Review phim

Melancholia

Nội dung

Bộ phim 136 phút này không có cảnh những công trình to lớn đổ sụp tan hoang, không có những đoàn người hoảng loạn khi hành tinh Melancholia sắp va vào Trái Đất. Nó chỉ khắc họa những đổ vỡ trong tâm lý và những dồn nén có dịp thổ lộ của các nhân vật nữ. Claire hoảng hốt vì nỗi lo mất đi tất cả – tình yêu, gia đình, cuộc sống – vào ngày tận thế. Cô phản đối, không dám đối mặt với sự thật hiển nhiên rằng tất cả sẽ phải chết khi Trái Đất bị hủy diệt. Còn Justine thì đại diện cho một thái cực đối lập. Cô không ngại ngần tắm dưới ánh trăng hủy diệt của hành tinh Melancholia, như một sự giũ bỏ mọi phiền muộn, thất vọng về Trái Đất và chấp nhận cái chết đang tới dần.

Thể loại

10 phim hay về bệnh trầm cảm cho bạn cái nhìn sâu sắc - 10 phim hay về bệnh trầm cảm tập trung vào bản chất của trầm cảm: nó là gì, nó phát triển như thế nào và nó ảnh hưởng đến cả những người có nó và những người xung quanh. Câu Chuyện Tuổi Teen Câu Chuyện Tuổi Teen là câu chuyện về tuổi mới lớn. Charlie… Đọc thêm

Trailer

Các review được Vnwriter tổng hợp từ nhiều nguồn. Báo cáo vi phạm, bản quyền, spoiler tại trang Liên hệ hoặc Bản quyền.

Review

Phim hay nhất về ngày tận thế

Trung Rwo 7.0 Vnexpress

Melancholia có cấu trúc tưởng chừng như rất mạch lạc nhưng hoá ra lại phức tạp bất ngờ khi được chia ra làm hai phần chính và đoạn mở đầu đặc biệt kéo dài 8 phút. Chỉ trong vòng 8 phút đầu tiên ấy, đạo diễn đã truyền tải toàn bộ không khí tăng tiến của phim thông qua các khung hình chuyển động siêu chậm khi một hành tinh lớn đâm vào Trái Đất. Những hình ảnh mang tính biểu tượng thể hiện rõ nét từng cung bậc cảm xúc trong đoạn phim này, từ nỗi sầu muộn sơ khai, rồi khi bị nhấn chìm, gục ngã, cố gắng níu kéo cho tới lúc chấp nhận số phận.

Điểm phức tạp của Melancholia không nằm trong mạch truyện, mà là trong những nghiên cứu sâu sắc về tâm lý của hai nhân vật nữ chính qua hai phần phim, cách họ tiếp nhận thông tin hành tinh Melancholia đang tiến gần tới Trái Đất và phản ứng với nó ra sao. Có chủ đề về thảm họa địa cầu đậm tính thị trường, nhưng Melancholia lại được thực hiện theo một phong cách đặc biệt dưới cảm quan rất riêng của Lars von Trier.

***

Trong một bài phỏng vấn, đạo diễn Lars von Trier tiết lộ rằng ông lấy ý tưởng thực hiện Melancholia từ những gì mình đã trải nghiệm trong thời thơ ấu, khi ông là nạn nhân của mọi thứ tồi tệ nhất, từ chiến tranh hạt nhân cho tới căn bệnh viêm ruột thừa mãn tính. Và hành tinh Melancholia (tiếng Việt: U Sầu) như một sự ẩn dụ cho những nỗi buồn mà bất cứ ai cũng gặp phải. Ban đầu, nó có thể nhỏ bé và bình thường. Nhưng khi nỗi buồn dần lớn lên thì nó có thể khiến con người trở nên ngạt thở. Rồi có những lúc, ta tưởng rằng nó đã rời khỏi chúng ta, nhưng hóa ra nó vẫn quay lại, mạnh mẽ hơn bao giờ hết và làm con người gục ngã.

Mang ý nghĩa siêu hình rõ nét, nhân vật Justine ẩn dụ cho chính hành tinh Melancholia sầu muộn, trong khi hình tượng của Claire thể hiện cho Mặt Trời. Và như trong bộ phim, hành tinh U Sầu kia đã cam đảm lộ diện từ phía sau Mặt Trời, như thể hiện cho việc Justine bộc bạch cõi lòng đầy bất cần trong lễ cưới. Nhưng dù nghĩ theo cách nào đi chăng nữa, đơn thuần thảm họa hay có lồng ghép tính ẩn dụ, thì Melancholia vẫn có một kết cấu câu chuyện dễ theo dõi và đồng cảm. Tuy nhiên, phim không dễ dãi về nghệ thuật và cũng không dễ chịu đối với những cái đầu nóng nảy luôn mong chờ những cảnh quay hoành tráng.

Gây ấn tượng đặc biệt trong Melancholia là hình ảnh cuối cùng – một trong những đoạn kết xứng đáng trở thành kinh điển. Khi đó, hành tinh Melancholia tiến rất gần tới Trái Đất và Justine, Claire cùng cậu bé Leo đi nhặt cành cây, tạo thành một túp lều như tấm lá chắn mỏng manh. Đó là hình ảnh đẹp và nhân văn hơn bao giờ hết trong một bộ phim thô ráp và thẳng thẳn nhìn vào thực tế. Dù thảm hoạ có to lớn tới cỡ nào, con người vẫn có thể quay về với mái nhà nguyên sơ của mình, cùng nắm chắc tay, chống đỡ sự u sầu đang tiến dần đến.

Đọc, nghe, xem

hieutn1979 7.2 Blogger

Nhân vật Justine trong Melancholia, trong cảm nhận của tôi lúc này, dường như cũng mang một cảm giác tức ngực suốt cả bộ phim dài hai tiếng đồng hồ này. Triệu chứng được bắt đầu vào khoảnh khắc Justine nhìn thấy ngôi sao đỏ ban chiều vào đúng hôm lễ cưới của mình như một dấu hiệu tiên tri. Cảnh đám cưới chiếm hầu như toàn bộ nội dung phần 1 của bộ phim là một diễn cảnh dễ làm mỏi mệt, phân tâm người xem nhưng hình như đó là dụng ý của Lars Von Trier. Chỉ với vài ba điểm nhấn, Lars Von Trier cho thấy cái hào nhoáng, trang trọng, hoành tráng của đám cưới chỉ là một nỗ lực vô vọng để hóa trang một thế giới trống rỗng: ở đó, con người ta không ngại ngần làm tổn thương nhau, nhạo báng những niềm tin của con người vào hạnh phúc; họ cũng không ngại ngần lợi dụng đám cưới này như một cơ hội cho sự thăng tiến, cho việc làm ăn… Những nghi thức xã hội trở nên rối rắm, chỉ còn là những ràng buộc bề ngoài, những quy ước về đạo đức trở nên vô nghĩa, những mong đợi về tình người chỉ để lại sự hụt hẫng. Thế giới hiện ra như một thực thể mà lý trí không còn kiểm soát được nữa. Chỉ riêng sự mỏi mệt, rã rời là hiện hữu thật sự. Và sự mạnh mẽ, can đảm duy nhất con người có được lúc này là thoát ra khỏi những ràng buộc, trì níu của cái thế giới đang trong quá trình rã mục cuối cùng.

***

Sự tương phản của Justine và thế giới của Claire và người anh rể – cũng là cái thế giới mà hầu hết chúng ta bị ràng rịt trong đó – gợi nên một ý vị mai mỉa về sức mạnh của lý trí trong việc kiểm soát thế giới này. Justine, đi từ trạng thái trầm cảm, u uất bởi một linh cảm về sự tận thế như một tất yếu để rồi cuối cùng mang một tâm thái bình thản đón nhận nó. Cảnh khỏa thân của Justine dưới ánh trăng có thể xem như một cảnh tượng giàu tính thơ và lãng mạn nhất trong bộ phim u ám, nặng nề này: đó là khoảnh khắc nhân vật trút bỏ hết mọi thứ ràng buộc, mọi áo lốt – những thứ vô hình và hữu hình vốn đè nặng lên ngực cô khiến cô, điềm nhiên ngắm vẻ đẹp của thế giới trong khoảnh khắc cận kề hủy diệt của nó. Trăng lặng lẽ tỏa ra một thứ ánh sáng lạnh, trong bao bọc lấy thân thể Justine, gợi cảm giác về một sự giao hoan diễn ra giữa nhân vật và vũ trụ. Trong khi đó, người anh rể của Justine từ chỗ được xây dựng một kẻ đầy niềm tin vào khoa học, không bao giờ tin có chuyện trái đất bị va đập bởi một hành tinh giống như mặt trăng cuối cùng lại bẽ bàng và sợ hãi, tìm đến việc tự tử thay vì đối mặt với sự tất yếu không tránh khỏi đấy. Hành động tự tử này không gợi lên bất cứ ý nghĩa cảm thương nào cả: nó làm đầy thêm cảm giác về sự rã rời của những mối quan hệ người trong xã hội, khi sự vị kỷ và vô trách nhiệm là động cơ mạnh nhất để nhân vật tìm đến cái chết, bỏ rơi lại người vợ Claire và đứa con trai đối mặt với ngày tận diệt.

***

Khung cảnh ngày tận thế trong Melancholia không hề được xây dựng trên những kỷ xảo tân kỳ, gây cảm giác mạnh như ta thường thấy trong những bộ phim thương mại theo chủ đề này. Nhưng cảm giác bất an của không khí cận kề tận thế trong bộ phim có lẽ còn mạnh hơn những bộ phim kỹ xảo: ngày tận thế cứ lừng lững đi đến, đè nặng lên nội tâm của con người, tạo ra những xáo trộn. Nhịp điệu chậm chủ ý của bộ phim làm nổi bật lên cảm giác về nỗi bất an ngày một lớn, từ chỗ là một linh cảm mơ hồ đến chỗ trở thành một thực tế hiển hiện, không thể né tránh. Không phải là những đảo lộn hữu hình của trời đất mà chính những xáo trộn, hỗn loạn trong nội tâm của Justine và Claire khiến người xem có cảm giác về sự ngột ngạt, u uất của không khí những ngày bên ngưỡng tận thế. Không hề có một cảnh tượng sử thi theo kiểu nhân loại nắm tay nhau nhắm mắt chờ ngày tận thế: chỉ là hình ảnh các nhân vật nhận ra mình đang bị bỏ rơi, là những cá thể đơn độc, không còn ai khác để bấu víu vào. Thế giới trở nên trống trải và mênh mông hơn bao giờ.

Không có khoảnh khắc sử thi nào nhưng cái kết phim có thể nói lại là một khoảnh khắc cao cả mà không phải bộ phim lấy cảm hứng về ngày tận thế theo phong cách sử thi đạt đến. Hai người phụ nữ và một cậu bé ngồi dưới một cái chòi sơ sài, không có gì che chắn, nắm chặt tay nhau, nhắm mắt và chờ đợi khoảnh khắc cuối cùng của thế giới. Cái nắm chặt tay ở kết phim đối lập với tất cả những sự tan rã, đổ vỡ, ruồng rẫy, bỏ rơi mà ta cảm nhận được từ những khoảnh khắc trước đó trong bộ phim. Sự bình tâm đó là hình ảnh đẹp cuối cùng về con người trước khi thế giới bị xóa bỏ.

Phép ẩn dụ tuyệt vời của Lars Von Trier

linhns 7.1 Blogger

Chỉ có những nhà làm phim lập dị như Lars Von Trier mới có thể nghĩ ra những bộ phim làm xoắn não người xem như Antichrist, Dogville hay Melancholia. Lập dị về cả cách làm phim cũng như cách sống. Những tưởng những phát ngôn vạ miệng của ông về việc đồng cảm với Hitler sẽ khiến ông không bao giờ đc quay lại LHP Cannes nữa, nhưng vào năm 2013, khi ông tuyên bố có dự án mới, Cannes lại tha thứ cho ông và mời ông đem phim của mình đến. Nói cách khác, Cannes cần phim của ông để nâng cao danh tiếng của chính mình.

Quay trở lại với Melancholia, đây có lẽ là bộ phim khác biệt nhất, mạo hiểm nhất của Lars, người thường được biết đến với phong cách làm phim Dogme 95, tập trung chủ yếu vào cốt truyện và hạn chế kĩ xảo. Thời gian trôi qua, không có thứ gì là bất biến, cách làm phim của Lars cũng vậy, phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu của khán giả. Kĩ xảo đã đc vận dụng nhiều hơn trong Melancholia, và nó đã đạt đến mức làm khuôn mẫu cho các tác phẩm khác, kĩ xảo phải góp phần làm nổi bật nội dung.

Melancholia nói về mối quan hệ căng thẳng giữa 2 chị em Justine(Kirsten Dunst) và Claire(Charlotte Gainsbourg) giữa lúc có 1 hành tinh đang có nguy cơ va chạm và hủy diệt Trái Đất. 8 phút đầu của bộ phim với những hình ảnh chuyển động siêu chậm gần như đã hé lộ kết cục của phim rằng Trái Đất sẽ bị Melancholia đâm trúng.

Sau đó, bộ phim diễn ra theo đúng phong cách Lars Von Trier, gồm các chương như 1 cuốn tiểu thuyết, cụ thể ở đây gồm 2 chương là Justine và Claire, trùng với tên của 2 nhân vật chính. Chương 1 chủ yếu là cảnh đám cưới của Justine và Michael(Alexander Skarsgard). Nhưng điều này có lẽ đã nằm trong tính toán của Lars. Đám cưới ấy giống như môt cái vỏ bọc nhằm che đi thế giới trống rỗng, một thế giới mà con người làm tổn thương nhau một cách không ngại ngùng, xúc phạm và phỉ báng nhau. Những nghi thức xã hội cũng trở nên rối rắm, họ thậm chí còn tận dụng đám cưới để làm ăn. Thế giới hiện ra như một vật thể mà con người không còn kiểm soát được nữa. Chương 2 được đặt tên là Claire nhưng thật sự mình thấy nó vẫn nối tiếp câu truyện về Justine. Sau đám cưới, Justine trở nên sầu não, u uất để rồi chấp nhận số phận rằng Melancholia sẽ đâm vào Trái Đất. Trái ngược lại thì Claire luôn tìm cách để né tránh số phận. Người anh rể John(Kiefer Sutherland) của Justine đc xây dựng với niềm tin sắt đá vào khoa học sau đó đã tự tử như một cách để tránh đối mặt với sự tất yếu. Đoạn kết của phim xứng đáng đc xếp là một trong những đoạn kết hay nhất lịch sử điện ảnh, đó là khi Melancholia sắp hủy diệt Trái đất, Justine, Claire và cậu bé Leo cùng nhau ngồi dưới một túp lều đơn sơ. Đây là hình ảnh nhân văn nhất trong một bộ phim nhìn thẳng vào thực tế, nó nói lên rằng dù bi kịch có lớn tới cỡ nào, con người vẫn có thể cùng nhau chống đỡ lại nỗi u sầu đang đến.

Kirsten Dunst đã có một vai diễn để đời trong bộ phim này. Qua bộ phim, tài năng của cô đã được công nhận chứ không còn đc coi là “bạn gái Người nhện” nữa. Một trong những cảnh đỉnh cao của cô ở trong phim là cảnh Justine khỏa thân tắm dưới ánh sáng của Melancholia, đó là một cảnh rất giàu chất thơ khi nhân vật bình thản ngắm nhìn và rũ bỏ sự thất vọng về Trái Đất trong thời khắc lụi tàn của nó. Vai diễn đã giúp Kirsten nhận đc giải Nữ diễn viên chính xuất sắc của LHP Cannes.

Kết luận, Melancholia không phải một bộ phim dễ xem và rất khó để thấu hiểu kĩ, tốt nhất các bạn nên xem 2 lần cho hiểu. Hành tinh Melancholia trong phim tượng trưng cho nỗi buồn của mỗi con người, ban đầu nó có thể bé nhỏ, nhưng nhiều nỗi buồn nhỏ hợp lại theo thời gian có thể làm chúng ta gục ngã. Nhiều lúc ta tưởng nó đã ra đi, nhưng nó có thể quay trở lại và quật ngã ta. Bộ phim đã khai thác chủ đề rất thị trường là ngày tận thế nhưng theo một cách rất riêng, khác với những bom tấn cháy nổ của Hollywood, mang nhiều ý nghĩa hơn. Và nếu bạn muốn đổi gió khỏi những phim giải trí nhiều đến phát rồ của Hollywood, nhất định bạn phải xem Melancholia.

Đánh giá

Nội dung - 7.3
Diễn xuất - 7.5
Nhạc phim - 7.3
Kỹ xảo điện ảnh - 7.3
Thông điệp truyền tải - 8

7.5

Hay

User Rating: 3.45 ( 1 votes)

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Bảy 30, 2019 | Lần cập nhật cuối: Tháng Bảy 30, 2019

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button