Tác giả

Nhà văn không nên là nô lệ của đồng tiền

Nhà văn Pháp nổi tiếng, giám khảo giải thưởng Goncourt, Éric-Emmanuel Schmitt cho rằng với ông viết văn là bản năng, chứ không đặt bút viết vì tiền bạc hay danh lợi.

– Văn chương có sức hút gì khiến ông từ bỏ sự nghiệp của một giảng viên triết học chuyển sang viết văn?

-Tôi thích viết từ khi rất bé, đã viết truyện ngắn đầu năm 11 tuổi. Tôi từng nghĩ viết không thể kiếm sống được, nên tôi chọn một nghề giúp mình có thể kiếm sống và nuôi đam mê.

Sau khi vở kịch đầu tiên được dàn dựng được trình diễn tại nhiều nước trên thế giới, tôi có một khoản tiền tác quyền đáng kể. Nên tới vở kịch thứ hai, tôi đã nghỉ hẳn dạy học.

Tôi từng nghĩ và khuyên nhiều người rằng viết không thể nuôi sống bạn đâu. Nhưng tôi đã thay đổi suy nghĩ. Viết là món quà trời ban cho tôi. Thật sự hạnh phúc khi được sống bằng tình yêu của chính mình.

Cho đến bây giờ, tôi hiểu rằng viết không bao giờ là nghề, mà nó là số phận và định mệnh. Ngay cả khi không kiếm được một xu nào tôi vẫn viết. Chúng ta không nên trở thành nô lệ của đồng tiền hay thành công.

Nhà văn nổi tiếng Éric-Emmanuel Schmitt có buổi gặp gỡ độc giả tại Hà Nội chiều 9/11. Ảnh: Việt Hùng
Nhà văn nổi tiếng Éric-Emmanuel Schmitt có buổi gặp gỡ độc giả tại Hà Nội chiều 9/11. Ảnh: Việt Hùng

– Một tác phẩm văn học được đánh giá cao là tác phẩm có tư tưởng. Vậy nền tảng triết học giúp ích gì cho ông khi viết văn?

– Nếu tôi không học và dạy triết học, có lẽ không thể trở thành một nhà văn như hiện nay. Tất cả tác phẩm của tôi đều có câu chuyện, nguồn gốc sâu xa từ triết học. Tác phẩm của tôi có hai mục tiêu: kể một câu chuyện hay hấp dẫn, thứ hai là làm sao để người đọc suy ngẫm về cuộc sống. Thực ra viết văn có quyền năng lớn hơn triết học rất nhiều, nó có khả năng gây ảnh hưởng rộng lớn tới bạn đọc.

Những giá trị như lòng vị tha, tình yêu, tiếng cười… trong tiểu thuyết thay đổi người đọc. Những giá trị đó truyền đạt bằng triết học thì khó làm thay đổi nhận thức mọi người. Nếu viết tiểu luận triết học về lòng khoan dung, đối tượng người đọc không thể nhiều bằng tiểu thuyết.

– Khi sáng tạo văn chương, ông thường có cảm xúc như thế nào?

– Khi viết tôi coi đó là một cuộc hò hẹn. Tôi thổn thức, miên man cảm xúc khi viết tác phẩm. Tôi cố gắng thâm nhập từng nhân vật để cảm nhận nhân vật. Khi cảm nhận đầy đủ về nhân vật, tôi rời thế giới tưởng tượng đó để viết. Khi đó, tôi không nằm trong trạng thái ý thức bình thường, mà cảm thấy mình ở tầng ý thức khác: sáng tạo.

– Các tác phẩm của ông thường thay đổi cuộc đời người đọc, vậy khi sáng tác, các tác phẩm đó thay đổi ông như thế nào?

– Tôi viết không phải để diễn tả những gì tôi nghĩ, mà để khám phá những gì tôi nghĩ. Nên những gì tôi viết đã thay đổi chính tôi. Tôi là đứa con của những tác phẩm tôi viết ra.

Tôi là nhà văn để sống trọn nghiệp của mình.

Khi viết tôi mong muốn tìm hiểu khám phá thế giới. Sự tồn tại giữa một tiến sĩ triết học và một nhà văn trong một con người không hề đơn giản. Trong con người tôi có hai phần: Một nhà văn theo bản năng, là dòng chảy của tôi. Nhưng con người của triết học là phân tích, tổng hợp… đôi khi bóp nghẹt làm biến dạng con người nhà văn. Có những thời gian con người nhà văn của tôi nhỏ đi, chơi vơi, nhưng rồi cuối cùng tôi cân bằng lại được.

– Vì sao trong tác phẩm ông đề cập nhiều về tôn giáo?

– Viết về tôn giáo không nên phân biệt, coi trọng về một hay nhiều tôn giáo. Qua tác phẩm, tôi muốn người đọc khám phá ra thế giới tâm linh của một nhân vật nào đó. Tôi không chủ trương viết về một tôn giáo nào cả. Nếu chỉ viết một, nó có xu hướng cực đoan: hoặc tôn sùng và tuyển mộ người theo tôn giáo đó, hoặc gây hận thù về tôn giáo đó.

Cái nhìn của tôi là trân quý, tôn trọng mọi tôn giáo. Tôi nhìn nhận tôn giáo là di sản của nhân loại, cùng gìn giữ. Tôi nhìn tôn giáo theo chủ nghĩa hoàn toàn nhân văn. Tôi nói về tôn giáo không qua giáo lý, mà khám phá bằng những con đường nhỏ. Tôn giáo trong tác phẩm của tôi là đa nguyên.

– Theo ông, tôn giáo và triết học có vai trò như thế nào trong cuộc sống mọi người?

-Chúng ta luôn có nhu cầu tìm hiểu thế giới xung quanh có ý nghĩa như thế nào với chúng ta. Nhưng điều đó rất khó, vì nó vô hình. Mọi thứ hiện hữu không giải thích, thỏa mãn câu hỏi chúng ta đặt ra, như: một sự sinh ra, cái chết, tình yêu có ý nghĩa gì… Chúng ta chỉ có thể giải thích ý nghĩa mọi thứ bằng những cái vô hình.

Tôi tìm cách giải thích những thứ đó bằng văn học, như trong Oscar và bà áo hồng, Con của Nóe… Tôn giáo cũng như triết học là những phạm trù giúp chúng ta tìm được ý nghĩa vô hình trong thế giới hữu hình. Cả tôn giáo và triết học đều giúp chúng ta tìm ý nghĩa cho thế giới hữu hình.

– Ngoài triết học, theo ông để trở thành nhà văn cần nền tảng gì ?

– Không nhất thiết phải học triết học để thành nhà văn đâu. Có những đại văn hào, rất may họ không học triết học mà chỉ là những người cảm nhận, lắng nghe đúng. Tôi cũng như những nhà văn khác muốn biểu đạt đúng nhất cảm xúc của mình.

Mỗi người một cách. Có những nhà văn viết rất hay mà không truyền tải được nhiều tư tưởng. Tôi không phê phán gì họ, nhưng tôi là tôi thôi, tôi quan niệm viết cần thể hiện được tư tưởng, cảm xúc.

Oscar và bà áo hồng - tác phẩm được chuyển ngữ bởi GS. Ngô Bảo Châu và dịch giả Nguyễn Khiếu Anh.
Oscar và bà áo hồng – tác phẩm được chuyển ngữ bởi GS. Ngô Bảo Châu và dịch giả Nguyễn Khiếu Anh.

– Là giám khảo giải thưởng Goncourt danh giá, xin ông cho biết làm thế nào để xây dựng được giải thưởng giá trị cho cộng đồng?

– Giải Goncourt nổi tiếng có yếu tố thời gian. Trải qua hơn 100 năm rồi, giải thưởng mới như ngày nay. Là giải thưởng cao quý, mang lại danh tiếng cho tác phẩm, nhà văn, nhà xuất bản, dịch giả…

Thứ hai sự cộng tác hiệu quả giữa những người viết văn, giám khảo và báo chí truyền thông tạo nên uy tín cho giải. Chúng tôi chỉ có 10 người thôi nhưng rất được quan tâm. Báo chí có quyền lực lớn với thành công của giải. Lễ trao giải Goncourt vừa rồi có hàng trăm nhà báo tới, trèo lên cửa sổ, chờ đón phỏng vấn nhà văn đoạt giải.

– Tới Việt Nam ông có cảm nhận gì?

– Tôi có rất nhiều bạn ở Việt Nam, nên háo hức muốn đến xem đất nước của các bạn như thế nào.

Tôi cũng có rất nhiều người bạn gốc Việt Nam sống tại Pháp, như bà giáo viên dạy piano của tôi 15 năm nay. Họ đã rời Việt Nam từ lâu, nhưng luôn nghĩ về quê hương. Vì thế chuyến thăm của tôi còn là để khi trở về kể cho những người bạn ấy về Việt Nam hôm nay.

Tôi đến Việt Nam sau khi dời Hong Kong. Có sự khác biệt lớn giữa hai thành phố. Ở Hong Kong là thành phố cuốn hút, rộng lớn, nhưng không có bề dày lịch sử. Còn Hà Nội cho tôi nhiều cảm giác gây bất ngờ, trấn an, tôi cảm thấy thân quen, không có nhiều lạ lẫm. Dường như giữa Pháp và Việt Nam chia sẻ với nhau nhiều điều như kiến trúc, kiến thiết đô thị.

Đi bộ ở Hà Nội, tôi không chỉ đi trong không gian, mà còn chu du về mặt thời gian. Công trình ở Hà Nội chứa nhiều tầng nấc, bề dày ở mọi chiều kích.

– Ông quan tâm thế nào tới văn học Việt Nam?

– Văn học Việt Nam là mảng hoàn toàn tôi cần khám phá. Tôi chưa đọc tác phẩm nào về văn học trong quá khứ cũng như đương đại của Việt Nam. Bây giờ tôi đã có cảm giác, ấn tượng về Việt Nam rồi, đây là động lực để tôi khám phá văn chương các bạn.

Éric-Emmanuel Schmitt sinh năm 1960 tại Sainte-Foy-lès-Lyon (Pháp) và xuất thân trong một gia đình trí thức. Năm 11 tuổi, cậu bé Schmitt đã có truyện ngắn đầu tay.

Sau một thời gian làm giáo viên, Éric-Emmanuel Schmitt chuyển hoàn toàn sang mảng sáng tác. Hai thập kỷ sau tác phẩm kịch đầu tay Đêm Valognes khá thành công, Éric-Emmanuel Schmitt đã trở thành một trong những tác giả Pháp nổi tiếng nhất trên toàn thế giới, các sách của ông đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng.

Nhiều tác phẩm nổi tiếng của ông đã được dịch ra tiếng Việt như Nửa kia của Hitler (giải thưởng văn học dịch của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2008), Con của Noé, Một mối tình ở điện Élysée, Một ngày mưa đẹp trời, Chàng Sumo không thể béo, Oscar và bà áo hồng.

Tần Tần

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button