Tác giả

‘Thế lực khách trú’ – Một cuốn sách cao tay

Nhà nghiên cứu dân tộc học Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng, dù “Thế lực khách trú” ra đời đã một thế kỷ, nhưng những bài học về người Hoa ở Việt Nam vẫn còn nóng nguyên.

Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ là một khảo cứu của Đào Trinh Nhất, ra mắt năm 1924. Mới đây, cuốn sách được tái bản, thu hút sự quan tâm của dư luận.

Các số liệu về thế lực người Hoa ở Nam kỳ gần một thế kỷ trước, tới nay có thể không còn mới mẻ. Nhưng tinh thần và những phân tích, kiến giải của Đào Trinh Nhất vẫn còn nguyên giá trị.

Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu dân tộc học, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tiến chỉ ra rằng, Đào Trinh Nhất đã đạt đến bản chất của vấn đề “bài Hoa” xảy ra khắp nơi trên thế giới, và tâm lý “Hoa tâm” của người Hoa.

– Anh có thể phân tích bối cảnh quyển sách ra đời?

– Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ ra đời vào thời điểm khá nhạy cảm. Khi ấy chủ nghĩa dân tộc đang lên rất cao trên toàn thế giới. Tại Việt Nam đầu thế kỷ 20, những trí thức như Đào Trinh Nhất chứng kiến sự suy yếu của dân tộc, đất nước chịu sự cai trị người Pháp, bên trong nền kinh tế bị người Hoa, người Ấn, người Nhật thâu tóm.

Thời đó có nhiều luồng chủ nghĩa dân tộc, trong đó có luồng chủ nghĩa dân tộc kinh tế. Một quốc gia giống như cơ thể người, muốn trí tuệ tốt, phải có thân thể tốt. Kinh tế là gân cốt của quốc gia. Mà kinh tế thời đó yếu thì không thể chấn hưng dân tộc.

Năm 1919 đã có một vụ bài Hoa, bắt nguồn từ một “khúc mắc nhỏ” là kết quả của sự dồn nén phẫn uất xung đột Hoa – Việt đương thời. Khi vài ông chủ người Hoa nâng giá một tách cà phê thêm 1 xu, tạo thành “cớ” bắt đầu cho hàng loạt cuộc công kích đầy phẫn nộ (nhất là trên các báo), trở thành một vụ bài Hoa nghiêm trọng. Còn những học giả như Đào Trinh Nhất, bình tĩnh hơn, để mổ xẻ căn nguyên mâu thuẫn Việt – Hoa thì viết sách.

Sách Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ. Ảnh: Việt Hà.
Sách Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ. Ảnh: Việt Hà.

– Trên nền bối cảnh ấy, cuốn sách của Đào Trinh Nhất viết những gì?

– Sách kể lại những “mưu hèn kế bẩn” của người Hoa trong thương mại. Bên cạnh đó cũng chỉ ra những thói hư tật xấu người Việt. Phần nói về người Hoa, tác giả nói rõ thế lực người Hoa (khách trú) ở Nam kỳ, có những bang gì, tổ chức cộng đồng ra sao, những ông chủ nào giàu có, mánh lới làm ăn chèn ép cộng đồng “phi Hoa” ra sao…

Sau đó tác giả đưa ra đề xuất di dân từ Bắc vào Nam. Việc di dân đó vừa là giảm mật độ quá đông ở ngoài Bắc, vừa tạo nguồn nhân lực cạnh tranh với thế lực người Hoa ở trong Nam.

Mục đích sâu xa cuốn sách này không chỉ nhắm vào người Hoa. Đào Trinh Nhất nhấn mạnh sau khi quét người Hoa, ta phải quét cả các nhóm người Ấn, Nhật… Sau đó gây dựng nền kinh tế người Việt.

– Anh có thể nói thêm về đặc tính về người Hoa mà tác giả nêu ra trong cuốn sách?

– Ngày nay, Thế lực khách trú nóng trở lại vì quan hệ Việt – Trung phức tạp. Phong trào bài Hoa lên cao ở khắp thế giới.

Việc bài Hoa xuất phát từ hai phía. Đầu tiên là do tộc người Hoa đã thiết lập nên cái “tương quan” bất bình đẳng, là gốc rễ của vấn đề. Người Hoa đã tự cho mình là cái rốn vũ trụ. Họ có thuyết Hoa tâm cho họ là nhất, xung quanh Hoa là man rợ (man di nhung địch)… Thuyết đó vẫn tồn tại dai dẳng.

Về mặt dân tộc học, điều đó lý giải cho căn nguyên người Hoa đi đâu cũng không bị phai mờ bản sắc, vì họ cho rằng, người Hoa là nhất, nên không chịu tiếp thu văn hóa khác. Tuy thế, thế giới quan Hoa tâm ấy, lại gây nhiều hệ lụy trong thời toàn cầu hóa.

Thế giới ngày nay là bình đẳng. Nhưng não trạng Hoa tâm vẫn không chịu đổi. Bởi thế người Hoa đi đâu cũng bị bài, những cuộc thảm sát người Hoa diễn ra nhiều lần, nhiều nơi ở các quốc gia trên thế giới là thực tế đáng đau xót. Ngẫm ra, trong lịch sử toàn cầu, người Việt có cộng đồng Hoa sinh sống khá đông nhưng có thể nói là còn ít bài Hoa hơn cả.

Trong tư cách nghiên cứu dân tộc học, tôi thấy nhất thiết không nên bài Hoa. Não trạng Hoa tâm là não trạng lạc hậu. Ai còn giữ não trạng ấy, thì khó tránh khỏi bị bài xích. Nhưng đến nay, ai còn giữ tâm thế bài Hoa cũng đáng chê trách không kém. Bài Hoa, kỳ thị chủng tộc là biểu thị một trạng thái sống lạc hậu, đáng phê phán. Cái khác ta là tốt đẹp, vì nó bổ sung, làm cho cuộc sống ta thêm phong phú đa sắc màu.

Tuy thế, vấn đề Hoa tâm và bài Hoa, thế giới tới nay chưa giải quyết được. Muốn giải quyết, cả hai cộng đồng phải cùng tiến song song, người Hoa không được Hoa tâm, người phi Hoa cảnh giác, tránh xa tâm lý bài Hoa.

– Cuốn sách có giá trị gì tại thời điểm nó ra đời?

– Khó có thể biết cụ thể cuốn sách ảnh hưởng như thế nào tại thời điểm đó. Nhưng chắc chắn có ảnh hưởng lớn. Căn cứ vào sự kiện thời điểm Thế lực khách trú ra đời, người Hoa đã gom mua và đốt, còn sót lại rất ít. Năm 1924 thời điểm chủ nghĩa dân tộc kinh tế dâng lên rất cao, nên chắc chắn cuốn sách rất nóng.

Ảnh hưởng của Đào Trinh Nhất thời ấy rất lớn. Ông là ký giả đình đám, ăn khách, lối viết được coi là giật gân. Các chủ đề Đào Trinh Nhất đưa ra bao giờ cũng thu hút, người dân đọc ông thích thú, bởi các bài viết thường gây ra tranh luận kịch liệt. Bởi thế, Thế lực khách trú dù rất nóng, nhưng khó bắt bẻ, bởi sách đưa ra các số liệu chính xác, bảng biểu thống kê.

Tôi tin là các nhà kinh tế (những nhà buôn lớn cùng tinh thần với Đào Trinh Nhất) đã cung cấp thông tin, cộng với các con số do người Pháp thống kê, làm quyển sách “mách có chứng”. Cuốn sách chỉ rõ những số liệu di dân Hoa các năm vào Nam kỳ, nhà băng nào vốn của người Hoa, đất nào người Hoa thâu tóm… Thậm chí số tiền của từng thương gia người Hoa là bao nhiêu (Tạ Mã Hiện có một vạn đồng, Hoàng Trọng Kiến có ba vạn)…

Nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Tiến. Ảnh: Linh Saiya.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Tiến. Ảnh: Linh Saiya.

– Trong bối cảnh ngày nay, cuốn sách xuất bản lại có ý nghĩa gì?

– Các số liệu trong sách tới nay chỉ có ý nghĩa như một tư liệu lịch sử. Nhưng tinh thần cuốn sách vẫn nóng nguyên.

Theo phân tích trên đài báo, ta thấy người nông dân Việt vẫn làm việc như đầu thế kỷ. Người Hoa vẫn thâu tóm nhiều thứ, tất nhiên có thể không mạnh mẽ, tạo thế lực như trước đây.

Đào Trinh Nhất đã viết: “Vì lợi, chẳng có tội ác nào người Hoa không giám làm”. Thực tế ta thấy họ tuồn vào đất nước khác rất nhiều thứ độc hại (cái này đài báo nêu thường xuyên). Đâu chỉ riêng Đào Trinh Nhất và Việt Nam, hai tác giả người Mỹ là Peter Navarro và Greg Autry viết cuốn Chết bởi Trung Quốc chỉ rõ điều đó. Cuốn sách Navarro và Autry chỉ ra tất cả những lề thói làm ăn tồi tệ của người Hoa. Thương gia không lành mạnh người Hoa đã hủy hoại khắp thế giới và cả người dân của họ bằng những thực phẩm, đồ dùng độc hại.

Tóm lại, con số, dữ liệu của Thế lực khách trú ngày nay không còn phù hợp, nhưng ý tưởng của Đào Trinh Nhất về cách làm ăn người Hoa vẫn là tiên phong. Các nghiên cứu sau này, như trường hợp Chết bởi Trung Quốc cũng là một sự “nối dài” ý tưởng tương tự như của Đào Trinh Nhất (dù các tác giả Tây không hề biết đến tác giả ta).

– Vì sao anh cho rằng đây là một cuốn sách cao tay?

– Thứ nhất về mặt nghiên cứu người Hoa ở Việt Nam, quyển sách thiên về nghiên cứu dân tộc học qua kinh tế, cho tới nay tôi chưa thấy cuốn sách nào hay hơn cuốn này được người Việt viết ra. Nó là cuốn sách rất tốt để hiểu bản chất người Hoa. Chỉ tiếc là ở cuốn sách này, tính tiêu cực của người Hoa được tiếp nhận nhiều hơn tính tích cực của họ.

Cuốn sách trôi qua một thế kỷ, mà tới nay vẫn được đón nhận. Bởi nó đạt gần nhất sự thực.Thế lực khách trú không phải lịch sử vấn đề, mà nó đạt đến bản chất sự kiện, bản chất Hoa, như vậy thì, nó mang tính đúng cao trong mọi hoàn cảnh lịch sử vì đã nắm đúng căn tính Hoa.

Về mặt xã hội học, quyển sách cũng rất xuất sắc. Nó đã tái hiện sinh động bối cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20, đời sống người Việt như thế nào, bị đè nén ra sao, Bắc kỳ với nạn nhân mã, vùng Nam kỳ trù phú, quốc gia bị chia cắt làm ba phần dưới sự cai trị thực dân…

– Anh đánh giá sao về tác giả Đào Trinh Nhất?

– Nếu nói đơn giản nhất, Đào Trinh Nhất là trí thức quan trọng đầu thế kỷ 20. Di sản của ông lớn, đa dạng đa diện. Ông có mấy con người trong một con người: là nhà báo, nhà biên khảo, là trí thức dấn thân, nhà yêu nước thực sự.

Chủ đề lớn nhất của ông là nỗ lực canh tân dân tộc, chấn hưng dân trí. Mọi hoạt động của ông, cốt lại, cũng chỉ là để gây dựng trí tuệ cho dân Việt thời bấy giờ, để quốc gia hùng mạnh, phải chấn hưng dân trí.

Đào Trinh Nhất sinh năm 1900 tại Huế, trong một gia đình khoa bảng. Nhiều năm làm báo ở Hà Nội, từng sang Pháp học nghề báo, cuối đời ông hoạt động báo chí và mất tại miền Nam năm 1951. Đào Trinh Nhất được thừa nhận là một nhà báo sáng danh, một học giả khả kính, nhà yêu nước.

Nguyễn Mạnh Tiến sinh năm 1983. Là tiến sĩ, công tác tại Viện Văn học. Nguyễn Mạnh Tiến nghiên cứu dân tộc học, tác giả của Những đỉnh núi du ca – Một lối tìm về cá tính H’Mông.

Việt Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button