trong quân đội miền Bắc.

Tuy nhiên, do cốt truyện dựa vào lịch sử, việc tác giả để lộ ra nhiều chi tiết bất hợp lý hoặc sai lệch so với lịch sử, làm bối rối những độc giả yêu thích lịch sử.

Điển hình như ngay từ trang đầu, tác giả mô tả Tổng thống Ngô Đình Diệm ngồi ăn cơm với “tay bác sĩ mật vụ Lê Quang Tung”. Lê Quang Tung là một nhân vật có thật, nguyên là một sĩ quan cao cấp trong quân đội Việt Nam Cộng hòa. Trước khi bị giết trong cuộc đảo chính ngày 1/11/1963, Lê Quang Tung là đại tá, chỉ huy trưởng lực lượng đặc biệt và chưa bao giờ là bác sĩ. Nhiều khả năng tác giả nhầm nhân vật này với bác sĩ Trần Kim Tuyến, người có theo học ngành y và cầm đầu lực lượng mật vụ dưới chính quyền nhà Ngô.

Hoặc tác giả viết về mùa hè năm 1967, “thành thị sục sôi bởi những cuộc biểu tình từ ‘ký giả ăn mày'” (trang 16). Điều này hoàn toàn bất hợp lý, vì phong trào “ký giả ăn mày” chỉ diễn ra vào đầu năm 1970 để phản đối việc chính quyền Sài Gòn tăng gấp đôi giá giấy in báo, khiến các báo khó khăn. Việc đưa một sự kiện có thật nhưng không đúng thời điểm vào như vậy là bất hợp lý, cho thấy tác giả chưa kiểm tra kỹ sự kiện này có liên quan thế nào tới thực tế lịch sử.

Do xây dựng hình ảnh bố nhân vật chính là một vị tướng của quân đội Sài Gòn, tác giả viết “ông vận quân phục với tất cả bông mai, huy chương” (trang 26)… Đây cũng là một chi tiết sai mà không riêng Huỳnh Trọng Khang, nhiều người viết văn trước đó cũng mắc phải, do không nhớ rằng trong quân đội Việt Nam Cộng hòa, bông mai là cấp hiệu dành cho cấp tá (màu vàng) và úy (màu bạc), còn cấp tướng chỉ đeo sao.

Mô tả các chiến sĩ quân giải phóng, cuốn sách viết “trên tay họ là những khẩu AK – vốn là vũ khí của quân Mỹ”. Chi tiết này có lẽ khiến bất kỳ độc giả yêu lịch sử nào cũng ồ lên, vì nhầm lẫn quá lớn, khi cho quân đội Mỹ sử dụng vũ khí thông dụng của… phe Xã hội chủ nghĩa.

Hoặc chi tiết “một quả đạn cối hất văng chiếc xe tăng qua bên đường” (trang 218) không đúng với kiến thức thực tế. Có lẽ tác giả chưa hiểu quả đạn cối như thế nào, sức công phá đến bao nhiêu mà có thể hất văng cả chiếc xe tăng nặng khoảng hai chục tấn.

Hay khi mô tả Dinh Độc lập, tác giả cho rằng “Dinh Tổng thống, được ông Diệm chủ trương xây khi đắc cử tổng thống trong một cuộc bầu cử không có người bỏ phiếu” (trang 103) thì chưa đúng với thực tế. Nếu tác giả viết Dinh Độc lập (hiện nay) do ông Diệm cho xây dựng lại năm 1962 sau khi bị các phi công đảo chính ném bom sập một phần lớn thì sẽ chính xác hơn.

Tất nhiên, lịch sử chỉ là cái cớ để Huỳnh Trong Khang dựa vào để viết về cuộc chiến, về tình yêu và qua đó nói lên thân phận con người. Đọc cuốn sách, có thể cảm nhận được sự già dặn của tác giả trong cách viết, cách suy nghĩ, mô tả nhân vật, cách xây dựng bố cục và tình tiết.

Cuốn truyện cũng được biên tập về văn phong và ngôn ngữ, mạch truyện khá tốt. Nhưng nếu tác giả và biên tập viên có nhiều kiến thức về lịch sử và kinh nghiệm thực tế hơn, cuốn sách sẽ tránh được việc mắc những thiếu sót kể trên và hoàn thiện hơn nữa.

Dù sao cũng có thể hy vọng rằng, sau thành công bước đầu của tác phẩm này, Huỳnh Trọng Khang sẽ tiến thêm những bước dài trong sự nghiệp viết văn để cho ra mắt những tác phẩm tốt hơn, hấp dẫn hơn trong thời gian tới.

Lê Tiên Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button