Trên Đường

(5 đánh giá của khách hàng)

Sống cuộc đời cho đáng. Và cái đáng này với Sal hay Dean là những chuỗi ngày rong chơi, phiêu bạt hết từ miền viễn Tây hoang dã sang tận cả Mexico với những điệu mambo cuồng nhiệt. Với lối văn rất thực, Jack đã cho ta thấy một bức tranh nhiều màu sắc về tuổi trẻ và những cuộc rong chơi của ông, từ những lần nhảy tàu đến những lần tiết kiệm liều lĩnh, thó luôn đồ ăn trong quán, hay đơn giản chỉ miêu tả những câu nói của Dean kết thúc với ba chấm(…) để ta thấy được một Dean nổi loạn, khùng khùng, không mấy dễ ưa nếu chỉ tiếp xúc lần đầu. Tuổi trẻ người ta vậy đấy, sung sức, hoan lạc, lầm lỗi. Nhưng quan trọng hơn hết, người ta dám sống với đam mê của mình, sống với con người thực của mình. Chúng ta liệu có dám điên như họ? Cuốn sách này có lẽ hơi khó đọc với những ai thích kiểu văn mượt mà, trau truốt. Không! nó thực lắm. Vì là thực nên nhiều khi hơi khó hiểu và lộn xộn. Thế nên hãy đọc Trên Đường khi bạn thật sự có thời gian cho nó.

Danh mục:

Cuộc phiêu lưu xuyên Mỹ của Sal Paradise và Dean Moriarty dựa trên những chuyến đi có thật của Jack Kerouac và Neal Cassady, hai trong số những gương mặt quan trọng nhất của Beat Generation. Đó thực chất là hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và sự trải nghiệm đích thực. Được viết bằng sự pha trộn giữa cái nhìn buồn bã ngây thơ với sự phóng túng cuồng nhiệt, giữa tình yêu sâu sắc của Kerouac với nước Mỹ, lòng trắc ẩn của ông với con người và cảm thức về ngôn ngữ, coi nó như nhạc jazz.

Trên đường là một điển hình cho cách nhìn Mỹ về tự do và hy vọng, đặc biệt trong bối cảnh “Giấc mơ Mỹ” bắt đầu tan vỡ. Với Trên đường, Jack Kerouac đã bắt đầu phát triển một cách viết mà ông gọi là “Văn xuôi bột phát” (Spontaneuos Prose) với đặc điểm gồm rất nhiều các câu dài, kết cấu hình thức phóng khoáng, được viết ra ngay khi ý tưởng ập đến trong đầu, mang tính cá nhân rất cao.

Bất chấp những tranh cãi dữ dội từ khi mới ra đời, Trên đường là bằng chứng sống động nhất cho một giai đoạn trong lịch sử nước Mỹ, một phong trào trí thức. Cuốn sách được công nhận như một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất thế kỷ hai mươi của nền văn học Mỹ và thế giới.

Nhận định

“Nếu như Mặt trời vẫn mọc của Hemingway trong thế kỷ hai mươi được coi như cuốn Kinh thánh của Thế hệ bỏ đi thì Trên đường của Jack Kerouac cũng đóng một vai trò như vậy với Thế hệ Beat. (…) Thế hệ Beat sinh ra đã vỡ mộng. Họ coi những nguy cơ xảy ra chiến tranh, sự trì trệ của hệ thống chính trị, thái độ thù địch của cộng đồng là hiển nhiên. Sự giàu có không làm họ ấn tượng. Họ không biết mình đang tìm kiếm nơi nào để nương tựa, nhưng họ vẫn không ngừng tìm kiếm.”

(Gilbert Millstein, New York Times Book Review)

“Văn phong xuất sắc… Phong cách độc đáo, mãnh liệt mà giản đơn, sắc sảo đến dị thường. (The Atlantic Monthly)

“Trên đường là một tiểu thuyết sẽ khiến độc giả của nó muốn ngay lập tức lên đường, chộp lấy tháng ngày hiện tại và sống, sống, sống đến tận cùng!” (Anna Hassaghi, Đại học Hiram)

5 đánh giá cho Trên Đường

  1. Mỹ Ngọc

    Đọc cuốn sách này giúp mình tìm lại cái thời trẻ trâu, hay thích dong xe rong ruổi với mấy đứa bạn xuống các tỉnh miền Tây để khám phá văn hóa và ẩm thực ở đó. Cuốn sách không phù hợp với những bạn chỉ thích ngồi ì một chỗ và du lịch qua cái màn hình laptop mà phù hợp với những bạn ưa dịch chuyển, thích khám phá và có máu phiêu lưu mạo hiểm. Nó đưa chúng ta đến những vùng đất mới trên bản đồ cũng như những vùng đất mới trong tâm hồn chưa được khai phá, giúp ta hiểu chính mình hơn, yêu những con đường hơn và sống có ý nghĩa hơn
    Đây không nên là quyển sách chỉ đọc 1 lần.

  2. Vũ Vũ

    Trên Đường hoàn toàn không phải là một cuốn nhật kí hành trình hay cẩm nang du lịch bụi dành cho người trẻ hiện đại mà là 1 tác phẩm văn học kinh điển phản ánh một giai đoạn trong lịch sử Mỹ. Đây là điều tất nhiên dễ dàng nhận thấy vì cuốn sách được viết vào thập niên 60. Toàn bộ nhân vật chính không phải là những con người đang vào giai đoạn tuổi thanh xuân, cũng không phải là con người dư dả về vật chất. Chuyến phiêu lưu xuyên nước Mỹ của họ bên cạnh sự phóng túng, bên cạnh sự đi vì khát khao được đi của tuổi trẻ và sự vô trách nhiệm của nhân vật Dean Moriarty khi bỏ lại vợ con chật vật kiếm cái ăn ở nhà, những đứa con rơi rớt khắp nơi, li dị và tiếp tục li dị,.. mà đằng sau đó là những bất mãn trước hệ thống chính trị, sự suy tư về những mối quan hệ, về mục đích sống, là sự am hiểu văn chương, nghệ thuật. Như vậy cuốn sách hoàn toàn không phải chỉ là “những giây phút đam mê và sống trọn vẹn nhất với ước mơ và con người thật của mình, bỏ lại đằng sau những ưu tư, vui vẻ cùng bạn bè xách ba lô và lên đường, sống thật ý nghĩa những năm tháng tuổi xanh không bao giờ quay lại” như mấy nhận xét đã được viết. Nếu chỉ là như thế thì Trên Đường không được đưa vào hàng tác phẩm kinh điển. Điều cuối cùng đọng lại cho người thực sự đọc hết cuốn sách và suy nghĩ là: Sống như thế nào mới gọi là “sống thật ý nghĩa”???

  3. TT

    Một cuốn sách đáng đọc cho tuổi trẻ, những con người đang tìm kiếm lý tưởng, yêu tự do và đầy khát khao. Và tất nhiên đã là kinh điển thì đôi khi việc khó đọc là điều không thể tránh. Bạn có thể cân nhắc kĩ càng trước khi mua quyển sách này, nếu không quen với văn phong, bạn có thể sẽ hơi hụt. Tuyến nhân vật trong sách là những con người của tự do, phóng khoáng, đôi lúc điên cuồng đến hoang dại. Họ là những người trẻ, sống cháy hết mình và luôn muốn tìm đến những điều mới mẻ hơn cho cuộc sống. Nếu bạn là người thích những cuộc phiêu lưu, trải nghiệm những điều lạ lẫm thì hãy dành thời gian để đọc cuốn sách này!

  4. Nguyễn Ngọc Mai

    Cuốn sách này thực sự thể hiện rõ được sự điên cuồng của tuổi trẻ, khao khát tự do, khao khát trải nghiệm, và khao khát đi.
    Ban đầu cuốn sách đối với mình khá khó đọc, không phải vì cuốn sach dở mà vì cái cảm giác cuồng loạn mà cuốn sách mang lại khi mình đọc. Nhưng rồi, càng đọc mình càng thấy bản thân của mình trong đó, cái nỗi khao khát tự do tuổi trẻ, tự do tung hành, phiêu bạt.
    “Trên Đường” đúng là trên đường, ta không hề biết những gì sẽ đến, những gì bản thân ta sẽ đối mặt, rồi những ngã rẽ sẽ dẫn ta đến đâu. Thê nhưng, những điều đó mới mang lại ý nghĩa thực sự cho đời người. Ngẫm lại, từ khi ra trường, đi phỏng vấn tìm việc, cái mà mình ghét nhất chính là câu hỏi kế hoạch ngắn hạn, dài hạn, 3 năm, 5 năm của những nhà tuyển dụng. Một câu hỏi quá vô nghĩa. Nếu ta thấy được những gì ta sẽ có, đời còn gì để khám phá?
    Cuộc sống là một chuỗi những trải nghiệm để ta định hình bản thân, giá trị của chính mình và tạo lập một cuộc đời riêng cho bản thân mình. Nó còn là chuỗi phép thử và sai, những gì bản thân mỗi người trải qua sẽ là những giá trị vĩnh hằng mà bản thân họ có, và không ai giống ai.
    Tương lai ta không hề biết, tận hưởng giá trị món quà của hiện tại, sống với ước muốn, với khao khát của chính bản thân là những gì mà tôi bị cuốn hút qua từng trang sách.
    Càng về sau, nhịp sống như dồn dập hơn, mãnh liệt hơn, điên cuồng hơn và tôi thấy được sức trẻ bừng bừng qua mỗi hành trình.Tuy qua cuốn sách, mình cảm nhận một phần của cái gọi là vô định hướng của tuổi trẻ nhưng thực sự cái giá trị ẩn sau đó mà mình thực sự thích chính là cái khao khát đi, khao khát sống, khao khát trải nghiệm.
    Mỗi bước ta đi qua chính là cái đã tạo nên con người ta bây giờ, xấu hay tốt chỉ mình bản thân mỗi người biết, nhưng cái điều mà họ thực sự đã có chính là những bài học trên đường đời mình bước. Và đó chính là tài sản vô giá của mỗi người, khi nhìn lại, ta có quyền tự hào về những gì ta đã trải qua để học để lớn, để sống và để đi.

  5. Khanh Nguyen

    “Trên đường” không phải là cuốn sách dành cho những ai yêu thích thể loại truyện có nhiều tình tiết kịch tính. Trên đường không có kịch tính gì hết, nó không khiến người đọc tò mò, thấp thỏm lật trước trang cuối để xem nhân vật chính kết thúc câu chuyện như thế nào. Sẽ có lúc bạn chán, sẽ có lúc bạn hoang mang, truyện này nói cái gì, nhưng nếu đ”Trên đường” không phải là cuốn sách dành cho những ai yêu thích thể loại truyện có nhiều tình tiết kịch tính. Trên đường không có kịch tính gì hết, nó không khiến người đọc tò mò, thấp thỏm lật trước trang cuối để xem nhân vật chính kết thúc câu chuyện như thế nào. Sẽ có lúc bạn chán, sẽ có lúc bạn hoang mang, truyện này nói cái gì, nhưng nếu đặt câu chuyện vào bối cảnh ra đời của nó, sẽ thấy trân trọng tác phẩm này hơn, thấy được một bức tranh có phần u ám của 1 thế hệ. Trên đường chỉ mở ra trước mắt người đọc những cung đường rộng thênh thang và tuyệt đẹp của nước Mỹ, Trên đường giúp người đọc hình dung một nước Mỹ rất thật vào những năm 60s qua suy nghĩ, hành động của lớp trẻ bấy giờ. Thuốc phiện, nhậu nhẹt, trai gái, trộm cắp, nhưng trong thăm thẳm, họ là những người rất máu lửa, tất cả chỉ vì trốn tránh thực tại ẩm ương. Câu chuyện thực chất vẫn chưa đến hồi kết, Sal, ở đó, vẫn tiếp tục những cung đường của mìnhặt câu chuyện vào bối cảnh ra đời của nó, sẽ thấy trân trọng tác phẩm này hơn, thấy được một bức tranh có phần u ám của 1 thế hệ. Trên đường chỉ mở ra trước mắt người đọc những cung đường rộng thênh thang và tuyệt đẹp của nước Mỹ, Trên đường giúp người đọc hình dung một nước Mỹ rất thật vào những năm 60s qua suy nghĩ, hành động của lớp trẻ bấy giờ. Thuốc phiện, nhậu nhẹt, trai gái, trộm cắp, nhưng trong thăm thẳm, họ là những người rất máu lửa, tất cả chỉ vì trốn tránh thực tại ẩm ương. Câu chuyện thực chất vẫn chưa đến hồi kết, Sal, ở đó, vẫn tiếp tục những cung đường của mình

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button