Review phim

Giải Cứu Binh Nhì Ryan

Saving Private Ryan

Nội dung

Giải Cứu Binh Nhì Ryan 1998 đưa người xem trở về cuộc đổ bộ lịch sử Normandi tại bãi biển Omaha đẫm máu. Tại đây, hai trong số bốn anh em nhà Ryan đã hy sinh. Tổng chỉ huy quân đội Mỹ, tướng George ra lệnh cho một toán lính lên đường tới Pháp tìm kiếm và giải cứu viên lính dù James Ryan. Đại úy John Miller thi hành một nhiệm vụ tưởng chừng như vô vọng ấy. Anh chọn sáu người cộng sự thân thiết đã từng vào sinh ra tử cùng. Họ cùng nhau tìm kiếm và giải cứu Ryan. Từng người lần lượt ngã xuống. Ám ảnh nhất là cái chết tức tưởi của Caparzo và cảnh Weiben ngồi chép lại bức thư đẫm máu của Caparzo gửi cho về cho mẹ. Sau bao hiểm nguy và mất mát, liệu đại úy Miller và đồng đội có tìm được binh nhì Ryan? Bộ phim là một bản hùng ca bi tráng về tình đồng đội, về tình người.

Thể loại

8 phim hay về xe tăng nên xem - 8 phim hay về xe tăng lột tả trần trụi sức tàn phá khủng khiếp của xe tăng nói riêng và chiến tranh nói chung, cho người xem một góc nhìn chân thực và đúc kết được bài học "trong chiến tranh không có kẻ thắng người thua, chỉ có nỗi đau thể xác và… Đọc thêm
12 phim hay về chiến tranh thế giới thứ 2 tàn khốc - Chiến tranh thế giới thứ 2 đã đi qua nhưng hậu quả nó để lại là vô cùng tàn khốc, nhiều người phải lưu vong tha hương, nhiều quốc gia bị chia cắt và bao linh hồn phải sống trong đau khổ, tuyệt vọng. Để hồi tưởng và trân trọng cuộc sống hiện tại, hãy… Đọc thêm
14 phim hay về chiến tranh xem để trân trọng hiện tại - “Chiến tranh không bao giờ xuất hiện như một cái gì riêng biệt, mà nó là một hiện tượng xã hội cụ thể”. Cho dù chiến tranh mang một màu sắc chính trị nào đi chăng nữa thì nó vẫn là kẻ thù số một của con người, bởi nó luôn đe dọa sự sống… Đọc thêm

Trailer

Các review được Vnwriter tổng hợp từ nhiều nguồn. Báo cáo vi phạm, bản quyền, spoiler tại trang Liên hệ hoặc Bản quyền.

Review

Khá thất vọng

gioradio 6.7 Blogger

Saving Private Ryan, một bộ phim mà nếu là khán giả mê phim hoặc chỉ hơi mê phim ảnh thì hẳn là bạn đã từng nghe qua, bởi đây là một bộ phim nổi tiếng, được đánh giá cao được nhiều khán giả yêu thích. Vậy nhưng bộ phim khiến tôi thấy thất vọng ngay từ những giây đầu tiên.

Khi cựu binh Ryan đến nghĩa trang với một vài người đi theo sau, rồi ông bắt đầu hồi tưởng lại câu chuyện cuộc đời mình, đó là một chuỗi giết chóc . Với độ dài gần 3 tiếng mà phải đến 2 tiếng rưỡi là cảnh bom đạn, giết chóc man rợ hơn bất kỳ bộ phim kinh dzị nào mà tôi đã từng xem.

Nội dung phim: “Bộ phim lấy bối cảnh Thế chiến hai, ngày 6 tháng 6 năm 1944, quân đội Mỹ đổ bộ vào bờ biển Normandy trước sự kháng cự dữ dội của quân đội Đức. Xác lính Mỹ nằm đầy trên bãi biển, không ai có thể tiến lên. Đại úy John H. Miller dẫn binh lính của ông ta chạy qua các lô cốt, giết nhiều lính Đức, mở đường cho quân Mỹ đi lên. Nhờ thế quân Mỹ nhanh chóng chiếm được bờ biển. Ở Washington DC, Tướng quân George Marshall nhận được báo cáo rằng ba người trong số bốn anh em nhà Ryan đều tử trận trên chiến trường, mẹ của họ cũng nhận được bức điện tín tương tự như vậy. Cảm động trước hoàn cảnh nhà Ryan, Tướng quân Marshall ra lệnh một đội lính Mỹ đi tìm người con trai út James Francis Ryan về.”

Có lẽ vì ở đất nước tôi, đã từng nghe những câu chuyện về những bà mẹ mất cả chục người con vì chiến tranh, nên câu chuyện của Ryan khiến tôi thấy dửng dưng. Và tôi tự hỏi, vậy còn những người mẹ khác thì sao? Có lẽ nước Mỹ không chiêu mộ lính từ những gia đình có một con, hoặc trong một gia đình thì chỉ một nửa mới đi lính. Suy luận này của tôi chắc chắn sai vì hiển nhiên gia đình Ryan tất cả người con đều nhập ngũ. Vậy lại càng thấy phim sai, vì nếu thực sự cảm động với hoàn cảnh của nhà Ryan, thì đừng có bắt con cái họ ra chiến trường. Nhưng tôi vẫn lại sai thôi, họ phải ra chiến trường để chiến đấu vì hòa bình.

Nhưng lại nhưng… Tôi vẫn không thể nào hiểu nổi tại sao lại là Ryan, còn những người lính khác phải hy sinh khi giải cứu Ryan thì sao? Chiến tranh hiển nhiên sẽ có hy sinh và mất mát, nhưng nội dung của Saving Private Ryan chỉ mang đến cho tôi sự ngụy biện.

Ngụy biện, khi lấy một hành động nhân văn của chính phủ Mỹ khi cảm thông với một bà mẹ mà ra lệnh một đội quân đi giải cứu một người lính trở về. Tôi hiểu, phim muốn nói đến việc: giải cứu một anh lính binh nhì, không phải đại úy hay đại tá, một tướng lĩnh, mà anh ta chỉ là một người lính, một người con trai, một con người. Vâng chi tiết này rất nhân văn, đúng như những người bạn của tôi ca ngợi phim. Nhưng vấn đề là để giải cứu con người ấy đã không ít người phải hy sinh. Vậy mà là nhân văn ư?

Ngụy biện, cho hành động đưa lính đi chiến đấu và giết chóc.

“- Thấy không, khi kết cục bạn giết một trong những người của mình. Bạn sẽ tự lý giải rằng chuyện đó xảy ra để bạn có thể cứu được… Hoặc 10 người khác. Hay có thể là 100 người. Có biết tôi mất bao nhiêu người dưới quyền chỉ huy của mình chưa?
– Bao nhiêu?
– 94.
– Nhưng điều đó có nghĩa tôi đã cứu 10 lần số sinh mạng đó, phải không? Thậm chí có thể 20 lần, đúng không? 20 lần nhiều hơn? Và theo cách đó chuyện hóa đơn giản. Đó là cách ta hợp lý hóa chọn lựa đưa ra… Giữa sứ mạng và con người.”

Tôi lại chợt nhớ đến một câu “Doing bad thing to bad people feels good” – Làm điều xấu với người xấu khiến ta cảm thấy tốt. Chúng ta giết người để cứu nhiều mạng người khác. Biết rằng sự thật phũ phàng là vậy, có những dân tộc, những con người bị áp bức phải vùng lên đấu tranh để đẩy lùi tội ác. Có những hành động bất khả kháng, nhưng quan điểm trên trong Saving Private Ryan, tôi chỉ thấy một sự ngụy biện, bởi: Bạo lực chỉ sinh ra bạo lực mà thôi. Dù đoạn hội thoại trên tiếp tục rằng:

“- Ngoại trừ lần này, khi sứ mạng là một con người.
– Mong sao Ryan xứng đáng với điều đó. Mong sao anh ta trở về nhà để chữa lành một căn bệnh nào đó. Hay phát minh ra loại bóng đèn có tuổi thọ cao, vân vân… Vì sự thật là, tôi sẽ không đổi một Vecchio hay một Caparzo… Để lấy 10 Ryans.
– Amen”

Suy nghĩ này có vẻ rất nhân văn, cao cả, nhưng tôi vẫn thấy nó thật sự chưa thỏa mãn cho những thắc mắc cũng như ác cảm của tôi về bộ phim. Phân tích đến đây tôi cũng e rằng đạo diễn nổi tiếng rất taì năng, phải chăng ông cố tình làm một bộ phim như vậy? Nếu thế tôi nghĩ ông thật sự tuyệt vời khi làm một bộ phim châm biếm chiến tranh, quân đội, chính phủ Mỹ rất sâu sắc.

“Tôi không biết tí gì về Ryan. Tôi không quan tâm. với tôi. Chỉ là một cái tên…
Nhưng nếu tới Ramelle, tìm anh ta, để anh ta có thể trở về nhà. Nếu điều đó cho tôi một vé trở về với vợ mình. Thì đó là sứ mạng của tôi.
Anh muốn bỏ đi? Anh muốn đi khỏi đây và chiến đấu cuộc chiến này? Được rồi. Tôi sẽ không cản anh. Tôi sẽ chỉ coi đây là chuyện thủ tục. Chỉ biết rằng mỗi khi giết một người, tôi càng cảm thấy xa nhà hơn. ”

Trong tiểu đội cũng có những người phản đối việc giải cứu Ryan, và hẳn đạo diễn nêu lên quan điểm để “nhắm” đến những khán giả “vô cảm” như tôi. Và tôi cũng có thể hiểu chỉ huy chiến dịch Miller, giải cứu Ryan hay phải lao vào cuộc chiến cũng chỉ vì anh muốn được về nhà. Có lẽ đây mới là ý nghĩa nhân văn của bộ phim.

“Chúng ta đang bước qua những lằn ranh kỳ lạ. Thế giới này đã rẽ một khúc ngoặt méo mó…. Một phần trong tôi nghĩ rằng chàng trai này nói đúng. Anh ta đã làm gì để xứng đáng với chuyện này? Nếu anh ta muốn ở lại, được thôi. Chúng ta hãy để anh ta ở lại và đi về nhà… Nhưng một phần khác trong tôi thì nghĩ… Nếu nhờ một phép màu nào đó chúng ta có thể ở lại đây. Và tìm được đường ra, thì sao? Có thể một ngày kia chúng ta sẽ nhớ lại và đoan chắc rằng. Chuyện giải cứu binh nhì Ryan là một chuyện đúng đắn chúng ta từng làm. Trong bao nhiêu là chuyện hôi thối nơi này… Nếu chúng ta làm chuyện này, chúng ta có thể kiếm được vé trở về nhà.”

Trong đoạn thoại trên có vẻ như người lính cảm thấy sự vô nghĩa của chiến tranh mà cứu người mới là ý nghĩa cuộc chiến này. Điều này tôi rất đồng tình, tuy nhiên bộ phim lại bắn giết quá nhiều, và có không ít chi tiết trong phim khiến tôi thấy đạo diễn quá là “hình tượng” một cách hơi lộ liễu.

Chi tiết người lính hôn chiếc vòng có cây thập giá khi trên tàu. Và khi tiểu đội bế cô bé từ một gia đình, người lính muốn chấn an bằng việc tháo chiếc vòng để cô bé bớt lo sợ. Nhưng rồi cảnh này lại quá rối ren, khóc lóc, sợ hãi chỉ để lấy sự cảm thông cho khán giả, vậy mà tôi chỉ thấy lãng xẹt, bởi sự lùng bùng trong cảnh này mà một người lính khác bị bắn và hy sinh. Một trường đoạn hình tượng ngợi ca sự chiến đấu hy sinh của những người lính, mà sao tôi không hề thấy xúc động, mà chỉ thấy bực tức.

Bực tức hơn là ảnh người lính Upham, hèn nhát không dám bước lên cầu thang trong khi đồng đội của mình ở trên tầng bị đâm chết. Và cuối cùng thì Upham là người sống sót. Liệu có châm biếm không khi Upham là hình ảnh của một kẻ sống sót hèn nhát. Liệu những người lính trở về, trong số họ cũng có những người hèn nhát như thế? Tôi thật sự không hiểu ý đồ của đạo diễn với nhân vật Upham là gì? Bạn tôi nói cái hay của phim là ở chỗ đó, bởi anh ta cũng là một con người. Tôi hiểu, là con người thì ai cũng có lúc yếu đuổi hèn nhát… nhưng thực lòng trong chiến tranh thấy hình ảnh đó thì không chấp nhận được, dù chỉ là trên phim. Ví dụ như trong phim FURY, một bộ phim chiến tranh không hay lắm, và cũng từng được so sánh với Saving Private Ryan, cũng có một người lính nhút nhát, nhưng anh không hề hèn nhát – 2 điều này hoàn toàn khác nhau.

Ngoài ra một vài chi tiết mà tôi thấy không thích như cảnh một người lính đang nấp nhặt những quả táo rơi xuống đất, đoạn Miller thả một kẻ địch, đoạn Miller và Ryan nói chuyện ôn lại kỷ niệm xưa,… Tất cả đều khiến tôi thấy bộ phim khiên cưỡng xây dựng hình ảnh cho một đội quân anh hùng. Hay như đoạn cuối phim khi Ryan đã già và đưa cả gia đình đến thăm mộ Miller và nói: “Hãy nói rằng tôi đã sống một cuộc đời tốt. Hãy nói tôi là một người tốt….Ông là người tốt.” Để cả một bộ phim chiến đấu khốc liện gần 3 tiếng đồng hồ, chỉ kết thúc bằng vài câu thoại “sáo rỗng” này, thì quả thật tôi thấy bộ phim này khá là nhạt nhẽo.

Dù sao thì Ryan vẫn là người lính tuyệt vời, là hình ảnh ý nghĩa nhất của phim. Và dẫu rất khó chịu với bộ phim, thì tôi vẫn thật sự yêu mến chàng lính binh nhì trẻ tuổi Ryan, chắc chắn không phải vì tôi rất có cảm tình với Matt Damon, nam diễn viên thủ vai Ryan.

“- Chuyện này thật vô lý, thưa ông. Vì sao tôi xứng đáng được trở về? Vì sao không là những người này? Họ cũng chiến đấu gian khổ như tôi!
– Đó có phải là điều người ta sẽ nói với mẹ anh… Khi gởi cho bà ấy một lá cờ cuốn nữa?
– Hãy nói với bà ấy rằng khi các anh tìm ra tôi, tôi đang ở đây. Với những người anh em duy nhất còn lại. Và không đời nào tôi bỏ họ đi. Tôi sẽ không đi khỏi cây cầu này.”

Chỉ tiếc là Ryan không có nhiều cảnh chiến đấu mà tôi nghĩ là đạo diễn nên để anh được thể hiện. Nhưng có lẽ dù tên anh xuất hiện trong tựa phim, thì thực chất Ryan chỉ là một nhân vật phụ, mà nhân vật chính là Miller và đồng đội đại diện cho quân đội Mỹ đã chiến đấu anh dũng, còn sự thành công của chiến dịch “Giải cứu binh nhì Ryan” đại diện cho hành động nhân văn của chính phủ Mỹ. Khi viết ra những điều này tôi thấy mình thật nực cười.

Mỗi người có một cảm nhận khác nhau về một tác phẩm. Có bạn cũng trao đổi bày tỏ quan điểm và cảm xúc về tính nhân văn của Saving Private Ryan, nhưng quả thật tôi vẫn không thấy bộ phim mang lại cho tôi ý nghĩa nhân văn sâu sắc nào. Dù vậy như tôi đã nói, Ryan và những người lính như anh vẫn rất tuyệt vời. Và đó là điều duy nhất tôi cảm nhận được khi cố gắng xem gần 3 tiếng bộ phim Saving Private Ryan. Chỉ tiếc các anh chỉ là những diên viễn phụ.

p/s: Đã n lần thấy Saving Private Ryan được chiếu trên TV, nhưng không lần nào tôi đủ kiên nhẫn theo dõi, bởi vì lúc nào cũng thấy cảnh chiến đấu. Tôi rất ghét xem những bộ phim đề tài chiến tranh mà tốn quá nhiều bom đạn, xác chết. Ai cũng hiểu chiến tranh tàn khốc thế nào, nhưng không phải vì thế mà cứ phải đưa lên phim những hình ảnh giả tạo đó. Giống như trong một cuốn sách nào đó mà tôi đã đọc, hiện giờ chưa nhớ ra là cuốn sách nào nhưng tác giả có nói rằng: những cảnh bom đạn trong những bộ phim chiến tranh là nhảm nhỉ, vì tất cả chỉ là giả tạo. ( Đó là lý do vì sao tôi cũng khá chịu khó trích dẫn sách cũng như phim trên blog, để có internet nhắc nhớ những chi tiết, những cuốn sách mà chắc chắn tôi sẽ quên sau khi đọc)

Một lần gần đây, trên status hình như của ca sỹ Hà Linh có viết về sự kiện “giải cứu” người Việt sau trận động đất ở Nepal, cô ấy có nhắc đến bộ phim Saving Private Ryan, khiến tôi ấn tượng và có dự định sẽ phải xem bộ phim này, để hiểu vì sao nó lại được đánh giá cao như vậy. Và ngày hôm nay, thật buồn khi xem một bộ phim được đánh giá cao mà lại có những cảm xúc trái chiều như vậy. Biết làm sao được, tôi cũng chỉ viết những điều tôi cảm nhận được, có thể sai, không đồng tình, nhưng tôi vẫn rất tôn trọng những ý kiến ca ngợi bộ phim này của các bạn ?

Nhắc đến đây chợt nghĩ… chẳng còn thấy ai nhắc đến trận động đất ở Nepal 4-2015 nữa.

Hãy nhận lấy nó

beartower 7.3 Blogger

Trong suốt thế chiến thứ hai không ít người phải chịu những mất mát và đau thương mà cuộc chiến phi nghĩa này gây ra. Đau đớn nhất có lẽ là những người mẹ. Họ tiễn con mình ra trận để rồi sau đó nhận được mảnh giấy bảo tử trên tay. Họ mãi mãi mất đi đứa con yêu quí. Có những bà mẹ không chỉ mất đi một mà là tất cả những đứa con họ gửi ra chiến trường. Nỗi đau được nhân lên nhiều lần. Liệu có nỗi đau nào có thể hơn thế nữa?

Đây cũng chính là bối cảnh chính của bộ phim “Giải cứu binh nhì Ryan”: thế chiến thứ hai và nỗi đau của những bà mẹ Mĩ trong chiến tranh. Người mẹ của bốn anh em nhà Ryan đang ngày ngày mòn mỏi chờ mong ngày cuộc chiến kết thúc và bà lại có thể nhìn những người con thân yêu bước qua bục cửa một lần nữa. Bà đâu hay rằng ba trong bốn người con của mình đã hi sinh trong các chiến dịch trên khắp chiến trường châu Âu. Giấy báo tử ủa cả 3 đang chuẩn bị được gửi về cho bà. Một nhân viên đánh máy cho quân đội kịp nhận ra điều tồi tệ ấy và báo cho chỉ huy biết. Chỉ huy đắn đo rất nhiều. Gửi cả ba tờ giấy thông báo cái chết của những đứa con cho người mẹ thật chẳng khác nào một phát súng giữa ngực bà ấy. Chỉ huy trao đổi điều này với cấp dưới, đưa ra kế hoạch sẽ cử một đội ở gần nơi đóng quân của Ryan còn lại kia đi giải cứu anh ta, đem anh về với mẹ để bà được an ủi phần nào. Nhiều ý kiến phản đối, và vị chỉ huy đã đọc cho tất cả nghe bức thư mà tổng thống Lincoln từng viết cho một bà mẹ trong nội chiến Mĩ năm nào, một bà mẹ có năm người con đều hi sinh. Những lời thật xúc động đã khiến cho mọi người không còn ai có ý kiến gì nữa. Kế hoạch giải cứu binh nhì Ryan được thông qua.

Nhiệm vụ được giao cho Captain John H. Miller (Tom Hank thủ vai). Trong cuộc đổ bộ lên bờ biển Omaha mở đầu cuộc chinh phục Norman, binh lính Mĩ do Miller chỉ huy đã chiếm được bờ biển và đóng quân ở đây, chuẩn bị đổ bộ sâu vào đất liền. Đây là nơi gần với nơi được cho là Ryan kia đang mất tích. Sauk hi nhận nhiệm vụ, ngay lập tức Catain Miller lập một đội và lên đường làm nhiệm vụ. Ông cần một người giỏi tiếng Đức để phiên dịch, và Upham được gọi vào đội. Upham trước giờ dù là lính nhưng chỉ lo giấy tờ văn thư nên khi cầm súng khá lóng ngóng. Những người trong đội xem thường anh vì cho rằng anh chẳng làm được gì, chỉ vướng chân. Dù vậy Upham vẫn cố làm quen với mọi người. Dù anh rất giỏi tiếng Đức nhưng khi mọi người trong đội đội gọi nhau là “Fubar” thì anh hoàn toàn khong biết nghĩa của nó là gì. Anh hỏi họ những họ chỉ cười và không giải thích gì. Hành trình tìm kiếm dấu vết của Ryan cứ tiếp tục. Người trong đội chết dần do đối đầu với lính Đức. Đến một trạm rada, Miller cùng đội của mình buộc phải hạ nó nếu muốn đi qua. Họ không có nhiều thời gian để đi vòng nên quyết định tấn công thẳng. Trong trạm rada chỉ có hai tên lính Đức và hai khẩu súng máy. Cuối cùng thì chúng cũng bị hạ nhưng đội của Miller cũng mất thêm một người. Một tên Đức bị bắt sống. Cả đội đòi xử tử hắn vì tội đã giết đồng đội của mình. Ban đầu Miller cũng đâòng ý. Nhưng sau đó ông đã nghĩ lại, cộng với lời thuyết phục của Upham xin tha cho hắn, ông đã đồng ý. Miller đã thuyết phục người của mình thả tù nhân ra. Nhiều người không đồng ý nhưng họ vẫn tuân theo. Đội tiếp tục đi, họ gặp nơi đóng quân của một đội quân Mĩ khác. Nhiệm vụ cứ ngỡ là đã hoàn thành ở đây khi họ gặp được Ryan nhưng không phải, đây là một Ryan khác, không phải Ryan mà họ cần tìm. Đội lại tiếp tục hành trình.

Trên đường đi đội lại gặp một đoàn quân khác. Qua dò hỏi họ biết được thông tinh từ một anh lính lãng tai về Ryan, đó là Ryan đang cùng đồng đội cố thủ ở cây cầu trên song Merderet ở thị trấn Ramelle. Thành phố này giờ đây gần như đã là một đống đổ nát khi quân Đức luôn tấn công vì muốn có được nơi này. Có được thông tin, Miller lập tức cùng đội của mình hướng về cây cầu. Khi gần đến nơi họ bất ngờ vướng phải một toán quân Đức đi tuần. Họ ẩn nấp chờ toán lính đi qua. Miller ra lệnh cho người của mình không được phép nổ súng, im lặng lặng ẩn nấp. Bổng nhiên tiếng súng vang lên, không chỉ một mà nhiều tiếng súng cùng vang lên, rồi cả tiếng bazooka hạ tăng hướng về toán lính Đức. Có lẽ là người của mình, Miller không chần chừ nữa, ra lệnh nổ súng. Cuối cùng thì hụ cũng hạ hoàn toàn lính Đức. Những người nổ súng kia cũng là lính Mĩ đang cố thủ ở cây cầu, nơi mà đội của Miller đang cần tìm. Trong số những người ấy, Ryan chính là người bắn bazooka hạ tăng. Cuối cùng thì Miller cũng đã tìm ra Ryan.

Tuy nhiên nhiệm vụ của Miller và đội của ông vẫn chưa kết thúc. Sau khi báo tin cho Ryan về cái chết của những người anh trai của anh và tin anh được cho về nhà, cứ tưởng Ryan sẽ vui mừng nhận lấy điều ấy nhưng không, Ryan muốn ở lại với đồng đội của mình. Cây cầu này là điểm trọng yếu ngăn bước tiến của quân Đức tràn sang. Trong khi đồng đội của mình đang tử thủ ở đây chờ cứu viện với đủ mọi thiếu thốn, Ryan không thể rời đi. Anh hi vọng mẹ mình sẽ hiểu và ở lại chiến đấu. Người trong đội của Miller bắt đầu nổi giận. Để tìm kiếm và giải cứu cho Ryan họ cũng đã mất đi nhiều đồng đội của mình. Vậy mà giờ đây khi gặp được Ryan rồi thì anh nói không muốn trở về để cho sự hi sinh của những đồng đội kia là vô ích, điều này với người trong đội của Miller là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên dù họ có nói gì thì Ryan vẫn quyết định ở lại và sống chết bên đồng đội của mình. Cuối cùng Captain Miller đưa ra quyết định cả đội của ông cũng sẽ ở lại đây cùng tử thủ với đội của Ryan. Lời ông nói với người trong đội của mình rất rõ ràng: “Nhiệm vụ của chúng ta là giải cứ Ryan. Nếu giờ chúng ta bỏ về thì hành động đó sẽ bị coi là đào ngũ. Vì vậy hãy ở lại đây cùng chiến đấu, bảo vệ Ryan và hoàn thành nhiệm vụ của mình.”

Captain Miller bắt đầu chuẩn bị kế hoạch tác chiến để bảo vệ cây cầu cùng mọi người. Từ một lượng thuốc nổ lấy từ cây cầu, ông cho thiết kế “Sticky bomb” cùng một số loại bom khác với tác dụng làm chậm bước tiến công của địch. Lượng thuốc nổ còn lại đủ giật sập cây cầu trong trường hợp xấu nhất. Mọi thứ chuẩn bị cho cuộc nghênh địch đã sẵn sang. Trong lúc chờ địch đến, mọi người nói chuyện với nhau để giữ sự bình tĩnh. Miller và Ryan nói về những người anh của Ryan và những suy ngẫm về cuộc chiến. Upham cùng những người khác giờ đã trở nên thân thiết với nhau, đùa giỡn với nhau. Anh cũng đã phần nào hiểu được ý nghĩa của từ “Fubar”, một cách nào đó nó là sự tin tưởng của những người đồng chí vào nhau. Đâu vang lên một giọng hát của một cô gái Đức. Không ai hiểu nội dung của nó là gì nhưng giai điệu thì thật là dịu dàng và thanh bình biết bao. Tất cả đều thả hồn vào giọng ca ấy.

Lời thông báo của tay sniper canh gác trên tháp đã cắt ngang những giai điệu thanh bình ấy. Quân Đức đang đến và mọi người đều đã sẵn sang chiến đấu. Và cuộc chiến bắt đầu. Dù lực lượng có phần yếu hơn nhưng quân Mĩ đã kiềm chân quân Đức khá tốt. Miller cùng những người khác liên tục làm giảm sinh lực địch. Ông vừa chiến đấu, vừa cố gắng giữ an toàn cho Ryan khi cứ liên tục kéo Ryan nằm xuống mỗi khi anh ngóc đầu lên và muốn chiến đấu.

Có một chi tiết rất hay ở đây. Upham là người được giao nhiệm vụ mang đạn dược và tiếp tế cho mọi người. Một đồng đội của anh hết đạn, chiến đấu tay không với tên Đức. Upham cầm súng và đứng bên ngoài. Anh hoàn toàn có thể hạ tên Đức và cứ đồng đội của mình nhưng anh không làm. Anh sợ hãi và run lên một cách đột độ. Cuối cùng tên lính Đức đã giết được người đồng đội của Upham kia trong khi anh vẫn còn đang run rẩy. Bất ngờ thay hắn chính là người mà Upham đã xin tha chết ở trạm rada nọ. Hắn bước ra và đi thẳng qua mặt Upham đang khóc vì sợ hãi. Hắn không giết Upham có lẽ vì phần nào cảm kích về ơn cứu mạng của Upham trước kia. Chi tiết này được đưa vào phim hoàn toàn có ý đồ của nó, nếu không tìm hiểu kĩ chắc ta khó mà hiểu được. Upham là người Mĩ, còn người đồng đội bị giết kia là người Do Thái. Đạo diễn của phim là Steven Spelberg, ông cũng là một người Do Thái. Ông xây dựn hình tượng những nhân vật này tượng trưng cho hoàn cảnh lịch sử bấy giờ: người Đức tàn sát người Do Thái trong khi người Mĩ, một quốc gia có tiếng nói trên thế giới chỉ đứng ngoài nhìn mà không hề có động thái nào nhằm giúp đỡ người Do Thái. Hình tượng Upham cũng như là cái nhìn của đạo diễn về người Mĩ: hèn nhát, chỉ bảo vệ quyền lợi của mình. Một chi tiết rất hay mà mình học được qua giờ ESL US History.

Cuộc chiến đấu bảo vệ cây cầu cùng dẫn kết thúc. Quân Mĩ yêu thế hơn về lực lượng nên dần rút qua cây cầu, chuẩn bị giật sập cầu. Nhiều lính Mĩ đã chết, Captian Miller cũng bị thương nặng. Dẫu vậy ông vẫn cố gắng bảo vệ Ryan và cây cầu cho đến lúc cuối cùng. Trong lúc ông chuẩn bị cho nổ bom giật sập cầu thì quân cứu viện cũng đến kịp lúc và bảo về câu cầu thành công. Lính Đức bị tiêu diệt rất nhiều. Upham lúc này cũng như tĩnh cơn mê, bắn hạ tên lính Đức kia. Không biết liệu hành động này của Upham có được coi là dũng cảm?

Vì bị thương quá nặng, Captain Miller không qua khỏi và hi sinh. Trước khi ra đi ông thì thào với Ryan mấy từ:” Hãy nhận lấy điều này đi, hãy nhận lấy điều này…” (Earn this) và hi sinh. Ryan thật sự xúc động vì sự ra đi của người đã dung hết tính mạng để bảo vệ mình. Không chỉ mỗi Miller mà còn nhiều người khác cũng đã hi sinh tính mạng để bảo vệ anh. Ryan lại được trở về với mẹ, chính thức bỏ chiến trường lại sau lưng và có một cuộc sống mình thường, hạnh phúc. Mấy chục năm sau, khi đã trở thành một ông lão, có một gia đinh hạnh phúc, Ryan vẫn luôn biết ơn và cảm thấy xúc động với những người đã cho anh có cuộc sống như bây giờ, một cuộc sống thanh phình thật sự. Anh đã cố gắng sống thật tốt, sống thay cả phần của Miller cũng như nhiều người khác đã đặt niềm tin vào anh, niềm tin về một ngày mai tươi sáng với chiến tranh ở sau lưng.

Giá trị lớn nhất mà bộ phim để lại là cái nhìn đau buồn về sự tàn khốc của chiến tranh cùng với đó là tình đồng đội và tinh thần trách nhiệm. Cái đau buồn mà chiến tranh để lại ắt hẳn nhiều người biết đến nhưng để hiểu hết thì chưa chắc. Giữa sự tàn khốc ấy của chiến tranh, tình đồng đội của những người lính sáng chói lòa như là một biểu tượng đẹp giữa lòng chiến tranh. Họ sống cùng nhau, chết với nhau, cùng hướng tới nhiệm vụ cuối cùng. Chỉ vậy thôi đã biến họ đã trở thành người chiến thắng duy nhất trong cuộc chiến này.

Đánh giá

Nội dung - 8.3
Diễn xuất - 7.9
Nhạc phim - 7.8
Kỹ xảo điện ảnh - 7.8
Thông điệp truyền tải - 7.9

7.9

Chiến tranh tàn khốc

Hãy nhận lấy nó

User Rating: 3.31 ( 4 votes)

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Chín 4, 2018 | Lần cập nhật cuối: Tháng Bảy 27, 2019

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button