Review phim

Chiến dịch sói sa mạc

The Hurt Locker

Nội dung

James, một trung sĩ mới, đảm nhận vị trí trưởng đội phá bom trong hoàn cảnh cả đội đang có nhiều mâu thuẫn nội bộ. James đã liên tục bổ nhiệm Sanborn và Eldridge vào những vị trí nguy hiểm. James hành xử như thể anh thờ ơ với cái chết. Khi cấp dưới bắt đầu phản đối chống lại sự chỉ huy của nhóm trưởng mới này thì cũng là lúc cả thành phố trở nên náo loạn và đến lúc này con người thật của James mới dần hé lộ.

Bộ phim là bức tranh cận cảnh về cuộc sống của những con người phải thực thi công việc nguy hiểm nhất trên thế giới: gỡ kíp nổ của bom trong khói lửa của trận chiến.

Thể loại

9 phim hay về lính Mỹ đầy can đảm và tinh nhuệ - 9 phim hay về lính Mỹ cho ta thấy đằng sau vẻ ngoài cứng rắn, mạnh mẽ và luôn sẵn lòng bảo vệ đất nước, không ngại khó khăn, nguy hiểm những người lính Mỹ còn là những người con, người chồng, người cha với nỗi niềm luôn hướng về tổ ấm. Diều hâu gãy… Đọc thêm
14 phim hay về chiến tranh xem để trân trọng hiện tại - “Chiến tranh không bao giờ xuất hiện như một cái gì riêng biệt, mà nó là một hiện tượng xã hội cụ thể”. Cho dù chiến tranh mang một màu sắc chính trị nào đi chăng nữa thì nó vẫn là kẻ thù số một của con người, bởi nó luôn đe dọa sự sống… Đọc thêm

Trailer

Các review được Vnwriter tổng hợp từ nhiều nguồn. Báo cáo vi phạm, bản quyền, spoiler tại trang Liên hệ hoặc Bản quyền.

Review

Bộ phim thay đổi lịch sử thế giới?

DARK MASTER 8.2 Kenh14

The Hurt Locker là một bức tranh chân thật phản ánh một cách sinh động về cuộc sống của những người chiến sĩ trong biệt đội tháo dỡ bom mìn Delta, về những câu chuyện thường ngày phải đối mặt với những hiểm nguy cận kề. Chính lối kể chân thật đó đã làm cho người xem như đồng cảm và hòa mình vào bộ phim, như thể họ đang phải đối mặt trực tiếp với những hiểm nguy vậy.

Bề ngoài bộ phim chỉ là một cuộc chiến tranh đẫm máu, một công việc tháo gỡ bom mìn đầy khô khan, nhưng dưới bàn tay của bà nó đã trở thành một công việc đầy ý nghĩa và đáng khâm phục của những người chiến sĩ ngoài mặt trận, đó là chưa kể đến những trường đoạn tình cảm được khéo léo lồng vào trong bộ phim gây xúc động người xem.

Bộ phim không đem tới sự giải quyết nào cho những người lính gỡ bom mìn ở Iraq. Họ vẫn phải hàng ngày đối mặt với biết bao hiểm nguy cùng những trái bom có thể khai nổ bất cứ lúc nào, cuộc chiến cứ diễn ra liên miên và những người lính ấy vẫn phải phụng sự cho đất nước. Hình ảnh Jeremy bước đi trên một con đường dài ở cuối phim làm cho người xem rùng mình lo lắng cho số phận của chàng lính trẻ. Đạo diễn đã vô cùng tài tình khi làm người xem hoàn toàn bị cuốn vào phim, cảm nhận được từng rung động của nhân vật.

Có thể nói tất cả những gì tạo nên thành công cho một bộ phim đều có ở The Hurt Locker. Tuy nhiên để đến được với thành công như ngày hôm nay, The Hurt Locker cũng gặp phải rất nhiều chông gai. Đầu tiên là việc một trong bốn nhà sản xuất của The Hurt Locker đã gửi e-mail kêu gọi các thành viên trong Viện Hàn Lâm bầu chọn cho bộ phim trong cuộc đua giành danh hiệu Phim hay nhất tại Oscar năm nay đã gây ra tai tiếng xấu cho nó. Thậm chí nhiều người còn dự đoán vì vụ việc này mà The Hurt Locker sẽ bị loại khỏi danh sách ứng cử.

Đó là chưa kể đến việc nó còn bị nhiều chỉ trích từ các binh sĩ và cựu binh từng tham chiến tại Iraq cho rằng nhiều tình tiết trong bộ phim miêu tả không chính xác và cẩu thả, không đúng với thực tế. Hay là vụ việc gần đây nhất là vụ tranh chấp bản quyền câu chuyện của bộ phim với một chuyên gia chuyên gỡ bom mìn tại Iraq…

Quả cảm

khanhnt 7.6 Blogger

Không phải là một bản anh hùng ca như những bộ phim về đề tài chiến tranh, hành động, phim thậm chí còn có chút “thô”, chút “nguyên thủy” theo bản năng con người được đạo diễn miêu tả khéo léo thông qua những gã lính tráng cao to, có bản lĩnh mà cũng đây mưu mô.

Thực sự bộ phim không mang một chút “nữ tính” nào giống phong cách làm phim của các đạo diễn nữ. Kathryn Bigelow rất mạnh mẽ, sự mạnh mẽ đó được thể hiện thông qua những hình ảnh mang tính chất bạo lực, kinh dị, nguy hiểm hồi hộp và những bước ngoặt mang tính kiên quyết cứng rắn trong phim. Mới đây, bộ phim Truy sát Binladen của bà cũng mang màu sắc chiến sự ác liệt với những cảnh quay tra tấn tàn bạo, những bí mật bị phanh phui, những cuộc đột kích tanh nồng mùi máu.

Những nhân vật nữ xuất hiện trong phim của bà đều không phải là những cô gái yếu đuối, trái tim họ vô cùng sắt đá và quả cảm, thậm chí họ còn có phần lý trí hơn cả đàn ông.

Bắt bệnh những con nghiện chiến tranh

Nguyễn Trinh 8.5 TTVH

Đạo diễn The Hurt Locker đã chọn cách xây dựng tác phẩm của mình như một bộ phim tài liệu về cuộc sống của những người lính Mỹ rà phá bom mìn trong mưa bom bão đạn ở Iraq. Những hình ảnh đôi khi rung mờ, những góc quay từ phía sau lưng quân Mĩ, hình ảnh kẻ thù lúc ẩn lúc hiện từ các góc đường xa xa đến những hiệu ứng âm thanh khiến người xem có cảm giác như nghe thấy tiếng nổ ở bên cạnh… Cách làm này thật không khác mấy so với các bản tin chiến trường trên CNN hay BBC. Điều đó gây cho khán giả cảm giác những gì mình nhìn thấy trên màn ảnh là sự thật ngoài đời.

Nhân vật chính của phim là James, một người lính có ngoại hình bình thường, không đẹp trai như Tom Cruise trong Sinh ngày 4 tháng 7, không dữ dằn góc cạnh như Willem Dafoe trong Trung đội, không lãng tử bất cần đời như Sylvester Stallone trong Rambo… Đó chỉ là một người lính Mĩ da trắng điển hình dễ bị mất hút giữa đám đông quân lính. Tuy vậy, đây lại là một con người có bản năng sinh tồn mạnh mẽ. Anh ta vô cùng bình tĩnh và khôn ngoan trước các âm mưu đặt bom hay phục kích của kẻ thù. Khi bị ngắm bắn sau lưng, James trấn an đồng đội tiêu diệt kẻ ngắm bắn, khi phải phá bom, James luôn biết rằng cách hành động nguy hiểm nhất lại là cách an toàn và hiệu quả nhất. James đã phá hơn 800 quả bom mà không bị thương. Cách anh phá bom thản nhiên và cực kỳ chuyên nghiệp.

Nhưng James không phải siêu nhân! Trong The Hurt Locker không có các siêu nhân, chỉ có những người lính bình thường, họ chuyên nghiệp trong chiến đấu nhưng cũng có lúc rượu chè, đánh lộn… thậm chí đôi khi chớm có ý nghĩ sát hại nhau vì tức giận. James rất giỏi nhưng anh ta cũng giống mọi người lính Mĩ khác.

Nếu nội dung chỉ có vậy, The Hurt Locker có lẽ đúng là 1 bộ phim tài liệu “Lính Mĩ sống và chiến đấu như thế nào ở Iraq” hoặc cùng lắm là “Người hùng phá bom của quân đội Mĩ tại Iraq”. Điều chủ yếu làm nên sự khác biệt giữa một bộ phim tài liệu chiến tranh và một tác phẩm điện ảnh đoạt 6 giải Oscar nằm ở 20 phút cuối cùng.

Một người đàn ông Iraq bị ép buộc phải đánh bom liều chết đã tới cầu xin sự giúp đỡ của lính Mĩ để được sống sót quay về với gia đình. Hoàn cảnh ngặt nghèo, cả đội phá bom đều hiểu rằng không còn đủ thời gian để cứu người đàn ông này. Tuy nhiên James vẫn cố gắng sử dụng mọi biện pháp đến những giây cuối cùng. James mở được một khóa nhưng còn rất nhiều khóa khác, trong khi đó thời gian chỉ còn 3 giây, James buộc phải bỏ chạy để sống sót. Vụ nổ làm James bị thương nhưng anh vẫn có thể lái xe về căn cứ. Trong câu chuyện trên xe của James với đồng đội, người xem mới vỡ lẽ, khác với ý nghĩ ban đầu cho rằng James dám dấn thân vào những nơi nguy hiểm nhất có thể vì anh không có gì để mất. Trái lại, anh có một mái ấm hạnh phúc ở hậu phương, nơi có người vợ đẹp và một đứa con trai kháu khỉnh chờ anh.

Vậy điều gì khiến James dấn thân vào chốn hiểm nguy này? Ngay cả khi trở về quê nhà, sống yên bình cùng vợ con, điều gì khiến anh ta cứ muốn quay trở lại đời lính trước kia?

Câu nói ở đầu bộ phim chính là câu trả lời: Chiến tranh là một thứ gây nghiện (War is a drug). James đăng kí trở lại Iraq và hình ảnh ngày đầu tiên trở lại Iraq của James là hình ảnh cuối cùng của bộ phim.

Đến đây bộ phim không còn khó hiểu nữa. Anh lính James chính là một khía cạnh hình ảnh khác của quân đội Mĩ. Nữ đạo diễn tài ba Kathryl Bigelow đã giúp thế giới giải đáp thêm một thắc mắc trong hàng vạn câu hỏi vì sao ở đâu có chiến tranh, ở đó có quân đội Mĩ.

Có thể nói sau hình ảnh một chàng thanh niên tràn đầy lí tưởng bị chiến tranh biến thành tàn phế và mất niềm tin về tương lai trong Sinh ngày 4 tháng 7; một người lính mạnh mẽ phải chiến đấu chống lại những người cùng hàng ngũ với mình trong Trung đội hay một cựu chiến binh trở nên lạc lõng với xã hội khi phục viên trở về trong Rambo; giờ đây điện ảnh Mĩ lại có một hình tượng mới về người lính: trung sĩ William James trong The Hurt Locker – một người nghiện chiến tranh.

Đánh giá

Nội dung - 8.3
Diễn xuất - 8
Nhạc phim - 7.9
Kỹ xảo điện ảnh - 7.8
Thông điệp truyền tải - 7.9

8

Đáng khâm phục

Những người lính gỡ bom mìn ở Iraq !

User Rating: 4.15 ( 1 votes)

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Chín 5, 2018 | Lần cập nhật cuối: Tháng Bảy 27, 2019

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button