Cảm nhận sách

Tuổi 20 chông chênh lắm!

Đại lộ không đèn là con đường của những người trẻ đang thời yêu đương mộng mơ, rộn rã và vấp phải bóng đen của nỗi buồn, cơn đau, thậm chí, cả niềm tuyệt vọng.

Thông thường, khi hình dung về thế hệ 9X, người ta dễ có ý niệm chung về những người trẻ của thời đại công nghệ với nhịp sống gấp gáp, với fast food, điệu nhảy Hip hop và những cú lướt tay trên màn hình để cuộn thật nhanh một loạt khoảnh khắc của người quen trên facebook.

Vì vậy, 9X cũng thường xuyên bị dán cái nhãn mác của một thế hệ sống hời hợt. Thế nhưng, thực ra, 9X không sinh ra từ một công thức chung và cũng không lớn lên bằng một thế đơn nhất như thế. Trong họ, có những người sống thật chậm, thậm chí rất chậm, như tiền nhân thuở cổ xưa, để nhấm nháp và thụ hưởng cho tận cùng cái thời trẻ đầy quý giá mà họ đang có. Bởi họ ý thức được rằng: Thời trẻ của mình đang ở thì hiện tại.

Ngọc Hoài Nhân là một 9X minh triết đã sở đắc cho mình cái ý thức ấy.

Đại lộ không đèn là con đường của những người trẻ đang thời yêu đương mộng mơ, rộn rã và vấp phải bóng đen của nỗi buồn, cơn đau, thậm chí, cả niềm tuyệt vọng.

Giữa đại lộ, có người chỉ thấy tăm tối mà lầm lạc; có người lại dạt trôi không còn biết đâu là lề lối; cũng có người hân hoan bước giữa lòng đường; có người vẫn cứ điềm nhiên đi và tự thắp lên ngọn đèn từ trái tim mình. Tuổi trẻ ấy, với tất cả niềm mộng mơ lãng mạn, cơn bồng bột rộn ràng, nỗi u sầu khắc khoải và cả sự kiêu bạc phiêu linh đã hiện lên rạng rỡ mà nhẹ nhàng, dịu ngọt mà thấm thía trên từng trang viết của Ngọc Hoài Nhân.

Chuyện của Nhân lôi cuốn người ta bằng cái không khí bàng bạc lãng du thuở xưa pha trộn một cách hài hòa và tinh tế với nhịp tiết nơi đô thị hiện đại trong những mối tình buồn nhưng đẹp tựa cổ tích.

Gấp lại trang cuối của Đại lộ không đèn, người ta có thể ngưng chấn động vì những nỗi éo le nhỏ nhắn đời thường, đôi khi có chút bi đát nhẹ nhàng của cốt truyện, nhưng không thể thôi vương vấn hình bóng chàng nghệ sĩ tuổi 20 với cây guitar hát lên những khúc nhạc Trịnh du dương sầu lắng, không thể ngừng xao xuyến vì ánh mắt của gã trai mới lớn lần đầu bần thần nhìn cô bạn gái trong chiếc đầm trắng tinh khôi, không thể thôi lãng đãng vì năm bó thạch thảo tím ngát cài trên khung cửa, không thể hết bồi hồi xót xa vì nỗi nhớ dai dẳng của chàng trai với người tình đã khuất…

Tình yêu, mộng mơ và niềm tin vào sự phúc hậu của cuộc đời có thể khiến cho những người trẻ của Đại lộ không đèn chừng như “lạc hậu” so với thời đại, nhưng cái cách sống chậm của họ, sống lắng sâu vào thế giới của tình, sống để biết yêu thương và đầy vị tha với nhân thế, khiến họ trở thành một giá trị bền bỉ – giá trị của mọi thế hệ, mọi thời đại. Và nhờ thế, Ngọc Hoài Nhân khiến cho thời trẻ của mình và những người cùng thế hệ không qua nhanh như những cú lướt web, mà ở lại, sâu lắng, ý vị như thơ.

Vì truyện của Nhân cũng đầy chất thơ.

Nói đúng hơn, truyện của Nhân là một kiểu thơ khoác cái áo của truyện. Còn Nhân đã là một thi sĩ trẻ với hai tập sách có thơ Sài Gòn cứ vội (in chung), Gói nỗi buồn lại và ném đi thật xa trước khi trở thành người viết truyện ngắn với Đại lộ không đèn.

Những bài thơ nằm cuối mỗi truyện không chỉ là khúc vĩ thanh ngân nga kéo dài cái âm hưởng trầm lắng đến xao lòng của những câu chuyện, mà còn là một kiểu hình hài khác, một kiểu diễn tấu khác của truyện-ngắn-Ngọc-Hoài-Nhân. Đọc hết truyện rồi, xúc cảm của độc giả sẽ tiếp tục truồi xuống dưới, chảy quanh co trên vần nhịp. Chất tự sự cộng hưởng với chất trữ tình khiến cho nỗi rung động nhân lên gấp bội.

Rồi người đọc biết mình khó mà dứt ra khỏi lực hấp dẫn từ những câu chữ của tác phẩm này.

Thạc sĩ Hồ Khánh Vân (giảng viên Bộ môn Lý Luận & Phê bình văn học trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG TP.HCM)

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Bảy 3, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 2, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button