List sách haySách theo chủ đề

8 cuốn sách hay về thời bao cấp ấu trĩ hồn nhiên, đáng trách nhưng không đáng giận

8 cuốn sách hay về thời bao cấp như một chuyến viễn du đưa độc giả trở lại thời bao cấp cuối thể kỷ 20. Ở thời kỳ ấy, tư duy phân phối bao cấp ăn sâu vào từng ngõ ngách nhỏ của đời sống người dân Việt Nam.

Thương Nhớ Thời Bao Cấp

Xem giá bán

Thương nhớ thời bao cấp là tập hợp những câu cửa miệng, tục ngữ, thành ngữ, những câu ca vần vè tới những biển hiệu bán hàng, khúc đồng dao… quen thuộc trong thời kỳ bao cấp. Từ những thành ngữ, tục ngữ đó, họa sĩ Thành Phong và họa sĩ Còm (Hữu Khoa) vẽ lại những minh họa sống động, hóm hỉnh.

Cuốn sách như một chuyến viễn du đưa độc giả trở lại thời bao cấp cuối thể kỷ 20. Ở thời kỳ ấy, tư duy phân phối bao cấp ăn sâu vào từng ngõ ngách nhỏ của đời sống người dân miền Bắc.

Hiển hiện trong những câu thành ngữ, tục ngữ tranh vẽ là một thời kỳ đầy khó khăn, với những nỗi lo lắng nhọc nhằn, sự thiếu thốn nhu yếu phẩm căn bản như cái khăn mặt, túi cá khô, một cuốn sổ gạo hay cục gạch xếp hàng. Nhưng xem tranh hai họa sĩ, vẫn thấy vượt hẳn lên cái nhìn lạc quan, điềm tĩnh, cùng thái độ phản biện hài hước, vui tươi.

Sống Thời Bao Cấp

Xem giá bán

Thời bao cấp trong mỗi người lớn tuổi là một cảm xúc khác nhau, có người nhớ về như một giai đoạn lạc hậu và bảo thủ, người cho đó là thời của những ấu trĩ hồn nhiên, đáng trách nhưng không đáng giận. Nhà văn Ngô Minh đã làm “sống lại” thời bao cấp – một giai đoạn phát triển của đất nước sau chiến tranh – với cái nhìn riêng, vừa buồn cười vừa cay đắng, vừa giận vừa thương, vừa muốn quên đi vừa không thể không nhớ.

Giáo sư Trần Văn Thọ viết về tình trạng kinh tế 10 năm đầu sau chiến tranh:

“Mười năm sau 1975 là một trong những giai đoạn tối tăm nhất trong lịch sử Việt Nam. Chỉ nói về mặt kinh tế, là một nước nông nghiệp (năm 1980, 80% dân số sống ở nông thôn và 70% lao động là nông dân) nhưng Việt Nam thiếu ăn, nhiều người phải ăn bo bo trong thời gian dài. Lượng lương thực tính trên đầu người giảm liên tục từ năm 1976 đến 1979, sau đó tăng trở lại nhưng cho đến năm 1981 vẫn không hồi phục lại mức năm 1976. Công thương nghiệp cũng đình trệ, sản xuất đình đốn, vật dụng hằng ngày thiếu thốn, cuộc sông của người dân vô cùng khốn khó. Ngoài những khó khăn của một đất nước sau chiến tranh và tình hình quốc tế bất lợi, nguyên nhân chính của tình trạng nói trên là do sai lầm trong chính sách, chiến lược phát triển, trong đó nổi bật nhất là sự nóng vội trong việc áp dụng mô hình xã hội chủ nghĩa trong kinh tế ở miền Nam… Nguy cơ thiếu ăn kéo dài và những khó khăn cùng cực khác làm phát sinh hiện tượng “phá rào” trong nông nghiệp, trong mậu dịch và trong việc quyết định giá cả lương thực đã cải thiện tình hình tại một số địa phương”.

Chuyện Thời Bao Cấp

Xem giá bán

Thời bao cấp, một nhà thơ đã viết đại ý: khi con sinh ra, bố phải chạy xin mười mấy con dấu vuông, tròn. Đầu tiên là xin giấy chứng sinh ở trạm xá xã, rồi lên Uỷ ban nhân dân làm giấy khai sinh. Tiếp đó, xin thêm mấy cái giấy giới thiệu của cơ quan người mẹ, rồi mang từng ấy thứ giấy lên công an huyện và các phòng Thương nghiệp, phòng Lương thực… để nhập hộ khẩu và xin cấp tiêu chuẩn lương thực, tiêu chuẩn mua vải làm tã lót cho trẻ sơ sinh và các tiêu chuẩn khác của sản phụ, kể cả vải màn, cùng các loại tem phiếu thực phẩm cho trẻ.

Thời bao cấp, công nhân, viên chức hầu hết phải ăn cơm ở bếp tập thể. Những cặp vợ chồng, hoặc những đôi trai gái yêu nhau ở cách xa vài chục cây số thường chỉ đến được với nhau vào ngày chủ nhật, và đi bằng xe đạp.

Vì vậy, cứ mỗi chiều thứ bảy, việc chuẩn bị cho cuộc “gặp gỡ” trong ngày nghỉ cuối tuần được mọi người quan tâm đặc biệt. Có người đã tổng kết thành một câu văn vần hóm hỉnh và dễ nhớ. Với đàn ông con trai thì: “Cắt cơm, bơm xe, nghe thời tiết, liếc đồng hồ” để chuẩn bị, khi tiếng kẻng tan tầm vừa gõ là đã lên đường về với chị em được ngay.

Còn bên nữ thì: “Tỉa lông mày, thay quần áo, báo thêm cơm” để đón chàng. Những cặp vợ chồng thường được cơ quan bố trí ở một gian buồng riêng. Thời ấy, đồng hồ đeo tay rất hiếm, nhiều người phải chú ý nghe nhạc hiệu và còi tút của đài phát thanh trên loa công cộng để biết giờ giấc mà đi làm. Đài “tút” vào 6 giờ, 12 giờ, 18 giờ và 21 giờ. Do vậy, khi người vợ hỏi: “Chồng về lúc nào?” thì chồng trả lời: “Về được một lúc thì… tút”. Hỏi đi vào lúc nào liền trả lời: “Tút… một tí rồi mới đi”!

Bao nhiêu Chuyện thời bao cấp, đối với những người trong cuộc, bây giờ kể lại cho nhau nghe, vẫn cười ra nước mắt. Cực thì cực thật, nhưng đó là một thời không thể làm khác và nó đã để lại những dấu ấn khó quên, với nhiều kỷ niệm vui buồn về nhân tình thế thái.

Thế hệ 8X, 9X,… ngày nay nên đọc để có thể hiểu được về thời kỳ gian khó mà thế hệ ông bà, cha mẹ đã trải qua. Từ đó, thấy được những thành tựu to lớn của công cuộc Đổi mới, thêm quý trọng và tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, nỗ lực phấn đấu lao động, học tập, góp phần dựng xây đất nước giàu mạnh, xứng đáng với thế hệ đi trước.

Việt Nam Từ Thời Kỳ Bao Cấp Đến Thời Kỳ Đổi Mới

Xem giá bán

Nhìn lại chặng đường gần 30 năm qua, từ năm 1986 đến nay, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đất nước ta đã từng bước vượt qua đói nghèo, đời sống của nhân dân ngày một nâng cao. Những thành tựu về kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, tăng cường đoàn kết dân tộc mà chúng ta đạt được có ý nghĩa lịch sử về lý luận và thực tiễn. Những thành tựu to lớn đó chứng tỏ đường lối đổi mới của Đảng ta, trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, là hoàn toàn đúng đắn và sáng tạo; chứng tỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của cách mạng Việt Nam là phù hợp với hoàn cảnh thực tế Việt Nam và thích ứng với xu thế thời đại.

Cuốn sách Việt Nam Từ Thời Kỳ Bao Cấp Đến Thời Kỳ Đổi Mới được biên soạn để tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín của Đảng ta trên con đường lãnh đạo cách mạng và lãnh đạo đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Nội dung cuốn sách là kết quả nghiên cứu công phu, nghiêm túc, tổng thể, xuyên suốt của tác giả về công cuộc đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Đêm Trước Đổi Mới

KÝ ỨC THỜI SỔ GẠO

Hoà bình rồi, tiếng reo vui chưa được bao lâu thì người dân hai miền Nam Bắc phải đối mặt với biết bao gian nan. Cả nước chạy gạo ăn từng bữa. Nhiều người vẫn còn giữ vững tờ tem phiếu, sổ gạo ngã màu ố vàng thời gian, gợi cho họ cả một quãng đời mà người ta quen gọi là thời bao cấp.

Sài Gòn những năm 1980

Sống giữa Sài Gòn thời ấy, ông giáo Nguyễn Văn Hàng thèm bát cơm trắng và đủ thứ : cây viết trơn tru, tờ giấy trắng, chiếc lốp xe chưa bị vá, chiếc xích chưa phải lộn…Hơn 20 năm rồi ông Hàng vẫn còn nhớ cái hôm chiếc xe đạp cà tàng bị banh niền. Ông mượn cây kim to và sợi cước dài vật lộn với chiếc lốp suốt đêm . Sáng hôm sau, ông đến lớp mà không cầm nổi viên phấn nhưng không biết phải giải thích thế nào với học sinh . Mấy ngón tay nứt toét, sưng lên.thế mà ông vẫn ngày hai buổi đến lớp…

Trên đây là một trích đoạn trong cuốn Đêm Trước Đổi Mới, cuốn sách được hình thành với mục đích nhắc nhớ một thời kỳ, một thời đại lịch sử của những năm tháng không bao giờ quên – thời kỳ trước đổi mới. Nội dung của cuốn sách bao gồm:

Kỳ 1: Ký ức thời sổ gạo
Kỳ 2: Vòng kim cô
Kỳ 3: Mua như cướp, bán như cho
Kỳ 4: Công phá luỹ tre
Kỳ 5: Chiếc áo cơ chế mới
Kỳ 6: Tưởng như xa xôi lắm
Kỳ 7: Từ chạy gạo đến phá cơ chế giá
Kỳ 8: Bù giá vào lương
Kỳ 9: Những thông điệp gửi đến Ba Đình
Kỳ 10: Chuyển đổi vô hình
Kỳ 11: Imex- bầu sữa của đột phá
Kỳ 12: Nỗi niềm của tôi
Kỳ 13: Tôi trắng án
Kỳ 14: Chiến thắng chính mình
Kỳ cuối: uy quyền của lòng dân

Nhọ – Lê Hồng Tuân 

Nhọ là tạp văn hài hước của Lê Hồng Tuân gồm 23 truyện ngắn. Đó là những chuyện thời nhỏ ở quê trong nhà bố mẹ hiện ra cả khung cảnh không khí một thời bao cấp khó khăn. Những chuyện tình đầu hay tưởng như tình đầu của kỷ niệm tuổi học đường dại khờ, ngây thơ, ngơ ngác mà trong suốt tuổi hoa niên không còn lại nữa. Những chuyện bây giờ chát chít, lễ chùa, trai gái phàm tục phàm trần như là cuộc đời mất hết vẻ bí ẩn, đẹp đẽ cho con người muốn sống.

Những Đứa Con Rải Rác Trên Đường

Một tiểu thuyết bằng 3 truyện dài.

TRUYỆN THỨ NHẤT: Thư đi không thấy thư lại

TRUYỆN THỨ HAI: Đời biết mấy chuyến xe

TRUYỆN THỨ BA: Chuyến thu gom xuyên Việt

Những trang đầu tiên là chuyện du học vô cùng thời sự. Khiến lập tức có thể thu hút tất cả những bậc cha mẹ nếu có quan tâm đến tương lai của con cái. Và dường như là đương nhiên, sau đó, rải rác, là những bất hạnh bí mật của từng gia đình bắt nguồn từ hạnh phúc của người khác mà không phải ai cũng không biết. Nhưng đây không phải là cuốn sách viết về chuyện gia đình. Dù là chuyện dẫn theo cuộc đời của nhân vật vốn làm lái xe trong thời chiến và cả trong thời bình.

Một lối viết hiện thực xen lẫn huyền ảo đã là phong cách của Hồ Anh Thái hơn chục năm nay, vậy mà vẫn có thể đọc liền một mạch và khó thể rời. Tác giả đã gói gọn nhiều sự kiện của từng thời vào trong một câu chuyện. Sự ác liệt, tàn bạo, đầy bất trắc của chiến tranh. Nỗi thống khổ, sự nhũng nhương, cứng nhắc của thời bao cấp. Và sự hỗn loạn khi vào cơ chế thị trường: tham nhũng, thực dụng, vô đạo đức… cũng có đầy đủ tại đây.

Những đặc điểm rõ nét của từng thời hiện lên mồn một, đến mức khắc nghiệt. Và đều là điển hình.Không cần phải đọc đến chuyện buôn người, vượt biên, hay cả chuyện mua bằng của tiến sĩ giấy, mà ngay từ đầu, luôn đi theo là hoảng hốt trong lòng người đọc, một nỗi hoang mang, đâu là chân, đâu là giả. Luôn luôn tồn tại một nỗi sợ mơ hồ.

“Đời sống trải dài mấy chục năm qua, từ chiến tranh sang hòa bình, thời cải tạo tư thương qua ngăn sông cấm chợ, từ thời bao cấp cho đến khi mở cửa kinh tế thị trường. Những số phận tha hương ở xứ người và xứ mình nhiều trắc trở, cùng những kết cục có hậu và không có hậu. Hiện thực đan xen huyền ảo. Tất thảy được tái hiện bằng giọng văn nghiêm ngặt, bi thương hòa trộn với giễu cợt, hài hước.”

Tự Kể

Những mẩu ngăn ngắn, những câu chuyện kể rù rì, thủng thẳng, ghép lại như bức tranh liên hoàn, hay như cuốn phim thời sự hấp dẫn về thời chiến tranh, thời bao cấp nghèo khổ mà không thấy khổ. Tưởng là chỉ kể thế thôi, nhưng hiện lên cả một thời, cả một đời người, và bao nhiêu chuyện khác nữa đằng sau con chữ.

Theo nhà văn Lê Minh Khuê sau khi đọc mấy mẩu rải rác này, nói, phải đi xa người ta mới viết được như thế, những chuyện của một thời vất vả này trở nên có nét lãng mạn. Cuộc sống đã từng như thế đấy.

Một cuốn sách mang những kỷ niệm của một người thành kỷ niệm chung của nhiều người.

Vnwriter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button