Tác giả

Phan Duy Nhân: Tiếng thơ gắn liền với thời cuộc

Nhà thơ gắn liền với phong trào yêu nước học sinh sinh viên miền Nam trước 1975, lần đầu giới thiệu tập sách sau 60 năm miệt mài sáng tác.

Sáng 5/11, tại Văn phòng miền Nam, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức ra mắt sách Phan Duy Nhân – Thơ và Đời. Trước năm 1975, ông được biết tới là thủ lĩnh của phong trào học sinh sinh viên xuống đường đấu tranh. Ông từng bị đày ra Côn Đảo. Sau ngày thống nhất đất nước, nhà thơ nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong đó có vị trí Quyền trưởng ban Tôn giáo của Chính phủ.

Nhà thơ Phan Duy Nhân.
Nhà thơ Phan Duy Nhân.

Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam cho biết: “Đối với các bạn trẻ, cái tên Phan Duy Nhân có thể hơi xa lạ nhưng thế hệ những người xuống đường biểu tình trong phong trào học sinh sinh viên đô thị Miền Nam trước 1975 thì ông là tên tuổi nổi tiếng. Bài thơ Thư gửi các bạn sinh viên, năm 1964 được xem là mở đầu cho dòng thơ yêu nước của tuổi trẻ miền Nam.”

Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam.
Ông Lê Hoàng – Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam.

Phan Duy Nhân – Thơ và Đời gồm 2 phần. Phần một là 150 bài, bao gồm sáng tác, dịch thơ, trong đó có 33 bài Không đề, 7 bài dịch thơ Cao Bá Quát… Phần hai là 32 bài của 26 tác giả, kể cả bài ký tên Phan Duy Nhân.

Trong gần 500 trang sách, người đọc bắt gặp hình ảnh một chiến sĩ, một nhà thơ bản lĩnh, không sợ tù đày và khát khao độc lập, tự do. Lý tưởng ấy, tinh thần xả thân vì đất nước được thể hiện rõ nét qua bài Thư gửi các bạn sinh viên:

“Ta đứng dậy ở bên bờ cõi chết
Cứu nhau thôi, anh chị, bạn bè ơi
… Độc lập, hòa bình, công bằng, nhân đạo
Mắt em thơ hớn hở nụ cười tròn
Mẹ đầu làng, tóc đã trắng như bông
Bay phơ phất vui theo làn gió đợi
Hết khổ đau rồi, ân tình ấm lại…”

Tập thơ đầu tay của nhà thơ gắn liền với phong trào yêu nước học sinh, sinh viên miền Nam trước năm 1975.
Tập thơ đầu tay của nhà thơ gắn liền với phong trào yêu nước học sinh, sinh viên miền Nam trước năm 1975.

Vì thế, nhà văn, nhà báo Hoàng Phủ Ngọc Phan cho rằng: “Với các sáng tác trong phong trào HSSV, mỗi tác giả đều có ngôn ngữ thơ riêng của mình, nhưng cái hào khí phong trào thì cho đến nay, chưa ai có thể sánh được với Thư gửi các bạn sinh viên của Phan Duy Nhân”.

Sau này, Phan Duy Nhân lại hướng sự quan tâm của mình đến đề tài tình yêu, Phật giáo. Dù ở thể loại, đề tài nào ông cũng thể hiện nhiệt huyết của người nhập cuộc với suy nghĩ tích cực.

Hằng Nguyễn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button