List sách haySách khuyên đọc

5 cuốn sách giúp bạn đi tìm lẽ sống

5 quyển sách sau dựa trên những nghiên cứu thực tế, những câu chuyện có thật với nhiều ý nghĩa nhân văn, mang tính ứng cao vào cuộc sống sẽ giúp bạn hiểu rõ mình là ai, đang tìm kiếm điều gì trên đời này !

Đi Tìm Lẽ Sống

Xem giá bán

Đi tìm lẽ sống của Viktor Frankl là một trong những quyển sách kinh điển của thời đại. Thông thường, nếu một quyển sách chỉ có một đoạn văn, một ý tưởng có sức mạnh thay đổi cuộc sống của một người, thì chỉ riêng điều đó cũng đã đủ để chúng ta đọc đi đọc lại và dành cho nó một chỗ trên kệ sách của mình. Quyển sách này có nhiều đoạn văn như thế.

Trước hết, đây là quyển sách viết về sự sinh tồn. Giống như nhiều người Do Thái sinh sống tại Đức và Đông Âu khi ấy, vốn nghĩ rằng mình sẽ được an toàn trong những năm 1930, Frankl đã trải qua khoảng thời gian chịu nhiều nghiệt ngã trong trại tập trung và trại hủy diệt của Đức quốc xã. Điều kỳ diệu là ông đã sống sót, cụm từ “thép đã tôi thế đấy” có thể lột tả chính xác trường hợp này. Nhưng trong Đi tìm lẽ sống, tác giả ít đề cập đến những khó nhọc, đau thương, mất mát mà ông đã trải qua, thay vào đó ông viết về những nguồn sức mạnh đã giúp ông tồn tại. Ông chua xót kể về những tù nhân đã đầu hàng cuộc sống, mất hết hy vọng ở tương lai và chắc hẳn là những người đầu tiên sẽ chết. Ít người chết vì thiếu thức ăn và thuốc men, mà phần lớn họ chết vì thiếu hy vọng, thiếu một lẽ sống. Ngược lại, Frankl đã nuôi giữ hy vọng để giữ cho mình sống sót bằng cách nghĩ về người vợ của mình và trông chờ ngày gặp lại nàng. Ông còn mơ ước sau chiến tranh sẽ được thuyết giảng về các bài học tâm lý ông đã học được từ trại tập trung Auschwitz. Rõ ràng có nhiều tù nhân khao khát được sống đã chết, một số chết vì bệnh, một số chết vì bị hỏa thiêu. Trong tập sách này, Frankl tập trung lý giải nguyên nhân vì sao có những người đã sống sót trong trại tập trung của phát xít Đức hơn là đưa ra lời giải thích cho câu hỏi vì sao phần lớn trong số họ đã không bao giờ trở về nữa.

Nhiệm vụ lớn lao nhất của mỗi người là tìm ra ý nghĩa trong cuộc sống của mình. Frankl đã nhìn thấy ba nguồn ý nghĩa cơ bản của đời người: thành tựu trong công việc, sự quan tâm chăm sóc đối với những người thân yêu và lòng can đảm khi đối mặt với những thời khắc gay go của cuộc sống. Đau khổ tự bản thân nó không có ý nghĩa gì cả, chính cách phản ứng của chúng ta mới khoác lên cho chúng ý nghĩa. Frankl đã viết rằng một người “có thể giữ vững lòng quả cảm, phẩm giá và sự bao dung, hoặc người ấy có thể quên mất phẩm giá của con người và tự đặt mình ngang hàng loài cầm thú trong cuộc đấu tranh khắc nghiệt để sinh tồn”. Ông thừa nhận rằng chỉ có một số ít tù nhân của Đức quốc xã là có thể giữ được những phẩm chất ấy, nhưng “chỉ cần một ví dụ như thế cũng đủ chứng minh rằng sức mạnh bên trong của con người có thể đưa người ấy vượt lên số phận nghiệt ngã của mình”.

Không theo lối mòn

Xem giá bán

Bạn là một đứa trẻ 4 tuổi bỗng nhiên được cho 1 cái kẹo với lời nói: “Nếu con cố gắng giữ không ăn cái kẹo trong vòng 15 phút thì con sẽ được thêm 1 cái kẹo nữa.” Bạn sẽ lựa chọn thế nào? Ăn ngay hay cố gắng chờ đợi?

Theo kết quả một thử nghiệm, nhiều năm sau, khi tìm lại những đứa trẻ đã tham gia thử nghiệm trên, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những đứa trẻ đã từng để dành kẹo, cố đợi 15 phút nữa là những đứa trẻ thành công và giàu có hơn những đứa trẻ khác.

Trên thế giới này, không thiếu những người thông minh nhưng tại sao họ lại chỉ là những anh tài xế bình thường trong khi những người khác – cũng thông minh như họ, lại đường hoàng là một ông chủ? Không Theo Lối Mòn là một cuốn sách nói về bí quyết để giành lấy thành công, đồng thời lý giải sự khác biệt giữa thành công và thất bại. Đó là sự chờ đợi và kiên nhẫn trước những lợi ích tức thời.

Một lời khuyên khác Không Theo Lối Mòn dành cho độc giả. Điều cốt yếu chính là hiện tại, bạn đang làm gì để tương lai thu được nhiều giá trị hơn với bản thân mình thay vì cứ tiếc nuối một quá khứ đã ăn mất kẹo.

Được viết dưới dạng nhưng câu chuyện xuất phát từ những hình ảnh gần gũi trong cuộc sống, Không Theo Lối Mòn dễ đọc và thích hợp với tất cả những ai đã, đang và sẽ nhìn lại mình, muốn nỗ lực vươn tới thành công, có thể không rực rỡ huy hoàng nhưng đạt được những điều tuyệt diệu trong cuộc sống.

Ba chàng ngốc

Xem giá bán

Bạn muốn biết cách luyện thi vào một trường đại học hạng nhất? Ôi thôi đi, dễ chừng một nửa số cây trên thế giới đã bị đốn để in các loại sách có khi đều đáng vứt vào sọt rác rồi còn gì. Bạn muốn một cuốn cẩm nang dạy cách sống sót qua những năm đại học? Thế cũng thôi đi, đến chúng tôi còn chẳng hiểu làm sao có thể gắng gượng được đến phút cuối nữa là.

Còn nếu các bạn muốn tìm một tấm gương tày liếp về sự sa ngã nơi giảng đường một khi bạn không biết suy nghĩ cho tử tế, thì đây, câu chuyện về chúng tôi – ba ngôi sao thời trung học nhưng lại thành ra Ba chàng ngốc đì đẹt điểm trung bình ngày đại học với đủ trò quậy phá, gian lận, và cũng là Ba chàng ngốc luôn sát cánh bên nhau nếm trải nào tình bạn khắc cốt ghi tâm, nào tình yêu vượt qua mọi rào cản, nào tình thầy trò sáng trong thân thiết, nào tình cảm gia đình sẵn sàng xả thân.

Và, có thể bạn đã biết, năm 2009, câu chuyện về chúng tôi đã được đạo diễn Rajkumar Hirani chuyển thể thành Ba chàng ngốc – bộ phim Bollywood phá mọi kỷ lục phòng vé để trở thành bộ phim ăn khách nhất lịch sử Ấn Độ. Còn bây giờ, nào, hãy cùng chúng tôi trải nghiệm những năm tháng tuổi trẻ điên rồ nổi loạn!

Rong chơi

Xem giá bán

Rong chơi là cuốn sách viết về Trần Lập – người thủ lĩnh của Bức Tường, bức tượng đài của làng nhạc Rock Việt Nam.

Rong chơi ra đời, không phải để trở thành một cuốn sách tiểu sử hàng trăm trang kể về cuộc đời của Trần Lập. Nó chỉ là một cuốn sách nhỏ ghi lại chuyến đi rong của Yo Le, của mỗi chúng ta trong thế giới của Trần Lập – một thế giới ngập tràn những thú chơi: chơi với âm nhạc, chơi với mô tô, chơi với những cung đường và cả với những biến cố chẳng thể ngờ tới! Bạn nghĩ sao khi biết rằng Trần Lập đã từng là một cậu chàng lang bang, bị đuổi học và có dính dáng đến chuyện lô đề? Bạn nghĩ sao khi biết rằng một Trần Lập mê say những cung đường dọc ngang Tổ quốc của ngày hôm nay lại từng có thời kỳ chỉ ưa hưởng thụ những thứ xa hoa nơi bầu trời Âu châu và chẳng hề động lòng với cảnh sắc của quê hương đất nước?

“Khi chấp bút viết lại những câu chuyện ấy, hay nói cách khác, ghi lại cuộc rong chơi này, tôi đã tâm niệm rằng mục đích của “Rong chơi” sẽ không là gì khác ngoài đem tới cho bạn đọc một hình dung thật trung thực về một Trần Lập bằng xương bằng thịt, chứ không phải một Trần Lập hiện lên sau ánh đèn sân khấu hay trên vô tuyến truyền hình. Và bây giờ, khi cuốn sách đã hoàn thành, tôi biết rằng cuốn sách nhỏ này thậm chí sẽ còn đạt được những giá trị cao hơn thế nữa. Bởi những câu chuyện về cuộc sống của Trần Lập và bản thân con người anh vốn chẳng cần tôi phải tô vẽ thêm bất cứ điều gì đã là những câu chuyện rất đẹp rồi. Chạm đến cái đẹp trong từng câu chuyện ấy, tôi mạo muôi nghĩ rằng bạn đọc sẽ tự tìm thấy cho mình những giá trị đơn sơ nào đó có thể giúp bạn làm đẹp thêm cho cuộc sống của riêng mình”.

Qua cuốn sách này, người ta hiểu thêm về một Trần Lập cháy hết mình với rock, về một Trần Lập quá “ngầu” với mô-tô, về một Trần Lập sâu sắc hơn qua mỗi cung đường, và một Trần Lập đầy lạc quan và quá đỗi kiến cường!

Trích đoạn

“Mỗi lần người lớn trong gia đình ấy đi hết, cậu em út chưa đầy sáu tuổi không có ai trông sẽ bị nhốt lại trong nhà. Cánh cửa gỗ đầy mối mọt bị đóng chặt lại. Ngôi nhà nhỏ bỗng biến thành một không gian loang lổ sáng tối, nơi ánh sáng thì ít mà bóng tối thì nhiều; một không gian vắng hẳn tiếng nói cười, chỉ thi thoảng vẳng lại những thanh âm kì dị phát ra từ căn gác xép cũ. Trong không gian ấy, trí tưởng tượng bỗng vun cao thành nỗi sợ ma quỷ vô hình. Cậu nhóc cô độc chẳng biết làm gì hơn ngoài việc nép mình thật sát bên khe cửa hẹp hấp háy sáng, đưa ánh mắt lấp lánh niềm khao khát về phía thế giới bên ngoài và hát hò ầm ĩ theo những ca khúc đang phát ra từ chiếc đài Liên Xô treo gần cửa. Đôi khi ngay cả đài cũng im tiếng, cậu sẽ tiếp tục gào lên những bài hát mình đã thuộc lòng từ lâu. Tiếng hát cứ vậy vang lên, vọng ra ngoài cánh cửa như báo cho bất cứ ai vô tình đi ngang qua biết rằng: “Này! Nghe thấy không! Ở đây có một thằng bé mê hát hò lắm đấy!” Và tiếng hát ấy, chẳng rõ từ bao giờ bắt đầu xua tan từng cơn sợ hãi, rồi nhen nhóm trong cậu một ước mơ tưởng như viển vông nhưng ngờ đâu sẽ theo cậu suốt đời: ước mơ trở thành ca sĩ.”

“Giờ phút này, Trần Lập đã không còn bận tâm đến quá khứ và tương lai nữa. Anh chỉ biết rằng anh rất trân trọng những điều mình đang có, và chỉ muốn sống sao cho ý nghĩa, trọn vẹn từng ngày.”

“Điểm đến, trong lối đi của dân mô tô, hiếm khi chỉ có một mà thường bao gồm nhiều địa danh thú vị nằm dọc trên cung đường định sẵn. Như mọi phượt thủ chân chính khác, tới vùng đất nào, Trần Lập cũng sẽ tranh thủ ngắm nhìn cảnh quan, tìm hiểu ít nhiều về văn hóa vùng miền, thưởng thức sản vật địa phương, và chuyện trò dăm ba câu với người bản xứ. Một tiếng khèn lảnh lót. Một dáng váy hoa. Một buổi cơm lam chiều ngả khói. Một chén rượu ngô say nức lòng người. Tất cả đều được anh lưu vào trong trí nhớ. Để rồi, đến một ngày nào đó, chúng sẽ được tái hiện lại một cách sinh động hơn bằng những trang du ký hay những ca khúc thúc giục người ta hãy tự mình khám phá bằng cách lên đường.”

Nhật Ký Anne Frank

Xem giá bán

Được tìm thấy trong căn gác áp mái, nơi Anne Frank đã sống hai năm cuối cuộc đời mình, từ đó Nhật Ký Anne Frank trở thành một tác phẩm kinh điển của thế giới – một lời nhắc nhở thật mạnh mẽ về sự rùng rợn của chiến tranh và là một lời tuyên bố hùng hồn về tinh thần loài người.

Năm 1942, Đức Quốc xã chiếm đóng Hà Lan, cô gái Do Thái mười ba tuổi cùng gia đình phải chạy trốn và sống bí mật. Suốt hai năm trời, cho đến khi nơi ẩn náu của họ bị một kẻ đê tiện chỉ điểm cho bọn Gestapo, gia đình Frank cùng một gia đình khác phải sống chen chúc trong “Chái nhà bí mật” của một tòa nhà cũ. Bị tách rời khỏi thế giới bên ngoài, họ phải đối mặt với cái đói, với sự buồn chán, với cuộc sống khắc nghiệt, bị giam hãm và mối đe dọa về bị lộ, về cái chết luôn hiện diện trước mắt.

Trong nhật ký của mình Anne Frank ghi lại một cách sống động những trải nghiệm trong thời gian đó, suy tư, cảm động, rồi hài hước, những miêu tả của cô là một lời ca ngợi về lòng dũng cảm cũng như sự yếu đuối của con người, một bức chân dung tự họa tuyệt vời về một cô gái trẻ thông minh, nhạy cảm, một tài năng hứa hẹn đã bị cắt ngang một cách bi thảm.

Vnwriter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button