Tác giả

Thomas Mann: Cái đẹp là điều còn lại sau cùng của nghệ thuật

Thomas Mann là một trong những nhà văn xuất sắc nhất của nước Đức thế kỷ XX.

Sáng tác của Thomas Mann là vẻ đẹp kết hợp tính cao nhã thơ ca, tính trí tuệ với tình yêu dành cho tất cả những gì thuộc về cuộc sống.

Sự lưu vong và nhạc cổ điển

Thomas Mann sinh năm 1875 trong một gia đình thương gia đáng kính thuộc tỉnh Lubeck, trên miền Biển Bắc. Ông là con thứ hai trong năm người con của thượng nghị sĩ Thomas Heinrich Mann và bà mẹ có tài về âm nhạc.

Nhờ mẹ và các nhạc sĩ thường hay lại nhà mà Thomas rất sớm làm quen và say mê với nền âm nhạc cổ điển, đặc biệt là âm nhạc của Richard Wagner. Vì say mê nhạc cổ điển, Thomas Mann cũng đắm chìm trong một không gian của những giá trị quá khứ, tìm kiếm những nét đẹp từ xưa cũ. Đó là dấu ấn sâu đậm trong sự nghiệp sáng tác của Thomas Mann.

Âm nhạc cổ điển của Richard Wagner có sự ảnh hưởng mạnh mẽ với Thomas Mann.

Cũng bắt nguồn từ nhạc cổ điển, năm 1933, khi đọc bài diễn văn đầy xúc động về Richard Wagner, Thomas Mann bị xem là có tư tưởng “phản quốc gia”, và đã buộc phải trở thành một nhà văn lưu vong từ đây.

Sau khi người cha qua đời vào năm 1891, gia đình ông đã bán đi cơ sở thương mại rồi dọn về thành phố Munich. Đây cũng là nơi Thomas Mann bắt đầu làm thơ, viết một số truyện ngắn và được nhà xuất bản khuyến khích sáng tác.

Vào năm 1905, Thomas Mann kết hôn với cô Katjia Pringsheim, con gái của một giáo sư Toán tại Munich. Katjia là bà mẹ xuất sắc với sáu người con, đã giúp chồng có thể hoàn toàn chuyên tâm vào việc quan sát và ghi chép từng chi tiết của thế giới chung quanh.

Khi Adolf Hitler lên nắm chính quyền, chính quyền Đức bèn tước bỏ quyền công dân của Thomas Mann từ năm 1936 và bằng tiến sĩ danh dự đã được trao tặng cho ông vào năm 1919. Ông dành thời gian sống và sáng tác chủ yếu ở Thụy Sĩ.

Cái đẹp trong sự suy tàn

Những tác phẩm đầu tiên của Thomas Mann phản ánh nỗi u hoài về một nền văn hóa lành mạnh, tác giả thấu hiểu sâu sắc nỗi lòng day dứt giữa tình người và hiện tại nghiệt ngã của người nghệ sĩ trong xã hội tư sản.

Tiểu thuyết Gia đình Buddenbrook xuất bản năm 1901 là tác phẩm nổi tiếng nhất của Thomas Mann, tiểu thuyết còn có phụ đề Sự suy tàn của một dòng họ. 28 năm sau, năm 1929, tác phẩm này mang lại cho Thomas Mann giải thưởng Nobel văn học.

Cuốn sách kể về sự suy tàn của hãng xuất nhập khẩu ngũ cốc Johann Buddenbrook. Bốn thế hệ của dòng họ Buddenbrook – một dòng họ tư sản thương nghiệp giàu có ở Lũbeck – bị suy sụp hoàn toàn trong bối cảnh cạnh tranh của tư bản đế quốc chủ nghĩa cứ dần dần lụn bại trên thương trường, suy sụp trong đạo lý và văn hóa.

Tiểu thuyết Gia đình Buddenbrook.

Độc giả có thể thấy rõ chủ nghĩa bi quan trong tiểu thuyết, nhưng cũng chính tiểu thuyết đã dựng lại cho ta thấy cảnh buôn bán tấp nập và cảnh suy tàn của thương nghiệp ở thành phố cảng tự do của Đức bên bờ biển Baltic.

Với cách hành văn hài hước và trìu mến, Thomas Mann đã vẽ một bức tranh tâm lý xã hội ở thương cảng quê hương mình – một mô hình của quá trình suy sụp trên thương trường- nhìn theo một góc độ nào đó thì tiểu thuyết có những nét đẹp của tự nhiên chủ nghĩa.

Thomas Mann nhìn sự vật với cái tâm và cái tình của một con người tôn sùng cái đẹp, tìm thấy cái đẹp trong sự suy tàn, và thể hiện chúng bằng một bút pháp hiện thực độc đáo.

Cái đẹp trong cõi chết

Càng về sau văn chương của Thomas Mann càng trở nên đầy suy nghiệm, đậm tính triết lý, khai thác sâu vào những khía cạnh đẹp đẽ trong niềm trăn trở giữa đời sống và cõi chết.

Chết ở Venice được xem là một tuyệt tác về sự đẹp đẽ. Trong cuốn sách, bên cạnh thành phố Venice xinh đẹp như hư ảo, chính Mann đã tìm ra cái con đường để phá hủy của những vòng vây triết lý khô cứng, nguyên tắc, để khai phá bản năng thấm nhuần cái đẹp của một tâm hồn nghệ sĩ.

Đoạn cuối của cuộc hành trình, với cái chết lặng lẽ của Aschenbach, Chết ở Venice đã đạt đến sự tuyệt hảo của câu chuyện, lúc người nghệ sĩ hoàn toàn quy phục cái đẹp, bước vào của sự dấn thân vào mê đắm, con người không thể nào thoát ra được. Tận cùng của cái đẹp và cõi chết.

Nhà văn Thomas Mann.

Trong bộ tiểu thuyết Núi thần đồ sộ của ông, cái chết cũng là chủ đề được lặp đi lặp lại nhiều lần. Nó nằm trong suy tư của nhân vật chính, chàng kỹ sư Hans Castorp. Nó nằm trong những cuộc tranh luận của ông văn sỹ người Ý Settembrini và ông thầy tu xảo biện Naphta. Nó nằm trong những trang miêu tả phút hấp hối của nhiều bệnh nhân tại trại điều dưỡng Davos-Platz.

Suy nghiệm về cái chết, viết về cái chết cũng chính là cách bày tỏ lòng yêu mến tha thiết với cái đẹp và cuộc đời của Thomas Mann.

Ngoài các cuốn tiểu thuyết, Thomas Mann còn viết nhiều bài luận văn liên quan tới nền văn hóa và văn chương Đức, bàn luận các tư tưởng và thành quả của nhà thơ Johann W. von Goethe, nhà soạn nhạc Richard Wagner, nhà tâm lý học Sigmund Freud và nhà triết học Friedrich Nietzsche. Các nghiên cứu này được coi là các tài liệu văn hóa quan trọng nhất của thời đại đó.

Thomas Mann qua đời tại Zurich vào ngày 12/8/1955.

Ngày nay, cùng với Franz Kafka, văn hào Thomas Mann được coi là nhà viết tiểu thuyết thuộc thế giới nói tiếng Đức có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong thế kỷ 20.

Phong Linh

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Mười Hai 9, 2016 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 2, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button