Review phim

Gọi Em Bằng Tên Anh

Call Me By Your Name

Nội dung

Call Me By Your Name được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn André Aciman, lấy bối cảnh những năm 80. Nội dung tập trung vào mối quan hệ đầy cảm hứng giữa cậu bé 17 tuổi Elio (Timothée Chalamet) và chàng sinh viên 24 tuổi Oliver (Armie Hammer).

Oliver là sinh viên khảo cổ học người Mỹ đến ở trong biệt thự nhà Elio và theo học giáo sư là bố của cậu bé. Hai chàng trai trẻ đã bị cuốn vào một mối tình lãng mạn giữa khung hình tuyệt đẹp của miền quê nước Ý trong một mùa hè rực rỡ năm 1983.

Thể loại

10 phim hay về nước Ý lãng mạn đến bất ngờ - Nước Ý nổi tiếng với vẻ đẹp hoa lệ và các điểm tham quan lịch sử nổi tiếng từ lâu đã trở thành điểm đến mơ ước của nhiều người. 10 phim hay về nước Ý du ngoạn từ những vùng nông thôn Ý cho đến Venice, Rome, Tuscany lãng mạn, xen lẫn đó là nhưng câu… Đọc thêm
25 phim hay về tình yêu làm say lòng người xem - Tình yêu đến rất giản đơn nhưng thực chất lại mang trong mình một sức mạnh vô hình mà chỉ có những người đã và đang yêu mới có thể thấu hiểu. 25 phim hay về tình yêu giúp chúng ta mạnh mẽ hơn để vượt qua những thử thách, chông gai của cuộc sống, khiến… Đọc thêm

Trailer

Các review được Vnwriter tổng hợp từ nhiều nguồn. Báo cáo vi phạm, bản quyền, spoiler tại trang Liên hệ hoặc Bản quyền.

Review

Tình đầu tinh khôi như nắng hè nước Ý

Phong Kiều 7.9 Blogger

Call Me By Your Name được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên xuất bản năm 2007 của nhà văn Do Thái André Aciman. Bộ phim mở ra với khung cảnh mùa hè năm 1983, tại một miền quê trong lành ở Bắc Ý. Gia đình của cậu học sinh Elio (Timothée Chalamet đóng) đón một thanh niên người Mỹ tên Oliver (Armie Hammer đóng) tới nghỉ hè và giúp cha cậu công việc nghiên cứu. Cùng nhau trải qua mùa hè nồng nhiệt, hai người dần nảy nở tình yêu đầy thổn thức và đồng điệu.

Tựa phim Call Me By Your Name (Hãy Gọi Anh Bằng Tên Em) vốn là một câu thoại Oliver nói với Elio sau một lần làm tình: “Hãy gọi anh bằng tên em, và anh sẽ gọi em bằng tên anh”. Từ buổi ấy, hai người vẫn luôn gọi nhau bằng tên của mình, một cách nồng nàn, tha thiết và trìu mến.

Với chi tiết như vậy, bộ phim đã tạo ra một thủ pháp mới mẻ để khắc hoạ sự giao hoà tuyệt đẹp trong tình yêu. Đó là sự tình nguyện đem một phần của bản thân hoà quyện với đối phương, cũng là sự đón nhận một phần của đối phương thấm đượm vào cơ thể, linh hồn mình.

Để duy trì sự đồng nhất về tư tưởng như vậy, đạo diễn Luca Guadagnino không ngừng vẽ nên nhiều cảnh phim của thế giới hai người. Mặc dù các tuyến vai phụ trong phim gồm bố mẹ Elio, các cô gái vây quanh hai chàng trai đều có điểm nhấn ấn tượng, song phần lớn thời lượng đều dành riêng cho Elio và Oliver.

Xem phim, khán giả dễ dàng bị cuốn hút bởi khung cảnh thênh thang của những cánh đồng, đường làng ngập nắng vắng hoe, chỉ lưu lại bóng hình hai người trẻ đạp xe sánh đôi bên nhau. Dù bối cảnh thời đại khác nhau, câu chuyện mang hướng kể khác nhau, song khi xem tới những hình ảnh này, người viết bất giác nhớ tới chuỗi cảnh cặp đôi trong phim The Reader đạp xe và đi chơi ở một miền quê nước Đức.

Hình ảnh đặc tả hai chiếc quần bơi vắt vẻo trên vòi nước trong phòng tắm, hai chiếc xe đạp hờ hững dựng tạm bên đường, hay khuôn hình trung cảnh hai cơ thể ôm siết lấy nhau giữa đồng cỏ đều là những hoán dụ đại diện cho không gian riêng tư của hai nhân vật.

Trong hơn hai tiếng thời lượng, nhịp phim luôn ổn định với sự chậm rãi, dàn trải và hoàn toàn vắng bóng những cao trào cần thiết theo motif kịch bản Hollywood cổ điển. Cách làm này là hoàn toàn hợp lý để hoà cùng một phím với nhịp sống lãng đãng, tâm thế thư thái của một kỳ nghỉ hè. Các nhân vật trong phim cũng không có quá nhiều hoạt động. Đơn cử như nam chính Elio quanh quẩn chỉ chép nhạc, chơi đàn, tắm nắng, bơi lội và thi thoảng tiệc tùng hay đắm mình trong những cuộc “yêu” vội vã.

Trong Call Me By Your Name, đặc biệt là những khoảnh khắc bên nhau của Elio và Oliver gần như luôn luôn gắn liền với nắng. Nắng phủ ngập vườn cây, ruộng đồng, đường phố. Nắng đậu trên phím đàn của Elio. Nắng chạm trên cơ thể ở trần của hai nhân vật.

Sự hiện diện của nắng biểu thị cảm giác va chạm nhẹ nhàng về thể xác, cũng như sự rung động mơ hồ của xúc cảm. Còn màu của nắng là màu tinh khôi, trong lành nhưng đủ cháy bỏng trong tình yêu mà Elio và Oliver dành cho nhau.

Điểm hay nhất của Call Me By Your Name là tạo ra tính khả tín trong câu chuyện, khiến người xem tìm thấy sự đồng điệu, tin tưởng đây là câu chuyện tình như bao chuyện tình khác, thay vì cụm từ “tình yêu đồng tính”. Điều này chủ yếu đến từ cách kể chuyện và xây dựng nhân vật.

Phim được kể đơn thuần từ góc nhìn của Elio, trải qua nhiều giai đoạn với nhiều cung bậc cảm xúc: tò mò phút ban đầu, dò xét khi tiếp xúc, ghen tuông một cách vô thức, yêu một cách khao khát và đau khổ sau phút chia ly.

Luca Guadagnino khắc hoạ biến đổi cảm xúc của Elio vô cùng tinh tế. Chẳng hạn như trong trường đoạn bữa tiệc mùa hè, cảnh quay chuyển từ cận mặt Elio sang bước chân khiêu vũ vô tư, thân hình dẻo dai đang quấn quýt với cô gái khác của Oliver. Khoảnh khắc ấy, Elio không biết mình đã bị thu hút hoàn toàn bởi Oliver và ghen tuông đầy bản năng, nhưng đạo diễn biết và khán giả cũng biết.

Trong phim có một cảnh quay rất thú vị khi hai nhân vật đứng dưới một bức tượng. Họ đứng cạnh nhau, từ từ tách xa nhau đi về hai phía ngược chiều, rồi lại gặp nhau ở phía đối diện. Sự di chuyển vật lý này cùng những lời thoại đầy ẩn ý như một cách ẩn dụ về quan hệ giữa hai người. Elio từng thiếu thiện cảm với Oliver, rồi lại là kẻ phát điên vì tim lỗi nhịp. Còn Oliver từng cố ý tạo ra sự va chạm cơ thể như một dấu hiệu tình ái cho Elio, nhưng đành giữ khoảng cách vì ngại ngần trước phản ứng của chàng trai trẻ.

Qua cách kể chuyện của Luca Guadagnino và diễn xuất tuyệt vời của Timothée Chalamet, nhân vật Elio hiện lên đúng với chân dung một cậu bé 17 tuổi: nồng nhiệt, đôi khi hơi xốc nổi, tò mò về tình dục, khám phá cơ thể mình và loay hoay kiểm soát những bối rối của cảm xúc.

Khi khắc hoạ nhân vật này, Luca Guadagnino đã tạo ra một hình ảnh ẩn dụ rất thú vị, chính là trái đào mà Elio dùng để thủ dâm. Đạo diễn mượn một thứ quả chín hồng hào, mềm mại, thơm tho, mọng nước và ngọt lịm để phản ánh tình dục, miêu tả khát khao tình dục là một thứ đẹp đẽ và đáng nâng niu. Điều này càng được nhấn mạnh hơn với chi tiết Oliver sẵn sàng ăn trái đào có chứa “một phần” của cậu người yêu.

Trái ngược với Elio, Oliver lại có phần già dặn hơn so với lứa tuổi 24, luôn điềm tĩnh, chín chắn và kín kẽ. Cộng thêm cách kể từ góc nhìn của Elio, Oliver càng trở thành một dấu hỏi mơ hồ, với Elio, và với khán giả cũng thế. Bù lại, khi đến với nhau, Oliver luôn dành cho người yêu sự trân trọng. “Anh hôn em được chứ?”, ánh mắt chân thành khi chàng trai người Mỹ hỏi câu này khiến người xem không khỏi xúc động.

Cho tới cuối phim, khi cặp đôi nói chuyện điện thoại sau thời gian dài mất liên lạc, người xem cũng chỉ nhìn thấy cảm xúc đơn độc từ phía Elio. Cảnh phim này gợi nhắc tới khúc cuối của Moonlight – tác phẩm về đề tài đồng tính và người da màu thắng giải Oscars hồi năm ngoái.

Hai nhân vật trong hai phim đều run rẩy hạnh phúc khi người yêu nối lại liên lạc. Chiron của Moonlight biết tin người yêu đã có vợ, Elio của Call Me By Your Name hay tin người yêu sắp kết hôn. Chiron may mắn hơn một chút, bởi sau cuộc gọi ấy, anh còn được gặp mặt người yêu cũ một lần cuối. Còn Elio, chàng trai chưa tròn 18 chỉ biết lắng nghe tiếng trái tim rạn vỡ, hoà lẫn với giọng nói người thương ở đầu dây bên kia mà chẳng rõ được cảm xúc của người ta.

Dưới ánh nắng trong veo của mùa hè nước Ý, Call Me By Your Name giản dị, nhẹ nhàng, tinh khôi mà không kém cuồng nhiệt, từ dáng hình, thanh âm tới cảm xúc. Bộ phim là bức hoạ thanh trong tranh có nhạc, trong nhạc có hình đẹp đẽ như mối tình đầu của tuổi 17.

Ngọt ngào đến nhói tim

ageha1995 8 Blogger

Có rất nhiều rất nhiều rất nhiều điều mình muốn nói về Call me by your name, và rất rất nhiều cảm xúc đọng lại sau khi bộ phim khép lại, nhưng mình chỉ xin phép gói gọn bằng hai chữ “Tuyệt vời”.

Mình khá ngạc nhiên vì chất lượng phim tốt hơn mình nghĩ, bởi trước nay phần lớn những phim liên quan đến LGBT mình xem đều rất tệ (trừ những phim kinh điển như Brokeback Mountain). Có lẽ xã hội đã có cái nhìn cởi mở hơn, và các diễn viên chuyên nghiệp cũng mạnh dạn hơn khi tham gia các phim đề tài đồng tính nên chất lượng phim ngày một được cải thiện chăng?

Mình nhắc lại là mình rất rất thích ‘Gọi em bằng tên anh’. Mình yêu diễn xuất của cậu chàng Timothée Chalamet và anh diễn viên điển trai Armie Hammer, mình yêu diễn tiến câu chuyện, mình yêu từng khúc nhạc trong phim, mình yêu cách tình yêu dẫn dắt Elio (do Chalamet thủ vai) và Oliver (Hammer) đến bên nhau, và mình cũng yêu cả cái kết ngọt ngào đến nhói tim, song cũng khiến người ta buồn đến ứa nước mắt.

ình yêu của cậu trai 17 tuổi mang trong mình hai dòng máu Ý-Mỹ và chàng nghiên cứu sinh quyến rũ đến một cách chậm rãi, từ tốn như nó vốn dĩ vẫn vậy. Elio hãy còn đang ở cái tuổi ẩm ương, có vẻ cậu đã yêu Oliver ngay từ khi mái đầu anh xuất hiện trước sân nhà (bởi cậu vẫn nhớ chiếc sơ mi anh mặc khi đến lần đầu tiên kia mà), nhưng cậu vẫn còn sợ hãi (?), chưa thật chắc chắn về cảm xúc của bản thân chăng? Vậy nên cậu mới trốn tránh những cái đụng chạm, rồi ngay lập tức lại tỏ ra khó chịu khi thấy anh nhảy cùng người con gái khác, để rồi sau đó trả đũa anh bằng cách lên giường cùng cô bạn thân! Nhưng vậy không có nghĩa Elio không có sức hút, ngược lại, cậu còn cực kỳ thu hút là đằng khác. Ở cậu toát lên hai vẻ đẹp, một là vẻ đẹp hình thể hoàn hảo của cậu trai với mái tóc xoăn đẹp không góc chết; hai là vẻ đẹp tài năng và trí tuệ. Cậu là tay piano cừ khôi, cậu sáng tác nhạc luôn tay, cậu đọc sách không ngơi nghỉ, và chính Oliver đã phải bật thốt:”Có gì mà em không biết nữa không?”. Về phần Oliver, anh là người đàn ông quyến rũ từ trong xương tủy, từ giọng nói trầm thấp hút hồn đến vốn kiến thức về ngôn ngữ lẫn nghệ thuật hết sức phong phú. Mình như cảm nhận được một thứ tình cảm quyến luyến và nồng nàn từ người đàn ông ấy qua mỗi ánh nhìn anh dành cho cậu, qua cái nắn vai “vô tình”, hay qua cách anh hỏi chuyện, mát xa gan bàn chân cho Elio khi cậu chảy máu mũi. Dù chỉ là nụ hôn phớt qua, hay cái cách anh giành chai nước cậu đưa cho chàng trai khác cũng khiến mình thấy hạnh phúc đến tột đỉnh. Nói một cách thô thiển thì cảm giác giống như khi bạn ‘lên đỉnh’ vậy. Và xin thú thật là mình đã lên đỉnh vô số lần trong suốt 2 tiếng chiều dài bộ phim!

Cảnh khiến mình xúc động nhất lại là khi hai người vui chơi bên nhau trước khi Oliver chuẩn bị khăn gói lên đường trở về Mỹ. Họ hạnh phúc cười nói, nhảy múa cùng những người xa lạ, tay trong tay trao nhau vô số nụ hôn lén lút trong lối hẻm tối tăm, họ yêu nhau dồn dập, lao vào nhau như hai con thiêu thân để rồi lại thở dài tiếc nuối khi nhận ra cả hai đã lãng phí cả mùa hè. Phải chi họ thổ lộ sớm hơn, phải chi Elio thôi trẻ con và phải chi Oliver bớt chần chừ thì có lẽ… Nhưng hiện thực thì không có nhiều cái “phải chi” đến vậy. Cái kết cho cuộc tình vụng trộm kéo dài hơn sáu tuần trời vẫn là mỗi người mỗi ngả, và Elio yếu đuối đến mức cậu không thể trở về một mình mà thiếu vắng Oliver.

Cuộc tình thời niên thiếu chính thức đi đến hồi kết khi cậu nhận cú điện thoại ‘báo hỉ’ của Oliver, và những giọt nước mắt đau xót cho đoạn tình cảm ngắn ngủi cũng thoáng chốc làm nhòe hai mắt cậu trai. (Thú thực là coi đến cảnh này mình chỉ muốn thay Oliver liếm đi nước mắt của Elio thôi ;v;).

Call me by your name không có những thước phim giật gân hay những trường đoạn giường chiếu khoe da thịt nóng bỏng như Blue is the warmest color, xong mỗi cái ôm ấp, hôn môi vội vã trong phim đều khiến tim mình dồn dập đến khó tin. Nói sao nhỉ, ‘Gọi anh bằng tên em’ như đưa mình trở lại với mối tình đầu, mãnh liệt sôi trào để rồi kết thúc như một dấu chấm lửng, khiến người ta day dứt tiếc nuối không thôi. Dầu vậy, điều đọng lại sau tất thảy vẫn là cảm xúc háo hức muốn yêu, thôi thúc muốn trải nghiệm đoạn tình cảm dù ngắn nhưng vẫn trọn vẹn đủ mùi vị cay đắng-ngọt lịm như của Oliver và Elio.

Đúng là tình chỉ đẹp khi còn dang dở, và ai dám nói nếu như tiếp tục, tình cảm đẹp đẽ này có thể chiến thắng khoảng cách địa lý, lời bàn ra tán vào của thiên hạ và rào cản từ gia đình? Chia ly chính là cái kết đẹp nhất cho tác phẩm hoàn hảo này, và mình không ngại xem lại bộ phim lần 2, lần 3 để ghi tạc từng phân cảnh vào trong tim :).

Hãy sống bằng bản ngã

gathienology 8.1 Blogger

Oliver bước vào cuộc đời Elio mùa hè năm cậu 17 tuổi. Anh đặc sệt nam tính và đặc sệt Mĩ: 24 tuổi, nghiên cứu sinh và là trợ lý nghiên cứu của bố Elio, tự tin, thạo đời, hài lòng về bản thân, cuộc sống, và những lựa chọn của mình cho dù nó tốt hay không tốt. Không quan tâm nhiều đến việc người ta nghĩ gì về mình. Thoạt nhìn hơi lông bông và nông cạn. Oliver là hình ảnh của một người đàn ông hơi trần tục, thực tế. Đó là bản thể trái ngược với Elio, một cậu trai 17 còn mơ mộng, thiếu trải nghiệm và cọ xát. Elio thể tạng yếu ớt, sống nội tâm, chủ yếu làm bạn với sách và âm nhạc, dùng cả tiếng Anh, Pháp, Ý, Đức, lại khiêm tốn và ít nói. Cậu chơi nhạc, viết lại các bản nhạc cho các loại nhạc cụ theo nhiều phong cách khác nhau, và “hiểu biết hơn tất cả lũ nhóc trong vùng.” Phim chọn hai diễn viên không thể nào phù hợp hơn. Armie (Oliver) cao lớn, rám nắng, từng đóng cặp song sinh tự mãn trường Harvard trong The Social Network. Timotheé (Elio) gầy gò xanh xao, tóc xoăn sẫm màu, mắt sâu và buồn, thoạt nhìn giống như một vị thần trẻ tuổi vừa bước ra từ thần thoại Hi Lạp hay một bức tượng cẩm thạch thời Phục Hưng.

Tưởng chừng như không có gì kết nối với nhau, nhưng chẳng mấy chốc những gì che đậy bên ngoài dần dần rơi ra (quần áo thì chưa). Một Oliver rụt rè, thông thái. Một Elio tha thiết, đam mê, chủ động. Những lần nói chuyện đầy chữ nghĩa. Người này đọc ý nghĩ của người kia. Hai người có đầy thứ để trở thành bạn tri kỷ.

Chẳng hạn như đoạn Oliver và Elio đạp xe ra phố:

“Em có biết ai bị đắm tàu ở vùng này không?”

“Shelley.”

“Và vợ ông ấy đã giữ lại vật gì?”

“Cor cordium. Trái tim của trái tim.”

Giữa những câu hỏi mông lung không biết từ đâu ra, đột nhiên nó gắn kết hai người lại với nhau. Nhà thơ cổ điển Shelley bị đắm tàu, thi hài ông trôi dạt đến thị trấn này một thế kỷ trước. Khi mai táng, trái tim ông không chịu cháy. Vợ ông đã giữ lại và mang đi suốt đời bà.

“Có thứ gì trên đời mà em không biết không?”

“Có nhiều thứ em không hề biết.”

“Em không biết gì?”

“Những thứ quan trọng.”

Thứ đó là đam mê và tình yêu với Oliver mà cậu còn đầy nghi hoặc, sợ hãi, e dè chưa dám bày tỏ. Cậu đưa Oliver đến nơi ẩn náu của mình trên đỉnh núi, nơi cậu luôn đến một mình để tìm sự bình yên. Đó là nơi mà đúng một thế kỷ trước, Claude Monet từng đến để vẽ.

“Em không nhớ em đã đọc biết bao nhiêu cuốn sách ở đây.”

Không phải cậu vừa mở thế giới của mình để mời Oliver – con người đầu tiên và duy nhất – bước vào, mà cầu xin thế giới của mình cho Oliver bước vào, để họ cảm nhận anh, để xem họ có ưng thuận với anh không, để sau này cậu sẽ bước vào đây một mình và nhớ đến anh. Họ trao nhau nụ hôn đầu tiên sau đó. Cuộc tình không ít trắc trở giữa những đợt sóng cảm xúc, sự e dè, sự bất định. “Hãy gọi anh bằng tên em, anh sẽ gọi lại em bằng tên anh.” Oliver thì thầm vào đêm đầu tiên họ bên nhau.

Mười lăm năm sau, khi tới thăm Oliver, Elio xem lại kỉ vật mà Oliver giữ lại từ phòng cậu mùa hè năm đó. Đó là bưu ảnh chụp chốn ẩn náu này. Anh viết thêm vài chữ ở mặt sau. Hai chữ mà Elio chịu không đoán được.

“Không phải If Not Later, When? à?”

Đó là Cor Cordium. Trái tim của trái tim*. Trá i tim không bao giờ cháy và đi theo Oliver suốt cuộc đời. Đó là điều anh biết ở sâu nhất trong tâm khảm, một thứ thầm kín chân thật nhất mặc dù anh không phải luôn thú nhận trong cuộc đời mà anh đang sống. Một thứ nằm ở một cuộc đời song song, mà ở đó Oliver vẫn mãi mùa hè tuổi 24, luôn ở Ý, ở Bordighera, vẫn ngày ngày bơi lội, phơi nắng, rong ruổi đạp xe bên Elio, và làm tình mỗi buổi chiều khi ánh nắng tràn qua tấm rèm mỏng bay phồng bên cửa sổ, bởi cuộc đời quá ngắn ngủi để ngăn ánh nắng tràn vào.

Tôi thích kết thúc của phim. Tôi cũng thích cái kết của truyện, mặc dù nó quá dài về mặt thời gian. Phim là lời trần thuật ở hiện tại, khán giả vẫn lạc đâu đó ở mùa hè Bắc Ý và vườn đào và olive trĩu quả. Truyện là lời kể về quá khứ của một Elio đã từng trải, vẫn nhớ từng chi tiết của đam mê và không thể nào làm lại cuộc đời từ đó. Elio của năm 37 tuổi, rung động vì những kỷ niệm ùa về khi Oliver qua Ý thăm, thầm nhủ: nếu anh còn yêu và còn nhớ chuyện chúng ta thưở nào, lúc chia tay anh sẽ giữ ánh nhìn của em thật lâu và gọi em bằng tên anh. Để hai người có thể sống bằng bản ngã của nhau ít nhất trong chốc lát.

Truyện có nhiều nội dung, điển tích và ẩn dụ trong văn học và âm nhạc cổ điển Tây Âu, có đủ Dante, Leopardi, Shelley, Haydn, Brahms, Bach, Liszt, và nhiều tác gia khác, nhưng gia vị vừa phải chứ không ngồn ngộn để làm người đọc phát ngấy. Thú thực đôi lúc tôi vẫn bực mình với tác giả vì đã tạo ra hai nhân vật rất hoàn hảo và đặc sắc, để rồi cho họ yêu nhau và quên đi phần còn lại của thế giới. Nó không công bằng cho phần còn lại kia. Nhưng có lẽ đó là thứ đẹp nhất chúng ta có thể mơ ước.

Call Me by Your Name là phim hay nhất mà tôi xem năm 2017, và cũng là truyện hay nhất tôi đọc cùng năm. Tác giả André Aciman xuất hiện phút chốc trong phim khi ông vào vai Mounir, một trong hai người đồng tính. Ông để cho đạo diễn và biên kịch thoải mái sửa nội dung, chẳng hạn đưa bối cảnh phim về một thị trấn khác ở Ý (Crema), đổi ngành nghiên cứu của bố Elio từ cổ điển thành nhân chủng học, cắt bỏ một nhân vật (Vimini) và chấm dứt phim sớm hơn truyện.

(*) Tiếng Anh là heart of hearts (tiếng Latin: cor cordium ), có nghĩa là điều ai đó tin chắc nằm lòng. Hai chữ Latin này được khắc trên bia mộ của Shelley, nhà thơ Anh thế kỷ 19.

Đánh giá

Nội dung - 8.7
Diễn xuất - 8.4
Nhạc phim - 8.3
Kỹ xảo điện ảnh - 8.1
Thông điệp truyền tải - 8.6

8.4

Một chuyện tình "lạ"

Tình đầu tinh khôi như nắng hè nước Ý

User Rating: 4.18 ( 3 votes)

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Chín 1, 2018 | Lần cập nhật cuối: Tháng Bảy 27, 2019

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button