Tin tức xuất bản, điểm tin sách

Nhà văn trẻ chọn viết ngôn tình hay văn học tinh hoa?

Những ý kiến về văn học ngôn tình, văn chương đại chúng làm nóng không khí Hội nghị Những người Viết văn Trẻ Toàn quốc 2016.

Sáng tạo nghệ thuật nói chung hay viết văn là câu chuyện của cá nhân, song mỗi cá nhân muốn hay không vẫn có mối liên hệ với thế hệ của mình. Văn chương nước ta, thế hệ 7X đã xác lập được một đội ngũ với những gương mặt tạo dấu ấn như Nguyễn Ngọc Tư, Trần Nhã Thụy, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Thuần… Thế hệ trẻ mà Hội nghị Những người Viết văn Trẻ toàn quốc lần IX (diễn ra trong ngày 28 và 29/9) được xác định là những người thuộc thế hệ 8X, 9X.

Các nhà thơ trình diễn trong chương trình thuộc Hội nghị Những người Viết văn Trẻ Toàn quốc 2016. Ảnh: FB Lương Đình Khoa.
Các nhà thơ trình diễn trong chương trình thuộc Hội nghị Những người Viết văn Trẻ Toàn quốc 2016. Ảnh: FB Lương Đình Khoa.

Theo báo cáo của nhà văn Nguyễn Bình Phương – Trưởng ban Văn trẻ, Hội Nhà Văn Việt Nam, nhiều cây bút trẻ thời gian qua đã trở nên chững chạc, xuất hiện những gương mặt có thể kỳ vọng.

Sáng tạo của các cây bút trẻ có thể chia thành hai xu hướng rõ ràng. Xu hướng thứ nhất là những người đặt nghệ thuật lên làm yếu tố cao nhất để sáng tạo, khám phá chiều sâu cá nhân. Các tác giả ở dòng này thường viết về những vấn đề có chiều sâu, thâm trầm, song lại luôn tìm phương pháp, kỹ thuật viết mới.

Không khó để nhận diện những cây bút này, như Nhật Phi với Người ngủ thuê (được giải thưởng Văn học tuổi 20), Đinh Phương với Nhụy khúc, Minh Nhật với Âm thanh của im lặng, Lê Minh Phong với Trong tiếng reo của lửa, Trịnh Sơn với Gieo mồi vào sóng, Lữ Thị Mai với Mở mắt rồi mơ, Đào Quốc Minh với Nguyệt nương…

Ở một dòng khác, được nhiều người gọi là văn học đại chúng, là những tác phẩm được viết ra để phục vụ số đông. Các tác phẩm này thường có nội dung nhẹ nhàng, dễ hiểu, mang tính giải trí cao. Tiêu biểu cho xu hướng đại chúng, là dòng tác phẩm viết theo lối văn học ngôn tình Trung Quốc.

Một số tác giả ăn khách của xu hướng văn chương đại chúng là những tác giả như Anh Khang (Buồn làm sao buông, Ngày trôi về phía cũ), Gào (Cho em gần anh thêm chút nữa…), Hamlet Trương (Yêu đi rồi khóc), Nguyễn Phong Việt (Đi qua thương nhớ, Sinh ra để cô đơn)…

Tuy chia làm hai xu hướng viết chính, song các tranh luận về văn chương đại chúng, văn học hàn lâm vẫn chưa bao giờ kết thúc. Đặc biệt, dư luận chĩa mũi nhọn vào văn học ngôn tình – tác phẩm được nhiều người viết, người đọc trẻ lựa chọn.

Nhiều người cho rằng, văn chương đích thực thường bán ế, ít được đón nhận. Trong khi đó văn học đại chúng – thứ vẫn được coi là văn chương hạng hai – lại trở thành best-seller. Đó là một bất cập cần người viết và độc giả điều chỉnh.

Độc giả chào đón hai tác giả Gào và Minh Nhật chứng tỏ sức hút của văn học địa chúng. Ảnh: Sky.
Độc giả chào đón hai tác giả Gào và Minh Nhật chứng tỏ sức hút của văn học địa chúng. Ảnh: Sky.

Nhà văn Văn Thành Lê trong tham luận gửi tới Hội nghị Người Viết Văn trẻ phê bình văn học đại chúng đang lên ngôi: “…có một số người viết trẻ đang hồ hởi và lầm tưởng khi xem thứ văn – ăn – nhanh của mình là văn học. Đâu đó hình thành thứ công thức để thành tác giả của giới trẻ, tác giả bestseller, là: ngôn tình Trung Quốc pha sướt mướt phim Hàn trộn với lê thê phim bộ Đài Loan, đi kèm các buổi giới thiệu sách bóng bẩy như showbiz… Dẫu nhìn ở góc độ phát triển, đấy là tự nhiên, là cần thiết. Văn đàn sẽ đa dạng và phong phú hơn. Nhưng rõ ràng, lấy điều này để đo sức khỏe của văn học trẻ là lệch lạc và thiếu thuyết phục”.

Dịch giả Minh Thương là người chuyển ngữ nhiều tác phẩm thuộc cả dòng tinh hoa lẫn đại chúng của văn học Trung Quốc. Chị cho biết, văn học Trung Quốc cũng có nhiều tác phẩm giá trị, nhưng chúng được dịch quá ít so với ngôn tình đang tràn ngập, thống trị.

Minh Thương cho rằng, lịch sử văn học thường phát triển về hướng mà nó thiếu hụt. Trước đây, thời 1945 – 1975, chúng ta ít có văn học thị trường, thì tới nay đã phát triển. Tuy nhiên, phát triển như ngày nay đã làm cho cơ cấu văn chương mất cân bằng. Lý ra mỗi dòng đều có không gian riêng, đối tượng riêng để phát triển, thì văn học ngôn tình, đại chúng đang có quá nhiều “đất diễn”.

Nói về việc văn học đại chúng đang phình nở trong giới trẻ và nhận về những chỉ trích, nhà phê bình Ngô Hương Giang cho rằng ngôn tình không đáng bị “án oan” như vậy. Theo Ngô Hương Giang, bản thân nhà văn viết ngôn tình không có lỗi, tác phẩm ngôn tình không có lỗi, nếu có gì đáng chỉ trích, thì đó là cách người đọc tiếp nhận chúng ra sao mà thôi.

Tần Tần

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button