Cảm nhận sách

Bí quyết khơi nguồn cảm hứng cho trẻ từ chuyên gia Nhật Bản

Cuốn cẩm nang nhỏ này sẽ giúp các bậc phụ huynh khơi dậy sự thích thú của trẻ nhỏ đối với việc học tập, biến áp lực học hành thành một động lực thúc đẩy sự tiến bộ.

Nhiều bậc phụ huynh luôn than phiền về việc con mình khó tập trung, dễ bị phân tán tư tưởng và không cảm thấy hào hứng trong học tập. Cha mẹ phải thử dùng nhiều biện pháp từ khuyên nhủ đến răn đe nhưng không đạt được hiệu quả lâu dài. Chỉ cần phụ huynh không nhắc nhở, kèm cặp sát sao nhiều em đã lơ là, việc học đôi khi trở thành “cuộc chiến” giữa bố mẹ và con cái.

Nhưng đối với trò chơi điện tử hay các thú vui giải trí khác như phim ảnh hay thể thao, rất hiếm khi thấy các em tỏ ra thờ ơ hay chán nản. Mấu chốt của sự khác nhau này nằm ở nguồn cảm hứng, hứng thú của trẻ đối hai hoạt động này vốn rất khác nhau.

Trẻ luôn có hứng thú với các trò chơi nên không cảm thấy chán nản và luôn muốn được chơi nhiều hơn. Ngược lại, việc học với áp lực về kiến thức, điểm số và thứ hạng làm trẻ cảm thấy mệt mỏi và mất đi sự hứng khởi. Hứng thú cũng giống như “chất xúc tác” để việc học trở nên hiệu quả. Một khi trẻ đã không muốn học, dù cha mẹ có gò ép cũng khó đạt được kết quả như ý.

Trong cuốn Người Nhật truyền cảm hứng cho con, chuyên gia giáo dục Nishimura Hajime không đưa ra các phương pháp rèn luyện trí nhớ hay kĩ năng học tập để đạt kết quả cao trong các kì thi. Ông chỉ đưa ra các gợi ý để cha mẹ kích thích hứng thú học tập trong con trẻ. Bởi theo tác giả sự hào hứng của trẻ sẽ là “gốc rễ” cho nhiều đức tính tốt khác phát triển.

Khi trẻ đã có hứng thú đối với việc học thì tính tự giác, sự kiên trì và đặc biệt là sự ham thích học hỏi sẽ tự phát huy như một phản ứng dây chuyền. Theo Nishimura Hajime hứng thú hay cảm hứng là “hạt mầm” đầu tiên và quan trọng trên con đường thành công của mỗi chúng ta chứ không bó hẹp trong việc học tập của một đứa trẻ.

Cuốn sách Người Nhật truyền cảm hứng cho con.
Cuốn sách Người Nhật truyền cảm hứng cho con.

Vậy làm thế nào để khơi dậy được nguồn cảm hứng của trẻ đối với việc học tập? Câu trả lời rất đơn giản: đó là tính tò mò. Cha mẹ chỉ cần làm cho trẻ tò mò với việc học, trẻ sẽ nảy sinh ý muốn tự tìm hiểu và muốn học hỏi. Để làm được như vậy, cách tốt nhất là cha mẹ hãy học cùng con và chỉ ra cho trẻ thấy việc học thú vị như thế nào. Đối với trẻ nhỏ, để kích thích sự hào hứng của các em, thầy cô và phụ huynh cũng nên đổi mới phương pháp học tập, biến các bài học thành các dạng trò chơi thú vị để trẻ có thể tương tác cùng bạn bè, thầy cô và bố mẹ.

Khơi dậy được hứng thú trong trẻ đã khó, nuôi dưỡng nguồn cảm hứng đó còn khó khăn hơn. Trong quá trình học tập không thể tránh khỏi những lúc trẻ đạt kết quả không như mong đợi. Đứng trước tình huống này, các bậc phụ huynh cần phải bình tĩnh. Theo tác giả Nishimura Hajime, trách mắng hay so sánh trẻ với các bạn đạt điểm cao không phải là cách hay.

Ngay cả khi con bạn không đạt được kết quả như mong đợi hãy cứ tìm cách động viên trẻ. Một đứa trẻ luôn có ưu điểm và nhược điểm giống như đồng xu có hai mặt. Nhưng đôi khi vì quá nóng vội, nhiều bậc cha mẹ chỉ nhìn thấy khuyết điểm của con. Muốn con hào hứng với việc học trước hết cha mẹ hãy học cách khen ngợi, luôn ghi nhận các ưu điểm của trẻ và kích thích chúng phát triển. Đồng thời, chỉ ra cho trẻ thấy nhược điểm của bản thân và cùng nhau tìm cách khắc phục để biến nhược điểm thành ưu điểm.

Người Nhật truyền cảm hứng cho con được xây dựng như một cuộc đối thoại giữa tác giả và các bậc phụ huynh dựa trên kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy và tư vấn hướng nghiệp của ông với học sinh phổ thông ở Nhật Bản. Với cuốn cẩm nang này, các bậc phụ huynh cũng có thể tìm thấy cho mình các phương pháp khơi nguồn cảm hứng cho công việc và kích lệ tinh thần của đồng nghiệp ở công sở.

Nishimura Hajime là giáo viên xuất sắc nhất do học sinh bình chọn và được nhận bằng khen của tập đoàn giáo dục uy tín nhất Nhật Bản- Kawai Juku Wings. Nishimura Hajime không chỉ được đánh giá cao ở cả công tác giảng dạy và quản lý hướng nghiệp. Ở độ tuổi ngoài 20, tác giả đã được bổ nhiệm làm hiệu trưởng của trường Kawai Juku ở Hồng Kông.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Mười Một 4, 2016 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 6, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button