Review phim

Bay Lên Bầu Trời

Up in the Air

Nội dung

Bay Lên Bầu Trời là bộ phim Mỹ hài-kịch tính nói về cuộc đời bay từ nơi này sang nơi khác của Ryan Bingham. Nhờ vào những nguyên tắc sống riêng Ryan Bingham vượt lên trên, di chuyển nhanh hơn, được ưu tiên hơn. Nhưng mọi chuyện đảo lộn khi đồng nghiệp Natalie Keener, cô bé vừa tốt nghiệp đại học hạng ưu về công ty của anh và đề ra một chính sách cải tiến cho công ty: để tiết kiệm chi phí đi lại, từ nay họ sẽ đuổi việc nhân viên qua webcam. Trong phim, Ryan hiểu rằng nếu điều đó được thông qua, đời gã sẽ “vô gia cư”, không còn những chuyến bay đi về. Ryan phải chứng minh rằng đuổi việc là một nghệ thuật đòi hỏi có sự giao tiếp trực tiếp giữa người và người.

Thể loại

10 phim hay về công sở đáng xem - 10 phim hay về công sở khắc họa chân thực cuộc sống bàn giấy với những áp lực từ cấp trên, từ gia đình và từ chính bản thân mình. Phim vừa hài hước vừa truyền tải nhiều bài học giá trị về kỹ năng làm việc, sống và cách khai phá tiềm năng trong… Đọc thêm
10 phim hay về phi công đầy nguy hiểm và lãng mạn - Con đường để trở thành một phi công không hề đơn giản như mọi người nghĩ: chiều cao đạt, ngoại hình chuẩn, ăn nói tốt... Mà nó còn cần cả về kiến thức, kỹ năng giao tiếp và hơn hết là bản lĩnh trước mọi tình huống nguy hiểm khi thực hiện công việc. 10 phim… Đọc thêm
15 phim hay về kinh doanh truyền cảm hứng mạnh mẽ - Nếu bạn thành công trong vai trò một bác sĩ, kĩ sư hay giáo viên, thì thứ bạn để lại cho con cháu mình chỉ là định hướng và danh tiếng. Nhưng với một tài sản kinh doanh riêng, thứ bạn để lại và truyền đời chỉnh là một “sự nghiệp”. 15 phim hay về kinh… Đọc thêm

Trailer

Các review được Vnwriter tổng hợp từ nhiều nguồn. Báo cáo vi phạm, bản quyền, spoiler tại trang Liên hệ hoặc Bản quyền.

Review

Cuộc đời không phải là những chuyến đi

mainguyen 9.0 Blogger

Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao bạn lại phải lập gia đình? Tại sao lại phải sinh con đẻ cái rồi chăm sóc chúng cả nửa đời, rồi mua nhà, dành dụm tiền và sống cả đời chỉ với 1 người chồng/vợ. Tôi chắc chắn rằng nhiều người chưa từng hỏi câu hỏi đó trong đời, bởi lẽ từ khi sinh ra, ông bà cha mẹ, những người xung quanh đã thi nhau nói với ta những điều ấy, để rồi chúng ta coi nó như điều hiển nhiên của một đời người

Nhưng nếu xem Up in the air, sẽ có người phải giật mình tự hỏi lòng câu hỏi đó. Còn với những kẻ như tôi, vốn mang trong lòng nhiều mối nghi hoặc với những điều xảy ra trong cuộc sống, lại có thể tìm được câu trả lời xác đáng cho mình.

Ryan Bingham, một người đàn ông trung niên làm công việc sa thải nhân viên cho các công ty khi bản thân công ty không biết nói như thế nào để sa thải họ. Ông di chuyển đến khắp các thành phố của nước Mỹ, gặp trực tiếp từng người một, nói với họ những lời an ủi khiến họ cảm thấy thoải mái nhất có thể khi bị thôi việc.

Bối cảnh bộ phim diễn ra trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, những người bị thôi việc phần lớn là những người trung niên hoặc gần về hưu, đã gắn bó nhiều năm với công việc, mang trên mình gánh nặng nuôi sống gia đình và khó có thể tìm được một công việc mới trong thời điểm đó. Khi mọi người đều khốn đốn đồng nghĩa với công việc thuận lợi đối với Ryan. Đặc thù công việc khiến anh luôn dùng những lời an ủi giả tạo, những triết lý sáo rỗng để giúp họ ra về một cách êm thắm nhất. Ryan cũng đi khắp nơi để rao giảng triết lý “Trong balo của bạn có thứ gì?”, thứ triết lý do anh nghĩ ra, khuyên người ta hãy bỏ đi những gánh nặng từ vật chất và các mối quan hệ để sống tự do hơn.

Chính bản thân Ryan thỏa mãn với cuộc sống đó. Phần lớn thời gian trong cuộc sống anh dành để di chuyển bằng máy bay, đi đến khắp các thành phố của nước Mỹ. Với cách lựa chọn cuộc sống này, anh không quan tâm đến 2 người chị em gái của mình, anh không mua nhà, không lập gia đình, chỉ lấy những cuộc tình chớp nhoáng làm thú tiêu khiển. Anh có những niềm tự hào không giống ai, như là hội viên thân thiết của hãng hàng không, khách sạn, quán bar. Anh muốn trở thành 1 trong số ít người đạt được mốc 10 triệu dặm bay để được gặp cơ trưởng,…Ryan là một người đàn ông mà bạn có rất nhiều điều thú vị để nói.

Tại một trong những đêm nghỉ tại khách sạn nơi anh dừng chân, Ryan gặp Alex, một phụ nữ có nhiều điểm tương đồng như anh. Họ đã có những phút giây vui vẻ tại khách sạn. Sau đó họ lên lịch gặp nhau sao cho phù hợp với lịch làm việc của hai người.

Ryan sẽ cứ bay mãi như thế nếu anh không đột ngột bị triệu tập về công ty. Natalie, Một cô gái trẻ mới ra trường, thông minh và nhiều tham vọng, chưa có kinh nghiệm sa thải ai, nhưng lại có ý tưởng táo bạo là sử dụng Video conference để sa thải nhân viên. Ý tưởng này giúp cho công ty tiết kiệm được rất nhiều chi phí nhưng có nguy cơ khiến Ryan phải hạ cánh mãi mãi. Anh nổi giận cho rằng Natalie chẳng biết gì về việc sa thải người khác, và bắt cô thử đuổi việc mình bằng phương pháp mới này. Anh bị sếp của mình yêu cầu hướng dẫn Natalie, cùng cô đi đến các công ty, truyền cho cô kinh nghiệm sa thải.

Ban đầu họ chẳng ưa gì nhau, nhưng càng tiếp xúc họ càng hiểu nhau hơn. Natalie trẻ trung chỉ mới 23 tuổi, thông minh, và có một chút gì đó mơ mộng như tuổi 23 của cô. Natalie đã bỏ công việc tốt chờ cô ở San Francisco, theo người yêu đến thành phố nhỏ này làm công việc sa thải người khác. Cô gái trẻ này có mục đích sống rõ ràng, cô mong có một cuộc sống ổn định, lấy một người chồng đạt tiêu chuẩn như cô đặt ra. Natalie chưa có nhiều kinh nghiêm sống, chưa biết cách an ủi và làm vừa lòng người đối diện. Nhưng cô gái trẻ này rất trong sáng, kiên định, có mục đích và quan điểm sống rõ ràng. Đây cũng là một nhân vật rất thú vị.

Natalie lại bị bạn trai nhắn tin đòi chia tay ngay giữa chuyến công tác. Alex bắt gặp Ryan đang an ủi cô. 3 người cùng đi với nhau đến một bữa tiệc. Natalie quý Alex và tác hợp cho chuyện của Alex và Ryan. Nhưng Ryan lại cho rằng mối quan hệ của anh với Alex chỉ là xã giao và ổn định không phải là lựa chọn cho cuộc sống của anh. Ryan bị Natalie chỉ trích, cho rằng anh có lối sống chẳng giống ai khiến người phụ nữ như Alex phải chạy theo anh. Với những chuyến bay và những triết lý rởm do anh tạo ra, anh chỉ đang tự cô lập mình. Cô nổi giận cho rằng anh chỉ là một đứa con nít.

Đúng trong khoảng thời gian này, Ryan nhận được điện thoại từ chị gái thông báo về đám cưới của cô em gái. Natalie và anh sau đó được triệu hồi trở về công ty sau khi Natalie sa thải một người qua video conference. Nhưng ngay giữa sân bay, Ryan đột nhiên lên một chuyến bay khác để đến gặp Alex, và cùng cô đến dự đám cưới của em gái mình. Trong mắt người thân, Ryan gần như không tồn tại. Anh đến dự đám cưới em gái như một vị khách, không được làm phù rể cho cô em. Anh phát hiện ra vợ chồng em gái vừa thua lỗ trong một vụ đầu tư bất động sản, khiến cho họ không có tiền đi du lịch, thay vào đó, họ nhờ người thân chụp lại hình ảnh của họ tại các địa điểm nổi tiếng. Rắc rối xảy ra vào ngày làm đám cưới, khi Jim, chồng chưa cưới của XX đột nhiên đổi ý. Người chị gái nhờ Ryan đến thuyết phục Jim, một việc làm khó khăn bởi trong các bài nói của mình, anh thường chỉ khuyên người ta cách trốn tránh trách nhiệm.

Jim đã nói một câu thế này:

“ Tôi nghĩ đến việc làm đám cưới, về việc mua nhà, việc đi lại, rồi việc có thêm một đứa con và sau đó là thêm một đứa con nữa. Sau đó em nghĩ về giáng sinh, lễ tạ ơn rồi những ngày hội mùa xuân, những buổi đi xem bóng đá. Và sau này, khi lũ trẻ lớn lệ, tốt nghiệp, có việc làm, lấy chồng cưới vợ và, anh biết đấy, sau đó tôi sẽ thành ông nội, và tôi sẽ phải nghỉ hưu, sẽ rụng hết cả tóc, sẽ trở nên mập ú. Điều cuối cùng là tôi sẽ chết. Vậy nên tôi ko thể ngừng suy nghĩ, cuối cùng thì mục đích của mình là gì?”

Khi sinh ra mỗi người đều đã bị ràng buộc bởi vật chất và các mối quan hệ, đồng nghĩa với một liên đới trách nhiệm: với cha mẹ, với anh chị em, với công ty và đồng nghiệp, với xã hội và với chính bản thân mình. Lập gia đình, có con khiến mỗi người lại có thêm những trách nhiệm mới: xây nhà, chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái. Tất cả đều chạy đua với thời gian, không thể đi nhanh hơn cũng không thể chậm lại. Và tất cả đều kết thúc tại cùng một chỗ: cái chết.

Ryan nghĩ cuộc sống cũng giống như là một chuỗi trách nhiệm, một chuỗi những gánh nặng giống như khi người ta đeo ba lô. Anh chọn cách sống bỏ đi hầu hết những trách nhiệm có thể: không quan tâm đến chị em gái, không kết hôn, không mua nhà. Anh chỉ việc sống cho riêng mình, thỏa mãn những nhu cầu bản thân, chạy theo những ước vọng anh đặt ra cho mình. Ryan đã tự hài lòng với cuộc sống đó. Anh đồng ý với băn khoăn của Jim nhưng lại buộc phải thuyết phục Jim vì em gái. Tài ăn nói đã cứu nguy cho Ryan. Anh nói “Cuộc sống sẽ tốt hơn nếu có ai đó bên cạnh. Mọi người đều cần có bạn đồng hành”. Có lẽ việc chính mình nói ra câu nói này, đã khiến Ryan suy nghĩ lại mọi thứ về cuộc sống của mình, anh bắt đầu cảm thấy cô đơn với cách sống này, nhất là khi tình cảm của anh dành cho Alex ngày một lớn hơn.

Cao trào của bộ phim xảy đến khi Ryan bỏ dở bài nói “What is in your backpack?” giữa chừng vì anh không còn tin vào nó nữa. Anh vội bay đến Chicago để gặp Alex. Nhưng trớ trêu là khi đến nơi, anh mới phát hiện ra Alex là một người phụ nữ đã có chồng con và một cuộc sống ổn định. Với cô, Ryan chỉ là một chút vui vẻ, một lối thoát khỏi cuộc sống thường ngày, chút tiêu khiển giữa những chuyến bay. Ryan như chết lặng. Anh đến với cô ban đầu chỉ bằng sự giả tạo, thì Alex cũng trả lại anh chính sự giả tạo đó. Trên chuyến bay trở về, Ryan đã đạt được cột mốc 10 triệu dặm bay mà anh hằng mơ ước. Nhưng chính giữa thời khắc đó, cầm trên tay tấm thẻ VIP sáng chói có khắc tên mình, được gặp vị cơ trưởng mà mình mong gặp, anh lại chẳng biết nói gì. 10 triệu dặm bay cũng chỉ là một con số, nó chỉ khiến anh thêm rời xa mặt đất, rời xa cuộc sống ổn định cùng với một người bạn đời mà anh bắt đầu mơ tưởng

Một trong những nhân viên mà Ryan và Natalie sa thải đã nhảy cầu tự tử. Bản chất giả tạo và sự phũ phàng của công việc họ đang mang đã lộ rõ. Natalie bỏ việc và trở về quê nhà San Francisco, tìm kiếm một công việc mới. Hình thức Video Conference thất bại khi vấp phải sự phản đối từ chính phủ, đồng nghĩa với việc Ryan lại tiếp tục bay. Nhưng Ryan ở thời điểm này là một Ryan đã khác.

Đôi khi chúng ta cảm thấy bản thân mình nhỏ bé và đáng thương khi đứng trong một liên đới trách nhiệm mà xã hội đã đặt ra và quy luật sinh lão bệnh tử muôn thuở của đời người. Chúng ta muốn thoát ra và tìm một cách sống khác, chạy trốn khỏi thực tại, rũ bỏ mọi trách nhiệm, mà thỉnh thoảng chúng ta vẫn gọi đó tự do. Thậm chí có một khuynh hướng ca ngợi lối sống xê dịch với phương ngôn “cuộc đời là những chuyến đi.”. Nhưng cũng như Ryan nói, cuộc sống sẽ tốt hơn nếu có ai đó bên cạnh. Mọi người đều cần có bạn đồng hành để sẻ chia và giúp đỡ nhau trong suốt cuộc đời. Gia đình cho ta động lực, giúp ta vượt qua khó khăn và cho ta thấy ý nghĩa của cuộc sống. Bộ phim ca ngợi những giá trị bình dị mà cuộc sống gia đình mang lại.

Kết thúc bộ phim là cảnh Ryan buông tay khỏi chiếc vali của mình giữa dòng người qua lại. Giữa bầu trời cao đầy mây nơi những chiếc máy bay xuyên qua, vang lên giọng nói trầm buồn của anh:

“Giờ này có lẽ ai đó đã trở về nhà, trong sự chào đón của chú chó đáng yêu và sự tinh nghịch của lũ trẻ. Vợ chồng sẽ hỏi nhau về công việc và đêm đến cùng nhau yên giấc.. Ngoài trời ánh dương của 1 ngày lụi tàn nhường chỗ cho những ánh sao đêm. Trong số những ánh sáng đó, nổi bật hơn tất cả, chính là ánh sáng phát ra từ đôi cánh của chiếc máy bay mà tôi đang bay ngang qua.”

Một bộ phim thông minh

edenrock 9.5 Blogger

1.Up in the air là một bộ phim tui không trông đợi nhiều là nó sẽ hay (actually, 2009 là một năm có nhiều phim dở hoặc làng nhàng, đến nỗi tui bi giờ ra rạp đã chuẩn bị tinh thần coi phim nào hem dở là trân trọng cát bụi lắm rùi, đang rình rập It’s complicated tính đi coi vào ngày 31 tháng 12 này để tiễn đưa năm cũ trong nước mắt), có lẽ vì thế nên cảm xúc chợt hưng phấn một vầng sáng chói lóa sau khi Up in the air kết thúc. Tính review dài dài một chút nhưng sau khi đọc bài review của phanxine tui quyết định rút ngắn đáng kể – nói theo cách của thầy tui là “chỉ cần gạch đầu dòng” vì tui tin chắc hơn 70% những người đọc blog này đều là bạn đọc của blog của Phang dựa vào số lượng dắt mối cao đáng kể từ blog đó đưa sang và cả 5 entry xếp hạng đầu đều thuộc về mu-vì. Thế nên, coi như các bưởi đã đọc hay xem bộ phim đó rùi đi ha, để tui cắt cảnh nhanh hem cần tóm tắt nội dung chính. Tinh thần lễ lạc ăn chơi nó biến người ta thành mèo lười lâng lâng một cách đáng kể và chính đáng như thế đó. Nhưng cũng chính nhờ tinh thần đó mà mấy ngày gần sát hết năm tui lại blog liên tiếp vì nó có hứng blogging thoai.

2.Up in the air là bộ phim thông minh – thông minh ở cách nó giải quyết vấn đề và kể một câu chuyện tưởng như hem có chuyện gì thành một dòng cảm xúc liền lạc trong lòng người. Thoạt đầu khi đọc giới thiệu phim này tui đã tính hem đi coi vì thấy vấn đề phim đưa ra có vẻ depressing quá: một người đàn ông chuyên làm nghề đi đuổi việc người ta trong bối cảnh kinh tế suy sụp. Ối xời, cuộc đời này đã quá nhiều áp lực, hơi đâu đi mua thêm nỗi mệt vào người. Rùi bạn bè rủ quá nên đi luôn. Phòng chiếu phim nhỏ, nhưng khán giả hình như cứ chăm chăm nghe lời thoại để cười. Với một cốt truyện tưởng như rất khó kiến thiết do nhân vật chính di chuyển đến chóng mặt, hem có một mối liên hệ gắn bó nào với môi trường xung quanh, tưởng như Up in the air là một tập hợp của những lát cắt vụn vặt, những câu chuyện đầy trách móc, oán hờn, cay đắng, tuyệt vọng và cả chửi bới. Thực tế, một số nhân vật bị đuổi việc là người thật được đưa vào máy quay cho cào cấu chửi rủa đã đời, nên Up in the air phần nào mang tính chất tài liệu và thời sự do vấn đề nó đặt ra cũng chính là vấn đề nóng bỏng hiện nay trong môi trường công việc ở Huê Kỳ.

3.Thế nhưng, cái duyên của Up in the air chính là thái độ của con người khi đối mặt với những vấn đề đầy áp lực và thách thức của cuộc sống. George Clooney đã làm được điều đó với vẻ bề ngoài lịch lãm, cứng rắn, đầy kinh nghiệm pha chút giễu cợt. Với một tính cách nặng về nguyên tắc, bình tĩnh và cô độc, làm một công việc hem giống ai, nhân vật Ryan Bingham hứa hẹn hé lộ cho người xem về những kinh nghiệm và quan sát lạ đời. Và quả thực, người xem đã cười lên thích thú trước những đối thoại bất ngờ, sắc bén song vẫn rất thực tế giữa hai nhân vật Ryan và Natalie:

Ryan Bingham: [on getting through airport security] Never get behind old people. Their bodies are littered with hidden metal and they never seem to appreciate how little time they have left. Bingo, Asians. They pack light, travel efficiently, and they have a thing for slip on shoes. Gotta love ’em.
Natalie Keener: That’s racist.
Ryan Bingham: I’m like my mother, I stereotype. It’s faster.

4.Up in the air là bộ phim xoáy vào đề tài công việc, một đề tài khô khan, nhưng nó lại hướng người xem tới những biến đổi trong nội tâm nhân vật mà liên tưởng gần gũi nhất có lẽ là midlife crisis. Hai người phụ nữ tình cờ băng ngang qua hành trình đơn độc của Ryan đã góp phần làm thay đổi suy nghĩ và quan niệm của ông. Ngược lại, chính Ryan cũng làm thay đổi Natalie, cô gái trẻ mới ra trường thoạt tiên nhìn như một đối thủ đáng gờm của Ryan với phong cách hiện đại, linh hoạt, hiệu quả nhưng cuối cùng thì Natalie vẫn là một cô gái như bao cô gái trẻ khác với sự non nớt, dễ tổn thương và dễ vỡ. Qua một cuộc hành trình, người ta đã khám phá ra những góc khuất trong con người mình. Nhưng hành trình của Ryan thì quá dài, quá mịt mù và không bến đỗ. Cứng cỏi, khéo léo và sắc sảo, ông đi xuyên qua cuộc hành trình đó với tinh thần của một kẻ đương đầu, đập tan những chướng ngại, nhìn thấy và đo đếm được những thách thức tiềm ẩn. Thế nhưng, vẫn có một mối dây rung động nào đó trong ông làm cho những bước chân vững chải có khi trở nên loạng choạng…

5.Alex, người phụ nữ thứ hai xuất hiện trong cuộc hành trình của Ryan, đã khởi sự mối quan hệ on and off của họ một cách thú vị và tinh quái – giống như tính cách của nàng: họ so sánh từng tấm thẻ hay con số đo lường chặng đường bay, danh sách các khách sạn, các thông tin về các chương trình giảm giá, thẻ thành viên hay thẻ khách hàng của các dịch vụ du lịch, vui chơi… Họ làm quen, have sex rồi lại mạnh ai nấy chạy, và sẽ gặp lại trong một điểm giao nhau tiếp theo ở Florida khi hành trình của họ “chạm trán” nhau. Một mối quan hệ tưởng như khá hoàn hảo cho tính cách, công việc và quan niệm sống không chút ràng buộc của Ryan. Alex là một nhân vật quyến rũ và bản lĩnh. Cô ta không ngại tổn thương. Cô ta biết cách nhắn tin khiêu khích và mời gọi. Cô ta biết kết nối và duy trì mối quan hệ lửng lơ của họ bằng thái độ sòng phẳng và bình tĩnh. Cô ta biết mình muốn gì và Ryan muốn gì.

6.Như tên gọi của nó, Up in the air là bộ phim kết thúc trong hư không, trong lơ lửng, chơi vơi. Cả bộ phim xoay quanh một đoạn đời của một con người đơn độc. Những câu chuyện, những mẫu đối thoại, những mối quan hệ … lặt vặt nhưng liền mạch, đôi khi trong giá lạnh bừng lên một tia sáng ấm áp. Những xung đột có thể có nhưng không đủ lớn để tạo nên kịch tính. Vì thế, có thể nói Up in the air là một bộ phim trải dài, thủ thỉ như câu chuyện cuộc đời của một con người rất giỏi thu xếp và biết cách né tránh hay chế ngự những xung đột. Rồi trong một khoảnh khắc thất vọng bẽ bàng, một khán giả trong phòng chiếu phim đã thở dài thườn thượt. George Clooney, có lẽ chỉ cần đóng vai chính ông ta ngoài đời – một gã độc thân ngoan cố – là cũng đã thành công. Thật ra, phim cũng đã có một kết thúc rõ ràng cho Natalie và cả Alex, nhưng Ryan thì vẫn là một gã đàn ông trung niên với bề ngoài tưởng như ổn định nhưng tới khi tính sổ lại cuộc đời mình thì thấy chuyện chẳng đâu vào đâu, như cách sống hay số phận mà ông đã chọn lấy hay đã bị định đoạt.

7.Túm lại là tui thích phim này. Cái kiểu phim bi hài lẫn lộn, chuyện nọ xọ chuyện kia, ngẫu nhiên nhưng nhất quán, sáng sủa.

Đánh giá

Nội dung - 8.2
Diễn xuất - 8.1
Nhạc phim - 7.8
Kỹ xảo điện ảnh - 7.8
Thông điệp truyền tải - 8

8

Làm nhân sự phải xem

Cuộc đời không phải là những chuyến đi

User Rating: 3.4 ( 1 votes)

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Chín 3, 2018 | Lần cập nhật cuối: Tháng Bảy 27, 2019

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button