Tác giả

Sức quyến rũ đặc biệt từ văn chương Haruki Murakami

Hiếm có nhà văn đương đại nào mà tác phẩm luôn được chờ đợi, được săn đón như Murakami. Văn chương của ông luôn tỏa ra một sức hút vô cùng mãnh liệt, khiến mỗi người khi bước vào đều khó lòng cưỡng lại được.

Những trang văn đậm đặc không khí cá nhân

Murakami vốn là một người có tính cá nhân rất mạnh, và ông luôn ý thức được việc tạo dựng cho riêng bản thân mình một không gian ghi đậm dấu ấn cá nhân. Ông từng tâm sự rằng: “Tôi là đứa trẻ duy nhất trong gia đình và tôi đã tự tạo cho tôi một thế giới riêng biệt”.

Khi bắt đầu bước vào thế giới văn chương, ông cũng luôn tâm niệm ý thức này khi sáng tác. Có lẽ vì vậy mà những trang văn của ông luôn thể hiện không khí cá nhân một cách quyết liệt và mạnh mẽ.

Bắt đầu từ khi Rừng Nauy xuất hiện ở Việt Nam, Murakami đã ngay lập tức trở thành một hiện tượng. Hầu như người trẻ nào cũng đã ít nhất một lần tìm đọc cuốn sách này.

Rừng Nauy là một trong những cuốn sách “đơn giản” nhất của Murakami. Ngay từ đầu khi bắt tay vào viết cuốn sách, ông đã xác định sẽ viết theo phong cách hiện thực. Rừng Nauy ra đời, với những nhân vật chân thực, câu chuyện chân thực, nhưng lại tạo nên một bầu không khí sầu muộn như hư ảo, mà sau này, tôi đã bắt gặp hầu hết trong các tác phẩm khác của ông.

Những nhân vật trong tác phẩm của Murakami đều là những người trẻ khuyết thiếu, “thất lạc” trong một cõi người đầy nhộn nhạo. Họ cảm thấy khó khăn trong việc bước ra khỏi đời sống, vì thế họ cứ thu mình lại trong thế giới nhỏ bé cô độc của riêng mình.

Trong Rừng Nauy, Murakami để những người trẻ tuổi trốn vào những nơi chốn hiu quạnh gần như không bóng người. Chàng trai Kafka 15 tuổi trong Kafka bên bờ biển được người bạn đưa đến một căn lều bên bờ biển, nơi không có điện, không có nhà vệ sinh, mất hoàn toàn liên lạc với thế giới bên ngoài, bên cạnh là rừng thẳm. Cả hai nhân vật chính của 1Q84 là Tengo và Aomame đều sống lặng lẽ trong không gian riêng của mình, rất ít gặp gỡ và giao tiếp, quen với việc hàng ngày trời không liên lạc với thế giới bên ngoài. Hay người đàn ông bị vợ bỏ rơi trong Biên niên ký chim vặn dây cót, trốn xuống đáy giếng, vượt qua nỗi sợ gai người khi trèo xuống lòng giếng sâu hun hút và tối đen như mực để tìm kiếm một nơi thực sự tĩnh lặng, ngồi và nhìn thấu tâm can mình.

Nhưng khi ở trong những cảnh huống biệt lập ấy, những người trẻ của Murakami luôn có khả năng bắt được sự sống trong thế giới riêng của họ, với những điều họ thích, mà nhiều khi không cần chia sẻ với thế giới. Đây là điều khá tương đồng với tác giả như chính Murakami đã từng chia sẻ: “Tôi biết mình thích những gì. Tôi thích đọc sách. Tôi thích nghe nhạc. Và tôi thích mèo. Ba điều đó. Vậy nên, mặc dù là con một, hồi còn nhỏ tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc bởi vì tôi biết mình thích những gì. Ba điều ấy không hề thay đổi kể từ khi tôi còn nhỏ. Giờ đây tôi vẫn biết mình thích những gì. Cái đó chính là lòng tin. Nếu không biết những gì mình thích, ta sẽ lạc lối”.

Ấy là những thế giới đặc biệt cá nhân. Thế giới hình thành nên nét độc đáo của mỗi còn người giữa muôn vàn người khác. Thế giới ấy vừa kêu gọi, vừa bồi đắp ý thức cho những người trẻ tuổi. Họ bị cuốn vào thế giới riêng, với những sở thích, u buồn riêng biệt. Họ đọc sách, nghe nhạc, đi bộ, hay trò chuyện với mèo… và họ được là chính mình. Phải chăng chính vẻ đẹp tuyệt vời của việc cô độc ấy đã gợi nên một nét đặc biệt trong các sáng tác của Murakami. Khiến chúng không trở thành những vết sầu tuyệt vọng, đáng thương, mà trở nên đẹp đẽ, lộng lẫy.

Và người đọc khi gieo mình vào thế giới của Murakami là để được chiêm ngưỡng sự quyến rũ đặc biệt của nỗi cô độc, mà ở đó mỗi người đều là một cá thể độc lập, có ý thức riêng biệt, và có thể thấu suốt được tận cùng tâm hồn của mình. Nên cô độc thực chất cũng là một trạng thái tuyệt vời.

Văn chương lôi cuốn bởi một trí tưởng tượng vô tận

Những người đọc Murakami, dù ít hay nhiều cũng phải thốt lên thán phục trí tưởng tượng vô tận của ông.
Không ai đọc tác phẩm của ông mà quên được những bối cảnh vô cùng kỳ lạ, những nhân vật có một không hai và không trăn trở về những thông điệp đan cài khéo léo trong đó. Những tiểu thuyết tuyệt diệu của Haruki Murakami là tiêu biểu cho chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của phương Đông với đầy rẫy bí ẩn.

Nếu bạn từng đọc Haruki Murakami bạn sẽ thấp thỏm chờ mong tác phẩm kế tiếp dù chỉ là một truyện ngắn, để được bước vào những khoảng không – thời gian khiến bạn ngơ ngẩn vì lạ lẫm, vì bí ẩn và quyến rũ.

Murakami là một người viết thông minh và khiêm nhường. Ông đủ thông minh để chọn một lối viết dễ theo dõi, khiến độc giả của ông không bao giờ bị thất lạc trong thế giới mà ông tạo nên. Dù thế giới ấy là một thế giới đầy hoang mang cô độc như trong Rừng Nauy, hay thế giới đầy mê hoặc mụ mị của Người tình Spunik, thế giới của những cuộc hành hương trôi dạt trong Tazaki Tsukuru không màu,… thì Murakami cũng luôn tạo ra được những vùng không gian hư ảo, không phân biệt được đâu là hiện thực, đâu là mơ tưởng.

Ở tiểu thuyết Kafka bên bờ biển, nhà văn đã tạo nên hai cuộc phiêu lưu của một thiếu niên 15 tuổi bỏ nhà ra đi và một ông lão biết nói chuyện với mèo cũng lên đường đi tìm “một nửa cái bóng” đã mất của mình. Mỗi người một mục đích nhưng giữa họ như hình ảnh phản chiếu cho nhau, có một mối liên hệ bí mật nào đó, với những cuộc gặp gỡ định mệnh thay đổi cuộc đời của cả hai vĩnh viễn.

Trong khi đó ở 1Q84, Murakami đã tưởng tượng ra một khoảng không gian ở hai chiều thời gian song song với nhau. Thế giới năm 1984 và một thế giới không biết tên là bản sao của nó tạm gọi là 1Q84. Là bản sao nhưng hai thế giới có những điều hoàn toàn khác biệt, làm hai nhân vật chính – những người đang sống ở những năm 1984 tình cờ rơi vào chiều thời gian kỳ quặc 1Q84 vô cùng bối rối, nhưng sau đó họ đã vượt lên và tự chèo lái con thuyền số phận của mình. Câu chuyện cũng tồn tại hai mạch kể song song, tượng trưng cho quá trình không ngừng tìm kiếm nhau của Tengo và Aomame với những ám ảnh không ngớt về thế giới hai mặt trăng và thành phố mèo bí ẩn.

Những thế giới kì lạ, ẩn giấu nhiều bí ẩn luôn khiến người đọc háo hức khám phá. Hơn nữa, dù viết theo lối siêu thực, luôn ngôn từ trong văn chương của Murakami bao giờ cũng rõ ràng, giản dị, và mạch lạc, như chính ông chia sẻ khi được phỏng vấn: “Tôi có một vài hình ảnh, và tôi kết nối mảnh này với mảnh khác. Đó là cốt truyện. Sau đó tôi giải thích cốt truyện với người đọc. Người ta nên tử tế khi giải thích thứ gì đó. Tôi biết, nghe có vẻ hơi ngạo mạn. Những từ ngữ, những ẩn dụ hay, những biểu tượng đẹp… tôi giải thích chúng rất cẩn thận và rõ ràng”.

Văn của ông vừa tràn trề trí tưởng tượng, khiến người đọc luôn ở trong trạng thái ngạc nhiên, lại vừa vô cùng gần gũi, khiến độc giả cảm giác có thể bước vào một cuộc hành trình, dõi theo cuộc hành trình ấy và từ cuộc hành trình ấy mà được chia sẻ, giãi bày, dù có đôi lúc ta không bao giờ biết phía trước ta có gì, và thực sự lý do mọi điều đang diễn ra là gì. Ta cứ đi mãi vào thế giới của Murakami mà đắm chìm thôi.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Sáu 19, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 2, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button