Phim chuyển thể từ sách

Thăng trầm số phận của bác Tom

Henry Louis Gates Jr, trong lời giới thiệu cuốn “The Annotated Uncle Tom’s Cabin”, đã nhớ lại, vào những năm 1960, người ta không coi bác Tom là anh hùng mà là một mẫu nhân vật tiêu cực, một kẻ da đen sẵn sàng cung phụng những người da trắng xung quanh.

Bác Tom trong tác phẩm của Harriet Beecher Stowe từng nhẫn nhục chứng kiến những đứa trẻ phải rời vòng tay mẹ, trở thành nô lệ; bác phục tùng một cách không do dự khi bị bán cho ông chủ khác, bác từng nhìn thấy những số phận nô lệ như mình bị đánh đập đến bất tỉnh và buộc phải quy phục. Bác sẵn lòng lượng thứ cho những tội ác mà chế độ nô lệ gây ra và không bao giờ nhúng tay vào trả thù bất cứ ông chủ nào dù là kẻ tàn bạo nhất.

Nhưng liệu lòng bao dung của con người điềm đạm như bác Tom có đủ sức chịu đựng sự công kích của người đọc kéo dài suốt nửa thế kỷ.

Henry Louis Gates Jr, trong lời giới thiệu cuốn The Annotated Uncle Tom’s Cabin, đã nhớ lại, vào những năm 1960, người ta không coi bác Tom là anh hùng mà là một mẫu nhân vật tiêu cực, một kẻ da đen sẵn sàng cung phụng những người da trắng xung quanh.

Chân dung bác Tom.
Chân dung bác Tom.

Bởi bác Tom không biết đến chống đối, bởi sự thứ tha của bác mang nhiều ý nghĩa phục tùng. Những người da đen cấp tiến đã coi bác Tom là biểu tượng của “sự phản bội giống nòi”.

Năm 1966, khi phê phán Roy Wilkins – chủ tịch NAACP (Hiệp hội các quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu), Stokely Carmichael đã gọi Wilkins là “bác Tom”. Trong luận điểm về sức mạnh của người da đen, Uỷ ban chống bạo lực sinh viên từng so sánh bác Tom với tên chủ nô lệ xấu xa: “Ai mới là nhân vật phản diện thực sự – bác Tom hay Simon Legree?”.

Trong những năm 1970, ông Gates đã chỉ ra, người nô lệ này là “kẻ bị chửi rủa nhiều nhất trong lịch sử văn học Mỹ”.

Theo ông Gates, cuộc sống và danh tiếng của nhà văn Harriet Beecher Stowe vì thế mà không tránh khỏi bị liên luỵ. Với cuốn tiểu thuyết này, không ít lần bà rơi từ thiên đường xuống vực thẳm: Năm 1852, khi mới ra mắt được vài ngày, Túp lều của bác Tom tiêu thụ được 10.000 bản. Sau 1 năm, 300.000 bản được bán ra. Cuốn sách được dịch ra hàng chục thứ tiếng. Tolstoy coi nó là một tác phẩm mẫu mực. Túp lều của bác Tom còn khởi đầu cho một trào lưu chống lại chế độ nô lệ năm 1862, đến nỗi khi gặp Stowe, tổng thống Mỹ Lincoln đã nói: “Hoá ra đây là người phụ nữ nhỏ bé nhưng đã viết cuốn sách khởi phát cho một cuộc chiến tranh lớn”.

Simon Legree đánh đập bác Tom.
Simon Legree đánh đập bác Tom.

Nhưng trong suốt nửa thế kỷ về sau, cuốn sách hầu như trở thành một bức biếm hoạ. Dưới sự ảnh hưởng của chủ nghĩa cấp tiến và sự phê chuẩn của các học giả, cuốn tiểu thuyết bị loại ra khỏi danh sách các tác phẩm giảng dạy trong trường học. Theo ông Gates, quan niệm thẩm mỹ và lối phê phán này bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi cuốn sách Everybody’s Protest Novel (Cuốn tiểu thuyết bị tất cả mọi người phản đối) xuất bản năm 1949 của James Baldwin. Theo Baldwin, Túp lều của bác Tom là tác phẩm “cực kỳ tồi tệ”, bị phá hỏng bởi thói tự cao tự đại, luôn cho mình là đúng và thái độ đạo đức một cách uỷ mị. Còn với nhà văn Stowe, Baldwin cho rằng, chỉ nên coi bà như tác giả của một cuốn sách nhỏ chứ chưa xứng tầm tiểu thuyết gia. Sự “giáng cấp” đó đối với Bác Tom đánh dấu một thời kỳ lao đao của Túp lều của bác Tom trong lòng độc giả.

Nhưng bây giờ, cùng với đợt tái bản mới có những nhận xét sắc sảo của ông Gates – giảng viên Đại học Harvard và Hollis Robbins – giảng viên Viện Peabody, cuốn tiểu thuyết đang được trả lại với vai trò là một tác phẩm quan trọng về mối quan hệ chủng tộc ở Mỹ đồng thời là sáng tác giàu ý nghĩa về đạo đức và chính trị khi khám phá tính cách con người trong những mối quan hệ đó.

bac-tom

Chất lượng văn học của cuốn tiểu thuyết là không thể phủ nhận. Chúng được tái khẳng định trong lần tái bản mới. Gates tìm thấy trong tác phẩm sự phong phú của các giá trị văn hoá. Ông còn cho rằng, cuốn tiểu thuyết không chỉ là sự thuyết giáo xuất phát từ một góc nhìn mang tính đạo đức mà còn thể hiện tình trạng căng thắng và những mâu thuẫn ngấm ngầm trong hệ thống nô lệ vốn đã rối loạn của nước Mỹ.

Nhưng thành công này không che khuất được những hạn chế của tác phẩm. Hai nhà bình giải đã nghiêm túc chỉ ra hơi hướng của sự hạ mình khi Stowe miêu tả nhân vật bằng sự cảm thông mãnh liệt của mình. Họ cũng cho rằng, Stowe đã quá lạm dụng lối kể chuyện cường điệu thời Victoria trong cách miêu tả và thiết kế cốt truyện: Liệu có nhân vật bị đày ải nào thánh thiện hơn bác Tom và liệu có kẻ chủ nô nào hung ác hơn Simon Legree? Đây là tàn dư của cách đánh giá con người và cuộc sống tồn tại khá dài trong tiểu thuyết. Nhưng George Sand từng cho rằng, cuốn tiểu thuyết này khiến người ta “yêu cả những khiếm khuyết của nó”. Còn George Orwell gọi nó là tác phẩm “phi logic” nhưng “gợi lên những thương cảm chân thành và sâu sắc”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button