Cảm nhận sách

Người Đua Diều – Một tác phẩm phi thường về văn hóa

Tôi đã mua Người Đua Diều trong một lần lang thang ở Sài Gòn, còn nhớ rõ cảm giác đầu tiên khi đó, cái hình bìa đang nhuộm màu chiều và một cậu bé thả diều chạy bên dưới bầu trời ấy làm tôi ngẩn ra. Người Đua Diều đẹp quá và cũng buồn như một điều gì đó đã ở xa, rất xa…

nguoi-dua-dieu

Có rất nhiều lời khen ngợi dành cho Người Đua Diều, quá nhiều là đằng khác. Và người ta nói đến những vấn đề chính trị, về dân tộc Afghanistan bị đàn áp và đấu tranh như thế nào. Tôi vốn dĩ không thích đọc những lời sau sách khi phải quyết định mua một cuốn nào đó. Tôi mua Người đua diều vì cái hình bìa có ráng trời đỏ ối và gió xôn xao ở phía đuôi diều. Nên tôi đã rất đỗi chạnh lòng, vì khi đọc xong câu chuyện, tôi cũng có thấy về chiến tranh, về chính trị, nhưng tuyệt nhiên, đọng lại trong trí nhớ nhỏ nhoi của tôi, Tuyệt nhiên chỉ một tình yêu mênh mông, chảy tràn qua những con chữ, chảy tràn qua những vấn đề quyền lực, đó là một thứ tình yêu thuần khiết như nước suối trên đầu ngọn núi, lấp lánh ánh mặt trời. Đó là thứ tình yêu trong vắt như sương mai, lấp lánh nụ cười, nụ cười của Hassan với đôi môi hẻ.

nguoi-dua-dieu-2

” Vì cậu, cả ngàn lần rồi”

Câu nói của Hassan dành cho Amir, mà suốt một đời, Amir day dứt và yêu thương. Hai cậu bé trong câu truyện của Khaled Hosseini làm tôi tưởng tượng ra một cánh đồng miên man gió nắng dưới bầu trời Afghanistan với những con diều bay suốt từ quá khứ đến tương lai.. Bay lẫn vào trong giấc mơ tôi.. Tôi không gọi đó là tình bạn, tôi không gọi đó là tình anh em, mà tôi gọi là tình yêu, và con người ta có thể yêu nhau, giản đơn như thế, hiền lành như thế, dịu dàng như thế. Và cũng buồn như thế..

Tôi yêu Hassan hơn Amir, yêu môi hẻ, rồi sau khi phẫu thuật, tôi yêu cả đôi môi nghiệt ngã không còn nụ cười. Tôi yêu Hassan vì tất cả bao la trong trái tim cậu. Nhưng tôi thương Amir hơn Hassan, bởi Hassan biết là mình yêu Amir đến thế nào, và cậu ta yêu thương người bạn đó bằng trọn vẹn một Hassan. Hassan đã được sống đúng như những gì cậu mang trong tim. Còn Amir? Đến tận khi hai cậu bé đã quá xa nhau rồi, Amir mới bàng hoàng nhận ra mình vừa mất đi điều gì..

Cuộc hành trình tìm về quê hương xưa của Amir, cũng là cuộc hành trình cậu cứu chuộc lấy cậu với những lỗi lầm trong quá khứ. Và quá khứ vẫn đang thay đổi, cậu biết điều đó, khi đối diện với những được mất trong cuộc sống. Lúc mà con trai của Hassan đuổi theo những cánh diều, tôi biết quá khứ sẽ vẫn còn thay đổi. Dường như trong mỗi con người, đều còn đó một con diều, nó là con diều của quá khứ, của những hồi ức, tôi thấy con diều mà Hassan để lại trong lofng Amir bay rợn ngợp, nó khiến cho Amir nín lặng nhìn về quá khứ, và thấy “nó vẫn còn đang thay đổi”. Nó vẫn còn chấp chới như những buổi nào xưa, Amir và Hassan cùng nhau đi qua tuổi thơ..

Khaled Hosseini yêu những con người và yêu dân tộc mình cũng tựa như cái cách mà Hassan yêu Amir, tình yêu của ông giản dị như chính những lời văn của mình. Chắc hẳn, trong tim ông, cũng có những cánh diều đang chao trong nền trời quá vãng. Ông nuối tiếc cho những con người đã mất, cho những điều sâu lắng, đẹp đẽ đã mất sau những cuộc chiến tranh trên quê hương mình. Như những cuộc đua diều…

MTXB

Câu chuyện là lời tự thuật của nhà văn người Mỹ gốc Afghanistan Amir về những năm tháng tuổi thơ đầy niềm vui cũng như lỗi lầm, về những ngày trôi dạt trên đất khách rồi cuộc hành trình trở lại quê hương đổ nát để cứu chuộc tội lỗi cho bản thân và cho cả người cha đã khuất. Theo dòng hồi ức của Amir, người đọc trở lại hơn hai mươi năm về trước, khi Amir còn là một cậu bé mười hai tuổi sống trong vòng tay che chở của Baba giàu sang và thanh thế. Cùng gắn bó với Amir suốt những năm tháng tuổi thơ là Hassan, con trai của người quản gia Ali, một cậu bé lanh lợi, mạnh mẽ nhiều lần xả thân để bảo vệ Amir. Thế nhưng tình bạn và lòng tận tụy của Hassan đã không được đền đáp, một ngày mùa đông năm 1975, Hassan vì ra sức bảo vệ chiếc diều xanh chiến lợi phẩm của Amir đã bị bọn trẻ xấu hành hung và nhục mạ. Sự nhu nhược và hèn nhát đã cản bước Amir cứu bạn, thậm chí, còn biến cậu thành một kẻ gian dối khi bịa chuyện nhằm đuổi cha con Ali và Hassan ra khỏi nhà. Và Amir đã phải trả giá cho lỗi lầm ấy trong suốt phần đời còn lại. Ngay cả khi anh đang sống sung túc trên đất Mỹ, ngay cả khi tìm được một mái ấm cho riêng mình hay thực hiện được mơ ước trở thành nhà văn, nỗi ám ảnh của một kẻ gian dối vẫn ngày đêm đeo đuổi Amir. Và cuối cùng, trở lại Afghanistan để cứu con trai Hassan khỏi tay bọn Taliban là con đường duy nhất để Amir chuộc lỗi với người bạn, người em cùng cha khác mẹ Hassan đã chết dưới họng súng Taliban.

Người đua diều có đầy đủ các yếu tố cần thiết để trở thành một tác phẩm best-seller: tính thời sự, cốt truyện ly kỳ, xúc động, xung đột gay gắt giữa các tuyến nhân vật, trong chính bản thân nhân vật… Và sự thật, tác phẩm đã nắm giữ vị trí đầu bảng của The New York Times trong 110 tuần. Ngoài những khía cạnh trên, sức hấp dẫn của Người đua diều còn bắt nguồn từ giá trị nhận thức sâu sắc.

 

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Chín 10, 2016 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 6, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button