Tác giả

Cái tôi là chủ đề lớn nhất văn chương đương đại

Tiến sĩ Đoàn Cầm Thi cho rằng, văn chương đương đại Việt Nam là sự bùng nổ của những cái tôi, làm nền tảng cho những giá trị thẩm mỹ mới.

Trong cuốn Đọc ‘tôi’ bên bến lạ, Đoàn Cầm Thi nghiên cứu tác phẩm của những nhà văn nổi bật, cho thấy sự bùng nổ của cái tôi trong văn chương đương đại.

Là người học về văn học Pháp trước, điều gì khiến chị tìm về khám phá văn học Việt Nam?

– Một phần vì cuộc sống xa Tổ quốc khiến tôi tìm về cội nguồn chăng? Có lẽ thế. Nhưng quan trọng hơn cả là, qua văn học Pháp, tôi có được một hành trang lý thuyết khá vững vàng để khai phá những tác phẩm Việt.

Tiến sĩ Đoàn Cầm Thi. Ảnh: NVCC
Tiến sĩ Đoàn Cầm Thi. Ảnh: NVCC

– Tại sao chị tìm hiểu về cái tôi trong văn học Việt Nam đương đại?

– Cái tôi là cội nguồn của sáng tạo. Lịch sử nghệ thuật cho thấy điều làm nên giá trị của một tác phẩm lớn chính là ý thức về cái tôi của người nghệ sĩ. Càng ngày người ta càng quan niệm cái đẹp chính là cái mang nhiều dấu ấn của chủ thể sáng tạo, là cái riêng, cái độc đáo.

Chẳng hạn, trong Man nương (1992), Phạm Thị Hoài tả một người đàn bà đẹp, nhưng từ chối mỹ học thông thường (như tác giả định nghĩ một cách hài hước – “một trang m nữ với đùi dài thẳng tắp với ngực vênh vểnh và tóc xõa xõa”). Ngược lại, vẻ đẹp của Man nương được thể hiện qua ống kính chủ quan của nhân vật “tôi”, không dựa trên chuẩn mực nào – “Trong cái ánh sáng khó tả đã được tôi dàn xếp trước, trên nền gạch vàng nhờ nhợ và từ góc nhìn chênh chếch xuống trông em thật tươi. Mi mắt sẫm hơn, vành môi rõ ràng hơn, gò má thanh thoát hơn”.

Như vậy, cái tôi là điểm đi, là lực đẩy của nghệ thuật. Nhưng cho đến nay nó vẫn là một mảng ít được giới nghiên cứu phê bình Việt Nam chú ý, nhất là trong văn xuôi.

– Tại sao chị chọn tác phẩm của những tác giả như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương, Bảo Ninh… để tìm hiểu về cái tôi?

– Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh là thế hệ đã làm thay đổi diện mạo văn học Việt Nam nhờ những tìm kiếm quyết liệt. Những cái tôi của Tướng về hưu, Thiên sứ hay Nỗi buồn chiến tranh đã làm nên nền tảng cho những giá trị thẩm mỹ mới. Trước đó, trong văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, chỉ có cái “chúng ta”, “chúng tôi”. Cái tôi có xuất hiện thì cũng thiếu sinh khí, ít tính cá nhân, nhạt nhòa trong tinh thần tập thể, kiểu Mẫn và tôi của Phan Tứ. Cũng dễ hiểu, vì thời đó, văn học được coi là một công cụ để phục vụ chính trị, nên tác phẩm đồng nghĩa với hô khẩu hiệu.

Nguyễn Bình Phương và Nguyễn Việt Hà là thế hệ mở cửa, đã tiếp tục công phá cái tôi, nhưng đào sâu và mở rộng vấn đề này. Tác phẩm của họ cho chúng ta những cái tôi phức tạp hơn, nghi vấn hơn, thể hiện tính đa chiều của cuộc sống hôm nay. Ví dụ, Trí nhớ suy tàn cho nhân vật chính xưng “em” và đây là một sáng tạo bất ngờ của Nguyễn Bình Phương, bởi trong tiếng Việt, đại từ “em” vừa là “tôi” (ngôi thứ nhất), vừa là “cô” (ngôi thứ hai), vừa là “cô ấy” (ngôi thứ ba).

Tiểu luận Đọc "tôi" bên bến lạ (Đoàn Cầm Thi). Ảnh: Việt Hà
Tiểu luận Đọc “tôi” bên bến lạ (Đoàn Cầm Thi). Ảnh: Việt Hà

– Khi tìm hiểu về cái tôi trong văn chương Việt, chị sử dụng những phương pháp nào?

– Nó là kết quả của nhiều phương pháp, đặc biệt phương pháp phê bình văn bản, phương pháp thống kê, phương pháp cấu trúc học. Tôi cũng vận dụng các kiến thức về văn học, lịch sử, triết học, ký hiệu học, ngôn ngữ học, phân tâm học,..v..v..

Tôi thích phương pháp liên văn bản. Chẳng hạn, nó cho tôi thấy những vang vọng và dự đoán trong cái tựa tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần. Sáng tác của Trần Dần luôn có những ngã tư: “ngã tư khuya”, “ngã tư buồn”, “ngã tư xưa” của Cổng tỉnh, “ngã tư năm ngoái” của Không đề số 4, “nữ ngã tư” của Jờ Joạcx, “ngã tư vắng” của Chín bức thư mưa, “ngã tư mù” của Sổ thơ 1976, “ngã tư đen” của Thơ mini 1988-1989,… Cột đèn cũng là một hằng số trong thế giới Trần Dần: “cột đèn mù “của Cổng tỉnh, “cột đèn câm” và “cột đèn gù” của Chiều vô lễ, “cột đèn mùa” hay “cột đèn mưa” của Mùa sạch, “cột đèn một chân” của Con Trắng, “cột đèn lằn lằn” của Jờ Joạcx, “cột đèn cao gót” của Sổ bụi 1979,…

Cũng không phải là lần duy nhất “ngã tư” và “cột đèn” xuất hiện cùng nhau. Chúng xoắn vào nhau trong Cổng tỉnh: “Lòng ngã tư mưa lằng nhằng cột điện”, nhưng lại tách riêng rẽ trong Sổ bụi 1979 – “Vẫn ngã tư. hiệu thuốc. cột đèn mù”. Nhưng có lẽ chỉ trong cái tựa Những ngã tư và những cột đèn, chúng mới hiện lên thuần khiết – không tính từ không bổ ngữ – và trong một thế cân bằng – với những tỷ lệ hài hòa.

Hơn nữa, “những ngã tư và những cột đèn” chạy xuyên qua tiểu thuyết, là cửa mở nhưng cũng là câu chót. Nhưng thay vì đóng lại, nó hướng người đọc đến một tác phẩm khác, một tác phẩm họ chưa đọc (nhân vật nhà văn của Trần Dần cũng đang viết một tác phẩm mang tên Những ngã tư và những cột đèn). Như vậy, “Những ngã tư và những cột đèn” trở thành những âm vang, những tiếng dội, ở bên trong và bên ngoài tiểu thuyết. Đọc tác phẩm này, cùng lúc chúng ta đọc các tác phẩm khác của Trần Dần, phiêu lưu trong những “người người, lớp lớp” (như tên gọi một cái tựa khác của Trần Dần).

– Theo chị, cái tôi có ý nghĩa như nào trong văn chương Việt Nam đương đại?

– Theo tôi, nó là chủ đề lớn nhất trong văn học Việt Nam đương đại.

– Tại sao chị chia những cái tôi trong văn học đương đại thành bốn nhóm: cái tôi phủ định, cái tôi mới, cái tôi lưu vong, cái tôi phi hư cấu? Liệu có còn những cái tôi khác?

– Đó là bốn nhóm lôi cuốn tôi nhiều nhất. Tuy nhiên đó chỉ là một cách sắp xếp, và không có cách sắp xếp nào là tuyệt đối cả.

– Sự bùng nổ của cái tôi từ sau 1986 tới nay, theo chị phản ánh xu thế nào của văn chương Việt?

– Sự bùng nổ cái cái tôi thể hiện việc văn chương Việt đang tìm kiếm một cơ sở mỹ học mới. Các nhà văn Việt càng ngày càng ý thức rằng, mọi đề tài đều bình đẳng trong văn chương – tình yêu, bạo lực, chính trị, tình dục… Quan trọng là viết như thế nào. Và chính cái tôi này tham gia xây dựng những cách thể hiện mới, chủ quan hơn, độc đáo hơn.

Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà - ba gương mặt nổi bật của văn chương Việt Nam đương đại.
Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà – ba gương mặt nổi bật của văn chương Việt Nam đương đại.

– Một số nhà phê bình cho rằng, ở phần cái tôi lưu vong, biên độ khảo cứu của chị hơi sơ sài khi chỉ nghiên cứu Đỗ Kh và Trần Vũ. Chị có phản biện gì?

– Ở phần cái tôi lưu vong, tôi chọn ba tác giả là Đỗ Kh, Thuận và Trần Vũ, bởi các tác giả này thể hiện ba quan niệm khác nhau về lưu vong, dẫn đến những hình thức và nội dung thể hiện vô cùng đa dạng.

Đây là luận đề của tôi: cùng thế hệ, cùng hoàn cảnh (lớn lên ở Sài Gòn trước 1975 trước khi trở thành “thuyền nhân”), cùng nguồn cảm hứng (cuộc sống tha hương), nhưng tác phẩm của Đỗ Kh và Trần Vũ đã đi theo hai hướng khác nhau.

Nếu thế giới Đỗ Kh luôn luôn mở và phi trung tâm, thì không gian của Trần Vũ thường ngạt thở và chết chóc. Nếu Đỗ Kh hướng ngoại và nhìn về tương lai, thì Trần Vũ dường như hướng nội và quay về quá khứ. Tình dục, trong văn Đỗ Kh, là một cách để tiếp cận tha nhân. Ở Trần Vũ, nó là cách vứt bỏ những gì khác mình. Trong khi đó, văn chương của Đỗ Kh luôn thể hiện một cơn khát được lên đường, để khám phá những vùng đất mới, những nền văn minh khác.

Còn Thuận lại xây dựng những cái tôi tha hương giữa Liên Xô thời Cải tổ, nước Đức mới thống nhất, nước Pháp đương đại,… Đặc biệt khác với Đỗ Kh và Trần Vũ, Thuận luôn giữ mối ràng buộc với Việt Nam hôm nay, trong một cái nhìn hài hước, đôi lúc châm biếm, nhưng nhiều gắn bó. Vì vậy, tác phẩm của Thuận quan tâm khắc họa những đề tài nóng bỏng của Việt Nam hậu Đổi mới và cố gắng hình dung vị trí của nó trên bản đồ thế giới kể từ sau chiến tranh lạnh.

Đương nhiên, còn có nhiều cái tôi lưu vong khác. Nhưng như tôi đã trình bày, tôi mong độc giả đọc cuốn sách này như một lời mở chứ không phải là một tổng kết.

– Chị có thể chia sẻ thêm về công việc hiện tại của mình đặc biệt là những dự án liên quan văn học Việt Nam?

– Hoạt động của tôi xoay quanh ba trục chính: nghiên cứu, dịch thuật và giảng dạy, tất cả đều về văn học Việt Nam.

Đương nhiên, ba hoạt động này không ngừng bổ sung và hỗ trợ nhau. Nhưng tùy thời điểm mà tôi nhấn mạnh từng hoạt động. Một trong những ưu tiên lớn nhất của tôi vẫn là tủ sách “Văn học Việt Nam đương đại” do tôi thành lập và điều hành tại NXB Riveneuve.

Đoàn Cầm Thi là Tiến sĩ Văn học Pháp tại Đại học Paris 7, phó Giáo sư Văn học Việt Nam tại Học viện Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông Paris. Xây dựng và duy trì tủ sách Văn học Việt Nam đương đại của NXB Riveneuve.

Tiến sĩ Ngữ văn Phạm Xuân Thạch: “Đoàn Cầm Thi dựng nên câu chuyện về thời đại Đổi mới dựa trên cái tôi. Tôi đánh giá cao cấu tứ của tác phẩm. Nó tạo nên câu chuyện văn chương. Nó là câu chuyện kiến tạo thẩm mỹ. Tác phẩm vừa là tập tiểu luận phê bình. Nhưng xâu chuỗi lại, nó là tập tiểu luận có tính văn học sử”.

Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu: “Cách đặt nhan đề bài viết của Đoàn Cầm Thi rất sáng tạo. Chị đặt tên bài viết có xu hướng hình tượng, gợi cảm. Có lẽ văn phong phê bình cũng cần chất như vậy”.

Việt Hà

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Mười 13, 2016 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 6, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button