Cảm nhận sách

Tóm tắt sách Đắc Nhân Tâm cho các bạn trẻ đang là học sinh, sinh viên

Ông bà xưa có câu: học ăn, học nói, học gói, học mở. Hàm ý là chúng ta phải biết cách ăn nói sao cho hay, người ta nghe được thích quá, mới tặng chúng ta gói quà, rồi mở ra hưởng dùng. Cái chuyện ăn nói, mở rộng ra là chuyện đối nhân xử thế, nó rất quan trọng, theo mình là quan trọng nhất luôn. E hèm, tui biết tui giải nghĩa sai nha, nhưng nói vậy để mở đầu bài tóm tắt cho quyển ‘Đắc Nhân Tâm’. Bản tóm tắt này dành riêng cho các bạn là học sinh, sinh viên.

  • Không chỉ trích, không cãi nhau. Ngày xưa đi học, mình còn nhớ bài thơ:

Mẹ, mẹ ơi cô dạy
Cãi nhau là không hay
Cái miệng nó xinh thế,
Chỉ nói điều hay thôi.

Nói điều hay, thì không cãi nhau. Hai cái này, như nước với lửa, hổng có đi chung được. Mà để làm cho người ta vui, thì dĩ nhiên phải nói điều hay rồi, nói điều dở, nhẹ thì người ta ngủ gật, nặng thì người ta…giận, hổng vui, gì mà dai, dài, …dở. Ngoài ra, cãi nhau, dù kết quả thế nào, thì mình cũng là người thua. Cãi thua thì là thua. Cãi thắng, người ta buồn, người giận, tính ra cũng…thua luôn. Tranh luận và cãi nhau khác nhau nha. Một cái là trình bày ra các luận điểm, luận ý, thuyết phục người ta. Một cái là khăng khăng bắt người ta theo ý mình, khăng khăng đến mức…chửi thề luôn.

Chỉ trích cũng vậy, người ta có sai, mà mình biết chắc rằng người ta sai (hổng chắc thì đừng nói, mắc công…), thì nhẹ nhàng góp ý. Ai cũng có lúc sai, lúc đúng. Nói năng nhẹ nhàng, thuyết phục, thì người ta nghe, nghe xong người ta còn cảm ơn. Chỉ trích là chỉ nói cho sướng miệng ta, người ta tiếp thu được gì hay không thì makeno. Ta nói, kỳ lắm nghen, hổng ai nghe kiểu đó mà thích hết. Nói xấu, đặc biệt là nói xấu sau lưng, là hình thức bại hoại hơn của chỉ trích nữa. Né luôn nghen.

Để làm được hai việc trên, ta cần kiểm soát được cảm xúc, nóng quá…hóa hư, hư bột hư đường hết, lấy bánh đâu mà ăn.

  • Thành thật trong khen ngợi, quan tâm, tri ân và nhận lỗi.

Sách dạy ta phải thành tâm trong mọi vấn đề trong giao tiếp. Cái gì mình muốn người ta làm cho mình, thì mình cũng làm vậy cho người ta, cái gì mình không muốn người ta làm cho mình, thì đừng nên làm với bất cứ ai. Thành tâm, đơn giản vậy thôi. Đối xử với người khác, như với chính mình. Cách đặc biệt, khi khen ngợi, quan tâm, tri ân hay nhận lỗi, phải thành tâm. Làm qua loa cho xong chuyện, hoặc làm kiểu cưỡng ép đều không đủ duyên để mà “đắc” cái tâm của người ta. “Duyên” không có, thì “Phận” đong đưa như đu cành…đu đủ, rớt xuống sông hồi nào hổng hay.

  • Tôn trọng người đối diện trong giao tiếp. Khi giao tiếp, tỏ ra tôn trọng người ta, thì ai cũng thích. Người ta thích rồi, thì sao cũng được. Có câu thích…thì chiều mà. Có vài điểm nên lưu ý, để thể hiện sự tôn trọng:
    • Lắng nghe. Lắng nghe cách thành tâm, tức là nghe cho ra nghe, đừng nghe tai này, để lọt tai kia. Thỉnh thoảng, lúc người ta nghỉ lấy hơi, mình tóm tắt giùm người ta vài ý. Ta nói, họ mê mình luôn hổng chừng.
    • Nhớ tên. Nhớ tên người ta, và sau này, khi có dịp gặp lại, gọi đúng tên người ta, ai mà hổng mê.
    • Tôn trọng ý kiến. Ý kiến người ta nêu ra, trước hết nên lắng nghe, để hiểu cho đúng (hiểu sai ăn dép hồi nào hổng hay). Hiểu rồi, thì xem xem, nếu có sai thì nhẹ nhàng thuyết phục, kêu là tranh luận đó (xem lại phần trên) đừng tát nước vào mặt người ta kiểu: cùi bắp, nói dzậy sai rồi! Có những vấn đề thuộc về sở thích, thì không nên tranh luận đúng sai.
    • Nói về những thứ người ta thích. Giả dụ như người ta chỉ thích thời trang, hổng biết tí gì về còm bưu tờ, mà mình cứ chày cối, lái câu chuyện sang còm bưu tờ, thì…về nhà nói một mình còn hơn.
    • Đặt mình vào hoàn cảnh người đối diện. Đôi khi, có những lúc cần, mình nên đặt mình vào hoàn cảnh người ta, mình sẽ hiểu rõ hơn, đồng cảm hơn, và dĩ nhiên, sẽ chia sẻ hay hơn, làm người ta mê hơn.
  • Trình bày ngắn gọn, sinh động.

Nói chuyện mà lòng vòng, nghe là mắc mệt, và khó giữ tập trung để nghe cho thấu đáo, cho nên ngắn gọn, súc tích và sinh động, dí dỏm, là những tính từ cần thiết, giữ cho mình luôn…dễ thương trong mắt người ta.

  • Luôn tỏ ra thân thiện, luôn mỉm cười và sẵn sàng thừa nhận sai lầm.

Một nụ cười là mười thang thuốc bổ, chẳng ai từ chối nhận thuốc bổ (trừ khi không đúng nơi, đúng lúc). Thân thiện và tươi vui, thì nhìn đáng yêu, ai cũng thích xáp lại gần và trò chuyện cùng.

Tương tự, sẵn sàng thừa nhận sai lầm, là chứng tỏ sự cương trực, quân tử của bản thân. Trong phim chưởng, mình nhớ, ai mà quân tử, chính trực, cũng được yêu mến hết, và…còn được nhân vật nữ chính iu nữa chứ. Nữ chính ai cũng đẹp như…diễn viên.

Trên đây là vài tóm tắt ý chính, các bạn nên tìm đọc sách để có kiến thức chi tiết hơn, còn rất nhiều mẹo hay, nguyên tắc đúng để “đắc” cái tâm của người ta ở trong sách. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân trong việc tóm tắt, và gom nhóm các mục, rất vui khi nhận được góp ý của các bạn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button