Review phim

Dị nhân Benjamin

The Curious Case Of Benjamin Button

Nội dung

Quy luật bất di bất dịch của loài người là sinh, lão, bệnh, tử nhưng câu chuyện của Benjamin thì hoàn toàn ngược lại. Bejamin từ khi sinh ra đã mang hình hài của một ông già cùng với thời gian khi mọi người ngày càng già đi thì anh lại ngày càng trẻ ra. Sự trớ trêu của số phận đã tước đi của Bejamin quá nhiều thứ. Số phận Benjamin sẽ ra sao?

Thể loại

8 phim hay về định mệnh và duyên số bạn không nên bỏ lỡ - Tình yêu luôn là nguồn cảm hứng bất diệt trong phim ảnh. Và thông qua 8 phim hay về định mệnh và duyên số, nhiều câu chuyện được phát triển, qua đó củng cố niềm tin của chúng ta rằng định mệnh luôn luôn tồn tại. The Adjustment Bureau (2011) Matt Damon vào vai một… Đọc thêm
19 phim hay về cuộc sống nên xem trong đời - Cuộc sống như một tấm gương phản chiếu , u ám khi bạn có góc nhìn tiêu cực, chán nản và ngược lại đầy màu sắc nếu bạn lạc quan, tin vào bản thân, tin vào điều tốt đẹp. 19 phim hay về cuộc sống chứa đựng các bài học giá trị được truyền tải qua… Đọc thêm

Trailer

Các review được Vnwriter tổng hợp từ nhiều nguồn. Báo cáo vi phạm, bản quyền, spoiler tại trang Liên hệ hoặc Bản quyền.

Review

Sống thật nhất với bản ngã

Yun 9.5 Blogger

Bận điên cuồng nhưng, không thể không viết ra vài dòng cảm xúc với bộ phim này. Mình sẽ không bàn gì về cấu tứ, kịch bản hay ekíp diễn viên và ti tỉ những thứ đại loại thiên về lí trí như vẫn thường làm. Review này chỉ là một mối đồng cảm và ghi chép lan man khi chứng kiến những số phận dị biệt và chuyện tình yêu trớ trêu giữa hai nhân vật chính: Benjamin và Daisy trong The Curious Case Of Benjamin Button.

Sau tất cả những gì đã trải, đã nghe, đã xem, chuyện tình yêu có lẽ là đề tài “sến sẩm” nhất mà mình nhàm chán và tưởng như chẳng mấy cảm hứng nữa. Mọi cung bậc cảm xúc từ để ý, vu vơ, nhớ thầm, thương trộm đến say đắm nồng nhiệt rồi lụi tàn, mọi thứ cứ lặp đi lặp lại theo một chu kỳ nhất định. Người ta yêu nhau rồi người ta quên nhau, người ta điên cuồng muốn chiếm hữu một người, rồi cũng căm thù chính kẻ đó. Đúng là tình yêu trên cõi đời này không bao giờ thay đổi, chỉ có người yêu là đổi thay. Ấy vậy mà không hiểu sao xem The Curious Case of Benjamin Button mình vẫn rơi lệ. Chắc chắn không phải vì đó là một chuyện tình trớ trêu – thứ mình đã thấy rất nhiều- mà bởi đơn giản, nó đã khơi dậy những nghĩ suy của mình về những thăng trầm và hữu hạn của kiếp người.

Bạn hãy tưởng tượng thế này, một ngày nọ, bạn mở cửa nhà và thấy một lão già 80 tuổi trong thân thể một đứa bé…sơ sinh đang nằm đó, trần trụi, với những vết hằn thời gian đè nặng trên tấm thân nhỏ bé, gương mặt khổ sở rúm ró khư gánh cả món nợ thế trần từ kiếp trước. Nó may mắn được người phụ nữ da màu nhận nuôi và bước vào hành trình sống tưởng như đã bắt đầu từ hàng thế kỷ trước với cái tên Benjamin. Cái tên ngắn ngủi và không hề có họ ấy cũng là đại diện cho một thân phận bí ẩn, chẳng có quá khứ, không một nguồn gốc lẫn mù mịt về chứng bệnh kỳ lạ mà số phận trớ trêu đã bắt đứa bé lãnh trọn.

Benjamin lớn lên trong khuôn mặt của một ông lão, nhưng tâm trí vẫn là trẻ thơ (và vóc dáng cũng vậy). Điều trớ trêu nữa là Benjamin lại lớn lên trong trại dưỡng lão- một nơi nghe có vẻ hợp với hình dáng của nó, song lại là một thế giới đầy những ký ức nhọc mệt của người già, một nơi mà ở đó người ta đối xử với nó như một người già khác. Người ta kể cho nó nghe hàng tỉ thứ về những ngày xa xôi với những ký ức sống động và hỗn độn thời họ còn trẻ thế nào, từng bị sét đánh bao nhiêu lần, từng chơi đàn ra sao… Trong trí nhớ thuở thơ ngây, bồi đắp bằng những mảng màu ảm đạm thì chừng như đốm sáng duy nhất trong cuộc đời đầy tự ti của Benjamin là hình ảnh một chú kangaroo bay lên lúc 5 giờ trong câu chuyện cổ tích được nghe “ké” và ánh mắt sâu thẳm của Daisy- cô bé xinh như thiên thần thường đến thăm bà vào mỗi cuối tuần.

Khi ấy, nàng ngấp nghé lên 10, và luôn gọi lão bằng lối xưng hô với một người già, một người bạn lớn. Lão lớn dần lên, cũng biết buồn, biết vui, biết rung động đầu đời với Daisy. Cả hai đã dần trưởng thành với những ký ức không thể trong sáng hơn, là những lần hai “ông cháu” chui xuống gậm giường trong nhà dưỡng lão kể chuyện cho nhau nghe, là những lần Benjamin đưa nàng ra bờ sông. Và rồi khi chiến tranh đến, “lão già” ấy lại là người xung phong ra trận đầu tiên bằng trái tim đầy nhiệt huyết của chàng trai 17. Lão lau phân chim, cọ sàn tàu, làm mọi thứ với niềm vui háo hức khi tự mình kiếm ra tiền. Lão rong ruổi đến khắp mọi nơi trên thế giới và vẫn gửi bưu thiếp đều đặn về tình yêu nhỏ bé đang tuổi xuân thì rực rỡ ở nước Mỹ xa xôi. Những chuyến đi của tuổi hai mươi cũng đầy khát khao và nồng nhiệt khi lão bắt đầu nếm mùi “đàn bà” lần đầu tiên trong đời trong một nhà thổ; gặp gỡ một người đàn ông góa vợ mang họ Button tò mò về cuộc đời lão một cách kỳ lạ; kết thân với những người chỉ huy điên khùng, phóng túng nhưng quả cảm; quan hệ với một người phụ nữ đã có chồng luôn khao khát vượt qua eo biển Manche và nếm trải men ái tình với một lão già cũng cô đơn như mình.

Và rồi lão trở về, trong dáng vóc của một người đàn ông 60. Daisy giờ đã là một nữ diễn viên múa ba lê nổi tiếng và hãy còn dở dở ương ương cùng những khát khao bản năng, sự nổi loạn phù phiếm của tuổi mới lớn. Nàng đã chủ động hôn lão lần đầu tiên, gợi ý nhưng bị từ chối, vì lẽ, lão yêu nàng. Lão vẫn giằng xé giữa việc chấm dứt mối quan hệ với từ cách một người bạn già với cô gái nhỏ. Và lặng lẽ nhìn nàng giận dữ bỏ đi.

Và rồi thời gian vẫn cứ trôi như một cứu cánh với Benjamin. Bởi lẽ, nó cạn đi với người khác, nhưng đầy lên với anh. Và đến khi, số phận nghiệt ngã cũng có lúc nhân từ khi cho hai người bắt kịp nhau ở tuổi tứ tuần. Cả hai gặp lại khi lão giờ là một quý ông hoa râm lịch lãm, còn nàng vừa bị tai nạn gãy chân và không còn múa được nữa. Anh hoàn thiện hơn, còn nàng bớt lộng lẫy đi. Ấy vậy mà họ đã “chạm” được nhau. Đó có lẽ là quãng thời gian hạnh phúc nhất của hai con người gần như đi ngược chiều sinh, lão, bệnh, tử. Họ sống và yêu nhau nhiệt thành hơn bao giờ hết. Trong một căn hộ nhỏ xinh, trên du thuyền giữa biển cả bao la, chỉ còn hai người hòa vào nhau bất chấp những trái ngược về dòng chảy của tuổi tác và thời gian cho đến khi nàng thông báo đã mang thai. Niềm vui và hạnh phúc như vỡ òa vì con gái xinh ra xinh đẹp và khỏe mạnh, song nỗi buồn ập đến khi anh đau đớn rời xa con vì không thể cho con một người cha cùng lớn lên, và Daisy không thể nuôi một lúc hai người. Anh bỏ đi sau khi bán hết gia tài để hai mẹ con có cuộc sống sung túc…

Câu chuyện chỉ đều đều như thế, nhưng đến đoạn cuối lại như thắt trái tim ta. Người ta thấy anh lang bạt ở Ấn Độ, ngủ ở gầm cầu, trôi dạt nơi này nơi khác với gương mặt ngày càng trẻ ra. Ta thấy anh quay về tìm lại người vợ chủ để gặp đứa con gái thân yêu giờ đã có một người cha dượng chăm sóc hết lòng, chỉ dám nhìn Daisy lên xe về nhà cùng gia đình mới của cô. Còn đau lòng nào hơn? Như thể ta thấy Time Lord quay lưng đi khi giao Rose lại cho Hóa thân con người của mình để có thể cùng cô già đi đến tận đầu bạc răng long. Ngay cả một tiếng yêu thôi cũng không nói được, ở với nhau một đêm rồi lại xa mãi mãi.

Thực ra, mô típ này không hề xa lạ, ta đã từng gặp qua trong Doctor Who, khi vị Time Lord có quyền năng tái sinh hàng chục lần. Ngài “phải” sống một cuộc đời bất tử, nhìn thấy những người ngài yêu thương lần lượt ra đi, thậm chí đi ngược chiều thời gian với họ. Còn với Benjamin, anh không bất tử, nhưng lại ngày càng trẻ ra, trong khi những người anh yêu thường từ người mẹ nuôi da màu, những người bạn già trong viện dưỡng lão, đến người cha giàu có đã ruồng bỏ anh từ thuở lọt lòng mà anh không ngờ tới… đều lần lượt qua đời. Nhưng anh vẫn may mắn là có một thứ “cọc” để bám víu bất chấp những cơn sóng dữ của số phận đó là Daisy. Dù ngược hướng, anh đã đuổi kịp cuộc đời nàng. Cả hai đã được bên nhau như những cặp đôi bình thường dù chỉ là vài năm ngắn ngủi.

Đoạn cuối chính là lúc trái tim sứt sẹo của chúng ta như bị vò nát, khi Daisy ở tuổi 70 và được gọi đến để gặp một…cậu bé lên 10. Chừng như cậu đã mất hết trí nhớ (chứng mất trí thường gặp ở người già), không biết mình là ai ngoài cái tên Benjamin, vài cung đàn rời rạc trên phím dương cầm và một cuốn nhật ký đầy tên của người con gái Daisy. Thời gian của cả hai cạn dần khi Daisy ngày càng già đi và Benjamin ngày một bé lại. Bà vẫn nhẫn nại chăm sóc cho cậu bé con ngày càng ngơ ngác, quên cả cách đi, cách nói. Nếu trước đây, lão Benjamin với tấm lưng còng xiêu vẹo, nép mình một góc lặng lẽ nhìn cô bé Daisy chạy nhảy, vui chơi thì bây giờ, bà lão lại nắm tay chú bé con chập chững đi những bước tập tễnh… Và rồi, hình ảnh cuối cùng khi một bà lão 80 ôm trong tay đứa bé sơ sinh đã không còn chớp mắt, chìm dần vào giấc ngủ ngàn thu có thể khiến ta rơi nước mắt trong một dư vị cô độc đến khôn cùng.

Cái chết không chỉ có quyền năng chia lìa đôi lứa mà nó cũng chính là thứ sức mạnh gắn kết những cặp đôi bất hạnh lại với nhau mãi mãi. Là điểm gút giữa hai con đường tưởng chừng mãi mãi song song. Không còn khoảng cách tuổi tác, không còn chênh lệch hình thức, cũng không còn những lằn ranh nội tâm giằng xé. Cuộc đời con người, đuổi theo nhau được mấy lúc? Gặp gỡ nhau thôi là chưa đủ, còn phải gặp nhau đúng nơi và đúng thời điểm.

Sự trái ngang của mối tình này cũng là phép ẩn dụ về ý nghĩa của cuộc sống. Chúng ta yêu nhau, những chỉ có một vài khoảnh khắc nhỏ trong cuộc đời chúng ta có thể “chạm” vào nhau cả tâm hồn lẫn thể xác. Cũng như trên hành trình hàng chục năm, chỉ có vài năm trời chúng ta sống thật nhất với bản ngã, không nghĩ suy, không toan tính, không sợ hãi, không e dè. Đó mới là lúc chúng ta hạnh phúc nhất và thấy đời đáng quý nhất.

The Curious Case of Benjamin Button làm cho mình day dứt không phải bởi cách triển khai một kịch bản hay thiếu mượt mà của nó, cũng không phải bởi diễn xuất khá nhợt nhạt của hai nhân vật chính mà đơn giản chỉ vì tinh thần của nó. Được chuyển thể dựa trên truyện ngắn cùng tên của nhà văn Mỹ nổi tiếng F. Scott Fitzgerald, cũng chính là tác giả của The Great Gatsby, bộ phim này và Forrest Gump có khá nhiều điểm chung như cùng nói về số phận của một người đàn ông có nhiều khiếm khuyết bẩm sinh, cũng trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử nước Mỹ, cũng có một mối tình từ thuở thiếu thời, tưởng vụt mất nhau rồi lại quay về bên nhau khi người con gái không còn chốn nào để đi nữa. Thế nhưng nếu Tom Hank đã trở thành một “tượng đài” về diễn xuất sau Forrest Gump thì Prad Pitt lại chỉ là cái bóng mờ nhạt vào vai dị nhân Benjamin Button. Mr. Smith xưa giờ ngoài đẹp trai hút hồn thì mình chưa bao giờ đánh giá cao diễn xuất của anh, chứ đừng nói chi đến những phim cần thể hiện nội tâm như thế này. Cứ tưởng tượng vai này mà vào tay Tom Hank hay Russel Crowe thì sẽ hay đến mức nào và có lẽ sẽ không vuột mất Oscar cho nam diễn viên chính xuất sắc nhất năm 2008 như Brad…@@

À quên, đã bảo không bàn gì đến chuyên môn cơ mà! Lại sa đà rùi!@@ Thực ra, sẽ không có nhiều người thích phim này đâu, vì tính khiên cưỡng thiên về kể chuyện của nó hơn là khắc họa một cuộc đời nhiều biến động về thể xác lẫn tinh thần của một nhân vật kỳ dị. Nhưng chính tinh thần vị tha và bao dung của một tình yêu khác thường đến khó tin trong phim đã cứu vãn tất cả. Xem phim trong một tâm thế không mong đợi gì, song một lúc nào đó ta có thể rơi lệ và ao ước có thể tìm thấy ai đó thực sự yêu thương ta trong đời dù chỉ trong vài khoảnh khắc ngắn ngủi.

Vì cuộc đời là hữu hạn và khó lường nên tất thảy mọi người đi qua cuộc đời ta đều đáng trân quý, mỗi phút giây đều là vĩnh cửu. Nếu không mất đi người ta yêu thương, làm sao để biết họ quan trọng với ta như thế nào?

Trường hợp kỳ dị của Benjamin Button hay một lát cắt bé nhỏ trong vô vàn những điều khác biệt của cuộc đời này. Một ai đó già trước trẻ sau thì cũng như có người có thể chơi đàn, người thích nhảy múa, kẻ khác lại thích kể chuyện, muốn bơi vượt biển hay thậm chí mê việc làm ra những chiếc nút áo. Vậy thôi.

Và những người được cho là dị thường lại khao khát những điều bình thường nhất. Một ai đó dẫu không có hình hài như con người vẫn khao khát yêu và được yêu bởi một người khác. Một ai đó luôn cần chúng ta nhìn vào thẳm sâu tâm hồn họ, bất chấp vẻ bề ngoài như thế nào. Một ai đó cũng cần ta dang rộng vòng tay ôm lấy. Một ai đó đã từng sống trên đời, biết nói, biết cười.

Một ai đó khác người.

Một ai đó như bạn, như tôi.

Đi ngược lại quy luật của sự sống

cttsuong 9.0 Blogger

Con người sinh ra là 1 đứa bé sơ sinh múm mĩm dễ xương, dần lớn lên và trưởng thành, rui` già cỗi đi. Đó là quy luật của sự sống. Nhưng “Dị nhân Benjamin” lại đi ngược với điều đó, sinh ra là 1 ông già và dần trẻ lại theo năm tháng, chính kí nghịch lý đó lại là 1 sự sáng tạo vô bờ bến của bộ phim, giúp nó chiếm giữ đến 13 đề cử Oscar trong năm nay. Còn với mình, ko còn j để bàn cãi, 1 sự tưởng tượng … thật sự tuyệt vời!

“Tôi sinh ra trong 1 hoàn cảnh khác thường” – Benjamin đã tự cảm thán như vậy để bắt đầu câu chiện của mình. Mẹ mất ngay lúc mới chào đời, lại mang hình hài của 1 ông cụ già nua 80 tuổi nên Benjamin bị cha bỏ rơi … trước cửa viện dưỡng lão. Năm tháng qua đi, cậu cũng lớn dần lên và lạ lùng cậu cũng càng trẻ ra, đến khi đến cái tuổi đáng lẽ được chạy nhảy cùng bạn bè thì cậu phải ngồi xe lăn cùng các ông bà lão trong viện, ngắm nhìn các đứa trẻ khác chơi đùa. Rồi cậu kết bạn với cô bé Daisy, cháu gái của 1 cụ trong viện. Năm 16 tuổi, cậu rời khỏi ngôi nhà, kham phá thế giới, làm việc trên 1 chiếc tàu kéo trên biển.

Thời gian cứ dần trôi để rồi anh gặp lại cô bé Daisy ngày nào, giờ là 1 nữ diễn viên ballet xinh đẹp và anh yêu. Nhưng rắc rối đến, rắc rối trong thảm kịch, rắc rối kì quặc khi anh cứ ngày trẻ ra còn Daisy lại già đi. Cái thật hay của phim là chỉ dùng chính sự thay đổi về ngoại hình của Benjamin để diễn tả thời gian trôi. Hình ảnh một Benjamin già cỗi với cô bé Daisy đến vẻ điển trai, trẻ trung – họ thành 1 đôi tình nhân thật đẹp, rồi sau đó là … 1 đứa trẻ bi bô, kí ức bị xóa nhòa và một người già yếu. Tất cả gợi cho ta nhiu` hơn về tình iu, tình cảm đích thực và bền vững.

Đặc biệt là đoạn 1 cụ bà dắt tay 1 cậu bé trên con đường đầy lá rụng, bà dừng lại và chợt cuối xuống hôn cậu bé. cảm giác xem lúc ấy thật lạ.”Vài người sinh ra để ngồi cạnh bờ sông. Vài người phải giằng co với cuộc sống của mình. Vài người có đôi tai thẩm âm. Vài người là nghệ sĩ. Vài người lại bơi. Vài người ko có cả nút áo. Vài người ko có máu văn sĩ. Vài người rất rộng lòng. Và vài người là … vũ công.”

Đúng là một bộ phim có thể xem đi xem lại nhiều lần

Aventone 9.0 Blogger

Đã lâu lắm rồi mới lượn lờ trở lại cái blog này. Đúng 1 tháng 15 ngày sau khi chia tay với người yêu, 1 tuần rưỡi sau khi xem “The Curious Case of Benjamin Button“, 1 ngày 12 giờ sau khi đã hoàn tất công việc cho ngày hôm sau và 1 giờ 30 phút sau khi vừa xem “Dị Nhân Benjamin“. Có cảm xúc mà không viết lại cũng giống như lái xe mà thiếu kiếng chiếu hậu.

Một số người nói rằng dù Benjamin khác thường, ông ấy cũng không thoát khỏi những qui luật của cuộc sống. Một số người tắc lưỡi nhìn qua phòng chiếu khác. Một số người ca ngợi sự lựa chọn của bản thân. Một số người thích ngắm cảnh đẹp.

Một số người chúc ngủ ngon mỗi tối.

Thật sự mà nói, “The Curious Case of Benjamin Button” quá già so với tôi. Tôi không có đủ trải nghiệm và tâm hồn để cảm nhận được hết tinh thần của bộ phim. Mặc dù, những quan điểm từ biên kịch Eric Roth đã được truyền tải rất nhẹ nhàng và gợi mở. Đúng là một tác phẩm được làm để tranh giải Oscar.

Thứ 6 ngày 13 năm 2009, bài giới thiệu phim “The Curious Case of Benjamin Button” của Nguyễn Trực được đăng trên báo Tuổi Trẻ. Anh có nói về giá trị của cuộc sống và đề cao tình người trong phim. Đến lúc này, tôi mới thật sự tò mò về trường hợp của Benjamin Button.

Mở đầu phim là cảnh ông Gateau chế tạo ra chiếc đồ hồ điểm ngược thời gian để tưởng nhớ các chiến sĩ trẻ đã hi sinh vì Thế Chiến Đệ Nhất, trong đó có con trai ông. Nhưng trên hết, Gateau chế tạo nó với ước ao: thời gian có thể quay ngược và những điều tan thương sẽ không xảy ra. Câu chuyện về nhân vật này mau chóng khép lại bằng cảnh ông chèo thuyền ra chốn biển khơi xa xăm.

Thế rồi Benjamin Button xuất hiện, bị ruồng bỏ, được cưu mang, lớn lên, biết yêu, có con, rồi qua đời. Cuộc đời ông cũng chẳng khác biệt mấy so với đồng loại. Trường hợp trẻ hóa của ông cũng không có điểm nhấn gì độc đáo để khiến người ta ngẫm nghĩ về cái “kỳ” của nó. Lúc già, ông có một mái nhà ấm êm bên cạnh những trái tim bình lặng. Về trung niên, cuộc sống ban cho ông mùi gió mặn của biển khơi. Thời thanh niên, người ông yêu yêu ông hết mực. Trước phút nhắm mắt, bà ấy vẫn ôm chặt ông vào lòng. Một cuộc đời, nếu đem ra so sánh với chàng Jamal triệu phú, thì muôn vạn lần phẳng phiu. Nếu không muốn nói là có nhiều may mắn hơn.

Tại sao Eric Roth lại đặt Benjamin vào viện dưỡng lão? Tại sao Eric lại tặng Benjamin một trong những đóa hoa cúc đẹp nhất? Tại sao Eric lại để Benjamin quay lại New Orleans vào những ngày đầu đời? Tại sao ông không bám sát nguyên tác của F. Scott Fitzgerald để nhấn chìm cuộc đời của Benjamin Button vào hố sâu bi ai? Vậy thì có gì là đáng tò mò về sự đời bình thường của Benjamin Button? Ồ, có chứ. Bạn chẳng thấy lạ sao, khi cái bạn nghĩ khác thường lại thực chất rất đỗi bình thường?

Phong cách bày trí nội dung của Eric Roth phục vụ thành công quan điểm của ông về con người. Còn Benjamin Button được chào đời để đáp lại nguyện vọng của Gateau, người làm đồng hồ. Chúng ta sống một cuộc sống quá bình thường và khổ đau đến mức chúng ta ao ước thay đổi nó. Một vài người trong chúng ta bắt đầu thắc mắc “Nếu đánh đảo qui luật cuộc sống thì liệu thế giới có tốt đẹp hơn?“ The Curious Case of Benjamin Button là đáp án của Eric Roth cho câu hỏi đó.

Nếu Eric phù phép Benjamin thành một Jamal thứ hai thì công chúng thấy được gì từ đó? “Anh ta là một người khác thường. Tất nhiên cuộc đời của anh ta phải khác thường. Chẳng phải ông bà thường bảo: “Có khó mới ló cái khôn.”” Nếm cà phê mà bỏ thêm đường và sữa thì hương vị nguyên chất của hạt cà phê còn giữ được là bao? Muốn biết được nó khác thường như thế nào, phải loại bỏ tất cả những phụ liệu hỗ trợ từ bên ngoài.

Benjamin sinh ra đã là người khác thường. Việc ông sẽ có một cuộc đời khác thường là chuyện đương nhiên. Nhưng nếu mọi thứ xảy đến với ông đều êm ả, thì sự khác thường đó có còn nổi trội nữa không? Như vậy, bản thân sự khác thường cũng cần được so sánh, cần được tương tác, cần được tôn vinh, cần được nhận thức nó là đặc biệt. Nếu không có những quá trình này, nhân vật kiểu như Indiana Jones mới xứng đáng là kỳ nhân, không phải Benjamin.

Eric Roth nhìn Benjamin như một người bình thường và ông diễn giải cuộc đời của Benjamin cũng như vậy. Ông không lãng mạn hóa nó để tạo thành một hình tượng kinh điển. Ông bình dị hóa nó đến mức có thể để khán giả hiểu rằng: đặc biệt hay không đặc biệt chỉ là thứ được phản ánh qua đôi mắt của chúng ta. Bạn nhìn người ăn xin ngoài đường ra sao và họ nhìn chính họ ra sao là hai chuyện cực kỳ khác biệt. Trong phim, người da đen và người già là hai sự khác biệt đầu tiên trong đại phần đông con mắt của xã hội Mỹ thời đó. Chính vì họ bị liệt vào thành phần khác biệt nên họ mới dễ cảm thông cho sự khác biệt của Benjamin.

Nếu Eric Roth kỳ vĩ hóa cuộc đời của Benjamin Button thì chúng ta chẳng học được gì từ nó ngoài chuyện tin vào số phận. Xấu hay đẹp, lạ hay thường là do chính chúng ta quyết định.

Điều thứ hai, tôi thấy “Dị Nhân Benjamin” tô màu hồng đó chính là tình yêu. Ta thấy, mọi sự vật trong phim đều biến đổi. Benjamin trưởng thành trong sự trầm lắng (khác với vòng đời bình thường). Lần đầu tiên Daisy đòi ân ái, Benjamin đã từ chối. Có thể với một thể trạng và tâm lý như vậy, Benjamin không có nhu cầu. Nhưng khi ông hóa trẻ, Benjamin đã chung chạ với hai… à không, ba cô gái lạ cùng một lúc. Như vậy là ông có thay đổi (chức năng sinh lý thay đổi thì tất nhiên hành xử của con người cũng phải thay đổi).

Rồi ông gặp lại Daisy. Sau bao nhiêu năm tháng, sau bao nhiêu sự khác biệt, chỉ có tình cảm ông dành cho Daisy là bất biến. Đến đây, tôi mới phần nào thấm thía cái kết của phim: “Một số người gắn liền với dòng sông (kỳ lạ… so với tôi), một số người biết chơi piano (không kỳ lạ… so với tôi), một số người bị sét đánh 7 lần (quá kỳ lạ… so với tôi), một số người là vũ công balê (không kỳ lạ… so với tôi) và… một số người khi sinh ra đã già và khi chết đi thì vô cùng trẻ trung (kỳ lạ hay không kỳ lạ… tôi thật sự chẳng biết, bạn thấy sao?)” Những con người kỳ lạ và không kỳ lạ đó đan xen vào nhau chứ không được miêu tả tách biệt. Vì họ chỉ khác biệt qua hình thức thể hiện. Còn tận sâu thẳm bên trong (đúng như anh Nguyễn Trực đã viết), họ đều được kết nối bằng tình người.

Khác biệt là cái ta tự nhận thức. Và trong tất cả những quan điểm cá nhân, cái khó khác biệt hóa nhất chính là tình yêu. Không phải vì nó không thể bị lật tẩy mà chẳng có giá trị gì để lật tẩy nó.

Cuối cùng, thấy cái tên “Dị Nhân Benjamin” cũng không đến nỗi tồi. “Dị” là gì? Tôi hiểu là quái dị, dị dạng, kỳ dị, nói chung là đều hàm ý miêu tả hình thức bên ngoài nhiều hơn. Nếu như vậy thì cái tên tưởng gàn hóa ra lại hay. Chúng ta đang nói về một anh Benjamin dị dạng. Và một anh Benjamin dị dạng thì cuộc đời sẽ đi theo dạng nào. Đúng là một bộ phim có thể xem đi xem lại nhiều lần.

Một số chi tiết thú vị và ẩn ý trong phim mà tôi tìm hiểu được:

Cái tên Benjamin: Khi bà Queenie đặt tên cho Benjamin, đồng hồ bỗng dưng đỗ chuông. Điều này khiến tôi phải suy nghĩ. Sau một hồi tìm hiểu trên mạng, tôi mới phát hiện ra rằng cái tên này có nghĩa: theo dẫn cứ có tính chính xác tương đối nhất thì Benjamin được ghép từ 2 chữ “ben” và “jamin” mà trong tiếng Do Thái có nghĩa là “con trai” và “bên phải“. Đồng hồ thì quay theo chiều từ trái qua phải. Một cái tên bình thường cho một con người dị thường?

Con chim ruồi: Con chim ruồi xuất hiện 2 lần. Một lần tại bãi tha ma trên biển. Một lần trước cửa sổ bệnh viện của Daisy khi bão Katrina ập tới. Vậy thì nó tượng trưng cho cái gì? Chim ruồi thuộc nhóm chim duy nhất có khả năng bay ngược. Cũng như chiếc đồng hồ quay ngược. Và ông Gateau chèo thuyền (hướng lưng ngược) về phía biển khơi (nơi con chim xuất hiện lần đầu tiên).

Đánh giá

Nội dung - 9.6
Diễn xuất - 9.6
Nhạc phim - 9.4
Kỹ xảo điện ảnh - 9.5
Thông điệp truyền tải - 9.7

9.6

Suy ngẫm

Cuộc sống và cái chết như thế nào kh số phận xoay ngược ?

User Rating: 3.95 ( 5 votes)

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Tám 31, 2018 | Lần cập nhật cuối: Tháng Bảy 26, 2019

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button