Tin tức xuất bản, điểm tin sách

Giấc mơ yêu đương của ông già 60 với cô gái 20 trong ‘Người mê’

Thông qua chuyện tình “phi lý”, tác giả đặt vấn đề về tình yêu và giấc mơ của con người trước những giới hạn, rào cản của xã hội.

Tên sách: Người mê
Tác giả: Uông Triều
NXB Hội Nhà văn phát hành tháng 9/2016

Sau thành công của Tưởng tượng và dấu vết, vừa qua Uông Triều cho xuất bản Người mê. Tác phẩm là một cuốn tiểu thuyết ngắn, có cốt truyện khá đơn giản. Kết hợp ngôi kể thứ ba nhưng mang điểm nhìn bên trong, nhân vật trung tâm là một người già vừa về hưu. Cả đời ông chưa bao giờ thực sự được yêu và biết yêu, chưa bao giờ dám phản kháng ai, khi nào cũng cảm thấy khoảng cách với thế giới. Ngay với gia đình, ông cũng có xu hướng cách ly, muốn cô độc. Đến khi về hưu, phải đối diện chính mình và nỗi cô đơn bản thể, ông mới nhận ra điều mình cần: tình yêu.

Người vợ từ một cuộc hôn nhân chớp nhoáng sặc mùi toan tính, vốn không nhiều dấu ấn trong đời ông, đã sớm qua đời. Cô con gái lớn thì chưa bao giờ gần gũi cha mà thuộc về một thế giới khác. Việc ông thất bại trong quá trình xin việc cho con gái ở thành phố càng đẩy hai cha con xa nhau.

Bìa sách "Người mê".
Bìa sách “Người mê”.

Ông mở quán cà phê nhỏ để giải khuây. Thế rồi, ông phải lòng cô phục vụ quán tên H mới 20 tuổi, là bạn của con gái. Vượt qua mọi rào cản, cấm đoán, chê cười, hai người yêu nhau. Đến phút cao trào, khi sắp ân ái, đột nhiên cô ngỏ lời nhờ ông xin cho một công việc trên thành phố. Ông bẽ bàng nhận ra tình cảm thực sự của cô gái trẻ, còn cô thì kéo quần lên bỏ ra đi và sau đó lập gia đình với một tay nhà giàu lỗ mãng. Quãng đời còn lại của ông chỉ là hoài niệm và tưởng tượng về H.

Sau khi H lập gia đình, ông nhường lại quán cà phê và cả ngôi nhà cho cô con gái. Việc ông làm duy nhất mỗi ngày ngoài những bữa ăn là đến quán cà phê đối diện nhà H hoặc lên xe buýt lẳng lặng đi cùng H và… tưởng tượng. Ông bị gia đình và những người xung quanh coi như một kẻ biến thái, bệnh hoạn, gây ra bi kịch gia đình và sự tan vỡ của H sau đó.

Cho tới khi đã gãy vụn thế giới tinh thần, ông tưởng tượng về một tình cảm khác mà H dành cho ông, rồi lao mình xuống giếng.

Nhân vật trung tâm thực ra không làm gì nên tội. Ông ta chỉ yêu một cách chân thành. Trong một xã hội đầy định kiến, những thiết chế đạo đức Nho giáo dai dẳng, những ràng buộc về mặt quan hệ gia đình, bổn phận và trách nhiệm đeo đẳng cho đến bên kia thế giới, con người ta khó lòng yêu đương theo ý muốn.

Từ cô con gái đến cháu trai, anh trai, chị dâu, người cha già 90 tuổi, rồi cả gia đình của H… ai cũng van xin ông chối từ mối tình “bệnh hoạn” và “phi lý”. Họ bảo ông nếu muốn có thể giải tỏa sinh lý với những cô gái trẻ có trả tiền hoặc những bà góa, những mối đã ly dị… trừ việc yêu H.

Ngoài câu chuyện tình yêu của ông già U60 với cô gái 20, điều sâu xa, trừu tượng hơn mà nhà văn quan tâm đó là liệu con người được phép tưởng tượng đến đâu. Tưởng tượng làm sao có thể dùng làm căn cứ để phán xử và luận tội một con người? “Tôi chỉ là lão già yếu đuối và bất hạnh. Người ta đã chế nhạo tôi và tôi chỉ ngồi đây uống cà phê, tất nhiên tôi luôn nhìn vào bức tường, khung cửa sổ kia và nghĩ về em nhưng tôi không đột nhập vào nhà em, không dùng bất cứ phương tiện gì”, nhân vật của Uông Triều than thở. Chỉ vì tưởng tượng, ông bị phê phán, nguyền rủa, bị thúc ép và cô lập đến mức phải tự tìm đến cái chết.

Câu chuyện bình thường, không nhiều chi tiết ấn tượng, những câu triết lý hay, chi tiết huyền ảo, phi lý, kỹ thuật tự sự liên văn bản hậu hiện đại như tác phẩm trước đó của Uông Triều. Tuy vậy, Người mê vẫn là một bước tiến dài trong tư duy nghệ thuật của nhà văn và cho thấy nỗ lực đào sâu, khám phá thế giới tinh thần của con người trong đời sống hiện nay.

Yến Thanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button