List sách haySách theo tác giả

Những quyển sách hay nhất của Henry Miller

Sách của Henry Miller gây ảnh hưởng không ít trong văn học ở giữa thế kỷ XX,thay đổi cục diện văn chương Mỹ cũng như khắp nơi trên thế giới. Một thứ văn chương làm thương tổn đến những nhà đạo đức học,luân lý học…

Ác Quỷ Trên Thiên Đàng

Ác quỷ trên thiên đàng kể một câu chuyện sáng rõ, một hồi ức từ cuộc đời phong phú của H. Miller gắn với một người bạn, một “món nợ” đặc biệt của số phận ông, từ những năm 1930 ở Paris: nhà chiêm tinh, hoạ sĩ Conrad Moricand, với tuyến truyện cốt lõi là những tháng ngày Moricand cùng kiệt ở Paris, được Miller “giải cứu” bằng cách mời sang Big Sur (California, Mỹ) sống cùng gia đình ông (vợ và một con gái). Câu mở đầu tưởng chừng rất bình thường của cuốn sách: “Chính Anaïs Nin là người giới thiệu tôi với Conrad Moricand” lôi kéo những người đọc quan tâm tới tiểu sử Henry Miller vào không khí đặc trưng trong những cuốn sách của ông: sự vô phân biệt – chứ không phải cố tình lấy tiểu sử để giễu nhại hay gây mơ hồ – của hư cấu và sự thật cuộc đời. Các nhân vật có thực, có vai trò quan trọng trong đời tác giả: Anaïs Nin – người tình ở Paris, Moricand, vợ và con gái ở Big Sur, Leon Shamroy – nhiếp ảnh gia chóp bu của hãng phim Fox, “người đoạt hết các giải Oscar” như giới thiệu của Miller trong truyện – cùng vô số các nhân vật, các chi tiết khung cảnh, các sự kiện, các cuốn sách, các bức hoạ… như thể tự nhiên từ đời sống vào văn chương. Từ đây, không chỉ Moricand trở nên nổi tiếng, nhiều nhân vật khác cũng đều là những con người sống động đáng kể.

Cuốn sách mỏng mảnh này, ngay từ nhan đề đã muốn “ám sát nhân vật chính”, nhưng nước Mỹ thiên đàng không phải là phông nền để tô đậm chân dung một ác quỷ. Thế giới của Miller luôn “siêu hình” hơn. Mặc dù kết cục bi đát là sự chấm dứt tình bạn, Moricand bị ném trả về Paris – nơi ông chết trong nghèo khổ và đơn độc, chết trong vô danh, trong sự phỉ báng, và chưa bao giờ được bảo vệ trong suốt nhiều thập kỷ sau khi chết, trong cuốn sách Miller đã bộc lộ một mối thấu cảm đặc biệt với con người “khắc khoải, cứng rắn, thất thường và quả cảm” này, “con người khắc kỷ mang theo mình cả một nấm mồ” .

Từ đoạn xuất hiện nhiếp ảnh gia Leon Shamroy – bạn đọc có thể khám phá một tính cách “đặc Mỹ” của các phim Oscar – Moricand càng tiết lộ những bệnh hoạn nội tâm làm nên sự hấp dẫn đặc biệt của con người hắn, như hầu hết các nhân vật điên loạn, qua hai chiếc vali mà hắn khư khư kéo lê bên mình qua những năm thế chiến thứ hai bạo loạn, chứa đầy những tranh vẽ cảnh dâm dục, bạo lực, xâu xé thịt người, “những sách, những giấy tờ, lá số, những gì trích ở Plotinus, Lamblichus, Claude Saint-Martin…”, những thứ “của nợ” mà hắn không thể vứt đi bởi đó chính là thế giới của riêng hắn, là cái quý giá nhất đời hắn. Xin hãy đọc lại đoạn đối thoại giữa Miller và Moricand, trang 115 cuốn sách này, trang sách tuyệt vọng về chân dung – nấm mồ Moricand, kẻ không thuộc về hiện tại, không thuộc về thế giới đang sống, kẻ không còn khả năng hồi phục, thay đổi, không còn cần được thương xót và do đó, chính là kẻ tự kết liễu tình bạn, tự kết liễu số phận mình.

Mười năm ở Paris đủ khiến Miller nhận ra “chẳng có gì còn lại cho nhà văn mà tôi hy vọng, chỉ còn lại nhà văn mà tôi phải là” (Thế giới tính dục).

“Liệu ta phải tìm đến sách, đến thầy, đến khoa học, đến tôn gáo, đến triết học, liệu ta phải biết nhiều đến thế sao – tuy có là bao – rồi mới dám sống sao? Liệu ta cứ phải hành hạ thân mình, đủ tình đủ tội rồi mới hoàn toàn tỉnh ngộ và hiểu biết hay sao?… Hãy quên, hãy tha thứ, hãy từ bỏ, hãy thoái vị…” – những cuốn sách mỏng và tiết lộ dấu hiệu đặc biệt thường mời gọi độc giả đọc và đọc lại không chỉ một lần.

Nhã Thuyên

Thời Của Những Kẻ Giết Người

Đúng một năm trước đây, vào tháng Mười vừa qua, Rimbaud ra đời. Tại Pháp, lễ tưởng niệm đệ bách chu niên được tổ chức một cách ngoạn mục. Những nhà văn lừng danh khắp thế giới đều được mời đến để dự cuộc hành hướng tới Charleville, nơi chôn rau cắt rốn của chàng. Những buổi lễ mang tính chất quốc gia đại sự. Về phần Rimbaud, có lẽ chàng cũng trở mình trong mộ. Từ ngày mất đi, phần lớn tác phẩm vĩ đại của Rimbaud đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Bengali. Ở bất cứ nơi nào còn biết cảm thấu và phiêu đãng, tên chàng là một tiếng nói cửa miệng. Trong những năm gần đây, sự sùng bái của những tín đồ Rimbaud đã lên đến những kích thước dị thường và sách biên khảo về cuộc đời và tác phẩm chàng gia tăng bằng những bước nhảy vọt. Không một thi sĩ nào của thời hiện đại có thể nói là đã nhận được sự chú ý và tôn kính nhường ấy.

Việc giết người, vì đúng nó là như vậy, chẳng bao lâu sẽ đi tới chung cục của nó. Vì tiếng nói của thi trở nên tắc nghẹn, lịch sự mất sự ý nghĩa của nó và hứa hẹn thế mạt luận bừng lên như một bình minh mới mẻ và đe doạ trên ý thức con người. Chỉ bây giờ, bên mép bờ vực thẳm, người ta mới có thể nhận thức được rằng “tất cả mọi điều người ta dạy chúng ta đều sai lầm”, Bằng chứng của lời phát biểu phá hoại này có thể chứng minh được mỗi ngày trong mọi lãnh vực: trên chiến trường, trong phòng thí nghiệm, trên báo chí, trong trường học, trong nhà thờ. Chúng ta hoàn toàn sống trong quá khứ, được nuôi dưỡng bởi những tư tưởng chết, tín điều chết, hiểu biết chết. Và chính quá khứ nhận chìm chúng ta chứ không phải tương lai. Tương lai bao giờ cũng đã và cũng sẽ thuộc về thi sĩ.

Có lẽ trong khi chạy trốn khỏi thế giới, Rimbaud gìn giữ tâm hồn chàng khỏi một số phận hẩm hiu hơn số phận dành cho chàng ở Abyssinie. Có lẽ La Chasse Spirituelle, nếu nó luôn luôn được khai quật lên, sẽ cung cấp một đầu mối hiện bây giờ đang thiếu. Có lẽ – biết đâu – nó sẽ cho chúng ta một sợi dây nối liền một màu địa ngục và Giáng sinh trên trần gian đó mà xưa có lần đã là thực tại cho chàng thanh niên mơ mộng.

Trong ngôn ngữ tượng trưng của tâm hồn, Rimbaud mô tả tất cả những gì hiện đang xảy ra ngày hôm nay. Không có chút tương phản nào giữa viễn tượng cuảa chàng về thế giới và về cuộc sống vĩnh cửu, với viễn tượng củaa những nhà cải cách tôn giáo vĩ đại. Chúng ta được khích lệ đi khích lệ lại nhiều lần sáng tạo một viễn tượng mới về thiên đàng và trần gian, bắt đầu lại lần nữa, để người chết chôn người chết, sống như huynh đệ ruột thịt, biến giáng sinh trên trần gian thành một thực tại. Và liên tiếp chúng ta được cảnh tỉnh rằng trừ phi ước vọng về một cuộc sống mới trở thành một xác tín sinh động cho mỗi và tất cả mọi người chúng ta, cuộc sống trần gian không bao giờ có thể là gì hơn một Lò luyện tội hay một địa ngục. Một vấn đề và vấn đề duy nhất đối với chúng ta là – chúng ta có thể trì hoãn cái không thể tránh được bao lâu nữa?

Khi chúng ta suy tưởng rằng người xách tai thế giới chỉ là một cậu bé con, chúng ta ăn nói làm sao bây giờ? Chẳng có chút gì tỷ như kỳ diệu trong sự xuất hiện của Rimbaud trên trái đất này như trong sự giác ngộ của đức cồ Đàm, hay trong sự chấp nhận thánh giá của đấng Christ, hay trong sứ mệnh giải thoát khó tin của Jeanne d’Arc sao? Tha hồ bạn muốn diễn dịch tác phẩm chàng thế nào cũng được, muốn giải thích cuộc đời chàng thế nào cũng xong, song lẽ không có gì cho phép quên chàng. Tương lai của chàng tất cả, dẫu rằng bây giờ chưa có tương lai.

Vnwriter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button