Cảm nhận sách

Tiếng cười trong bóng tối: Cuộc phiêu lưu cuối cùng của đời người

Cùng với Lolita, Tiếng cười trong bóng tối cũng là một trong những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Vladimir Nabokov. Không chỉ kể về một cuộc ngoại tình, mà tác phẩm còn được xem là một cuộc phiêu lưu cuối cùng của đời người.

“Ngày xửa ngày xưa ở Berlin nước Đức có một người đàn ông tên là Albinus. Ông ta giàu, hạnh phúc, đáng kính; một ngày nọ ông bỏ vợ để theo một người tình trẻ tuổi, ông ta yêu; không được yêu; và cuộc đời ông kết thúc trong thảm họa.”

Ấy là câu mở đầu, gói gọn toàn bộ nội dung câu chuyện của Tiếng cười trong bóng tối. Một câu chuyện ngoại tình như hàng vạn câu chuyện lẫn lộn bên ngoài đời sống kia. Thế nhưng Vladimir Nabokov đã lưu tâm, đã quan sát, tìm hiểu và ghi nhớ lại, để rồi kể cho chúng ta nghe không phải chỉ về một cuộc ngoại tình, mà đó rõ ràng là một cuộc phiêu lưu cuối cùng của đời người.

Nhân vật nữ trong tác phẩm quá đỗi tầm thường, ngoài vẻ đẹp thể xác, cô ta chỉ là một kẻ nông cạn, nghèo hèn, dâm đãng tìm cách lừa tình một ông già quý tộc giàu có vật chất những lại thiếu thốn lửa tình, để mong một cuộc sống phù phiếm và trở thành ngôi sao điện ảnh. Một nhân vật nữ tồi tệ nhưng ngay từ giây phút nhìn thấy nụ cười trong bóng tối của Margot ở rạp hát, tình cảm đã tràn ngập trong lòng Albinus khiến ông khôn nguôi đắm đuối mơ tưởng. Tình yêu ở đây sinh nở từ những ham muốn dục tình mãnh liệt, giống như những tác phẩm của Nabokov ở giai đoạn sau mà nhiều độc giả đã cho rằng “Nabokov là người biết ca ngợi tình yêu thể xác một cách kỳ diệu”.

Albinus bỏ lại tất cả để cuốn vào vòng xoáy ái tình nóng bỏng với cô gái trẻ, nhưng ông nào ngờ ông đã trở thành diễn viên chính trong một vở hài kịch được sắp đặt hoàn hảo. Sự xuất hiện của Rex, gã họa sĩ chuyên vẽ tranh biếm họa, người tình bí mật của Margot đã khiến cho cuộc phiêu lưu của Albinus vô vàn thú vị, và chính Rex cùng là điểm cuốn hút, tạo nên sự đối lập giữa bi kịch và hài kịch, giữa chân thực và giễu nhại. Mối quan hệ của hai người đàn ông và một cô gái trong Tiếng cười trong bóng tối khiến người đọc không khỏi liên tưởng đến một chiếc bập bênh, mà rõ ràng cô gái luôn là điểm bắt đầu.

Đứng ở góc độ đạo đức thông thường, Albunis là kẻ có tội. Ông là kẻ phá hủy gia đình, là nguyên nhân dẫn đến cái chết của cô con gái bé bỏng. Ông đớn hèn, bạc nhược trước người tình. Nhưng với tôi, ông chỉ là một quý ông thơ ngây trong ái tình, một kẻ ôm mộng phiêu lưu, bị một tiếng cười trong bóng tối làm mê lú. Có lẽ tôi là người đọc bao dung, và cũng là kẻ duy mỹ mạnh mẽ nên tôi coi trường hợp của Albinus là một sự ngây thơ đẹp đẽ trong ảo vọng ái tình. Chỉ tiếc ông đã say đắm một “tiếng cười” không phải dành cho mình. Nó gợi về nỗi đau đớn của sự vênh lệch trong tình cảm – gây ra những tổn thương, phiền muộn, và nó cũng là nguồn cơn của mọi bi kịch, kể cả cái chết.

Càng đi về cuối câu chuyện khi Albinus bị dẫn vào một cuộc chơi hài hước trào lộng lúc mù lòa, trở thành một con rối trong tay cặp tình nhân trẻ thì tôi thực sự cảm thấy ngột ngạt nhưng đồng thời lại ngưỡng mộ vô cùng tài năng của Nabokov. Cái trò hề được bày biện trong cuốn tiểu thuyết khiến nó trở thành một nỗi day dứt và ám ảnh. Thế nên tôi xem cái chết của Albinus là lối ứng xử tinh tế, thông minh và đẹp đẽ của Nabokov đối với nhân vật của mình mà có lẽ những độc giả đã từng tiếp xúc với tác phẩm của Nabokov đều dễ dàng cảm thấy.

Thêm một điều thú vị mà tôi nhận ra là Nabokov đã mở ra cuộc phiêu lưu bằng một “tiếng cười trong bóng tối” để rồi khép lại bằng “tiếng súng xé toạc bóng tối”. Bóng tối ám ảnh buồn bã, và bóng tối là một sân khấu huyền ảo nơi con người giấu kín nhiều bí mật.

Albunis trong giây phút hấp hối đã nghĩ rằng: “Ta phải giữ yên lặng một chốc lát và sau đó ta sẽ đi chậm dọc theo bờ cát rực rỡ của niềm đau thương, đi về phía làn sóng màu xanh, rất xanh kia. Có biết bao nhiêu hạnh phúc trong màu xanh. Ta chưa hề biết màu xanh có thể xanh nhường nào. Cuộc đời đã qua mới điên loạn làm sao. Giờ ta đã biết hết mọi điều”. Cái chết được Nabokov miêu tả bằng một lớp ngôn từ êm dịu, gợi cảm và thuần khiết biết bao. Trong cuộc đời bình lặng của một quý ông thì cuộc phiêu lưu vừa qua dù đến cùng là cái chết, thì đó lại vẫn là một vết son đẹp đẽ in lại. Nó sống động, mê muội và say đắm.

Tôi đặc biệt thích cái kết trong Tiếng cười trong bóng tối – với cái chết của Albinus trong chính ngôi nhà của mình, bằng chính khẩu súng của mình thực sự là một cái kết hoàn hảo, biểu đạt cái mỹ cảm về sự si mê tuyệt đối của Nabokov. Điều này được thể hiệu bằng rất nhiều những câu chuyện xung quanh cuộc đời ông, trong đó có một giai thoại khá thú vị: Mùa hè những năm 40, Nabokov tới sống với gia đình nhà thơ James Laughlin tại Utah, nơi ông dành nhiều thời gian để săn bướm. Một hôm, vào lúc chạng vạng, Nabokov trở về nhà và kể rằng trong lúc mải mê chạy theo con bướm ở Khe Gấu, ông nghe thấy có tiếng người rên rỉ đau đớn ở phía bờ suối. “Anh có dừng lại kiểm tra không?” Laughlin hỏi. “Không”, Nabokov đáp, “Tôi phải bắt con bướm kia đã”.

Tiếng cười trong bóng tối ra đời từ năm 1932, trong giai đoạn đầu sáng tạo của Nabokov. Ban đầu được viết bằng tiếng Nga, sáu năm sau chính Nabokov đã viết lại tác phẩm bằng tiếng Anh sau nỗ lực dịch nhiều thiếu sót của Winifred Roy. Chia sẻ về Tiếng cười trong bóng tối, Nabokov vẫn luôn coi đây là cuốn tiểu thuyết tệ nhất của mình. Dầu vậy, ẩn giấu bên trong câu chuyện tưởng chừng hời hợt của Tiếng cười trong bóng tối là những gợi mở vô cùng quyết liệt về một nhà văn Nabokov tài hoa hoàn hảo.

Phong Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button