Cảm nhận sách

Sự xao lãng làm chúng ta ngày càng ít hiểu biết hơn

Cuốn sách “Thời đại của sự xao lãng” của tác giả Dương Trọng Huế mang đến những góc nhìn đa diện về cuộc sống đương đại.

Cuốn sách bao gồm 39 bài viết, là những mổ xẻ một cách trực diện vào đời sống trên nhiều vấn đề, mà nổi bật hơn cả là chủ đề “con người trong thời đại truyền thông”.

Là một người trong những người đầu tiên tiếp xúc với cuốn sách khi còn ở dạng bản thảo, Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu hào hứng chia sẻ: “Đều là những người viết báo nghiệp dư nên tôi và Dương Trọng Huế có sự đồng cảm về các vấn đề xã hội từ góc tiếp cận của người nghiên cứu khoa học.

Phần lớn những bài viết tôi đã đọc trên báo chí, nhưng khi tập hợp lại thành một cuốn sách theo chủ đề thì tôi nhận thấy rõ hơn một điều, đó là khi có kiến thức vững chắc của một nghề nghiệp nào đó và từ lĩnh vực đó nhìn nhận các vấn đề xã hội thì luôn có những phát hiện mới mẻ và cả những kiến giải bất ngờ, có khi là đơn giản mà chúng ta cứ tưởng vô cùng phức tạp.

Một điều khác là bên cạnh một Dương Trọng Huế tỉnh táo trong phân tích thực trạng xã hội còn có một “Huế” khác khá lãng mạn, nhẹ nhàng trong những hồi ức về quê hương. Có thể nhận thấy nhiều người làm công tác nghiên cứu khoa học luôn tìm được sự cân bằng như thế trong cuộc sống”.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu. Ảnh: An Sơn.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu. Ảnh: An Sơn.

– Trong mối tương quan giữa con người hiện đại với công nghệ, giữa thế giới thật với thế giới ảo… đã có khá nhiều người viết về chuyện này. Nhưng theo chị, ở tác giả Dương Trọng Huế điều đáng đọc nhất là gì so với những người trước?

– Như tôi đã viết trong Lời mở đầu, từ vai trò và sự hiểu biết của tác giả là một người giảng dạy và làm về truyền thông, cuốn sách mang lại cho người đọc sự cảm nhận và lý giải thấu đáo những hiện tượng xã hội của thời đại mà truyền thông thống lĩnh và tác động vào con người mọi lúc mọi nơi.

Phân tích của tác giả qua từng bài viết một lần nữa cho thấy, cuộc sống trên mạng “ảo” mà rất thật bởi nó làm bộc lộ một phần, thậm chí nhiều phần của con người, từ sâu thẳm tâm tư đến cá tính hay thói quen, từ nghề nghiệp đến “trường quan hệ xã hội”, từ quan điểm về những vấn đề trong cuộc sống đến giây phút xao động thoáng qua nào đó…

Mạng xã hội là cách giao tiếp “phi truyền thống”, cho nên ít nhiều nó vẫn phản ánh thực chất mối quan hệ của những con người.

Cuốn sách Thời đại của sự xao lãng của tác giả Dương Trọng Huế.
Cuốn sách Thời đại của sự xao lãng của tác giả Dương Trọng Huế.

– Thời đại của sự xao lãng đưa đến một nhận định về con người trong thời đại truyền thông mà trong thời đại này, con người rất dễ bị truyền thông làm cho xao lãng. Chị đồng cảm như thế nào về nhận định này?

– Sự xao lãng ở đây theo tôi hiểu chính là thái độ hời hợt (và tệ hơn là vô trách nhiệm) trong việc tìm hiểu và tiếp nhận tất cả những gì đang diễn ra quanh ta, từ các vấn đề xã hội có vẻ như không liên quan trực tiếp đến bản thân, đến cuộc sống và tâm trạng của người thân ngay bên cạnh.

Chúng ta bị cuốn hút bởi lượng thông tin ào ạt như thác đổ nên bị choáng ngợp, “tìm” nhiều mà “hiểu” thì ít vì sợ trở nên “lạc hậu”. Rồi từ đó lại góp thêm vào dòng thác đó bằng cách dẫn link về Facebook của mình hay bằng những bình luận khi chưa tiếp nhận đầy đủ thông tin cũng như không quan tâm đến ảnh hưởng của thông tin…

Cứ thế, sự “xao lãng” thực chất các hiện tượng xã hội làm chúng ta ngày càng ít hiểu biết hơn – với đúng nghĩa của từ hiểu biết.

Bình tĩnh và tỉnh táo hơn khi tiếp nhận thông tin, có trách nhiệm hơn với cộng đồng khi tham gia vào truyền thông là cách tránh và giảm thiểu sự “xao lãng”. Nhất là đối với những người làm nghề truyền thông bởi vì thông qua phương tiện truyền thông chuyên nghiệp, “sự xao lãng” của xã hội sẽ tăng theo cấp số nhân.

– Nhiều người đánh giá điểm độc đáo trong những bài viết của Dương Trọng Huế là tính khoa học rõ rệt. Chị có thấy như vậy?

– Là một người nghiên cứu khoa học nên nhiều bài viết của Dương Trọng Huế thể hiện văn phong khoa học, tuy nhiên dễ hiểu và có duyên bởi sự hóm hỉnh, nhẹ nhàng.

Một số vấn đề mà cuốn sách đặt ra hoàn toàn có thể trở thành ý tưởng của đề tài nghiên cứu khoa học (xã hội học, truyền thông, văn hóa học…) miễn là đừng coi đó là “chuyện nhỏ”, bởi vì nhiều vấn nạn lớn của xã hội thường bắt đầu từ những chuyện nhỏ đã không được nghiên cứu, đánh giá và dự báo, cảnh báo trước.

Tác giả Dương Trọng Huế tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Mỹ theo học bổng Fulbright. Hiện theo học chương trình Tiến sĩ tại Đại học Georgia, Mỹ. Anh từng là giảng viên khoa Truyền thông thuộc Đại học RMIT Việt Nam, thành viên Ban quản trị công ty Niềm Tin Việt chuyên cung cấp dịch vụ viễn thông tại TP.HCM và cán bộ dự án tại các dự án, tổ chức quốc tế như UNICEF, Project RENEW, Peacetree Vietnam, AIP Foundation…

Dương Trọng Huế là cộng tác viên của Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Tuổi Trẻ Cuối Tuần và Vietnam News. Là người hỗ trợ (mentor) cho một số chương trình hỗ trợ bạn trẻ có ước mong du học.

An Sơn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button